“Tự tin lên” - Mọi người vẫn hay động viên lẫn nhau và tự động viên mình như thế, trước những tình huống cần thể hiện bản lĩnh, chẳng hạn khi phải đưa ra một quyết định, khi đối mặt với thử thách hay đơn giản là khi cần phát biểu trước đám đông.
Có lúc lời động viên phát huy hiệu quả, như câu thần chú chỉ cần niệm “tự tin lên” thì sẽ hết lo ngại. Tuy nhiên, cũng có khi lời động viên trở thành vô thưởng vô phạt, vì bản chất của tự tin vốn là sự tổng hòa từ nhiều yếu tố và cần đến quá trình rèn luyện bền bỉ, lâu dài.
1. Tự tin không phải thiên bẩm, không bất biến
Tự tin là một trạng thái cảm xúc bên trong khi chúng ta chấp nhận bản thân mình, yêu thương, trân trọng và tin tưởng vào năng lực của bản thân. Đây không phải là yếu tố bẩm sinh, mà được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển qua thời gian, qua trải nghiệm sống và quá trình tích lũy kinh nghiệm của mỗi người.
Mặc dù có những người từ khi sinh ra đã thừa hưởng tính cách hoạt bát, năng động nhưng đó mới chỉ là những lợi thế giúp bồi đắp lòng tự tin. Theo thời gian, lòng tự tin có thể lên cao (nhờ những trải nghiệm tích cực, các thành công đạt được) hoặc sụt giảm (vì gặp thất bại, bị chỉ trích, phê bình hoặc các biến cố trong cuộc sống).
Từ đây, ta thấy rằng tự tin không phải bẩm sinh và cũng không thường hằng. Môi trường sống và nền tảng giáo dục là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển lòng tự tin ở một cá nhân. Cụ thể:
- Trong gia đình: Cách ứng xử của cha mẹ trước thành công hay thất bại của con sẽ có thể ảnh hưởng đến lòng tự tin của trẻ. Khi cha mẹ thường xuyên động viên, khuyến khích con một cách hợp lí, trẻ sẽ cảm thấy những nỗ lực của mình luôn được ghi nhận, dù thất bại vẫn sẽ có gia đình ở bên.
- Trong nhà trường: Các phương pháp sư phạm tích cực giúp người học được tư duy, phát biểu, phản biện và sáng tạo sẽ tạo ra môi trường tốt nuôi dưỡng lòng tự tin. Ở đó, người học được chia sẻ quan điểm cá nhân, cảm thấy ý kiến được tôn trọng, có thể thử nghiệm mà không sợ bị đánh giá, từ đó tự tin trong việc thể hiện bản thân.
- Trong xã hội: Vòng tròn mối quan hệ lành mạnh bao gồm bạn bè, đồng nghiệp được xem là vốn xã hội giúp xây dựng lòng tự tin. Qua việc giao tiếp và tương tác thường xuyên, ta sẽ cảm thấy bản thân thuộc về một cộng đồng, từ đó nâng cao sự tự tin trong những hoạt động trải nghiệm.
2. Nhận diện tự tin nội tại, tự cao và tự ti
Trước hết, tự tin nội tại là khi chúng ta không cần chứng minh mình là ai, vì chính ta hiểu rõ giá trị của bản thân. Cũng vì vậy, khi được khen, ta không e ngại mà cảm thấy xứng đáng vì những nỗ lực mình đã bỏ ra. Ta cũng sẵn sàng dành cho người khác lời khen ngợi thật lòng trước thành công của họ. Ta biết mình và cũng biết người.
Không chỉ nhận ra ưu điểm, ta hiểu cả những khuyết điểm của bản thân. Vì thế, ta không ngại khi thừa nhận sai lầm của mình và cũng không cảm thấy bản thân mất giá trị khi mắc sai lầm, bởi có sai thì mới cần học hỏi và cải thiện.
Hơn hết, tự tin nội tại thôi thúc ta lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mọi người. Ta có chính kiến nhưng không định kiến và áp đặt. Sẽ không dễ dàng lung chuyển niềm tin của ta nếu ta biết đó là điều đúng, nhưng ta không cứng nhắc trước những góp ý hợp tình.
Nhưng nếu sự tự tin không đến từ bên trong mà chỉ đang cố tỏ ra để tự trấn an bản thân hay để tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài thì sẽ có những biểu hiện khác. Không chỉ luôn khoe khoang, sự tự tin ngụy trang này còn khiến ta trở nên bảo thủ, không chịu thừa nhận sai lầm của mình, không muốn lắng nghe học hỏi hay còn gọi là tự cao.
