Tiếp nối phần 1, Trang sẽ bàn tiếp với ae về những luận điểm còn lại.
V. Luận điểm Trang xin phản biện và bổ sung
Tuy nhiên, cũng có những nhận định của Cụ gặp phải sự thách thức của thời gian. Với những nghiên cứu phát hiện ở thời điểm hiện tại, Trang tạm phân vào nhóm “Cần bổ sung” nhen:
(*Phần xoắn não nhất đây roài)
3.1 Bã nhờn không có công dụng dưỡng ẩm:
*Lập luận của Cụ Kligman:
- (Luận cứ 1) Bã nhờn không đủ để tạo màng phim dày giữ ẩm:
Nghiên cứu của 2 cụ Miescher và Schonberg vào năm 1944 đã nhận định rằng lớp màng lipid trên da dày khoảng 3 - 10 μm, qua đó hỗ trợ cho quan điểm đương thời rằng rằng bã nhờn trên da đóng vai trò như một lớp chống thấm.
Tuy nhiên, cụ Kligman không chịu, cụ rủ là cùng làm phép tính. (Nhưng Trang không chịu :)) )
Vì tính toán hầm bà lằng, nếu bạn muốn hứng thú thì bật mí nhỏ thì cụ bắt đầu bằng specific gravity là 0.9.
Trang ngâu Toán nên Trang xin skip khúc này, nhảy đến kết luận của cụ luôn cho tiện:
“Assuming a specific gravity of 0-9, the film would be only about 0.45μ (μ là đơn vị đo cũ của μm). Since the forehead is one of the oiliest regions, let us consider the extremities, the abdomen or most other skin territories with a low density of sebaceous glands. An average casual level for these regions is perhaps 0-05 mg. per sq. cm. and a corresponding thickness of about 50 mμ (mμ là đơn vị đo cũ của nm. 1nm = 0.001µm)”.
Tạm hiểu là lượng bã nhờn trên trán (vùng nhiều dầu) chỉ là khoảng 0.45 μm, và vùng chân tay, bụng (nơi ít dầu) là khoảng 0.05 µm. Trang quy đổi hết về 1 đơn vị đo cho ae dễ hình dung.
Vì vậy, cụ đến kết luận: Những chức năng được gán cho bã nhờn dường như không tương xứng với hàm lượng thực tế trên da. Da không giữ quá nhiều dầu như thế.
Nguyên văn: The large number of important roles assigned to sebum are disproportionate to the miniscule amounts that are actually present. [...] The skin surface does not hold much fat.
- (Luận cứ 2) Bã nhờn không có cơ chế tự điều hoà, duy trì độ ẩm, ngăn mất nước
Có một huyền thoại mang tên “cơ chế phản hồi - feedback mechanism”: Giả thuyết này cho rằng khi lượng bã nhờn trên bề mặt da đạt đến một mức độ nhất định, đủ ngăn mất nước thì tuyến bã nhờn sẽ tự động ngừng tiết dầu. → Bã nhờn có cơ chế điều hòa ẩm, đủ thì tắt thiếu thì bật.
Cụ Kligman và Shelly cũng đã phản biện trong nghiên cứu nổi danh không kém vào năm 1958 có tựa đề "An Investigation of the Biology of the Human Sebaceous Gland", được đăng trên tạp chí Journal of Investigative Dermatology. 2 cụ kết luận tuyến bã nhờn không ngừng tiết dầu, bất kể lượng dầu trên bề mặt đã đạt mức nào.
Điều đó có nghĩa quá trình tiết bã nhờn là một quá trình không được điều hòa bởi các yếu tố ngoại vi như dầu trên bề mặt da => Bã nhờn trên da chả điều hòa ẩm gì cả.
Cụ Kligman còn tiếp tục “phủ định bậc 2” lại quan điểm này bằng cách chỉ ra rằng việc loại bỏ lipid bề mặt không ảnh hưởng đến tốc độ mất nước qua da. Cụ dẫn chứng nghiên cứu của Blank (1952) đã chứng minh rằng việc loại bỏ lipid không hề thay đổi tốc độ mất nước qua da, chủ yếu do lượng lipid quá nhỏ để có thể tạo ra tác động đáng kể.
