Tục ngữ có câu “giận cá chém thớt” để chỉ trường hợp giận một người nào đó mà không làm gì được, bèn trút cơn giận vào một người không liên quan khác. “Cái thớt” ấy thường lại chính là những người thân bên cạnh chúng ta.

Đây là một vấn đề muôn thuở, nhưng vẫn còn rất nhiều người né tránh, không dám đối diện. Đọc qua tiêu đề, có lẽ cũng nhiều bạn nghĩ “chắc nói ai chứ không phải mình đâu”. Tuy nhiên, đây lại là một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa và lứa tuổi, ai cũng có thể mắc phải, không loại trừ bất kỳ đối tượng nào. 

“Cái thớt” thường sẽ là những người yếu thế/ có vai vế thấp hơn trong gia đình, ví dụ như: cha mẹ trút giận lên con cái, người chồng đi làm trút giận lên người vợ ở nhà nội trợ… Những tổn thương này không chỉ dừng lại ở nỗi buồn thoáng qua mà có thể tích tụ thành vết thương sâu, khó lành, khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng. 

Về mặt xã hội, những gia đình như vậy có thể góp phần hình thành nên những cá nhân với tinh thần dễ bị tổn thương, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, thậm chí là có xu hướng bạo lực, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Bởi đây là một vấn đề cấp thiết nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực nên khi team quản trị Đồng Điệu ngỏ lời phỏng vấn về chủ đề này, tôi đã dành thời gian chia sẻ. 

Hôm nay, tôi sẽ tóm lược một số điểm quan trọng trong buổi trò chuyện để các Đồng Điệu có thể nắm thông tin về nguyên nhân của hiện tượng tâm lý này, đồng thời tìm cho mình giải pháp phù hợp.

1. Theo cô, đâu là nguyên nhân khiến một người có xu hướng cả nể, lịch sự với người ngoài rồi lại làm tổn thương những người thân thuộc với mình?

- Lý do phổ biến thứ nhất là những mối quan hệ thân thuộc (bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột…) mang đến cảm giác an toàn. Họ yêu quý mình nên mình không phải e ngại bộc lộ con người thật nhất. Bởi cảm thấy an toàn nên chúng ta thường nghĩ rằng “nếu mình có hơi quá đáng thì họ sẽ tha thứ, chấp nhận mình, họ cũng biết tính mình rồi nên sẽ không giận đâu.” Ngược lại, với người ngoài thì chúng ta không thấy an toàn, cần phải giữ thể diện nên ta có xu hướng lịch sự, lễ phép, chỉn chu hơn (nhưng không hẳn là tử tế hơn, đó chỉ là hình thức bề ngoài - người ta gọi là “giao tiếp xã giao”). 

- Lý do thứ hai mà tôi rút ra được trong quá trình tham vấn tâm lý là họ có những tổn thương trong gia đình. Trường hợp gần nhất mà tôi gặp là một cô bé lớp 9 muốn tự tử. Khi tôi hỏi về tuổi thơ, cô bé có nói một chi tiết là: “Mẹ con không yêu con. Mẹ con giao con cho người giúp việc và không quan tâm gì cả.” Vì có mặc cảm rằng mẹ không yêu mình nên khi giao tiếp với mẹ, cô bé thường khó chịu, gắt gỏng hơn. Đó chỉ là một góc nhỏ trong tham vấn tâm lý mà tôi muốn chia sẻ, để thấy rằng những chấn thương tâm lý trong quá khứ đến từ các mối quan hệ trong gia đình có thể khiến người ta cư xử thô lỗ với nhau mà người ngoài không thể hiểu được.

- Lý do thứ ba là có một số người không làm chủ cảm xúc của mình tốt, nên dễ bộc lộ sự mất kiểm soát này với người nhà khi áp lực, căng thẳng hoặc ốm đau. Còn với người ngoài, liên quan đến nguyên nhân đầu tiên tôi chia sẻ, thì họ không cảm thấy an toàn nên không dám bộc lộ cảm xúc tiêu cực này. 

- Lý do thứ tư thuộc về phía nạn nhân. Có những bậc cha mẹ quá chiều con, có những người vợ quá chiều chồng… khi đối phương cư xử không đúng mực, họ không bày tỏ cho người ta biết là mình khó chịu, nên đối phương cứ “được nước lấn tới”.

Thực tế cuộc sống còn nhiều lý do khác nữa mà phạm vi bài viết này chưa đề cập hết. Các bạn hãy quan sát chính mình để nhận diện và thay đổi để hạnh phúc hơn cho mình, cho người thân nhé.

2. Làm thế nào để một người có thể tự nhận ra họ đang rơi vào xu hướng này và bắt đầu điều chỉnh?

- Việc đầu tiên chúng ta cần làm chính là nhận diện được đây là một vấn đề mà ai cũng có thể mắc phải một cách rất là bản năng vì những lý do trên, từ đó có ý thức thay đổi. 

Tiếp theo, chính mình hãy nhìn lại xem mình có hay hối hận khi cư xử với người thân, rồi phải tìm cách xoa dịu họ hay không. Chúng ta cư xử thô lỗ với người thân không phải vì ta không thương họ, nên khi hết cơn giận, ta sẽ áy náy và tìm cách chuộc lỗi. Nên nếu nhận ra điều này ở mình, chúng ta cần điều chỉnh ngay.

Thứ ba, chúng ta cần lắng nghe và quan sát người thân, xem họ có buồn phiền, khó chịu, xa cách với mình không? Có phàn nàn với người thân khác rằng mình cư xử không tốt với họ không? Khi nhận thấy những dấu hiệu như vậy, chúng ta cần nói chuyện với họ để biết mình đã làm điều gì khiến họ buồn và điều chỉnh.  

3.  Như cô đã chia sẻ thì lý do không chỉ đến từ một phía. Vậy các thành viên trong gia đình cần làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh tình trạng này xảy ra?

- Đây đúng là trách nhiệm của đôi bên. Bản thân nạn nhân cần phản hồi rằng mình thấy khó chịu, bởi đôi khi đối phương sẽ rất khó nhận ra họ đang cư xử không đúng. Còn nếu chúng ta là người muốn thay đổi, chúng ta cũng cần ngỏ ý với người thân rằng nếu ta hơi nóng giận thì sau đó họ phải nói để chúng ta điều chỉnh. Thái độ sẵn sàng lắng nghe của chúng ta sẽ giúp người thân thoải mái nói ra cảm xúc của họ. 

Một điều rất quan trọng là mỗi người cần phải tự rèn luyện và phát triển khả năng làm chủ, chuyển hóa cảm xúc. Tham gia được các lớp học bài bản thì tốt, nhưng nếu không thì chúng ta vẫn có thể tự ý thức trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp lành mạnh với người thân, giải quyết xung đột trong gia đình, tránh để cảm xúc kéo mình đi. Khi nâng cao được năng lực, trí tuệ cảm xúc (EQ), chúng ta sẽ hạn chế được thói “giận cá chém thớt” này.