1. Quá trình lành thương và hình thành sẹo
Khi bị thương, vết thương trải qua các giai đoạn chồng chéo khác nhau để khôi phục sửa chữa da, bao gồm 4 Giai đoạn chính: Giai đoạn cầm máu, Giai đoạn Viêm, Giai đoạn Tăng sinh và Giai đoạn Tái tạo Trong giai đoạn cầm máu: nói nôm na là một quá trình biến đổi tính chất vật lí của máu từ dạng lỏng sang dạng rắn hạn chế mất máu và tạo ra một rào chắn ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể thông qua vết thương hởTrong giai đoạn viêm: sau giai đoạn cầm máu thì sẽ tới phản ứng viêm. Trong giai đoạn này, một số tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào đến vết thương để chống lại các vật thể lạ và mảnh vụn mô nhằm làm sạch vết thương, chuẩn bị cho giai đoạn tăng sinh tiếp theo. Giai đoạn kéo dài tầm khoảng 3-5 ngày hoặc hơn nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng
Trong giai đoạn tăng sinh: là giai đoạn tái cấu trúc, phục hồi lại những khiếm khuyến mà tổn thương gây ra thông qua sự hình thành mô liên kết mới, các tế bào khác nhau trên da thực hiện một số nhiệm vụ như các nguyên bào sợi tạo ra collagens mới, tế bào nội mô hình thành các mạch máu mới và tế bào sừng tăng sinh để bao phủ lớp da ngoài cùng là lớp biểu bì nhầm khôi phục tính toàn vẹn của da.
Và nguyên bào sợi chính là thành phần đóng vai trò chính yếu trong giai đoạn này, chúng sẽ tổng hợp tạo ra các sợi collagen cũng như các chất của mô liên kết (mô hạt) để làm đầy vết thương, các mạch máu mới cũng sẽ được tái tạo và da non sẽ được sản sinh thông qua quá trình biểu mô hóa.
- Trong giai đoạn tái tạo: collagen khác sẽ thay thế cho loại trước đó và vết thương bắt đầu co lại, được hỗ trợ bởi nguyên bào sợi xơ giúp thiết lập cấu trúc để tăng sức bền cho vết thương. Chức năng của các mô sẽ không ngừng được hoàn thiện nhưng sẽ không thể phục hồi như ban đầu
Tuy lớp da mới được hình thành nhưng phía bên dưới, hoạt động tăng sinh của các sợi collagen vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.Và sự tăng sinh quá mức về số lượng hoặc trật tự collagen trong cấu trúc sẽ gây nên tình trạng sẹo tại vị trí vết thương. Nguyên bào sợi và tế bào sừng sản xuất các enzyme tham gia vào việc tái cấu trúc chất nền ngoại bào bao gồm cả enzyme thủy phân protein cấu trúc gọi là “matrix metalloproteinases” gọi tắt là MMP và yếu tố ức chế MMP ( đọc tới đây mình sẽ thấy có 2 yếu tố là 1 là MMP 2 là yếu tố ức chế MMP).
MMPs giúp phá hủy mô ngoại bào. Để lành vết thương, cần duy trì sự cân bằng giữa MMPs và chất ức chế MMPs. Nếu tỷ lệ MMPs cao hơn yếu tố ức chế MMPs, vết thương sẽ co lại và hình thành rỗ. Nếu tỷ lệ này thấp hơn, vết thương có thể phình to lên và tạo thành sẹo lồi.
Giai đoạn này thường kéo dài kéo dài khoảng 21 ngày đến 1 năm tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, mức độ tái tạo thường chỉ đạt khoảng 80% có nghĩa là hầu như không thể lành hẳn như nền da ban đầu. Do đó nếu bị các vấn đề như mụn, thuỷ đậu hoặc chấn thương thì việc chăm sóc và xử lý rất quan trọng, nếu được chăm sóc đúng cách trong quá trình lành thương và sau khi lành thương sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ hình thành sẹo.
2. Hình ảnh lâm sàng của sẹo
Có một số loại chính bao gồm như phì đại, lồi và rỗ (lõm).
