Hầu hết mọi người đều từng trải qua cảm giác thương cảm cho bản thân và trách cứ người khác - như một phần của quá trình đau buồn. Tuy nhiên, giai đoạn này thường chỉ là tạm thời, rất khác so với sự bất lực, bi quan, xấu hổ, tuyệt vọng… dai dẳng ám ảnh cuộc sống của những người mắc mắc phải tâm lý nạn nhân.
1. Tâm lý nạn nhân là gì?
Trong tâm lý học lâm sàng, tâm lý nạn nhân hoặc phức cảm nạn nhân là thuật ngữ chỉ một hội chứng rối loạn của những người tin rằng họ luôn là nạn nhân trong mọi tình huống, ngay cả khi họ biết rất rõ là không phải.
Phức cảm nạn nhân thường là kết quả của những chấn thương, khủng hoảng hoặc bệnh tật, đặc biệt là những chấn thương xảy ra trong giai đoạn thơ ấu, khiến họ cảm thấy mình là nạn nhân và hoàn toàn không có khả năng xoay chuyển tình thế. Những nỗi đau này khiến họ bị mắc kẹt trong cảm giác bất lực, dễ khuất phục trước “số phận” không thể tránh khỏi của mình, vĩnh viễn đặt mình vào vị trí nạn nhân như một cách để đối phó với các vấn đề.
Tâm lý nạn nhân cũng là một đặc điểm có thể học được, điều đó có nghĩa là trong quá trình trưởng thành, nếu một người nhận thấy người chăm sóc (ông bà, bố mẹ, anh chị…) họ liên tục tự biến mình thành nạn nhân, hoặc nếu cách duy nhất để họ nhận được sự quan tâm của người chăm sóc là bị tổn thương, thì họ sẽ học lấy hành vi này và mang nó đến tuổi trưởng thành.
2. Những biểu hiện của phức cảm nạn nhân
Từ chối nhận trách nhiệm giải quyết các vấn đề với bản thân và người khác là biểu hiện phổ biến nhất. Vì họ xem mình là nạn nhân, những người yếu đuối, vô hại, dễ bị bắt nạt - vậy thì làm sao vấn đề có thể đến từ họ? Hơn nữa, phức cảm nạn nhân cũng có thể khiến họ ít đồng cảm với nỗi đau của người khác, vì họ quá đắm chìm trong nỗi đau của chính mình. Như nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”
Theo thời gian, việc trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác kéo dài có thể trở thành một phần của lòng tự tôn trong họ. Nếu ai đó đưa ra một số gợi ý để thoát ra khỏi tình cảnh này, những người mang tâm lý nạn nhân thường đáp trả bởi “ừ, nhưng…” kèm một loạt lý do tại sao cách này không khả thi - theo nhà trị liệu nhận thức Anne Mathews. Nhìn chung, những điều này ngăn cản họ học hỏi từ những sai lầm của mình hoặc tự hoàn thiện bản thân.
Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng tìm ra những điều tiêu cực ngay cả trong hoàn cảnh tích cực, hiếm khi quyết đoán, thấy khó khăn trong việc bày tỏ nhu cầu của mình. Điều này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống thường ngày và sự phát triển bền vững của người mắc phức cảm nạn nhân. Như nhà khoa học hành vi Steve Maraboli đã nói: “Tư duy nạn nhân làm giảm tiềm năng của con người. Bằng cách không chấp nhận trách nhiệm cá nhân đối với hoàn cảnh của mình, chúng ta làm giảm đáng kể khả năng thay đổi chúng”.
Tóm lại: Tất cả những tình trạng được thảo luận trên đây đều thực sự là rối loạn sức khỏe tâm thần. Cũng như các vấn đề y tế, bạn chỉ nên tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý có chuyên môn.
Tài liệu tham khảo
Andrews, A. (2011). The victim identity. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/us/blog/traversing-the-inner-terrain/201102/the-victim-identity
Braiker, H. B. (2004). Who’s pulling your strings? How to break the cycle of manipulation. McGraw-Hill.
Rakshit, D. (2020). What is the ‘victim complex’ and why do people experience it? The Swaddle. https://www.theswaddle.com/what-is-the-victim-complex-and-why-do-people-experience-it
Discussion