“Một nét văn hóa bỗng trở thành tội lỗi, và mọi người phải đấu tranh cho quyền bình đẳng vốn đã có.” Đó là một nhận định mà mình đã đọc được khi tìm những tài liệu về Pride Month. 

Từ lẽ thường

Nói về LGBTQ+, có lẽ phải bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa”. Các nhà khảo cổ học đã tìm được dấu tích của quan hệ đồng tính từ thời đồ đá. Hình vẽ trên đá ở Sicily khoảng 9,000 đến 5,000 năm TCN phác họa quan hệ đồng tính nam. Mối quan hệ đồng giới đã luôn là một phần của cấu trúc xã hội của nhiều nền văn minh, từ Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, đến Lưỡng Hà. Dấu ấn của những chuyện tình đồng giới tràn ngập từ thần thoại đến đời thực. 

Như trong hình minh họa là bức tranh nổi tiếng về cặp đôi Apollo và Hyacinth. Hyacinth là hoàng tử xứ Sparta, khôi ngô tuấn tú đến độ cả thần Mặt trời Apollo và Thần gió Tây Zephyrus đều đem lòng say đắm. Nhưng Hyacinth lại chọn Apollo và quấn quýt không rời, khiến Zephyrus sinh lòng ghen tức. Thế là Zephyrus rủ Apollo chơi ném đĩa, và canh lúc Apollo trổ tài mà tạo gió mạnh, làm chiếc đĩa bay vào đầu Hyacinth, đoạt đi mạng sống của chàng trai không-chọn-mình. Quá đau khổ và hối hận trước cái chết của người tình, Apollo đã ôm xác chàng khóc rất lâu, rồi biến chàng thành loài hoa dạ lan hương. 

Hoạt động tình dục đồng giới đã được hợp pháp hóa trong Đế quốc Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại) vào năm 1858. Khi các nước phương Tây xâm chiếm Ottoman, họ gọi các hành động của dân bản xứ là homosexuality (tình dục đồng tính) để phân biệt với heterosexuality (tình dục nam nữ). Rồi chẳng biết tự bao giờ, một điều tự nhiên bỗng biến thành một loại tội lỗi. 

Vô số các phương pháp “chữa trị” và trừng trị như sốc điện, đánh đập, tr*o cổ, cưỡ*g hi*p, khâu nhỏ hậu m*n đã được thực thi. 

Trở thành một điều phải đấu tranh để giành được

Năm 1897, tổ chức đầu tiên mang sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người đồng tính với tên gọi Order of Chaeronea được thành lập bởi George Cecil Ives. Đáng nói là giai đoạn này (thời Victoria), thái độ kỳ thị người đồng tính đang rất gay gắt. Phụ nữ cũng được giáo dục giới tính bởi những lý thuyết rất kỳ lạ, như tử cung được coi là bộ phận gây ra mọi phiền toái như ghen tuông hay điên loạn tập thể (hysteria).

Đầu thế kỉ 20, phong trào ủng hộ LGBT nổi lên ở Đức. Ủy ban Khoa học - Nhân đạo (Scientific - Humanitarian Committee) đã được bác sĩ Magnus Hirschfeld thành lập để vận động chống lại luật nghiêm cấm quan hệ đồng tính ở Đức. Tuy vậy, khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, có khoảng 3000 - 9000 người đồng tính bị giết, hàng nghìn người khác bị bắt giam trong vụ diệt chủng Holocaust. 

Sau chiến tranh, nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT như The Mattachine Society, ONE... được hình thành dưới phong trào Homophile (1945-1969). Homophile có tiền tố là từ “homo” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là giống nhau, và hậu tố “phile”, tức là yêu. Điều này có thể được xem là một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ, để nhấn mạnh hơn vào yếu tố tình yêu thay vì tình dục như từ “homosexual”, từ đó thể hiện mong muốn phá bỏ định kiến rằng người đồng tính luôn lang chạ, phóng đãng. 

Vào ngày 28/6/1969, khoảng 3 giờ sáng, cảnh sát đã tiến hành đột kích vào Stonewall Inn — một câu lạc bộ đồng tính nằm trên Phố Christopher của Thành phố New York. Cuộc đột kích dần biến thành bạo lực khi khách hàng và người dân địa phương ủng hộ cộng đồng người đồng tính đã bắt đầu nổi loạn chống lại cảnh sát. 

Ngay sau sự kiện Stonewall, Phong trào Giải phóng người đồng tính (Gay Liberation Movement) đã nổi lên. Một năm sau, cuộc Diễu hành giải phóng người đồng tính đầu tiên được tổ chức bởi Mặt trận Giải phóng người đồng tính (Gay Liberation Front) vào ngày 28/6/1970 ở New York. Sự kiện này được coi là cuộc biểu tình lớn đầu tiên trong lịch sử để đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính, đánh dấu sự xuất hiện của Tháng Tự hào.

Từ đó, Diễu hành giải phóng người đồng tính và Ngày tự do người đồng tính được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới. Về sau đây còn trở thành hoạt động tưởng nhớ những người đồng tính bị bạo hành.

Để có được hình ảnh lá cờ lục sắc rực rỡ và đầy tự hào như ngày này, nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Thậm chí ngay lúc này, ở đâu đó trên thế giới, vẫn có người đang phải gánh chịu những hành động thù ghét. Mình sẽ để một số tài liệu nghiên cứu ở phần comment. Mình nghĩ, một trong những lý do khiến hate crime vẫn tiếp diễn là vì người ta không hiểu rằng, “công nhận” không đồng nghĩa với việc bạn phải trở thành một phần của họ.

Tháng Tự hào sẽ luôn cần thiết, để tưởng nhớ những người đã ra đi và đấu tranh cho những người còn đang sống. Sau cùng, xin trích một đoạn văn-có-vần-điệu mà mình từng đọc được:

“Như chú gà trống yêu chiếc mào đỏ,

cô gà mái yêu bộ lông mượt,

con thuyền vượt sóng,

cây lúa trổ bông,

chúng mình tự hào,

không phải để cao ngạo với ai,

mà vì chúng mình đều đang đi đến ngày mai”.