Kết quả sau 4 ngày thử nghiệm: Lớp sừng da người vốn dĩ đã là một hàng rào chống nước tuyệt vời. Tốc độ thoát hơi nước qua da trong điều kiện bình thường dao động từ 0.5 - 0.7 mg/cm2/giờ (rất ít).
Các thí nghiệm bổ sung cho thấy, ngay cả khi tăng lượng bã nhờn lên gấp 10 lần mức bình thường, chỉ có một tác động nhỏ đến việc giữ nước. (Không thấy cụ noted rõ là thí nghiệm nào) - (Luận cứ 3) Bã nhờn không thể hoà với nhau làm một với mồ hôi để giữ ẩm (gọi chuyên môn cho chuẩn hơn là nhũ tương):
Vào năm 1953, cụ Herrmann và đồng nghiệp đã tìm ra một đặc tính khá hay của bã nhờn khi gặp mồ hôi là khả năng tự nhũ tương. Cụ Shelmire vào năm 1959 cũng khẳng định lại chuyện này, tuy nhiên chỉ theo một chiều, tức là chỉ khi dư mồ hôi thì dầu mới có xu hướng nhũ hoá với mồ hôi, chứ không phải 2 chiều qua lại như ý của cụ Hermann.
Các “hạt nhũ tương dầu-mồ hôi” này giúp duy trì độ ẩm cho da, vì có lẽ thời đó, họ quan niệm rằng mồ hôi = độ ẩm da, mất mồ hôi = da mất ẩm. Vì vậy, nếu mồ hôi và dầu nhờn nhũ tương được với nhau thì dầu sẽ bao bọc mồ hôi, giúp mồ hôi chậm bay hơi đi, tức là đang “giữ” lại độ “ẩm”.
Cụ Kligman không đồng ý với quan điểm trên vì cụ đã chứng minh qua các nghiên cứu in vitro và in vivo rằng các hệ nhũ tương giữa bã nhờn và mồ hôi này không hình thành tự nhiên trên bề mặt da. Nếu muốn tạo ra thì phải dùng lực rất mạnh (như kiểu đi khuấy bánh vậy á), và tụi hạt này cũng mau chóng vỡ ngay thôi. Mà nếu hệ nhũ tương trên không hình thành được/ kém bền thì dầu không thể bao bọc được nước, hay còn hiểu là bã nhờn không “giữ” được độ “ẩm”.
Chính cụ Hermann cũng đã thừa nhận tính kém bền của phức hợp bã nhờn-mồ hôi này trong nghiên cứu của mình: Kể cả khi được hình thành, chúng cũng nhanh chóng bị phá vỡ trong các điều kiện thông thường do thiếu các chất làm bền hệ, mồ hôi mau chóng bay hơi và để lại mỗi bã nhờn. Nguyên văn của cụ diss khả năng dưỡng ẩm của bã nhờn như lày: “In any case these would break too quickly to have any importance as water regulators (chất điều hoà ẩm) or moisturizers (chất dưỡng ẩm)”.
→ Luận điểm của Trang: Bã nhờn không hề vô dụng trong việc dưỡng ẩm mà ngược lại còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm.
Trang sẽ không phản hồi vô từng luận cứ của cụ. Mà Trang muốn đưa ra các luận cứ đối trọng.
Trang thấy ở phạm vi các luận cứ trên, dường như Cụ Kligman đang tách bã nhờn ra một thực thể đơn lẻ trong câu chuyện dưỡng ẩm (làm Trang cảm giác trong mắt cụ chỉ cần Lipid lớp sừng là đủ trong việc dưỡng ẩm).
Nhưng có những thứ khi đứng 1 mình nó vô nghĩa nhưng khi ở trong tổng hòa nó lại là yếu tố không thể thiếu.
