Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,Mình tên là Lê Duy Kiên aka. Kiên Sinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
Dạo này trên tóp tóp, chủ đề về Glutathione đang hot hừng hực và cũng gây tranh cãi không ít ha :))) Là một người đã lùng sục thông tin từ đủ nguồn, đủ góc nhìn, hôm nay Kiên muốn chia sẻ một góc nhìn rõ ràng, dễ hiểu nhưng hy vọng vẫn khá đầy đủ về vấn đề Glutathione đường uống đến các Đồng Điệu hen.
Cùng Kiên lướt qua chi tiết quá trình hấp thu Glutathione qua đường uống, đánh giá xem nó có thực sự giúp làm sáng da như lời đồn không, rồi cân nhắc lợi ích lẫn rủi ro khi dùng lâu dài. Kiên cũng sẽ khám phá các cách cải thiện hấp thu và những phương pháp tăng lượng Glutathione nội sinh khác để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn nhen. Vào bài!
1. Glutathione là gì? Glutathione dưỡng sáng qua cơ chế nào?
Glutathione (GSH) là một tripeptide nội sinh bao gồm 3 amino acid: cysteine, glutamate và glycine, được biết đến như “chất chống oxy hóa chủ đạo” nhờ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa, hỗ trợ giải độc và tăng cường miễn dịch.Trong lĩnh vực chăm sóc da, Glutathione được sử dụng rộng rãi với mục đích chống oxy hoá và làm sáng da. Vậy bản thân Glutathione làm sáng da thông qua những cơ chế cụ thể nào?
- Glutathione là một chất chống oxy hóa quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do stress oxy hóa: Glutathione là chất chống oxy hóa nội sinh chính, hiện diện trong hầu hết các tế bào. Nó trung hòa các gốc tự do, làm giảm stress oxy hóa - yếu tố góp phần vào tổn thương tế bào và lão hóa da. Stress oxy hóa cũng kích thích sản xuất melanin, sắc tố gây sạm da. Bằng cách giảm stress oxy hóa, Glutathione gián tiếp ức chế các tín hiệu kích thích tổng hợp melanin, từ đó hỗ trợ làm sáng da.
- Glutathione ức chế trực tiếp enzyme tyrosinase, một bước quan trọng trong quá trình tổng hợp melanin: Quá trình sản xuất melanin trong tế bào sắc tố bắt đầu bằng việc enzyme tyrosinase xúc tác chuyển đổi tyrosine thành DOPA và sau đó thành dopaquinone. Glutathione ức chế trực tiếp hoạt động của tyrosinase bằng cách chelate với ion đồng (II) tại vị trí hoạt động của enzyme. Kết quả là sự tổng hợp melanin bị giảm, dẫn đến giảm sắc tố da và mang lại hiệu quả làm sáng.
- Glutathione chuyển đổi melanin sẫm màu thành melanin sáng màu: Trong con đường tổng hợp melanin, dopaquinone có thể được chuyển hóa thành eumelanin (sắc tố đen hoặc nâu sẫm) hoặc pheomelanin (sắc tố vàng hoặc đỏ nhạt). Glutathione thúc đẩy sản xuất pheomelanin bằng cách tạo điều kiện cho phản ứng giữa dopaquinone và cysteine (một thành phần của Glutathione), thay vì để dopaquinone chuyển thành eumelanin. Sự chuyển đổi này làm giảm sắc tố sẫm màu trên da, góp phần vào hiệu quả dưỡng sáng.
- Glutathione tăng cường tái tạo tế bào da và loại bỏ tế bào chứa melanin: Ngoài tác động trực tiếp lên tổng hợp melanin, Glutathione hỗ trợ quá trình tái tạo da bằng cách bảo vệ tế bào trẻ khỏi tổn thương oxy hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình chết rụng tế bào theo chương trình (apoptosis) của các tế bào già cỗi. Điều này giúp loại bỏ các tế bào chứa melanin tích tụ, thay thế bằng tế bào mới với ít sắc tố hơn. Hơn nữa, Glutathione cải thiện sức khỏe tổng thể của da, làm tăng độ đều màu và rạng rỡ, từ đó nâng cao hiệu quả làm sáng da.