Tuy nhiên, sự thật là giữa tự cao với tự ti lại có mối liên hệ mật thiết. Tự cao là sự tự ti sâu thẳm bên trong. Đó là khi ta cố gắng che giấu những nỗi sợ và sự không chắc chắn về bản thân bằng cách thể hiện mình là người vượt trội so với người khác. Nói cách khác đây là một cơ chế tự vệ, để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác tự ti và sợ hãi bị từ chối hoặc không được công nhận.
Chung quy tự cao hay tự ti cũng bởi ta không hiểu được giá trị nội tại của bản thân. Lại vô tình trao giá trị ấy cho những “thước đo” danh hiệu, giải thưởng, lời khen, sự công nhận từ bên ngoài. Ngược lại, khi tự tin được nhìn nhận từ bên trong, con đường đi sẽ không còn chênh chao hay chấp chới.
3. Sự tự tin và sức khỏe tinh thần
Sự tự tin và sức khỏe tinh thần luôn có mối liên hệ chặt chẽ. Khi tự tin, ta thường có thái độ tích cực cùng khả năng đối phó với căng thẳng. Điều này giúp duy trì sức khỏe tinh thần ổn định, ngay cả trong những tình huống khó khăn.
Mặt khác, bằng một cách nào đó, tự tin nội tại và chỉ số cảm xúc thường tỉ lệ thuận. Người tự tin sẽ hiểu rõ về mình, bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu. Đây cũng là yếu tố quan trọng của chỉ số cảm xúc - nhận thức về bản thân để điều chỉnh hành vi một cách phù hợp trong các tình huống. Điều này giúp xây dựng và duy trì mối quan hệ lành mạnh, nhờ vậy ta không cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Trong khi đó, biểu hiện của việc thiếu tự tin có thể chia thành hai nhóm: (1) tự ti, mặc cảm; (2) tự cao ngạo mạn. Cả hai nhóm này đều có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần khá cao vì phải đối mặt với căng thẳng, lo âu, e ngại sự đánh giá của người khác.
Vì thiếu tự tin, người ta thường phải tạo ra một lớp vỏ bọc cho mình. Lớp vỏ ngoài này trông có vẻ cứng cáp nhưng thật ra lại rất mong manh, một khi đã bị tổn thương sẽ dễ dàng vỡ vụn. Bằng chứng là một người tự cao hoặc tự ti thường dễ mất kiểm soát cảm xúc, dễ buồn bực, thất vọng và suy sụp, cảm thấy bản thân kém cỏi khi gặp thất bại. Đây cũng là một trong những yếu tố đưa đến trầm cảm.
Như vậy, cần liên tục nuôi dưỡng lòng tự tin vì đây không phải một hằng số mà có thể thay đổi dưới nhiều tác động.
Hành trình nuôi dưỡng bắt đầu từ việc nhận thức: Giá trị của ta nằm ở bên trong, là đạo đức chứ không phải bằng cấp, năng lực chứ không phải địa vị, là nhân cách và hành động chứ không phải danh hiệu. Ngoài ra, cần nhìn nhận thất bại không phải là dấu chấm hết mà là cơ hội để học hỏi và cải thiện bản thân. Tư duy phát triển này sẽ giúp ta khai mở tiềm lực và càng thêm tự tin để đối mặt với những tình huống khó khăn.
Tiếp đến, cần nhìn vào những điểm mạnh. Năm 2000, trong một dự án về Tâm lý học tích cực, nhà tâm lý học Martin Seligman và các cộng sự đã phát hiện ra có tận 24 điểm mạnh tính cách tương ứng với 6 nhóm đức tính: Trí tuệ - Can đảm - Nhân văn - Công bằng - Tiết độ - Siêu việt. Vậy nên hãy quan sát và tìm hiểu về mình, thay vì so sánh mình với người khác, ta sẽ nhận ra, ta đặc biệt hơn ta tưởng rất nhiều.
Mối quan hệ lành mạnh cũng giúp ta xây dựng và duy trì lòng tự tin nhờ vào những lời động viên chân thành lẫn sự hỗ trợ kịp thời, vì ngoại lực vững vàng sẽ góp phần gia tăng nội lực.
Sau cùng, lòng tự tin cũng đến từ sự chuẩn bị kỹ càng, không chủ quan. Điều này không chỉ giúp giảm bớt lo lắng mà còn cho phép ta xuất hiện với dáng vẻ tự tin nhất của chính mình.
Discussion