Cô biết là ai trong đây cũng đã dần chán chường với các hoạt chất dưỡng da trên thị trường hiện tại, BHA, Retinol, Benzoyl Peroxide, Panthenol, Hyaluronic acid, Niacinamide… Nói thật là nhìn riết, Cô cũng cảm thấy chán chường rùi, nhưng cũng không thể chối bỏ những hiệu quả lâm sàng mà nó mang lại.

Rồi thôi, nay Cô rảnh Cô lên 1 cái giáo án mới để nêu ra 1 vài thành phần hoạt chất mà Cô nghĩ ít người biết đến, cũng như là có khả năng sẽ hot trong thời gian tới.

1. Dầu Ozone hóa

Ở góc nhìn của 1 người làm nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học như Cô thì thành phần này giống như là Benzoyl Peroxide (BPO), nhưng nó lại có 1 số đặc tính nhỉnh hơn mà BPO không có được. Chắc chắn là có tính kháng khuẩn rồi đấy!

Để mà nói, dầu thực vật là 1 nguyên liệu khá hot hit ở thời điểm hiện tại và được nhiều brand để tâm tới hơn trong thời gian gần đây, vì khả năng giữ ẩm nó mang lại thì không có gì bàn cãi được, chủ yếu là đến từ các acid béo. Tụi này có thể là Oleic, Linoleic, Linolenic, Punicic acid…, chúng có tính giảm viêm cực kỳ tốt, ngặt nỗi là oil thực vật lại không có đặc tính kháng khuẩn cho da.

Nếu như đem 1 đống dầu này (à, phải là dầu chứa nhiều acid béo không bão hòa nhé) rồi cho phản ứng với khí Ozone (khí này luôn tồn tại trên tầng bình lưu của Trái Đất và có thể tổng hợp được trong phòng thí nghiệm lẫn công nghiệp) thì chúng sẽ trở thành Trioxolane – thành phần có khả năng sinh ra gốc tự do giống BPO.

Bởi dầu thực vật được ozone hóa lại có tính ưa dầu cao hơn so với BPO, tụi nó có thể thẩm thấu sâu vào trong da khi sở hữu những mạch carbon dài hơn. Đồng thời, khả năng tạo màng giữ ẩm để tăng tốc quá trình lành thương sẽ được thấy rất rõ, vì nó cũng được thừa hưởng đặc tính tốt đẹp này từ nguồn nguyên liệu đầu.

Thêm một chút thông tin về Ozone

Ozone có tính oxy hóa rất mạnh. Trong y tế, nó như là một chất diệt khuẩn rất mạnh mẽ, bằng cách phá vỡ lớp màng lipid của vi sinh vật thông qua cơ chế tạo gốc tự do. Từ lâu, lĩnh vực dược phẩm lẫn mỹ phẩm cũng rất là muốn ứng dụng ozone vào sản phẩm bôi ngoài da rồi, nhưng vì khí ozone lại có thời gian tồn tại khá ngắn, cũng như độ hoạt động nó quá cao nên hiệu quả không mang lại như mong muốn bởi chúng phân hủy nhanh trước khi thấm vào da.

thanh-phan-doc-la

2. Linoleic Acid

Thành phần này được đề cập nhiều trong các loại thực phẩm chức năng – đồ uống hay trong thực phẩm, nhưng nếu sử dụng trong mỹ phẩm – đồ bôi thì rất ít người biết về công dụng thật sự của chúng. Ban đầu, có nhiều nghiên cứu phát hiện “những người bị mụn lại có hàm lượng Linoleic acid trong bã nhờn thấp hơn so với những người bình thường”.

Thông qua việc bổ sung Linoleic acid, vấn đề mụn sẽ được giải quyết ngay từ gốc rễ, bằng cách cải thiện độ đặc quánh của bã nhờn, ngăn gây ra tình trạng bít tắc lỗ chân lông và lên mụn. Đặc biệt, Linoleic acid còn củng cố lớp màng lipid da tránh gây hỏng bằng cách tạo thế đối trọng với Oleic acid – thành phần sẽ gây hỏng hàng rào bảo vệ nếu hàm lượng nó quá cao trong bã nhờn.

thanh-phan-doc-la

3. Sulfur (Lưu huỳnh)

Vào thời xa xưa, lưu huỳnh đã được sử dụng như là bài thuốc để chữa lành những tổn thương cho da, ức chế tình trạng viêm đỏ, nhiễm trùng ở vết thương.