Cơ chế tế bào và phân tử là vậy đó. Thế nhưng, các cơ chế trên chỉ áp dụng cho Glutathione đã nằm bên trong tế bào và sẵn sàng tham gia các phản ứng sinh hoá thôi. Thế nhưng, làm sao để Glutathione ngoại sinh (tức là được mình nạp từ ngoài vào) trở thành Glutathione nội sinh bên trong tế bào thì lại là một trở ngại khác.
2. Glutathione từ nguồn bên ngoài có dễ đi được vào trong tế bào không?
Glutathione ngoại sinh (được cung cấp từ bên ngoài cơ thể qua đường uống, tiêm hoặc bôi) thường không dễ để đi được vào trong tế bào. Một số hướng để Glutathione ngoại sinh có thể làm tăng nồng độ Glutathione nội bào là:
a. Phân hủy và tái tổng hợp trong tế bào
Glutathione ngoại sinh, đặc biệt khi dùng qua đường uống, thường không được hấp thu trực tiếp dưới dạng nguyên vẹn mà bị phân hủy và tái tổng hợp:
- Phân hủy ở ruột và gan: Khi uống, Glutathione bị phân hủy bởi enzyme γ-glutamyltransferase (GGT) tại niêm mạc ruột và gan thành các amino acid cấu thành (cysteine, glutamate, glycine).
- Hấp thu amino acid: Các amino acid này được hấp thu qua các chất vận chuyển chuyên biệt trên màng tế bào ruột, đi vào máu và được vận chuyển đến các tế bào.
- Tái tổng hợp trong tế bào: Bên trong tế bào, các amino acid này được sử dụng để tổng hợp lại Glutathione nội sinh thông qua hai bước enzyme:
- Glutamate-cysteine ligase (GCL): Kết hợp glutamate và cysteine để tạo γ-glutamylcysteine.
- Glutathione synthetase: Thêm glycine vào γ-glutamylcysteine để tạo Glutathione.
Hạn chế: Quá trình này phụ thuộc vào lượng cysteine khả dụng (thường là yếu tố hạn chế) và khả năng tổng hợp của tế bào. Do đó, bổ sung tiền chất như N-acetylcysteine (NAC) đôi khi hiệu quả hơn trong việc tăng nồng độ Glutathione nội bào.
b. Hấp thu trực tiếp qua các chất vận chuyển (ít xảy ra)
Trong một số trường hợp hiếm, Glutathione nguyên vẹn có thể được hấp thu trực tiếp vào tế bào, nhưng cơ chế này không phổ biến và kém hiệu quả:
- Chất vận chuyển Glutathione: Một số tế bào (như tế bào biểu mô ruột, tế bào thận hoặc tế bào gan) có các chất vận chuyển màng (như organic anion-transporting polypeptides - OATPs hoặc multidrug resistance-associated proteins - MRPs) có thể vận chuyển Glutathione qua màng tế bào. Tuy nhiên, hiệu suất thấp do kích thước lớn của phân tử và sự phân hủy nhanh chóng trong môi trường tiêu hóa.
- Thực bào (phagocytosis) hoặc ẩm bào (pinocytosis): Một số tế bào (như đại thực bào) có thể hấp thu Glutathione qua cơ chế thực bào hoặc ẩm bào, nhưng đây không phải là con đường chính.
→ Chả có gì đảm bảo việc bạn uống 1000mg Glutathione thì tế bào sẽ nhận được 1000mg Glutathione. Hơn nữa, 1000mg Glutathione đó được chia trên toàn bộ cơ thể, chứ không phải chỉ lên mỗi da.
