Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY

@latrang.co

Có cần bôi niacinamide 20%? @Tùng Phông Xanh #latrang #latrangskincaretoigian #skincaretoigian #niacinamide #niacinamide20 #goclamdep #beautytok #learnontiktok

♬ nhạc nền – Là Trang – Là Trang

Chuyện là Trang lướt TikTok và bắt gặp quan điểm: “Niacinamide 10 – 20% là để điều trị, đặc trị”. Tính đến thời điểm hiện tại, với Trang, việc dùng Niacinamide 10 – 20% để ĐIỀU TRỊ là chưa đủ cơ sở, dư thừa, không cần thiết. Thậm chí, nó có thể dẫn đến trào lưu treatment lệch lạc, có hệ thống từ brand đến người dùng.

Quan điểm này của Trang dựa trên dẫn chứng, lập luận rõ ràng từ các nghiên cứu khoa học chứ không có nói sà lơ :)) Nên chính bạn đấy, nếu không muốn bị dắt mũi cũng như đặt niềm tin quyết liệt vào Niacinamide 10 – 20% mới có khả năng đặc trị hiệu quả thì nghiêm túc đọc hết bài nha.

Muốn bàn gì bàn, trước hết cũng phải hiểu rõ những thông tin cơ bản về Niacinamide đã chứ các Đồng Điệu nhỉ?

I/ Tổng quan về Niacinamide

1. Lịch sử tìm thấy Niacinamide

Các nghiên cứu về Niacinamide bắt nguồn từ việc tìm kiếm giải pháp cho căn bệnh Pellagra. Căn bệnh này được cho là bệnh truyền nhiễm, với nhiều triệu chứng suy nhược, đặc biệt là các triệu chứng gây tổn thương da nghiêm trọng.

lich-su-niacinamide-tri-benh-pellagra

Căn bệnh này kéo dài hơn 4 thập kỷ, với khoảng 3 triệu người mắc bệnh, 100.000 người tử vong và hàng ngàn người dân nghèo bị “bỏ rơi” (không được nhận các phúc lợi chữa trị đáng có). Cho đến khi Joseph Goldberger (một nhà dịch tễ học lâm sàng nổi tiếng) xuất hiện và bác bỏ quan điểm Pellagra là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan.

Cùng với đó ông đã chứng minh chế độ ăn uống thiếu chất (chỉ gồm bột ngô, mật mía…,) của đa số người dân nghèo mới chính là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Dựa trên phát kiến của ông, năm 1937, Conrad Arnold Elvehjem (một nhà hóa sinh người Mỹ) đã phát hiện ra Niacin (Vitamin B3) và các dẫn xuất của nó (đương nhiên là bao gồm Niacinamide) có thể điều trị bệnh Pellagra.

Đó, Niacinamide được tìm ra như thế đó. Cả một quá trình phát kiến khoa học mang ý nghĩa to lớn mọi người nhỉ.

2. Niacinamide là gì?

Vậy cuối cùng bản chất Niacinamide là gì? Hiểu một cách đơn giản thì Niacinamide (hay nicotinamide) là một dạng dẫn xuất của Vitamin B3 (Niacin). Hoạt chất này mang lại nhiều tác dụng hữu ích cho làn da của chúng ta nhưng không để lại các tác dụng phụ đáng kể.

Các nhà khoa học có đưa ra giả thuyết rằng Niacinamide là thành phần hữu ích đáng có trong sản phẩm chăm sóc da vì nó là tiền thân của hai loại đồng enzyme quan trọng trong tế bào của chúng ta:

  • Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD+/NADH)
  • Nicotinamide adenine dinucleotide phosphate (NADP+)

niacinamide-la-gi-niacinamide-10

Cả 2 phân tử Trang vừa liệt kê ở trên đều là yếu tố quan trọng tham gia vào các phản ứng sửa chữa tổn thương và tái tạo tế bào da. Trang sẽ nói rõ hơn về các tác dụng của Niacinamide trong phần tiếp theo.

3. Niacinamide có tác dụng gì?

3.1 Làm sáng da

Niacinamide là một hợp chất làm sáng da hiệu quả vì Niacinamide có thể ức chế vận chuyển melanosome từ tế bào sắc tố sang tế bào sừng. Do đó, việc sử dụng các sản phẩm chứa Niacinamide sẽ giúp da bạn giảm đáng kể tình trạng tăng sắc tố và sáng đều màu hơn.

3.2 Củng cố hàng rào bảo vệ da

Dân chuyên skincare chắc đều biết Ceramide là thành phần quan trọng có trong hàng rào bảo vệ da. Mà Niacinamide lại có khả năng làm tăng hàm lượng Ceramide. Ngoài ra, Niacinamide cũng làm tăng lượng axit béo tự do có trong lớp sừng, đồng thời giảm sự mất nước qua biểu bì và tăng cường tổng hợp protein cho tế bào (keratin chẳng hạn).

Những tác dụng này giúp Niacinamide trở thành thành phần key trong các sản phẩm mang công dụng củng cố, phục hồi hàng rào bảo vệ da.

niacinamide-co-tac-dung-gi

3.3 Chống oxy hóa

Như Trang có nói ở phần “Niacinamide là gì”, Niacinamide là tiền chất và đóng vai trò quan trọng để tạo ra NAD(H) và NADP(H). Đây là hai loại coenzyme đóng góp trực tiếp vào quá trình chuyển hóa tế bào cùng khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra việc sử dụng Niacinamide ở nồng độ từ 4 – 5% có thể làm giảm nếp nhăn, giảm ban đỏ, vàng và sắc tố có trên da lão hóa. Ở phần II Trang có chỉ ra một vài nghiên cứu khoa học minh chứng cho tác dụng này, mọi người có thể xem thêm nha.

3.4 Dưỡng ẩm

Có nghiên cứu chứng minh Niacinamide có tác dụng làm giảm tình trạng khô da và cải thiện chức năng bảo vệ của lớp sừng. Do đó, các sản phẩm chứa thành phần Niacinamide sẽ giúp da duy trì độ ẩm tốt hơn, da trở nên mịn màng, căng bóng hơn.

Link nghiên cứu: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10971324/

3.5 Điều tiết dầu, cải thiện kích thước lỗ chân lông và hỗ trợ giảm mụn

Có nghiên cứu chỉ ra rằng 2% Niacinamide bôi ngoài da có thể làm giảm sản sinh các thành phần có trong bã nhờn như glyxerit và axit béo. Do đó, Niacinamide có thể kiểm soát sự tiết dầu, từ đó cải thiện kích thước lỗ chân lông. Còn về tác dụng giảm mụn, Trang có dẫn link nghiên cứu minh chứng ở phần tiếp theo nghen.

II/ Hoài nghi quan điểm: Niacinamide 10 – 20% là để điều trị, đặc trị

1. Chúng ta đang thiếu vắng các nghiên cứu về “Niacinamide 10 – 20% dùng để điều trị”

Đã nói đến ĐIỀU TRỊ thì phải có sự nghiên cứu đến thực nghiệm minh bạch, bài bản. Chứ giờ Trang thấy cái chữ điều trị nó dễ dùng quá các Đồng Điệu ạ :))

1.1 Quan điểm của Bác sĩ da liễu Dr Dray

Cách đây 3 năm, Bác sĩ da liễu nổi tiếng người Mỹ – Dr Dray đã thẳng thắn không recommend Niacinamide Paula’s Choice 20% vì các nguyên do sau:

niacinamide-paulas-choice-20

Thứ nhất, sản phẩm Niacinamide Paula’s Choice 20% được quảng cáo là Niacinamide đậm đặc (highly concentrated Niacinamide). Nhưng theo các nghiên cứu về thuốc và dược học, không có nghĩa Niacinamide càng đậm đặc thì luôn tốt hơn, hiệu quả hơn.

Một số thành phần (nói chung) sẽ bị bão hòa (supersaturated) khi sử dụng ở nồng độ đậm đặc. Nên sẽ không ngoại trừ trường hợp Niacinamide 20% của nhà Paula’s Choice cũng bị như vậy.

Thứ hai, Dr Ray cũng không chắc chắn về sự hiệu quả của Niacinamide Paula’s Choice 20% vì với nồng độ đậm đặc 20%, Niacinamide có khả năng bị kết tủa (precipitated out) khi sử dụng chung với các thành phần khác.

Thứ ba, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng thành phần % càng cao, hoạt chất càng có khả năng gây kích ứng trên da. Do đó, dùng nồng độ cao hơn không chắc sẽ tăng hiệu quả hơn, chỉ có chúng ta phải trả tiền nhiều hơn và đối mặt với nhiều rủi ro kích ứng hơn thôi.

Thứ tư, các nghiên cứu đáng tin cậy về hiệu quả điều trị của Niacinamide đa số ở nồng độ 5%. Còn về hiệu quả Niacinamide 20% hiện không có nghiên cứu rõ ràng.

1.2 Quan điểm của Trang

Trang đồng ý với các quan điểm trên của Dr Dray. Tiêu biểu như ý thứ ba, thực tế chúng ta có thể thấy điều tương tự với Benzoyl Peroxide (BPO). Nồng độ BPO 10% không mang đến nhiều hiệu quả hơn 2.5%, đã vậy còn làm tăng nguy cơ gây kích ứng.

so-sanh-muc-do-kich-ung-benzoyl-peroxide-2.5-va-10

Trang có nói chi tiết về vấn đề này trong clip “Nồng độ càng cao, hoạt chất càng mạnh?“, bạn nào cần thì xem thêm nha.

@latrang.co

Nồng độ càng cao hoạt chất càng mạnh liệu có đúng không? #latrang #hoatchatmypham nooincare #beautytok

♬ nhạc nền – Là Trang – Là Trang

Cá nhân Trang ủng hộ các nghiên cứu mới để phát triển một hoạt chất nào đó, giúp cho việc làm đẹp trở nên ngày càng hiệu quả, tối giản. Chứ Trang không ủng hộ kiểu bình mới, rượu cũ, push tỉ lệ hoạt chất cao hơn mức cần thiết để bán giá cao hơn. Đó là đang bán cho khách hàng một “ước mơ xa xỉ” về hoạt chất chứ không bán giá trị thật.

Ở một góc độ khác, cứ cho là nhà Paula’s Choice có những nghiên cứu nội bộ cho thấy việc dùng Niacinamide 20% là hiệu quả thật đi. Thì Trang nghĩ Paula’s Choice cũng nên công bố khoa học rõ ràng và nhấn mạnh yếu tố “do nội bộ hãng nghiên cứu”.

Cho dù các công bố nghiên cứu là sự chủ quan từ hãng thì Trang nghĩ nó vẫn đáng trân trọng và giúp khách hàng hiểu rõ nó là góc nhìn từ hãng, họ kỳ vọng riêng từ lời hứa của hãng chứ không phải xem là tiêu chuẩn khoa học quốc dân được công nhận/ xác thực rộng rãi.

Với ý thứ tư của Dr Dray, Trang cũng bổ sung thêm một số nghiên cứu để các bạn an tâm sử dụng Niacinamide 4 – 5%:

Một số nghiên cứu về hiệu quả điều trị của Niacinamide 4 – 5%

Với khoảng nồng độ này, có rất nhiều nghiên cứu kéo dài từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến tận ngày nay. Ví dụ:

+ Về hiệu quả giảm mụn:

Tiêu biểu có Nghiên cứu năm 1995 (Shalita và cộng sự) so sánh khả năng trị mụn của 4% Niacinamide và 1% Clindamycin (một kháng sinh trị mụn phổ biến) trong 8 tuần. Kết quả cho thấy cả Niacinamide và Clindamycin đều hiệu quả trong việc giảm mụn. Trong đó, nhóm sử dụng Niacinamide có 82% bệnh nhân giảm triệu chứng mụn viêm; còn Clindamycin là 68%. Sau đó cũng có nhiều nghiên cứu cho kết quả tương tự.

niacinamide-4-tri-mun

+ Về giảm nám:

Nghiên cứu năm 2011 của Josefina Navarrete-Solís và cộng sự trong 8 tuần với 27 người tham gia cho thấy Niacinamide 4% có hiệu quả trong điều trị nám. Tuy nhiên, nó hơi kém hơn 4% Hydroquinone (thường được coi là tiêu chuẩn vàng) trong điều trị nám. Cụ thể, 44% bệnh nhân thấy sự cải thiện tốt với Niacinamide và 55% thấy điều tương tự với Hydroquinone.

Tuy nhiên, mặc dù Niacinamide kém hiệu quả hơn nhưng có ưu điểm là ít tác dụng phụ như đỏ da, ngứa da hơn Hydroquinone. Kết quả cùng nghiên cứu cho thấy 18% người tham gia gặp tác dụng phụ đối với Niacinamide và 29% đối với Hydroquinone.

niacinamide-4-tri-nam-0

hydroquinone-4-tri-nam

+ Về hiệu quả cải thiện sắc tố:

Hakozaki và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu chứng minh tác dụng của Niacinamide đối với chứng tăng sắc tố da in-vivo. Kết quả cho thấy tình trạng da được cải thiện sau 12 tuần sử dụng Niacinamide 5%.

niacinamide-5-cai-thien-sac-to

Một nghiên cứu lâm sàng khác được thực nghiệm tại Kobe, Nhật Bản với phụ nữ từ 25 – 60 tuổi sau 8 tuần cũng cho thấy việc sử dụng Niacinamide 5% có cải thiện sắc tố da rõ rệt.

niacinamide-5-cai-thien-sac-to-da

2. Dùng Niacinamide 20% đang là trào lưu được tạo nên từ sức ảnh hưởng ngầm của nhà buôn độc quyền

Cá mập thì luôn khao khát và nhận định nhanh nhạy cơ hội làm giàu. Nên khi thấy một brand làm được mà đại dương vẫn xanh thì dĩ nhiên các brands khác cũng sẽ nhanh chóng nhảy vào.