Trong sử sách da liễu, người ta còn ghi nhận là “Nước lưu huỳnh được dùng chữa bệnh thần kinh; làm giảm đau do căng thẳng và co thắt; làm sạch da khỏi mụn mủ, vết loét mãn tính, thô ráp, tàn nhang, bệnh bạch biến và bệnh bạch tạng. Tuy nhiên, nó làm suy yếu dạ dày và sự thèm ăn.”

Nhưng cho đến hiện tại, lưu huỳnh được sử dụng để ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả Propionibacterium acnes, cũng như Sarcoptes scabiei, một số loài Streptococci và Staphylococcus aureus. Cho bạn nào chưa biết thì bệnh viện da liễu trung ương cũng đang bán 1 lọ lưu huỳnh trị mụn độc quyền, nhìn chợ chợ nhưng là công thức bất truyền, chỉ có đi khám thì người ta mới bán thôi nhé!

Nếu nói rõ về cơ chế hơn, thì sulfur sẽ làm bất hoạt nhóm thiol (-SH) có trong 2 loại amino acid chính là methionine và cysteine. Đây được xem là các amino acid đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình chuyển hóa tế bào.

Ngoài ra, trong quá trình làm bất hoạt nhóm thiol của 2 loại amino acid chứa lưu huỳnh kể trên, sản phẩm phụ sinh ra còn chứa H2S. Đây là thành phần có tính acid và được ghi nhận là có thể làm tiêu sừng cho những làn da đang bị tắc nghẽn lỗ chân lông. Cũng vì thế mà những sản phẩm chứa lưu huỳnh khi xài xong sẽ có cái mùi thum thủm nhẹ, nhưng mà Cô thích mùi này cực, hihi.

thanh-phan-doc-la

4. Exosome

Cô nhớ tầm cuối năm 2022 đến bây giờ, exosome dần nổi lên trong giới skincare, khi đó là người người nhà nhà đổ xô nhau đi săn lùng mỹ phẩm exosome hay đi tiêm exosome. Nhưng Cô có vài điều muốn chia sẻ đến cho mọi người như này…

Exosome là những túi tiết mang vai trò “liên lạc” được tế bào sản sinh ra nhằm liên lạc với các tế bào khác. Chúng có kích thước chúng rất nhỏ, khoảng 160nm đổ lại, nhưng nó lại có vai trò quan trọng để trao đổi tín hiệu trong cơ thể con người.

Phần lõi là nơi chứa vật chất trong tế bào mẹ sản xuất, như là DNA, mRNA, miRNA… Phần vỏ là màng lipid rất mỏng để bảo vệ các vật chất bên trong tế bào, ngoài ra, nó còn gắn thêm 1 số tín hiệu trên phần vỏ để biết nơi đâu mà đưa “mật thư” đúng chỗ.

Điểm mà ít ai nói với mọi người đó là hiệu quả mà mn nhận được từ exosome sẽ phụ thuộc vào đặc tính của nguồn gốc tế bào (tức là phần lõi):

– Exosome từ trung mô tủy xương người sẽ mang những tín hiệu giảm viêm mạnh mẽ

– Exosome từ dây cuống rốn sẽ mang tín hiệu tăng sinh (có lẽ vì thế mà dây cuống rốn của các bà mẹ sau sinh thường được lưu trữ lại trong 20 năm để có thể chữa bệnh cho những em bé gặp bất kỳ tai nạn gì đó)

– Exosome từ tế bào ung thư tiết ra sẽ có thể làm ung thư di căn sang các bộ phận các trong cơ thể

Nghe thần kỳ là thế, nhưng quá trình cô lập cũng như bảo quản exosome rất là khó khăn và phải nghiêm ngặt để có thể giữ cho exosome không bị vỡ phần màng, cũng như là đảm bảo hoạt tính khi dùng.