3. Sự hấp thu Glutathione qua đường uống: Có khả thi không về mặt lâm sàng?
Đường uống (oral) là một trong những dạng thức thường gặp nhất của Glutathione - thông qua các dạng viên con nhộng, viên nang, viên nén… với đủ mức giá thành từ trung đến cao.Tuy vậy, bên cạnh câu chuyện về sự khó khăn để Glutathione từ bên ngoài vào được bên trong tế bào, câu chuyện để Glutathione từ mồm xuống dạ dày - rồi từ dạ dày xuống ruột - rồi từ ruột vào máu - rồi từ máu đến da lại thêm một “lớp lang” nữa, khiến cho câu chuyện này lại thêm phần dài và phức tạp. Thế nên, việc hấp thu Glutathione qua đường uống và hiệu quả thực tế trong việc dưỡng sáng da vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.
a. Sự thách thức trong hấp thu
Khi được uống, Glutathione phải đối mặt với nhiều rào cản sinh lý trước khi đến được hệ tuần hoàn. Trong đường tiêu hóa, các enzyme protease, peptidase và enzyme γ-glutamyltransferase (CGT) phân hủy Glutathione thành các amino acid cấu thành, làm giảm đáng kể lượng Glutathione nguyên vẹn được hấp thu. Ngoài ra, Glutathione còn bị chuyển hóa nhanh chóng trong gan và bài tiết qua mật hoặc nước tiểu, hạn chế khả năng duy trì nồng độ cao trong máu.
- Nghiên cứu của Witschi và cộng sự vào năm 1992 cho thấy: Khi cho 7 người tiêu thụ một liều đơn 3g Glutathione sau 270 phút nhận thấy nồng độ Glutathione hay các cấu tử của Glutathione (cysteine hoặc glutamate) trong huyết tương không tăng đáng kể → Củng cố quan điểm rằng Glutathione uống có sinh khả dụng toàn thân không đáng kể ở người.
b. Ngược lại: Bằng chứng về hấp thu
Tuy nhiên, vẫn có một số nghiên cứu thể hiện kết quả ngược lại. Mặc dù có những thách thức, các nghiên cứu gần đây đã cung cấp bằng chứng rằng Glutathione uống có thể được hấp thu khi bổ sung liên tục.
- Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược trên 54 người lớn khỏe mạnh của Richie và cộng sự vào năm 2015 cho thấy việc uống 250mg hoặc 1000mg Glutathione mỗi ngày, liên tục trong vòng 6 tháng làm tăng đáng kể nồng độ Glutathione trong máu (tăng ~30 - 35%), hồng cầu, tế bào lympho (thuộc hệ miễn dịch) và tế bào niêm mạc miệng.
Nghiên cứu này sử dụng Setria® Glutathione - một dạng Glutathione tinh khiết được sản xuất bởi Kyowa Hakko, cho thấy chất lượng và liều lượng liên tục cũng có thể là một yếu tố góp phần vượt qua rào cản tiêu hóa. - Một nghiên cứu cũ hơn trên chuột của Hagen và cộng sự vào năm 1990 cũng chỉ ra rằng Glutathione đường uống có thể được hấp thu nguyên vẹn, làm tăng nồng độ GSH huyết tương từ 15 lên 30μM.
c. Kết luận tạm thời về sự hấp thu Glutathione đường uống
Dựa những hiểu biết về cách bộ máy tiêu hoá hoạt động và các dữ liệu thực nghiệm hiện tại cho thấy rằng: Mặc dù Glutathione uống bị phân hủy đáng kể trong đường tiêu hóa, việc bổ sung liên tục với liều lượng phù hợp (250 - 1000 mg/ngày) có thể làm tăng nồng độ Glutathione trong cơ thể. Tuy nhiên, tính sinh khả dụng của Glutathione đường uống nhìn chung vẫn thấp.
4. Hiệu quả lâm sàng của Glutathione đường uống trong dưỡng sáng da: Cũng có chứ không phải không, nhưng vẫn còn những dấu hỏi
Thế việc uống Glutathione có nghiên cứu lâm sàng gì không? Tất nhiên là có rồi. Hai nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của Glutathione uống trong việc làm sáng da mà Kiên có thể tìm đọc đến bao gồm:
- Nghiên cứu của Arjinpathana và Asawanonda vào năm 2012: Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng giả dược trên 60 sinh viên y khoa tại Bệnh viện King Chulalongkorn, Thái Lan, cho thấy việc uống 500 mg Glutathione mỗi ngày trong 4 tuần làm giảm chỉ số melanin ở một số đối tượng, đặc biệt ở các vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Kết quả này hỗ trợ giả thuyết rằng Glutathione có hiệu quả đối với quá trình tạo melanin mới hơn là sắc tố hiện có.
- Nghiên cứu của Weschawalit và cộng sự vào năm 2017: Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi trên 60 phụ nữ khỏe mạnh cho thấy 250mg Setria® Glutathione mỗi ngày trong 12 tuần có xu hướng giảm chỉ số melanin và cải thiện độ đàn hồi da, mặc dù không phải tất cả các kết quả đều đạt ý nghĩa thống kê. Ở nhóm trên 40 tuổi, Glutathione làm giảm đáng kể chỉ số melanin ở vùng cẳng tay tiếp xúc ánh nắng.
Tuy nhiên, hai nghiên cứu này cho thấy hiệu quả làm sáng da của Glutathione không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào liều lượng, thời gian sử dụng và đặc điểm cá nhân như độ tuổi hoặc mức độ tiếp xúc ánh nắng. Hơn nữa, hiệu quả có thể không đến từ bản thân Glutathione, mà đến từ việc Glutathione phân huỷ thành các đơn phân, rồi tế bào tận dụng lại các đơn phân đó để tự tạo Glutathione nội sinh - và không phải ai cũng có tốc độ và khả năng tái tạo Glutathione nội sinh giống nhau.Một đánh giá của Sitohang và cộng sự vào năm 2020 lưu ý rằng hiệu quả có thể khác nhau do yếu tố di truyền và thang đo đo lường, cần thêm thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để xác định hiệu quả tối ưu.
5. Rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng Glutathione liều cao kéo dài
“Thôi kệ, cứ uống đi. Không bổ ngang cũng bổ dọc!” Theo Kiên thì các bạn không nên có suy nghĩ như thế. Thuốc thang nào cũng vậy, chỉ vì chưa ai nói thì không có nghĩa là nó an toàn. Với lại, “thuốc độc bởi liều” - cẩn tắc vô áy náy. Một số rủi ro Kiên có thể kể đến là:
- Thiếu dữ liệu dài hạn: Mặc dù các nghiên cứu ngắn hạn (4 - 24 tuần) cho thấy Glutathione đường uống là an toàn, chưa có đủ dữ liệu về tác dụng phụ khi sử dụng trong nhiều năm.
- Nguy cơ rối loạn cân bằng oxy hóa-khử (Redox Imbalance): Glutathione liều cao làm tăng tỷ lệ GSH/GSSG (dạng khử/dạng oxy hóa), gây trạng thái stress khử quá mức (reductive stress - khác với loại mn hay nghe là stress oxy hoá). Điều này có thể ức chế các tín hiệu oxy hóa cần thiết cho quá trình tăng sinh tế bào, sửa chữa DNA hoặc chết rụng tế bào theo chương trình (apoptosis). Stress khử có thể liên quan đến bệnh lý tim mạch hoặc tổn thương tế bào thần kinh.
- Rủi ro miễn dịch và ung thư (chưa được chứng minh rõ ràng): Từ nền tảng của sự stress khử, Glutathione liều cao có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch bằng cách làm giảm stress oxy hóa - vốn là tín hiệu cần thiết để kích hoạt tế bào miễn dịch. Ngoài ra, trạng thái khử quá mức có thể bảo vệ các tế bào bất thường (như tế bào tiền ung thư) khỏi apoptosis. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng ở người, một số nghiên cứu in vitro gợi ý rằng nồng độ Glutathione cao bất thường có thể thúc đẩy sự sống sót của tế bào ung thư trong một số bối cảnh. Rủi ro này cần được nghiên cứu thêm.
- Nguy cơ ức chế tổng hợp Glutathione nội sinh: Bổ sung Glutathione ngoại sinh lâu dài có thể ức chế biểu hiện của glutamate-cysteine ligase (GCL) - loại enzyme giới hạn tốc độ trong tổng hợp Glutathione nội sinh, do cơ chế phản hồi âm tính. Khi ngừng sử dụng Glutathione ngoại sinh, cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc duy trì nồng độ Glutathione nội bào, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tạm thời, làm tăng nguy cơ stress oxy hóa và tổn thương tế bào.
- Nguy cơ rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột (với đường uống): Glutathione đường uống, dù bị phân hủy, vẫn cung cấp lượng lớn amino acid (đặc biệt cysteine) vào ruột, có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột hoặc kích thích sự phát triển của một số vi khuẩn không mong muốn. Rối loạn hệ vi sinh vật có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa, viêm ruột hoặc ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng.
Một số rủi ro, khó khăn khác có thể kể đến như:
- Nguy cơ tác dụng phụ toàn thân do tiêm tĩnh mạch: Tiêm Glutathione liều cao có thể gây phản ứng quá mẫn, nhiễm trùng tại vị trí tiêm hoặc mất cân bằng điện giải nếu không được thực hiện trong điều kiện vô trùng hoặc kiểm soát liều lượng. Các báo cáo lâm sàng ghi nhận các tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, phát ban, hoặc trong trường hợp hiếm, sốc phản vệ.
- Nguy cơ tổn thương gan và thận: Glutathione tiêm tĩnh mạch liều cao được chuyển hóa và bài tiết qua gan và thận, gây áp lực lên các cơ quan này. Sự tích tụ các sản phẩm chuyển hóa hoặc liều lượng vượt quá khả năng xử lý có thể dẫn đến độc tính, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền.
- Chi phí cao: Các dạng cải tiến như liposome hoặc S-acetyl Glutathione thường đắt hơn, có thể là rào cản cho người dùng.
6. Một số lựa chọn để cải thiện hấp thu Glutathione hay tăng lượng Glutathione nội sinh
Để khắc phục hạn chế về sinh khả dụng của Glutathione đường uống, một số phương pháp đã được phát triển và nghiên cứu:a. Glutathione bọc liposome: Glutathione bọc liposome sử dụng các hạt cầu lipid để bảo vệ Glutathione khỏi sự phân hủy trong đường tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu qua màng tế bào.
- Bằng chứng: Nghiên cứu của Sinha và cộng sự vào năm 2018 trên 12 người lớn khỏe mạnh cho thấy việc bổ sung Glutathione bọc liposome (500 hoặc 1000 mg/ngày) trong 4 tuần làm tăng nồng độ Glutathione trong máu toàn phần (40%), hồng cầu (25%), huyết tương (28%) và bạch cầu đơn nhân máu ngoại biên (100%) sau 2 tuần, kèm theo giảm các dấu hiệu stress oxy hóa → Sinh khả dụng vượt trội so với dạng thông thường.
- Ưu điểm: Tăng hấp thu, giảm phân hủy trong ruột và cải thiện hiệu quả lâm sàng.
- Nhược điểm: Chi phí cao, cần nghiên cứu thêm về liều tối ưu
b. S-acetyl Glutathione:
S-acetyl Glutathione (SAG) là một tiền thuốc của Glutathione, trong đó nhóm acetyl bảo vệ phân tử khỏi phân hủy và tăng khả năng thẩm thấu qua màng tế bào. Sau khi vào tế bào, SAG được chuyển hóa thành Glutathione bởi enzyme thioesterase.