Trang sẽ kể các Đồng Điệu nghe một câu chuyện trong nghề nhập khẩu mỹ phẩm từ một người bạn (có dịp thích hợp Trang sẽ bật mí sau). Bạn Trang kể rằng khi các nhà cái lớn của Việt Nam phân phối độc quyền một brand nào đó về nước thì họ sẽ yêu cầu brand R&D sản phẩm dành riêng cho thị trường mỹ phẩm Việt.

Có một nhà cái lớn là đối tác của bạn Trang đã đặt vấn đề muốn làm sản phẩm Niacinamide 10 – 20% với một brand lớn ở Tây Ban Nha. Kết quả là phòng lab bên đó từ chối thẳng. Họ nói 5% Niacinamide là chuẩn và đạt hiệu quả tối ưu rồi. Việc nâng nồng độ lên cao như vậy là vô nghĩa và có thể làm banh uy tín của brand họ. Còn khi qua Hàn, đặt vấn đề tương tự lại có vẻ dễ thở hơn.

Khi sản phẩm về tới Việt Nam, việc họ bung tiền ra booking quảng cáo tạo trào lưu tiêu dùng là chuyện đương nhiên. Mà một nhà cái làm vậy thu nhiều lợi nhuận thì nhà cái khác cũng đâu khoanh tay chịu thiệt, họ sẽ làm điều tương tự :)) Từ đó càng push cho trào lưu tiêu dùng này lên cao, dần dần khiến nó trở thành điều hiển nhiên.

Không chỉ riêng Niacinamide mà xa hơn là nhiều brand sẽ càng chạy đua nồng độ/ thập cẩm hoạt chất càng cao, càng nhiều, càng thể hiện mình khoa học, hiệu quả :)) Rồi dần dần hình thành thói quen liệt kê bảng thành phần khoa học, rồi cứ lôi số lượng, hàm lượng nồng độ ra để so sánh giữa các hãng với nhau.

Nên nhiều khi, sự tiêu dùng của chúng ta cũng không tự do như mình nghĩ đâu. Mà thật ra chúng ta được dẫn dắt bởi trào lưu, bởi đám đông hơn là sự tìm hiểu bản chất. Rõ ràng, tới giây phút này, chẳng mấy ai còn quan tâm những nghiên cứu khoa học thực sự của việc dùng Niacinamide 10 – 20% để điều trị.

3. Thiếu vắng sự lên tiếng, một bộ lọc khắt khe hơn từ người có chuyên môn

Như trong bài viết “KOL KOC là gì? Thực trạng loạn KOL và KOC trong mảng skincare“, Trang cũng nói rồi, KOL nên tiên phong đi trước chia sẻ kiến thức, phân tích khách quan, trung thực, kỹ lưỡng về vấn đề da/hoạt chất trước.

KOC sẽ tiếp tục từ đó chia sẻ những trải nghiệm chân thực để làm đối trọng với kiến thức của KOL. Xem thực tế sử dụng thì có gì giống và khác với kiến thức đã được đưa ra trước đó. Cũng như không bị sa đà chém gió về kiến thức như thể mình là chuyên gia.

Chưa kể, việc dùng nồng độ càng cao thì càng phải sản xuất nhiều, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường.

III/ Kết luận: Có nên bôi Niacinamide 10 – 20% để điều trị?

Cá nhân Trang không chọn dùng Niacinamide 10 – 20% để dưỡng da hay điều trị. Là người skincare tối giản, Trang nói không với việc vẽ vời, nói không với những thứ đang chưa rõ bản chất.

Xin nhấn mạnh thêm Trang không ghét Paula’s Choice hay bất cứ 1 brand nào để cố tình làm nội dung này với mục đích điều hướng dư luận. Là hậu bối, Trang có sự tôn trọng nhất định với Paula’s Choice. Trang chỉ muốn tập trung vào vấn đề cần được làm rõ chứ không phải muốn công kích cá nhân hay tổ chức nào cả.

Trang biết vẫn có những bạn dùng tỉ lệ này thấy hiệu quả. Nên hợp thì các bạn cứ dùng tiếp thôi. Còn không thì bạn chính là chuột bạch thể hiện kết quả thực nghiệm để vài năm tới tỉ lệ này được công nhận rộng rãi trong giới khoa học. Hoặc thật ra bạn dùng Niacinamide 5% mà ngon thì kết quả cũng y vậy :)))

Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!