Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
Cảnh báo: Bài viết hơi nhức não, ae hãy hít thở thật sâu trước khi đọc bài :)))
“Bôi dầu dưỡng cốt yếu chỉ để dưỡng ẩm”
Đúng nhưng chưa đủ.
1. Tổng quan về các thành phần chính của dầu dưỡng
Dầu dưỡng thực vật chủ yếu chứa chất béo trung tính (triacylglycerol, triglyceride hay TAG), và các triglyceride này được cấu tạo từ glycerol và ba phân tử acid béo. Do đó, cả triglyceride và acid béo đều có mặt trong dầu dưỡng, nhưng triglyceride là thành phần chính. Các acid béo tự do này cũng có thể có mặt trong một lượng nhỏ trong dầu dưỡng. Ngoài ra, trong dầu dưỡng còn có rất nhiều các hợp chất hữu cơ tan dầu như các chất chống oxy hoá, kháng viêm… và 7749 hợp chất “vết” khác nữa.
2. Lipase trên da có nguồn gốc “tự thân”
Adipose Triglyceride Lipase (ATGL) và ABHD5/CGI-58: Tách 1 acid béo ra từ dầu
ATGL là enzyme chính trong quá trình thủy phân TAG ở tầng thượng bì. Nó thực hiện bước thủy phân đầu tiên trong quá trình phân hủy TAG, tách ra một acid béo (FA) từ phân tử TAG, tạo ra diacylglycerol (DAG).
ATGL được tìm thấy chủ yếu trong các tế bào sừng của lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp hạt (stratum granulosum) và lớp gai (stratum spinosum). Đây là những lớp mà quá trình biệt hóa tế bào và sản xuất lipid diễn ra mạnh mẽ, do đó cần có sự hiện diện của ATGL để điều hòa quá trình chuyển hóa lipid và duy trì chức năng hàng rào bảo vệ da.
Để quá trình này diễn ra hiệu quả, cần có sự hiện diện của ABHD5/CGI-58, một protein kích hoạt ATGL. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu hụt ABHD5/CGI-58 dẫn đến tích tụ TAG trong tầng thượng bì, gây ra các rối loạn như bệnh lý tích trữ lipid trung tính (NLSD) với biểu hiện bệnh lý da là ichthyosis (da khô và đóng vảy như vảy nến). Điều này cho thấy tầm quan trọng của ATGL và ABHD5/CGI-58 trong việc duy trì chức năng hàng rào thẩm thấu của da.
ATGL chủ yếu tồn tại trong tế bào sừng, thế nên nếu dầu dưỡng được hấp thu thụ động qua màng tế bào thì vẫn có thể được phân giải bởi nó và tạo ra acid béo tự do, thế nhưng tỉ lệ không cao. Mặt khác, ATGL vẫn có thể được đẩy ra lên trên bề mặt da thông qua các quá trình tiết, phóng thích hoặc thoát ra khi tế bào bị ly giải, thế nên trên da vẫn tồn tại lipase và bọn chúng vẫn có hoạt tính tách acid béo với dầu dưỡng.
PNPLA1
PNPLA1 là một gene họ hàng với ATGL, nhưng không có hoạt tính thủy phân TAG trong các thí nghiệm in vitro. Đột biến trong gene PNPLA1 gây ra bệnh ichthyosis bẩm sinh tự phát ở người và chó Golden Retriever, cho thấy PNPLA1 có thể có chức năng như một acyltransferase trong quá trình tổng hợp hoặc tái cấu trúc glycerophospholipid (một loại phospholipid có cấu trúc dựa trên glycerol, cấu tạo nên màng tế bào). Vai trò chính xác của PNPLA1 trong quá trình chuyển hóa TAG vẫn cần được nghiên cứu thêm, nhưng nó đã được chứng minh là có liên quan đến các rối loạn lipid ở da.
Hormone-Sensitive Lipase (HSL) và Monoglyceride Lipase (MGL): Tiếp tục tách acid béo để chừa lại sản phẩm phụ cuối cùng là glycerol
HSL và MGL là hai enzyme quan trọng khác tham gia vào quá trình thủy phân TAG. HSL là enzyme chính trong quá trình thủy phân DAG thành monoacylglycerol (MAG) và acid béo (FA). Sau đó, MGL tiếp tục thủy phân MAG thành glycerol và các acid béo tự do. Sự kết hợp hoạt động của HSL và MGL đảm bảo rằng TAG được phân hủy hoàn toàn thành các thành phần nhỏ hơn, cần thiết cho việc duy trì chức năng hàng rào thẩm thấu của da.
Các acid béo tự do được tạo ra nhờ chuỗi phản ứng của ATGL, HSL và MGL có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm:
-
Tổng hợp lipid: Acid béo tự do có thể được sử dụng làm chất nền để tổng hợp các loại lipid khác, chẳng hạn như phospholipid, cholesterol và ceramides, rất cần thiết cho chức năng hàng rào bảo vệ da.
-
Sản xuất năng lượng: Acid béo tự do có thể được oxy hóa trong ty thể để tạo ra ATP, cung cấp năng lượng cho các tế bào da.
-
Tín hiệu tế bào: Acid béo tự do có thể hoạt động như các phân tử tín hiệu, điều chỉnh các quá trình tế bào khác nhau, chẳng hạn như biệt hóa tế bào và phản ứng viêm.
Các enzyme khác trong gia đình PNPLA và ABHD
Ngoài các enzyme đã nêu trên, còn có các thành viên khác trong gia đình PNPLA như PNPLA1, LIPK, LIPM, LIPN, CES3, và ABHD9. Những gene này cũng có tiềm năng mã hóa cho các enzyme lipase tham gia vào quá trình thủy phân TAG. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác định rõ vai trò của từng enzyme trong quá trình này.
3. Lipase trên da có nguồn gốc từ vi sinh vật
Hệ vi sinh vật da (microbiome) bao gồm hàng tỷ vi khuẩn, nấm và virus sống trên bề mặt da. Các vi sinh vật này không chỉ chung sống hòa bình mà còn tương tác phức tạp với nhau và với hệ miễn dịch của da. Một trong những enzyme quan trọng do vi sinh vật tiết ra là lipase, enzyme tham gia vào quá trình thủy phân lipid, ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng hàng rào bảo vệ da.
Và đây cũng chính là nguồn lipase chính trên da, có thể thủy phân TAG có trong bã nhờn và các nguồn ngoại sinh khác, chẳng hạn như dầu dưỡng. Các acid béo tự do được tạo ra bởi quá trình thủy phân của vi sinh vật có thể được sử dụng bởi chính vi sinh vật hoặc bởi các tế bào da người làm nguồn năng lượng hoặc làm chất nền để tổng hợp các loại lipid khác.
Propionibacterium acnes (Cutibacterium acnes)
Propionibacterium acnes, hiện nay được đổi tên thành Cutibacterium acnes, là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, thường cư trú trong các nang lông và tuyến bã nhờn. Đây là một trong những vi khuẩn chủ yếu sản xuất lipase trên da. Lipase từ C. acnes thủy phân TAG có trong bã nhờn thành glycerol và các acid béo tự do.
Mỗi chủng trong riêng dòng giống bọn C.acnes loại IA thôi đã có thể sản sinh đến khoảng 15 lipase khác nhau lận, và có những loại lipase là đặc trưng cho từng loại. Và các Đồng Điệu biết không? Thứ bọn C.acnes cần ăn không phải là dầu, bã nhờn, mà chính là glycerol đó. Thế nên bọn chúng mới phải nhọc công sản xuất là lipase, và điều này cũng giải thích cho việc một số sản phẩm mặc dù không hề có dầu hay chất gây bít tắc mà xài lên vẫn bung mụn tè le – có thể do bị thừa glycerol (còn gọi là glycerin, một thành phần hệ nền khá phổ biến trong mỹ phẩm).
Staphylococcus epidermidis và các anh em của nó
Staphylococcus epidermidis là một vi khuẩn gram dương, hiếu khí và là thành phần phổ biến của hệ vi sinh vật da. S. epidermidis cũng tiết ra lipase, giúp thủy phân lipid và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng vi sinh trên da. Đặc biệt, lipase của Staphylococci tương thích khá tốt với các loại dầu dưỡng giàu linoleic acid. Thế mới hiểu được tầm quan trọng của hệ vi sinh trên da. Không phải cứ thích dùng kháng sinh là cứ dùng đâu, đủ thứ hệ luỵ hết á :)))
Malassezia spp.
Malassezia là một chi nấm men thuộc hệ vi sinh vật da, đặc biệt phổ biến ở các vùng da dầu như da đầu, mặt và lưng trên. Các loài Malassezia như M. globosa và M. restricta cũng có khả năng sản xuất lipase để chuyển hóa các lipid trong bã nhờn.
Và còn nhiều loại khác nữa, kể nhiêu đó thôi :)))
4. Tại sao chọn đúng loại dầu dưỡng lại quan trọng?
Quá trình phân giải của lipase trên da đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa dầu dưỡng thành các acid béo tự do. Thế nên, thành phần acid béo của dầu dưỡng có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của quá trình này. Ví dụ, dầu dưỡng giàu palmitate có thể tạo ra lượng lớn palmitic acid sau khi thủy phân, tiềm ẩn nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông và cảm giác bết dính trên da.
Do đó, việc lựa chọn dầu dưỡng cần xem xét kỹ lưỡng thành phần acid béo để duy trì sự cân bằng lý tưởng trên da. Nếu da có xu hướng dư thừa oleic acid và palmitic acid, việc bổ sung dầu giàu linoleate có thể là một giải pháp hiệu quả. Lipase trên da sẽ chuyển hóa linoleate thành linoleic acid, một loại acid béo thiết yếu có khả năng điều hòa thành phần lipid của da, đặc biệt là trong bã nhờn.
Bên cạnh đó, có thể ưu tiên chọn những loại dầu dưỡng đã được qua “chế biến” để làm giàu linoleic acid, có nghĩa rằng lượng linoleic acid tự do trong loại dầu đó cao hơn bình thường. Cũng do hoạt động của lipase nên các loại dầu tẩy trang sẽ không thể hiệu quả bằng dầu dạng leave-on trong cải thiện chất lượng bã nhờn, do thời gian tiếp xúc thường khá ngắn.
5. Kết luận
Lipase không chỉ đơn thuần là một enzyme thủy phân lipid, mà còn là một nhân tố chủ chốt trong việc điều hòa cân bằng lipid trên da, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hàng rào bảo vệ và sức khỏe tổng thể của làn da. Sự tương tác phức tạp giữa lipase nội sinh và lipase từ hệ vi sinh vật tạo nên một mạng lưới chuyển hóa lipid tinh vi, quyết định đến trạng thái và tính chất của da.
Chính vì vậy, việc lựa chọn dầu dưỡng không chỉ đơn giản là “khoá ẩm”, mà còn là một chiến lược tác động tích cực đến quá trình chuyển hóa lipid trên da và cải thiện chất lượng bã nhờn. Dầu dưỡng giàu linoleic acid, một acid béo thiết yếu không thể tự tổng hợp trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng acid béo trên da, đặc biệt là khi da có xu hướng dư thừa oleic acid và palmitic acid (thường gặp ở các làn da dầu mụn).
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion