Xem clip tóm gọn nội dung tại: ĐÂY

@latrang.co

Nếu sữa rửa mặt làm sạch bong kin kít nhưng khô căng, sau vài tiếng da đổ dầu nhiều thì rất có thể bạn đang dùng sữa rửa mặt xà phòng mà không biết. #latrangskincaretoigian #latrang #skincaretoigian #suaruamat #xaphongruamat #suaruamattraxanh #senkavietnam #inisfree #beautytok #goclamdep

♬ nhạc nền – Là Trang – Là Trang

Trang rất không đồng ý với quan điểm, “sữa rửa mặt thì xài đại, chai nào cũng được, y chang nhau, cũng chỉ là đồ rửa trôi thôi mà”. Vì nó thể hiện sự xuề xòa, chứ không phải tối giản.

Đơn cử như bạn đang gặp tình trạng da sạch bong kin kít sau khi rửa mặt. Nhưng sau vài tiếng đồng hồ da lại đổ dầu nhiều hơn, mặc dù bạn đã né loại sữa rửa mặt chứa SLS hay cồn. Thì sao? Thì rất có thể bạn đang sở hữu một chai sữa rửa mặt chứa xà phòng công nghiệp nhưng bạn lại không hề hay biết.

Đấy! Thế nên hôm nay Trang sẽ chỉ cho bạn cách nhận biết xà phòng công nghiệp bằng bí quyết rất đơn giản của dân bào chế. Để từ đấy bạn cân nhắc ngay từ đầu và lựa chọn xem chai sữa rửa mặt bạn muốn mua có phù hợp với da mình hay không.

I/ Cách nhận biết sữa rửa mặt không chứa xà phòng công nghiệp

Nếu bạn gặp 1 chai sữa rửa mặt có chứa các đặc điểm Trang sắp liệt kê bên dưới thì nó là sữa rửa mặt CÓ chứa xà phòng công nghiệp đó. Nghĩa là những loại không có các đặc điểm bên dưới sẽ là sữa rửa mặt KHÔNG chứa xà phòng công nghiệp.

1. Là sữa rửa mặt có chứa nhóm axit béo liên quan đến làm sạch và Potassium Hydroxide

Bây giờ Trang sẽ lấy ví dụ cụ thể từ một con sữa rửa mặt trà xanh quốc dân – Innisfree Green Tea Foam Cleanser.

sua-rua-mat-khong-chua-xa-phong-innisfree

Bạn cứ bỏ qua hết những thành phần rườm rà đi, chỉ cần tập trung vào đúng 4 thằng axit béo:

  • Myristic Acid (liên quan đến độ mềm xốp của xà phòng)
  • Lauric Acid (liên quan đến khả năng tạo bọt)
  • Stearic Acid (liên quan đến độ cứng của xà phòng)
  • Palmitic Acid (liên quan đến độ cứng của xà phòng)

Cùng với thằng Potassium Hydroxide (KOH) giúp Trang là được. Vì sự kết hợp của 5 thành phần đó sẽ tạo nên muối xà phòng có khả năng tẩy rửa cực kỳ mạnh mẽ.

Thế nên kể từ giờ trở đi, khi bạn nhìn vào bất cứ một chai sữa rửa mặt nào có đúng sự kết hợp trên thì đều là sữa rửa mặt bằng có chứa xà phòng.

Hoặc, chỉ cần 1 trong 4 thằng axit béo trên cộng với Potassium Hydroxide thì cũng chính là nó đó. Ví dụ như chai sữa rửa mặt Senka Perfect Whip, chỉ có 3 acid béo.

sua-rua-mat-khong-chua-xa-phong-perfect-whip-collagen

Tiện nói thêm, có một điểm Trang không thích ở sữa rửa mặt Innisfree Green Tea Foam Cleanser. Không phải do nó là sữa rửa mặt xà phòng mà bởi vì cách làm marketing.

