Thị trường mỹ phẩm ngày càng bão hòa khi các thương hiệu mới, sản phẩm mới thi đua nhau ra mắt. Ấy vậy mà bản thân Cô Phong vẫn giữ 1 lập trường, đó là để tâm hơn đến tư duy bào chế đằng sau sản phẩm đó, có thể là dung môi, hay cách phối hoạt chất, hoặc độ pH… của sản phẩm. Mục đích là để hiểu được sản phẩm đó phù hợp với làn da nào?
Trong bài viết lần này, Cô sẽ phân tích 1 vài khía cạnh về hệ nền của các sản phẩm chứa BHA. Bài viết này không nhằm mục đích quảng cáo bất kỳ thương hiệu nào, chỉ là phân tích công bằng dựa trên những lý luận khoa học.
1. Cấu trúc hàng rào biểu bì da
Trong 1 bài viết mà Cô Phong đã bàn luận về Ceramide tốt và xấu, mình đã có đề cập khá sâu về cấu trúc lớp lipid tầng sừng. Ngắn gọn thì đây là hàng rào bảo vệ da, chúng được cấu tạo từ các loại Ceramide khác nhau, kết hợp cùng với nước, NMFs để cho ra lớp lipid kép (dầu xen kẽ nước).
Ý nghĩa sinh học của lớp lipid này là để ngăn ngừa sự mất nước qua da, và hạn chế để các tác nhân lạ xâm nhập vào bên trong cơ thể.
Tất nhiên, lớp lipid kép này cũng là 1 thách thức rất lớn để hoạt chất trong mỹ phẩm có thể thấm. Vậy nên, việc phá bỏ lớp lipid này là điều mà các nhà bào chế hơi đau đầu. Vì cái khó ở đây là họ phải chọn ra được đâu là tệp da mà họ nhắm đến.
Chẳng hạn như với làn da có tình trạng mụn trứng cá ở mức độ trung bình - nặng, một công thức chứa BHA trong nền cồn và bạc hà có độ pH thấp sẽ hoạt động thật mạnh mẽ. Có điều, nếu bạn là dân tập sự khi xài BHA, hoặc có hàng rào bảo vệ da yếu thì cần phải cân nhắc.
Còn đối với làn da không quá nhiều vấn đề, một công thức BHA mang tính dịu nhẹ, có độ pH không quá thấp sẽ thích hợp hơn. Tuy nhiên, làn da quá dày sừng, hoặc số lượng mụn trứng cá nhiều thì công thức dạng này có phần kém hiệu quả.
Chung quy lại, làm sao để họ bào chế ra được 1 công thức BHA mạnh hay yếu?
2. PHÂN TÍCH VỀ TƯ DUY BÀO CHẾ
Về cơ bản thì BHA hay còn gọi là Salicylic acid, nó là 1 hoạt chất ưa dầu và nguyên liệu ban đầu nó ở dạng rắn. Vậy để sử dụng được Salicylic acid trong mỹ phẩm thì cần phải có dung môi để hòa tan. Mà mỗi sản phẩm nó sẽ có cách bào chế khác nhau sao cho Salicylic acid có thể tan được.
Hơn nữa, việc hòa tan tốt như vậy sẽ giúp BHA có thể hoạt động trên da 1 cách dễ dàng hơn.
2.1. BHA nền cồn
Cồn khô vừa đóng vai trò như 1 loại dung môi hòa tan rất tốt cho BHA, vừa là 1 chất để tăng thấm cho BHA. Vì xét về khía cạnh hóa học, tụi nó có kích thước phân tử nhỏ và dễ bay hơi.
Cách hoạt động của cồn khô sẽ khá thô bạo, chúng sẽ phá vỡ lớp lipid kép và nhanh chóng bay hơi đi, chừa đường cho BHA thẩm thấu vào da.
Như kiểu có 1 người lạ thật là lực lưỡng, tự nhiên xăm xăm vô nhà rồi quậy tan hoang cái cổng, xong rồi biến đi nhanh chóng. Cuối cùng, tất cả những người khác sẽ có thể tùy tiện bước vào căn nhà của bạn một cách không chọn lọc.