Vì Lipid Bã nhờn chính là cánh tay phải của Lipid lớp sừng để hoàn thiện chuyện dưỡng ẩm của da. Cụ thể:
Thành phần Acid béo - Linoleic Acid trong lipid bã nhờn giúp đảm bảo tính toàn vẹn của màng lipid và cải thiện khả năng giữ ẩm của da, tăng thêm lớp bảo vệ bề mặt để tăng cường ngăn ngừa sự mất nước:
- Linoleic Acid trong lipid bã nhờn có thể khuếch tán xuống dưới da (Hoelgaard, A., và Møllgaard, B. vào năm 1982). Từ đó có thể lấp vào các khoảng trống của lipid lớp sừng, gia cố hàng rào lipid (lớp này càng chặt chẽ thì càng đỡ mất nước).
- Linoleic Acid có thể tham gia trực tiếp và gián tiếp trong việc sinh tổng hợp Ceramide. (thành phần chính chiếm 50% của lipid lớp sừng. Ceramide giúp liên kết các tế bào sừng lại với nhau, tạo thành một lớp màng ngăn chặn sự mất nước và bảo vệ da khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại).
Trực tiếp: Thực tế trong lipid lớp sừng cũng có sẵn Linoleic Acid và nó là một thành phần quan trọng để tổng hợp Ceramide. Cũng nhờ điều đó mà Linoleic Acid trong lipid bã nhờn dễ tương thích và theo quy luật “hòa tan đồng chất” thì nó có khả năng hòa trộn với các lipid lớp sừng, đặc biệt là các acid béo tự do và ceramides. Từ đây hỗ trợ quá trình tổng hợp ceramide 1 (ceramide EOS).
Gián tiếp: Khi có đủ Linoleic Acid trong lipid bã nhờn, da duy trì được độ mềm mịn và ceramide trong lớp sừng cũng hoạt động tốt hơn để bảo vệ da và giữ nước. Ngược lại, sự thiếu hụt Linoleic Acid có thể khiến lớp bã nhờn trở nên không ổn định, ảnh hưởng đến việc bảo vệ lớp sừng và làm giảm hiệu quả của ceramide trong việc ngăn ngừa sự mất nước.
Ngược lại nếu Lipid bã nhờn bị trục trặc, giảm chất lượng khiến Loại acid béo Oleic Acid tăng lên sẽ làm xéo trộn sự sắp xếp của cả Lipid sừng đặc biệt là Ceramide. Gây tăng tính thấm, tăng mất nước qua da, giảm khả năng giữ ẩm của da. Dù chính Oleic Acid khi bị gia tăng cũng làm bã nhờn trở nên đặc quánh hơn (nhưng không giúp giữ ẩm mà chỉ gây mụn).
- Nghiên cứu của Hoopes, M. I. và cộng sự vào năm 2011 cho thấy việc tăng Oleic acid lên 0.1mol/L trong bã nhờn có thể gây rối loạn đến lipid lớp sừng, cụ thể hơn là gây giảm mật độ và giảm 3% tổng độ dày của lớp lipid này, từ đó tác động đến tính toàn vẹn của nó.
- Nghiên cứu của Correa, M. C. M. và cộng sự vào năm 2013 cho thấy nồng độ Oleic Acid càng cao càng gây mất nước và càng làm hỏng lớp lipid bảo vệ da, khiến chất huỳnh quang càng thấm sâu hơn từ bề mặt da.
- Báo cáo của Choi, E. H. và cộng sự vào năm 1997 vào việc hỏng hàng rào bảo vệ da mãn tính do tăng oleic acid gây tăng mất nước và cũng là một nguyên nhân gây hình thành nhân mụn.
*Ae lưu ý chỉ khi Oleic Acid tăng quá đà mất cân bằng mới có hại, chứ bình thường ẻm có rất nhiều lợi ích nha.