Nên nói thật, Cô sẽ không tin cái hiệu quả mang lại từ exosome khi chúng được chứa trong những chai serum hay hũ kem dưỡng mà còn có thêm hỗn lốn các thành phần khác như chất bảo quản, hay chất nhũ hóa…

Vậy nên, Cô khuyên thật, nếu ai có ý định dùng exosome thì nó phải đứng trong 1 lọ riêng biệt và bảo quản ở nhiệt độ thấp (~0-8 độ C), cũng như chỉ nên dùng ngoài da sau khi xâm lấn tại các clinic mà thôi. À, exosome hiện tại cũng chưa được FDA cấp phép để mà tiêm meso đâu nhé! Nên hãy thật lưu ý điều này dùm Cô, lỡ tiêm xong có bị gì là không biết kiếm ai để mà “bảo hành” cho đâu :)))

thanh-phan-doc-la

5. Colloidal silver

Silver nanoparticle (nano bạc) là một trong những thành phần ít người biết đến nhưng nó đã rầm rộ trong giới khoa học từ rất lâu.

Theo đó, bạc vốn là 1 trong những kim loại được các quý’s tộc’s sử dụng từ lâu đời để khử độc trước khi ăn uống, hay thậm chí là dùng chén bạc để ăn cơm. Và cũng có 1 sự thật thú vị nữa đó là bảo quản đồ ăn trong chén bạc nguyên chất thì đồ ăn lâu bị hư hơn

–> Tất cả công dụng này đều có thể suy ra được đó là bạc có tính kháng khuẩn, kháng nấm mốc mạnh mẽ.

Vậy nên nano bạc dần được áp dụng nhiều hơn vào mỹ phẩm ở các công thức kháng khuẩn như kem trị bỏng, kem dùng cho vết thương hở ngoài da.

Điểm đặc biệt mà Cô lưu ý nữa đó là tùy thuộc vào màng bọc của bạc, cũng như là kích thước hạt nano tạo thành, thì hoạt tính mang lại nó cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Một số nghiên cứu mà Cô đọc được họ kết luận là kích thước càng nhỏ, thì tính ức chế vi khuẩn càng cao.

Anyway, Cô nghĩ thành phần này sẽ khá là hot hit trong thời gian sắp tới, vì nó “xanh” vs môi trường và hoạt tính là thấy khá rõ. Phòng lab của Cô nghiên cứu cũng đang làm về lĩnh vực này nên Cô cũng biết 1 chút về nó và chia sẻ thêm vs mọi người nè!

thanh-phan-doc-la

Kết luận

Nhìn chung, những thành phần độc lạ này Cô nghĩ cũng sẽ có người biết và có người không. Nhưng Cô muốn truyền tải nhiều hơn cho nhiều người vì chủ yếu Cô thấy nó khá là tiềm năng trong thời gian sắp tới. Để Cô ngồi kiếm thêm 1 số thành phần như vậy nữa, và viết tiếp cho mn tham khảo nhé!

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Cô Phong Hóa Cọc và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.

_______________

Nguồn tham khảo

Downing, D. T., Stewart, M. E., Wertz, P. W., & Strauss, J. S. (1986). Essential fatty acids and acne. Journal of the American Academy of Dermatology14(2), 221-225.

Darbandi, M. P., & Taheri, J. (2018). Using sulfur-containing minerals in medicine: Iranian traditional documents and modern pharmaceutical terminology. Earth Sciences History37(1), 25-33.

Li, P., Kaslan, M., Lee, S. H., Yao, J., & Gao, Z. (2017). Progress in exosome isolation techniques. Theranostics7(3), 789.

Lin, A. N., Reimer, R. J., & Carter, D. M. (1988). Sulfur revisited. Journal of the American Academy of Dermatology18(3), 553-558.

Szerencsés, B., Igaz, N., Tóbiás, Á., Prucsi, Z., Rónavári, A., Bélteky, P., … & Kiricsi, M. (2020). Size-dependent activity of silver nanoparticles on the morphological switch and biofilm formation of opportunistic pathogenic yeasts. BMC microbiology20, 1-13.

Ugazio, E., Tullio, V., Binello, A., Tagliapietra, S., & Dosio, F. (2020). Ozonated oils as antimicrobial systems in topical applications. Their characterization, current applications, and advances in improved delivery techniques. Molecules25(2), 334.