Khi lớp lipid biểu bì bị mất đi, những chất lạ cũng có thể xâm nhập vào. Chưa kể, với những bạn newbie mới dùng BHA, hoặc là những người có làn da dễ bị viêm mà dùng cồn để phá lớp màng lipid như vậy thì rủi ro kích ứng cũng rất cao!
Có nhiều câu trả lời khác nhau, có thể là hàng rào bảo vệ da khỏe, tự phục hồi lại được. Nhưng với mình, dạng công thức này sẽ hiệu quả với những đối tượng nào bị mụn viêm và nhiễm khuẩn.
Chưa kể là nó còn có thêm tinh dầu bạc hà (menthol - 1 hoạt chất thuộc nhóm terpenoid). Khi kết hợp cồn khô và menthol cùng với nhau, bộ đôi này còn tạo ra công năng kháng khuẩn cho những da bị mụn viêm, nhiễm khuẩn, chứ không chỉ dừng ở chuyện tăng thấm.
Chung quy, đó là những ưu điểm và nhược điểm với loại công thức BHA nền cồn này. Thực tế thì dạng công thức BHA nền cồn này đã xuất hiện từ lâu đời, BHA Obagi là một ví dụ điển hình.
Nếu như nhìn rộng ra hơn, thì Obagi là một thương hiệu được thành lập bởi bác sĩ Obagi, nên các sản phẩm sẽ có xu hướng tập trung phân phối cho các vị bác sĩ hay những ng có chuyên môn để kê toa cho khách hàng, bệnh nhân.
Nghĩa là sản phẩm này đưọc thiết kế cho 1 tệp khách hàng trong ngách và được theo dõi để sử dụng bởi bác sĩ hoặc ng có chuyên môn về mảng da liễu, chứ không thể bán đại trà được. Vì nếu những người bị mụn trứng cá xài thấy hiệu quả, và vô tình giới thiệu cho những người không bị mụn sẽ khó kiểm soát được rủi ro.
2.2. BHA nền glycol
Nếu xét về mặt hóa học, glycol có đặc tính tạo liên kết hydrogen với nước khá tốt để hình thành 1 lớp màng giữ ẩm cho bề mặt da.
Còn trong mảng bào chế, glycol lại được xem là 1 chất tăng cường thẩm thấu vì nó có thể giữ cho lớp màng lipid trên da luôn ở trạng thái lỏng để không cản trở khả năng thâm nhập của BHA. Trong điều kiện không có mặt chất giữ ẩm, lớp lipid này sẽ có xu hướng hơi đặc quánh lại và cản trở tính thấm.
Nhìn nhận về công thức BHA trong nền glycol, chúng sẽ thích hợp với làn da bị mất nước. Nhưng còn với làn da nhiều mụn viêm thì cần phải CÂN NHẮC. Vì lớp màng ẩm do công thức này tạo ra làm tăng rủi ro gây viêm nặng hơn cho da có nhiều ổ viêm nằm sâu bên dưới, vì có thể hại khuẩn kị khí đang nằm trong nang lông phát triển mạnh hơn.
Thực tế thì loại công thức này không có nguy hại như mọi người tưởng. Nếu nhìn rộng ra hơn, loại công thức BHA này lại mang tính nhẹ dịu để phù hợp với đa số người tiêu dùng trên thị trường. Điển hình là BHA của nhà Paula's Choice.
Điều này cũng có 1 phần liên quan đến câu chuyện thời thơ ấu của nhà sáng lập nhãn hàng Paula's Choice, vì bà Paula Begoun từng là 1 người bị chàm rất nặng, nhưng không may, bà còn dùng trúng 1 số sản phẩm skincare có tính phá màng quá mạnh có chứa acetone - là 1 dung môi trong nước rửa móng tay. Vậy nên, các sản phẩm skincare mà cô Paula Begoun sáng lập ra đều phải có hệ nền không thô bạo, phù hợp với làn da của cô ấy và đại chúng.
Nghe ví von như kiểu: tính cách của người làm mỹ phẩm nó cũng thể hiện 1 phần nhỏ trong các sản phẩm mà họ làm ra.
2.3. BHA nền nước
Kiểu này thì nghe hơi ngược đời… Vì BHA là 1 chất thân dầu, thì làm sao tan được trong nước?
Rất dễ, bọc BHA trong vỏ bọc ưa nước.
Thực tế thì trên thị trường ngày nay, Biogenic BHA là loại nguyên liệu BHA được bọc trong 1 vỏ bọc mang tính ưa nước ở kích thước nanomet.
Chủ đích là để dễ phối chế hơn trong khâu bào chế. Thay vì chọn cồn khô thì quá mạnh, còn chọn glycol thì nó tạo màng ẩm trên da, thì Biogenic BHA bọc ưa nước lại tan được trong nước khá dễ dàng, giúp dễ phối chế hơn trong các nền khác nhau.
Lấy ví dụ điển hình như công thức BHA hồng của nhà Twins, ngoài việc sử dụng loại nguyên liệu là Biogenic BHA được hòa tan trong nền nước, thì công thức này còn sử dụng thêm 1 chất tăng cường thẩm thấu mang tính “tinh tế”, không quá thô bạo, đó là Dimethyl Isosorbide.
Đặc biệt, thành phần này nó được sử dụng khá nhiều trong mảng thuốc, giúp tăng tính thẩm thấu cho các hoạt chất mang tính ưa nước.
Chẳng hạn như Potassium nitrate đậm đặc thường được sử dụng để làm giảm cơn đau do viêm loét miệng. Nhưng vấn đềlà hoạt chất này có khả năng thâm nhập rất kém vào niêm mạc. Chính vì lý do này, tác dụng có lợi của nó thường không thể dự đoán được.
Vậy nên, khi thêm Dimethyl Isosorbide vào công thức chứa Potassium nitrate trong hệ nề gel hydroxyethyl cellulose - hệ nền ưa nước, Dimethyl Isosorbide sẽ tăng cường khả năng thẩm thấu của Potassium nitrate, giúp hoạt chất này được đi sâu vào mô đích, thúc đẩy kiểm soát cơn đau nhanh chóng và chữa lành loét miệng.
Quay lại trong trường hợp bào chế BHA nền nước, BHA dạng bọc ưa nước được xem là 1 tổ hợp chất ưa nước mạnh, vậy nên, việc dùng Dimethyl Isosorbide để boost tính thấm là điều hợp lý về mặt logic của tư duy bào chế.
3. LỜI KẾT
Thực tế, mỗi công thức bào chế đều có điểm ưu và nhược riêng. Đối với mình, việc hiểu được cách phối chế của 1 sản phẩm sẽ giúp chúng ta phân định được sản phẩm đó nên dùng vào thời điểm nào cho thích hợp, chứ không chỉ nhìn vào 1 thành phần được quảng cáo trên nhãn chai.
Để rõ hơn, mọi người xem thêm video chi tiết tại đây nhen.
Còn nếu thấy hay, mọi người có thể đọc những bài viết khác của Cô Phong tại đây.
Nguồn tham khảo
- Fox, L. T., Gerber, M., Plessis, J. D., & Hamman, J. H. (2011). Transdermal drug delivery enhancement by compounds of natural origin. Molecules, 16(12), 10507-10540.
- Fox, L. T., Gerber, M., Plessis, J. D., & Hamman, J. H. (2011). Transdermal drug delivery enhancement by compounds of natural origin. Molecules, 16(12), 10507-10540.
- Otto, A., Wiechers, J. W., Kelly, C. L., Hadgraft, J., & Du Plessis, J. (2008). Effect of penetration modifiers on the dermal and transdermal delivery of drugs and cosmetic active ingredients. Skin pharmacology and physiology, 21(6), 326-334.
- https://www.ulprospector.com/en/na/PersonalCare/Detail/1488/8852950/BioGenic-Sallic-210?doc=1660308&st=20&bplogin=success
_______________
Thông tin liên hệ
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Cô Phong Hóa Cọc và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion