Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY
@latrang.co Nồng độ càng cao hoạt chất càng mạnh liệu có đúng không? #latrang #hoatchatmypham nooincare #beautytok
Có bạn nào cho rằng: “Nồng độ càng cao, hoạt chất càng mạnh” không? Nếu vậy thì Trang nghĩ bạn đang bỏ qua yếu tố độ pH trong mỹ phẩm cũng như sự “ngon nghẻ” của hoạt chất, hệ nền sản phẩm… rồi.
Đương nhiên là Trang có lý lẽ chứ không nói sà lơ. Hồi mới vào nghề biết một ít thì hay nói nhiều, hay khẳng định lắm :)) Nhưng sau khi mài đít gần 10 năm với mỹ phẩm, Trang thấy muốn mở mồm ra kết luận một điều gì đó, khó vô cùng. Cũng một câu đó nhưng nếu đem xét ở từng khía cạnh khác nhau nó lại ra từng kết luận rất khác nhau.
Đối với quan điểm: “Nồng độ càng cao, hoạt chất càng mạnh”, Trang thấy nó là kết luận quá sơ sài. Trang sẽ đưa ra ít nhất 4 luận điểm để chứng minh hoạt chất ở nồng độ thấp hơn vẫn đạt được hiệu quả tương đương, thậm chí là hiệu quả hơn.
I/ Độ mạnh yếu còn được quyết định bởi ĐỘ pH TRONG MỸ PHẨM
Lấy ví dụ như Glycolic Acid – một loại AHA khá quen thuộc với mấy bạn dùng tẩy da chết hóa học. Nếu bạn có một chai 8% Glycolic Acid với pH = 7 và một chai nồng độ y chang nhưng pH = 2. Thì đảm bảo với bạn luôn, chai có pH = 2 sẽ mạnh hơn so với chai pH = 7.
Trang không nói suông. Đây, bảng đo của tiến sĩ Michelle Labmuffin đã chỉ ra rằng: Độ pH càng tăng thì % active của Glycolic Acid sẽ càng giảm.
II/ Nhiều hoạt chất dùng nồng độ cao hơn thì kích ứng nhiều hơn chứ không tăng công dụng
Ví dụ như Benzoyl Peroxide, chúng ta biết có nồng độ 2.5%, 5% và 10%. Người ta có làm thí nghiệm mù đôi (*) so sánh hiệu quả cải thiện mụn trứng cá viêm của Benzoyl Peroxide 2,5%, 5% và 10% trên 153 tình nguyện viên.
Kết quả cho thấy BPO 2.5% hiệu quả tương đương so với BPO 10% nhưng giảm kích ứng hơn.
Số liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng (bỏng rát, ban đỏ và lột da) ở người sử dụng BPO 10% cao hơn so với người sử dụng BPO 2.5%
Thế nên bác nào mà cứ thích tỏ ra tinh vi dùng 10% để rồi kích ứng lòi mắt ra, thâm hoài không hết thì tự xem lại nha, tui không bênh nổi hà :)))
(*) Thí nghiệm mù đôi là cả người được nghiên cứu và các nhà khoa học đều được “làm mù” để đảm bảo kết quả khách quan nhất. Trong trường hợp này, cả 2 bên đều sẽ không biết đối tượng được nghiên cứu đã sử dụng hoạt chất nồng độ nào trên da mà chỉ có bên thứ 3 mới biết.
Xem thêm: Benzoyl Peroxide trị mụn bằng cách nào? Ngưng dùng BenZoyl Peroxide vì hở tí là chai mụn, thâm mụn?
III/ Hoạt chất “ngon nghẻ” hay không có thể được quyết định bởi kích thước phân tử
Tiêu biểu như Hyaluronic Acid mà mấy bạn hay gọi là HA cấp ẩm đó.
Nếu kích thước phân tử HA to, cồng kềnh thì nó chỉ nằm trơ trên bề mặt da, dẫn đến khả năng cấp ẩm không chuyên sâu.
Hoặc nếu sử dụng HA kích thước phân tử quá bé thì hoạt chất sẽ “lọt sâu” dưới da, dễ gây kích ứng nếu không tương tích với cấu trúc sinh lý của da.
Nhưng nếu chúng ta sử dụng HA kích thước phân tử vừa thì nó sẽ tối ưu hơn. Vì khi đó, hạt HA có thể len lỏi xuống được màng đáy và “nhập đàn” với những hạt HA đã có sẵn ở lớp màng này. Từ đó, kích thích, phát tín hiệu đến nhân của tế bào, giúp sửa chữa, đổi mới, kích thích tế bào mới.
Ngoài ra, bản chất HA trong da thường thuộc dạng cấu trúc phân tử nhỏ đến vừa. Do đó khi đưa những HA kích thước phân tử vừa ở ngoài vào sẽ hạn chế nguy cơ gây kích ứng.
Vấn đề ở đây là kích thước bao nhiêu đâu phải hãng nào cũng công bố cho bạn biết :)))
IV/ Cùng 1 nồng độ, cùng 1 pH nhưng khác hệ nền thì hiệu quả cũng khác nhau
Bây giờ mình cứ cho luôn pH bằng nhau, nồng độ hoạt chất bằng nhau, nguyên liệu cùng một nhà cung cấp nhưng nếu hệ nền khác nhau thì vẫn cho kết quả khác nhau.
Ví dụ, 2% BHA nền cồn thì thường bạt sừng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn so với 2% BHA nền glycol. Bởi vì có thêm cồn để phá màng (tạm thời), giúp hoạt chất dễ dàng đi sâu vào trong và phát huy hiệu quả.
Đấy là Trang còn chưa kể đến yếu tố công nghệ. Vì nếu kết hợp cả công nghệ vào thì bài toán lại khác. Ví dụ 2% BHA nền nước (có ứng dụng công nghệ) nó vẫn có thể mang hiệu quả tương đương so với 2% BHA nền cồn.
Đó, chuyện bào chế rất là phức tạp và chúng ta cũng không thể nào nhìn bằng mắt thường để mà đoán được hết đâu.
Mở rộng
Với 4 luận điểm Trang vừa phân tích ở trên, có bạn nào đã vội kết luận rằng nồng độ hoạt chất thấp sẽ luôn mang lại hiệu quả tương đương hoặc cao hơn không?
Hông nha :))) Ý Trang không phải thế.
Vì trong một khía cạnh khác thì việc nồng độ hoạt chất cao sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Ví dụ trong cùng một hãng, mình thiết kế 2 chai Retinol, một chai 0.5% còn một chai 1% thì đương nhiên 1% sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rồi.
Thế nên Trang chỉ muốn nói là khoa học không phải là thứ để chúng ta đưa ra một kết luận xong rồi chôn chân ở đó mà nó phải luôn phát triển đi lên. Do đó, chúng ta phải luôn hoài nghi tích cực, sau đó tự đưa ra cho mình kết luận, tự làm chủ quy trình chăm sóc da của mình. Chả có công thức nào đúng cho tất cả các loại da cả các bạn ạ.
Ngoài ra, Trang cũng rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn để để chúng ta cùng nhau mở rộng góc nhìn nhé!
Discussion