Rõ ràng lấy concept chiết xuất trà xanh ra để PR nhưng mà nồng độ sử dụng thì gần như là không đáng nói tới. 31 ppm có nghĩa là 0,0031% hay là nói toẹt ra ấy là 1 tấn thành phẩm thì chỉ có được 31gr chiết xuất thôi. Quá ít :))

2. Là sữa rửa mặt có chứa muối xà phòng

Còn một trường hợp nữa để nhận biết sữa rửa mặt xà phòng là khi bạn nhìn thấy các loại muối xà phòng sau đây xuất hiện trong chai sữa rửa mặt của mình:

  • Potassium Stearate
  • Potassium Myristate
  • Potassium Palmitate
  • Potassium Laurate

muoi-xa-phong-khong-co-trong-sua-rua-mat-khong-chua-xa-phong-2

Điển hình như sữa rửa mặt Perfect Whip Foam Cleanser. Nó đều chứa các muối xà phòng kể trên nên đích thị là một chai sữa rửa mặt xà phòng.

sua-rua-mat-khong-chua-xa-phong-perfect-whip-foam-cleanser

II/ Bản chất của sữa rửa mặt xà phòng và những điều cần lưu ý

1. Độ pH cao

Do sữa rửa mặt xà phòng có chứa KOH – Potassium Hydroxide. Và đây là một thành phần có độ pH gốc rất cao, tính kiềm cực kỳ mạnh mẽ.

Trang có thử đo độ pH của KOH bằng quỳ tím. Như các bạn đã thấy ở ảnh bên dưới, quỳ tím đổi màu thấy khiếp :)) Độ pH của nó phải rơi vào tầm 13 – 14.

Trang nghĩ sau khi KOH phản ứng với cả axit béo, thì sản phẩm sau cùng cũng đạt là từ 9.5 – 10.

do-ph-cua-potassium-hydroxide

Để nói một câu công bằng thì độ pH rơi vào khoảng như trên rất có thể là độ pH lý tưởng cho việc làm sạch sâu.

Bởi vì lớp màng bảo vệ trên da của chúng ta có độ pH khoảng 4.5 – 5.5. Nên khi gặp sữa rửa mặt xà phòng với độ pH cao như trên, chắc chắn chúng sẽ tạo ra phản ứng mạnh mẽ, từ đó khiến cho những bụi bẩn, dầu thừa nhanh chóng bị phân rã và cuốn trôi đi.

Khổ nỗi là phản ứng của nó mạnh mẽ quá nên làm sạch hơi ố dề :)) Cộng với việc làm chênh lệch độ pH trên da, nó cũng khiến cho hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng. Đồng thời, độ ẩm trong da cũng dễ dàng bị thất thoát ra bên ngoài. Những tác nhân ngoại lai dễ dàng xâm nhập vào sâu bên trong da, gây nên vô vàn rắc rối.

hang-rao-bao-ve-da-ngan-do-am-that-thoat-qua-da

Thế thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao không hạ độ pH xuống?

Không :)) Bởi vì nếu sữa rửa mặt xà phòng có độ pH thấp sẽ làm giảm luôn khả năng làm sạch. Thế nên Trang không thấy một nhà bào chế nào cố gắng hạ độ pH của sữa rửa mặt xuống cả.

2. Rẻ, dễ bào chế

Vì vừa rẻ, vừa dễ bào chế nên sữa rửa mặt xà phòng vẫn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay. Và để biết chính xác tại sao thì chúng ta sẽ phân tích qua 4 thằng axit béo được nhắc đến ở phần I nha.

Hiện tại, 4 loại axit này đã được sử dụng ở dạng tổng hợp công nghiệp và có độ tinh khiết rất cao rồi. Còn lúc trước, khi mà máy móc chưa phát triển, người ta sẽ sử dụng dầu thực vật, hay thậm chí là mỡ động vật cho phản ứng với Potassium Hydroxide để tạo ra xà phòng.