→ Tóm lại: Bã nhờn nói chung không phải không có công dụng dưỡng ẩm, mà chỉ bã nhờn “hỏng” mới gây ra vấn đề về dưỡng ẩm. Không nên đánh đồng bọn chúng với nhau. Oan cho bã nhờn.
Mở rộng thêm, Cụ Kligman đưa ra quan điểm rằng bã nhờn mỏng nên không giữ ẩm được. Nhưng như phân tích của Trang nãy giờ ae cũng có thể thấy, việc giữ ẩm được hay không không hẳn chỉ phụ thuộc vào độ dày mà phải xét đến chất lượng của bã nhờn cũng như sự tương tác của nó với lipid lớp sừng.
Còn nếu nói về các thí nghiệm mà cụ đưa ra thì quá ư là “bén” rồi. Tuy nhiên, đối với Trang, ở thí nghiệm về loại bỏ bã nhờn cụ Kligman nhắc tới vẫn có điểm “hở”, Trang xin phép chỉ ra như sau:
- Thí nghiệm được nhắc tới về việc loại bỏ bã nhờn để đánh giá khả năng chống mất nước chỉ kéo dài trong 4 ngày ở nhiệt độ và độ ẩm ổn định, dịu dịu, không hardcore (23 độ C + độ ẩm 50%), mỗi ngày test 2 tiếng rưỡi, và theo Trang, nhiêu đó là chưa đủ để đánh giá tác động của việc thiếu bã nhờn.
Dư bã nhờn thì dăm bữa nửa tháng mới thấy hậu quả là lên mụn này kia, thế nên cũng chưa thể chỉ dựa vào 4 ngày để nói rằng thiếu bã nhờn sẽ không có tác hại gì được. - Để củng cố cho dự đoán này Trang cũng tìm được nghiên cứu của Man, M. Q. và cộng sự vào năm 2009 trên 713 cá nhân ở nhiều độ tuổi tại Trung Quốc cho thấy có sự mối liên hệ tỉ lệ thuận giữa thiếu bã nhờn lâu dài và độ ẩm của lớp sừng qua từng nhóm độ tuổi. Da càng lão hoá, càng bớt tiết bã nhờn thì độ ẩm da cũng càng giảm.
3.2 Bã nhờn có ít giá trị bảo vệ ở con người hiện đại:
*Quan điểm của cụ Kligman:
Cụ Kligman cho rằng bã nhờn, mặc dù có thể đã từng bảo vệ lông tóc ở động vật có lông, hiện tại gần như không có tác dụng với con người. Tuyến bã nhờn thực chất là một phần của nang lông, phát triển từ lớp bên ngoài của chân lông chứ không phải từ lớp da. Dựa trên sự liên kết này, có thể suy ra rằng bã nhờn chủ yếu phục vụ cho việc bảo vệ tóc hoặc lông, chứ không phải để bảo vệ da.
Ở các loài động vật có lông và lông vũ, bã nhờn được tiết ra phủ lên sợi lông, tạo một lớp chất béo bảo vệ. Lớp chất béo này giúp ngăn tóc/ lông khỏi bị ngấm nước quá mức và tránh hư hại. Nó còn làm cho lông mượt mà hơn và giúp cách nhiệt cơ thể khỏi sự thay đổi nhiệt độ.
Một ví dụ rõ ràng là ở loài vịt. Bộ lông của chúng có lớp chất béo giúp chúng nổi trên mặt nước. Nếu lớp chất béo này bị loại bỏ bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa, chúng sẽ bị chìm ngay. Một nghiên cứu từ năm 1928 của cụ Hou đã chứng minh điều này: khi tuyến tiết dầu của vịt bị loại bỏ, bộ lông của chúng trở nên bẩn, xỉn màu và thô ráp. Hơn nữa, trong nước lạnh, nhiệt độ cơ thể của chúng giảm nhanh hơn nhiều.
Có thể hiểu rằng, cụ Kligman đang muốn nhấn mạnh bã nhờn sinh ra là để bảo vệ lông tóc. Thế nên, khi lông tóc ở người tiêu giảm thì bã nhờn cũng chả còn công dụng gì sất.
→ Luận điểm của Trang:
Mặc dù lượng bã nhờn trên bề mặt da không nhiều, nhưng như những gì Trang đã chia sẻ ở trên, bã nhờn rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.
Các ae cứ thử hỏi các bạn phải uống iso dài ngày là sẽ hiểu thiếu bã nhờn, da dẻ sẽ thay đổi như thế nào. Giảm dầu? Có; Hết mụn? Có; Da dễ kích ứng hơn? Có; Da dễ khô hơn? Cũng có luôn. Thậm chí là khô mắt (theo nghiên cứu của Moy, A. và cộng sự vào năm 2015, kèm theo thay đổi hệ vi sinh mí mắt).
Vì bã nhờn còn có những vai trò khác trong cơ thể. Một nghiên cứu khác của Maik Dahlhoff và cộng sự vào năm 2016 đã cho thấy việc giảm biểu hiện tuyến bã nhờn ở chuột (cũng là động vật có zú như người) cho thấy sự gia tăng nguy cơ mất nước, tăng tổn thương do UVB và gây suy giảm một phần thị lực (do tuyến bã nhờn có mặt trong mí mắt, đặc biệt là ở bờ mi, góp phần vào việc tạo ra một lớp dầu mỏng giúp bôi trơn và bảo vệ mắt). Do đó, vai trò bảo vệ của bã nhờn vẫn còn nhiều giá trị hơn so với quan điểm của cụ Kligman.
Còn về lập luận của cụ về zịt Trang cảm thấy không liên quan lắm đến câu chuyện bã nhờn của người ở 2 điểm:
Zịt thuộc họ chim mà Chim với người có mối quan hệ họ hàng rất rất xa và khác nhau về môi trường sống. Đồng thời, kích thước, cấu trúc và vai trò của lông chim và lông thú là khác nhau hoàn toàn.
Dầu trên lông vịt không đến từ tuyến bã nhờn trên da mà đến từ tuyến phao câu ở đuýt. Vịt phải tự “phết” dầu từ tuyến phao câu lên lông chứ không có sự liên quan đến hoạt động của tuyến bã nhờn. Nói đơn giản, dầu trên lông vịt được phủ một cách chủ động, còn hoạt động tiết bã trên da người là thụ động. Hai quá trình này về bản chất là khác nhau.
*Thiệt ra, Trang có nghĩ 1 chút về thuyết tiến hóa hiện đại rằng bã nhờn lại là sự tiến hóa cần thiết của con người. Nhưng thôi, không dám bàn sâu. Chờ ae dân Sinh vào bình.
VI. Kết lại
Với những gì Trang tìm hiểu nghiên cứu được thì bã nhờn không đơn giản chỉ là “phụ phẩm” thừa thãi, mà còn đóng nhiều vai trò quan trọng trong sinh lý làn da và sinh lý cơ thể.
Chọn lọc tự nhiên là một “thế lực” rất mạnh mẽ, nên nếu thực sự bã nhờn sống đời thừa thì nó sẽ không còn tồn tại đến bây giờ.
Còn trên đời cái gì chả có 2 mặt. Đơn cử lôi thêm 1 đứa nữa trong da là Melanin, nó bị đẻ nhiều bất thường thì nám sạm nhưng bảo triệt tiêu bỏ quách nó đi thì có tèo.
Trang nghĩ, quan điểm này của cụ Kligman cũng đã tác động không ít đến một số quan điểm điều trị như phải triệt dầu. Và đâu đó làn da bóng dầu vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ rồi thầm trách tạo hóa sao lại ban cho mình làn da ấy thành ra tâm lý “ghét bỏ” một phần của chính mình.
Hi vọng bài viết này cho ae có thêm thông tin để tự tin - tự hào rằng da còn bã nhờn xịn là còn ngon.
_______________
Thông tin liên hệ
Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co
Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co
Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/
Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn
Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion