Cốc, Cốc, Cốc! Là mình đây.

Trong một lần nói chuyện lan man, bạn mình hỏi rằng tại sao bây giờ người ta cần chữa lành nhiều thế, ngày xưa có vậy đâu?

Quả là khó chịu khi đi đâu cũng thấy “chữa lành”. Bản thân mình là một người viết sách cũng muốn né hai từ thị phi này, nhưng không dễ. Trong những bài truyền thông của đơn vị phát hành hoặc lời giới thiệu từ độc giả, “chữa lành” vẫn là một trong những từ được chọn cho cuốn sách của mình. 

Nên thay vì cứ né tránh, mình chọn viết hẳn về chủ đề này một lần, không phải để minh oan, cũng chẳng là chỉ trích. Bởi bản thân từ ngữ không có tội, dùng nó sai cách rồi khiến nó bị ghét - là lỗi của người dùng.

1. Nguồn gốc thuật ngữ

Ở Việt Nam, từ chữa lành đã xuất hiện từ rất lâu. Đây là từ ghép giữa “chữa” (làm cho khỏi bệnh hoặc hết hư hỏng) và “lành” (ở trạng thái nguyên, không bị sứt, mẻ, rách hoặc tổn thương) - theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Trong cuốn Vocabulaire annamite-français (Từ điển Việt - Pháp) năm 1898 do J. F. M. Génibrel biên soạn có giải nghĩa từ guérissable là (bệnh) trị được, chữa lành được.

Nghĩa của từ chữa lành này tương ứng với từ liệu dũ (療癒) trong tiếng Trung Quốc; iyashi (癒やし) trong tiếng Nhật; chiyu (치유) trong tiếng Hàn Quốc. Các từ này đều được sử dụng chủ yếu trong ngữ cảnh y học để chỉ quá trình chữa trị hoặc làm dịu các vấn đề về sức khỏe của cơ thể hoặc tinh thần.

Chữa lành là một khái niệm đã có mặt trong hệ thống tôn giáo và triết học phương Tây và phương Đông từ lâu đời. Trong Kinh thánh, có rất nhiều ghi chép về việc chúa Jesus chữa lành cho con người. 

Theo Cambridge Dictionary, healing có hai nghĩa chính:

(1) quá trình hồi phục, đặc biệt là sau một vết cắt hoặc chấn thương nào đó.

(2) quá trình cải thiện một trải nghiệm tồi tệ hoặc cảm xúc đau đớn nào đó. 

Từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) định nghĩa mental healing là quá trình điều trị nhằm giảm nhẹ các tình trạng có liên quan đến các rối loạn sức khỏe tinh thần hoặc sức khỏe thể chất thông qua sức mạnh của tâm trí.

Có thể thấy, chữa lành vốn là một từ ngữ với ý nghĩa tích cực. Vậy, vì đâu nên nỗi?

2. Tình trạng lạm dụng

Sau giai đoạn đại dịch ảm đạm, chữa lành trở thành một xu hướng. Đối với mình, chuyện “ai cũng cần được chữa lành” không phải điều gì quá kỳ lạ, bởi mọi người - không phân biệt thế hệ - đều có vấn đề của riêng mình. Quan trọng là họ có nhận ra hay không, và chữa lành như thế nào cho phải. Đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh, du lịch… để thư giãn và dành thời gian kết nối với bản thân, hay nên tìm đến các bác sĩ/ chuyên gia tâm lý, chỉ có bản thân mới biết được. 

Chỉ là trong xã hội, có rất nhiều tiếng nói nhiễu loạn và vô số kẻ muốn chọn giúp bạn.

Khi một nhu cầu nào đó tăng cao cũng là lúc gian thương được dịp giở trò. Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng những bất ổn trong tâm lý của nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ bán khóa học, dịch vụ “chữa lành” với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Những nỗ lực đẩy “chữa lành” thành từ khóa hot, tạo ra nỗi đau không có thật, rao giảng những lời khuyên sáo rỗng… khiến người ta ngán ngẩm.

Bên cạnh đó, một bộ phận giới trẻ thích chạy theo trào lưu, khao khát được chú ý, lại bị hoạt động của nhóm gian thương trên ảnh hưởng cũng góp phần không nhỏ khiến “chữa lành” trở thành một cụm từ tai tiếng. Khi mình tìm kiếm từ khóa này trên Google Trend vào ngày 21/5/2024, kết quả đứng đầu danh sách là “stt chữa lành hài hước” :) không biết nói gì hơn trong trường hợp này. 

3. Hậu quả 

Ngồi với bác sĩ tâm lý của một bệnh viện lớn tại TP.HCM, mình mới biết được hậu quả của những gian thương trục lợi trên nỗi đau tinh thần của người khác đi xa hơn việc mất tiền bạc rất nhiều.

Có những người tham gia khóa thiền chữa lành ở nơi thâm sơn cùng cốc, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài trong khoảng 3 năm. Sau khi hết thời gian, họ trở về cuộc sống bình thường và nhận ra những vấn đề tâm lý chưa bao giờ được chữa trị. Họ thấy ổn chỉ vì họ được tạm lánh khỏi những áp lực, chứ không phải vì vết thương đã lành, hay sức mạnh nội tại đã vững vàng hơn. Chuyện này làm mình nhớ đến nhân vật Naoko trong Rừng Na Uy (Haruki Murakami). Sau khi chữa trị tâm thần ở một trung tâm biệt lập với thế giới bên ngoài, Naoko đã có một giai đoạn cảm thấy ổn hơn nhưng cuối cùng cô vẫn quyết định tìm đến cái chết khi nhận ra bóng ma tâm lý chưa bao giờ biến mất.

Kết cục của Naoko không phải chỉ có trên sách vở. Sa vào những khóa học sáo rỗng, những buổi tham vấn tâm lý từ những người không đủ chuyên môn, đã có người không thể gắng gượng sống tiếp. Nguyên tắc đầu tiên của việc điều trị tâm lý là: “Bạn không được đào những vết thương của người khác lên, nếu bạn không đủ khả năng chữa lành nó.” Nhưng những kẻ bất lương và thiếu chuyên môn nhan nhản ngoài kia vẫn cố gắng khơi gợi, moi móc câu trả lời từ những người khốn khổ đến tìm họ. Và kết cục tệ nhất thì mình đã nói rồi đấy.

4. Tạm kết

Chữa lành tâm hồn hay chăm sóc làn da - chủ đề chính của “ngôi nhà” Đồng Điệu cũng vậy thôi. Chỉ có bạn mới hiểu những vấn đề mình đang gặp phải. Chỉ có bạn mới biết mình cần gì. Nếu vấn đề nghiêm trọng, cần được chữa trị, hãy tìm đến các tổ chức/ cá nhân có uy tín, chuyên môn và đạo đức.