Với cách cũ này sẽ có 3 vấn đề:

– Thứ nhất, giá thành cực kỳ đắt đỏ.

Bạn cứ tưởng tượng bây giờ 4 cái loại axit béo đấy có vài chục ngàn 1 ký thôi. Nhưng lúc trước nếu sử dụng dầu dừa thì cũng đã vài trăm ngàn 1 ký rồi (cho loại dầu dừa tốt). Chưa kể đến việc phải phối thêm những loại dầu khác vào.

– Thứ hai, nguyên liệu dễ lẫn tạp chất, khó kiểm soát chất lượng.

– Thứ ba, nguyên liệu khó chiết tách, còn dư lại nhiều thành phần.

Nguyên liệu khó chiết tách bởi vì trong dầu, ngoài 4 loại axit béo kể trên, còn có 4 loại axit béo khác không liên quan đến việc tạo ra xà phòng mà chủ yếu là giữ ẩm. Thế nên, nếu chúng ta không tách được 4 loại axit béo tạm gọi là dư thừa này ra thì chúng có thể gây nên tình trạng bết rít trên da.

cac-loai-dau-tu-nhien

Đoạn này Trang muốn nói thêm là khi lựa chọn các loại dầu để đưa vào sữa rửa mặt, các nhà bào chế sẽ lựa loại dầu có 4 loại acid liên quan đến làm sạch cao.

Ví dụ, dầu dừa (coconut oil) sẽ có tỷ lệ 4 loại acid béo làm sạch cao nên thường được dùng để làm sạch. Trong khi dầu argan (argan oil) có tỷ lệ 4 loại acid béo làm sạch thấp, còn tỷ lệ các loại acid béo dưỡng ẩm cao nên hợp để dưỡng ẩm.

dau-dua-dau-argan

Để biết tỷ lệ các loại acid béo làm sạch, acid béo dưỡng ẩm trong các loại dầu tự nhiên là bao nhiêu, mọi người có thể check ở website này nghen: http://soapcalc.net/calc/soapcalcwp.asp

III/ Có nên dùng sữa rửa mặt chứa xà phòng công nghiệp?

Tóm lại, việc Trang chia sẻ sữa rửa mặt xà phòng công nghiệp không phải vì mục đích ghét bỏ hay gây hoang mang cho các bạn (mặc dù Trang hoàn toàn có thể lái nó đi theo một chiều hướng drama hơn, câu view hơn). Vậy chứ chia sẻ chi?

Các Đồng Điệu theo dõi Trang đủ lâu chắc đều biết, với Trang, chả có mọe gì tuyệt đối cả :)) Sữa rửa mặt xà phòng công nghiệp cũng vậy. Nó không có gì là xấu cả. Chỉ đơn giản là nó hơi kén da. Nếu như bạn có làn da dầu, khỏe, biết thiết kế một quy trình dưỡng ẩm tốt ở phía sau thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng được.

Hiện tại Trang thấy nhiều nhà sản xuất họ cũng cố gắng cải thiện công thức này, ngay cả với Innisfree. Bảng thành phần ở phiên bản sau đã có bổ sung thêm Amino Acid nhằm cấp ẩm thêm cho da. Ừ, đỡ được phần nào hay phần nấy :))

Trang chỉ hy vọng những bạn có làn da không phù hợp với loại sữa rửa mặt này, đừng vì một vài lời quảng cáo hay là review thiếu chân thực mà mua nó về, tổ thêm dư thừa, tốn kém.

Skincare tối giản – nói không với dư thừa các Đồng Điệu nhỉ :)))

Cuối cùng, vẫn là vài dòng nhắn quen thuộc. Trang rất mong nhận được những quan điểm của mọi người về chủ đề này để có thêm nhiều góc nhìn. Hoặc nếu các bạn có chủ đề nào đó hay ho thì có thể đặt vấn đề để chúng ta cùng nhau bàn luận nhé!