1/ Sẹo rỗ: biểu hiện là những vết lõm trên da do nhiều nguyên nhân khác nhau như mun trứng á, thuỷ đậu hoặc các chấn thương hay vết thương. Trên lâm sàng thường gặp nhiều do mụn trứng cá
Tình trạng sẹo rỗ là phổ biến hơn, chiếm tỉ lệ cao trong các loại sẹo. Dựa trên hình thái, sẹo rỗ được chia thành 3 loại sau:
-
Sẹo đáy nhọn (ice pick): loại sẹo chiếm khoảng 60-70%,. Đặc điểm của loại sẹo này là có đường kính nhỏ hơn 2mm. Chân của sẹo thường nằm sâu tận lớp trung bì sâu hoặc lớp mô dưới da, đường kính của sẹo thu nhỏ dần từ bề mặt đến đỉnh sâu nhất tạo thành hình chữ V. Đây là loại sẹo khó điều trị nhất và khó đáp ứng nhất, thường bị nhầm là do lỗ chân lông
-
Sẹo đáy vuông (box scar): có hình dạng tròn hoặc bầu dục, đáy sẹo rộng hơn so với sẹo đáy nhọn. Bờ sẹo thường có độ sắc nét, vách sẹo thẳng đứng, đường kính thường từ 1,5-4mm. Khi nhìn vào đáy vuông, vết sẹo có thể kéo dài từ 0,1-0,5mm
-
Sẹo đáy tròn (rolling): thường ít gặp. Chúng có kích thước lớn nhất trong các loại sẹo, bờ sẹo nông, dốc và nền sẹo thường giống màu da bình thường. Đường kính của sẹo có thể lên đến 4-5mm. Hình dạng bề mặt bên ngoài thường không đều đặn, gồ ghề, tạo nên hình dạng bề mặt đáy cuộn tròn hoặc nhấp nhô. Dưới đáy sẹo đáy tròn thường có các dải sợi liên kết với lớp hạ bì và lớp dưới da. Sẹo này khi điều trị cần tách sẹo kết hợp
2/ Sẹo phì đại (tăng trưởng quá mức): thường xuất hiện dưới dạng dày và nhô lên nhưng không vượt ra ngoài rìa vết thương. Là những tổn thương màu hồng nổi bật, cứng chắc, thường xuất hiện ở vùng thân hơn là trên da mặt.Hình thành do quá trình sản xuất collagen quá mức tại vị trí viêm, có thể đi kèm với giảm hoạt động enzyme ly giải collagen.Thường gặp ở người da màu hơn người da trắng. và thường xuất hiện ở body hơn là mặt
3/ Sẹo lồi tương tự nhưng vượt ra ngoài rìa vết thương ban đầu, phổ biến hơn ở loại da sẫm màu, ngứa hơn và đau hơn so với sẹo phì đại. Là những nốt sần màu đỏ tía, kéo dài ra khỏi ranh giới của vết thương ban đầu, phình to, làm mất thẩm mỹ. Thường xuất hiện ở những vị trí quanh vùng da bị tổn thương.Và phát triển trong một thời gian dài, khó có thể hồi phục như sẹo phì đại
Qua các cơ chế trên, ta thấy sẹo là một phần tự nhiên trong quá trình lành thương của cơ thể, nếu da gặp các vấn đề tổn thương như mụn, thuỷ đậu hoặc chấn thương..v.. nếu chăm sóc tốt sẽ có thể ngừa được các tình trạng sẹo. Để ngừa sẹo mình có thể tham khảo một số gạch đầu dòng sau
Đối với sẹo mụn
-
Cách tốt nhất để ngừa sẹo là điều trị mụn càng sớm càng tốt, nếu để viêm lâu các tổn thương viêm càng nhiều càng sâu thì nguy cơ để lại sẹo càng cao
-
Không nên tự nặn mụn tại nhà, cạy mụn vì vi khuẩn trên tay có thể làm cho tình trạng mụn trầm trọng hơn, trường hợp không lấy hết nhân mụn bên dưới sẽ làm mụn tiếp tục sưng viêm nhiều hơn
-
Nên chọn Spa/Clinic uy tín để lấy mụn đúng cách tránh nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc lấy sai cách gây ra sẹo nặng hơn
Đối với sẹo chấn thương
-
Nên giữ vết thương sạch sẽ, cẩn thận khi sử dụng oxy già (hydrogen peroxide) vì có thể gây tổn thương với những tế bào da khỏe mạnh làm vết thương lâu lành và nguy cơ sẹo cao hơn
-
Nếu vết thương hở và sâu quá nhiều cần can thiệp y tế nhanh nhất để khâu vết thương sẽ giúp vết thương nhanh đóng và nhanh lành hơn
-
Giữ ẩm vết thương và chống nắng kĩ tránh việc bị tăng sắc tố tại vùng sẹo
-
Có thể sử dụng các miếng dán silicon hoặc các loại thuốc thoa sẹo như Strataderm…
-
Bổ sung các thực phẩm giàu acid folic, các loại vitamin như B12 giúp đẩy nhanh quá trình tạo máu, tạo mô mới làm vết thương mau lành
-
Kiên nhẫn và chờ đợi, vết thương cần có thời gian chữa lành, không nên áp lực lo lắng đặt kì vọng cao quá rồi tin tưởng quá mức vào quảng cáo trị sẹo dứt điểm dẫn đến trị không đúng cách khiến tình trạng nặng nề hơn
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Nguyễn Thanh Bích và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion