Tháng trước, mình đã đi xem Inside Out 2. Mình nghĩ chúng ta, những người đã trải qua độ tuổi dậy thì đều có thể tìm thấy bản thân mình đâu đó trong cô bé Riley - nhân vật chính của phim. Suốt thời thơ ấu đến trước tuổi 13 của Riley, cảm xúc Vui Vẻ (Joy) đã luôn cố gắng giữ lại những kỷ niệm hạnh phúc, loại bỏ mọi ký ức tiêu cực để nuôi dưỡng bản sắc, đức tin của Riley, rằng “Mình là người tốt”. Nhưng bước sang tuổi 13 với sự xuất hiện của các cảm xúc mới cùng những sự kiện mà Riley trải qua đã khiến đức tin của cô bé gần như sụp đổ, thay vào đó là ý nghĩ “Mình chưa đủ tốt”.
Khủng hoảng tuổi dậy thì là một điều thường được nhắc đến. Nhưng tại sao đã bước qua độ tuổi ấy từ rất lâu, chúng ta vẫn có những giai đoạn cảm thấy chơi vơi, trống rỗng, cáu kỉnh… vì không biết mình là ai?
Nếu đang ở trong trạng thái này, có thể cái gọi là Identity crisis đã ghé thăm bạn.
Identity crisis là gì?
Identity crisis - Khủng hoảng căn tính hay khủng hoảng bản sắc là một trạng thái mà ta không hiểu rõ những gì tạo nên bản thân: tích cách, điểm mạnh, điểm yếu, đam mê… Đây là một khái niệm do nhà tâm lý học Erik Erikson đặt ra khi nghiên cứu về các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội.
Khủng hoảng căn tính rơi vào giai đoạn thứ 5 của sự phát triển. Nếu như ở tuổi dậy thì, ta khủng hoảng vì những thay đổi liên tục của cơ thể, hormones, cảm xúc… thì ở giai đoạn 20-30 tuổi, chúng ta suy tư về sự nghiệp, các mối quan hệ đã và đang có, vai trò của mình trong xã hội, sứ mệnh của mình khi đến với cuộc đời…
Những thay đổi trong nhận thức và con người mà chúng ta đang là ở độ tuổi này có thể sẽ xung đột với hình dung của chúng ta trong thời thơ ấu. Điều này cũng góp phần quan trọng trong việc đưa chúng ta rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Khủng hoảng bản sắc có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, đặc biệt là sau khi chúng ta phải trải qua những sự thay đổi lớn trong cuộc sống như:
- tốt nghiệp THPT hoặc Đại học
- bắt đầu đi làm
- thay đổi công việc hoặc con đường sự nghiệp
- thay đổi bản dạng giới
- kết hôn
- trở thành cha mẹ
- nghỉ hưu
- trải qua đại dịch
Đối mặt với khủng hoảng bản sắc như thế nào?
Thừa nhận và chấp nhận cảm xúc của bản thân là bước đầu tiên. Khi chúng ta xem khủng hoảng bản sắc là một phần của quá trình phát triển bản thân, chúng ta mới có thể bao dung cho chính mình và sẵn sàng vượt qua nó.
Tiếp đến, bạn hãy nhớ rằng “chính mình” không phải là một cái khung cố định, và bạn sẽ phải liên tục đối thoại với bản thân mình. “Chúng ta không thể gặp một người hai lần, cho dù đó là cùng một người”, cho dù đó là người trong gương.
Đôi khi, bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè… trong giai đoạn khủng hoảng này. Nhưng đến cuối cùng, chỉ có bạn mới có thể giải quyết những câu hỏi ngổn ngang trong đầu mình. Đây không phải bài thi 90 phút, có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra câu trả lời.
Một lưu ý nhỏ cuối cùng: Nhà tâm lý học Erik Erikson nhận định rằng khủng hoảng bản sắc là một quá trình bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này mang lại quá nhiều tác động tiêu cực kéo dài cho sức khỏe tinh thần thì có thể bạn đang cần đến sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.
Discussion