- Bằng chứng: Nghiên cứu của Locigno và cộng sự vào năm 2018 cho thấy SAG có tốc độ và mức độ hấp thu cao hơn so với Glutathione thông thường ở người khỏe mạnh. SAG ổn định hơn trong huyết tương và được hấp thu trực tiếp vào tế bào, nơi nó chuyển thành Glutathione. Một nghiên cứu khác trên chuột của Salvemini và cộng sự vào năm 2022 cho thấy SAG cũng giúp giảm tổn thương gan do stress oxy hóa, chứng minh tiềm năng lâm sàng.
- Ưu điểm: Ổn định, dễ hấp thu và hiệu quả trong việc tăng nồng độ Glutathione nội bào.
- Nhược điểm: Ít nghiên cứu trên người, chi phí cao
c. Viên ngậm dưới lưỡi (Sublingual/Orobuccal):
Phương pháp này cho phép Glutathione được hấp thu trực tiếp qua niêm mạc miệng để vào máu, tránh sự phân hủy trong đường tiêu hóa và chuyển hóa lần đầu ở gan.
- Bằng chứng: Nghiên cứu của Buonocore và cộng sự vào năm 2016 đã phát triển một công thức viên ngậm dưới lưỡi dạng “fast-slow release” cho Glutathione, cho thấy khả năng tăng sinh khả dụng so với dạng uống thông thường.
- Ưu điểm: Tránh phân hủy tiêu hóa, tăng sinh khả dụng và dễ sử dụng.
- Nhược điểm: Cần công thức đặc biệt, ít nghiên cứu về hiệu quả lâu dài
d. N-acetylcysteine (NAC):
NAC là tiền chất của cysteine, amino acid giới hạn tốc độ trong tổng hợp Glutathione nội bào. NAC được hấp thu tốt qua đường uống và chuyển hóa thành cysteine, từ đó thúc đẩy sản xuất Glutathione.
- Bằng chứng: Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng NAC làm tăng nồng độ Glutathione nội bào hiệu quả hơn Glutathione uống trực tiếp. VD: Nghiên cứu của Locigno và cộng sự vào năm 2018 đã nhận thấy rằng NAC được sử dụng trong điều trị rối loạn liên quan đến stress oxy hóa như nhiễm HIV, nơi nó tăng mức Glutathione bằng cách cung cấp cysteine. NAC còn được nhiều nơi nhìn nhận rằng có thể tăng Glutathione hiệu quả hơn các chất bổ sung Glutathione tiêu chuẩn.
- Ưu điểm: Hấp thu tốt, chi phí thấp và được nghiên cứu rộng rãi.
- Nhược điểm: Hiệu quả phụ thuộc vào khả năng tổng hợp Glutathione nội bào.
Mặc dù các thí nghiệm kể trên ở mỗi dạng thức này đều có tiền năng mang lại cải thiện đáng kể, hiệu quả thực tế trong dưỡng sáng da vẫn cần thêm nghiên cứu để xác định liều lượng, thời gian sử dụng và đối tượng phù hợp.
7. Tạm kết
Mặc dù Glutathione uống mang tiềm năng làm sáng da và tăng cường nồng độ trong cơ thể khi sử dụng đều đặn, sinh khả dụng thấp vẫn là một rào cản lớn. Các giải pháp cải tiến như Glutathione bọc liposome, S-acetyl Glutathione, viên ngậm dưới lưỡi hay N-acetylcysteine (NAC) đang mở ra những cơ hội mới, giúp tối ưu hóa hấp thu và nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, để xác định liều lượng lý tưởng và đảm bảo hiệu quả bền vững, chúng ta cần thêm các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn. Trước khi quyết định sử dụng Glutathione lâu dài, các Đồng Điệu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt được kết quả như mong muốn.Hy vọng bài viết của Kiên có ích với mọi người. Hẹn gặp lại cả nhà vào bài viết sau
__________________________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên, Kiên Sinh và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion