Nếu tình trạng mụn trứng cá của bạn điều trị bằng nhiều phương pháp nhưng không đáp ứng, tình trạng mụn trứng cá của các bạn có thể bị ảnh hưởng nhiều bởi nội tiết trong cơ thể.

Hãy cùng Bác sĩ Thành phân tích điều này để hiểu hơn về mụn nội tiết và ở phần cuối bài viết mình sẽ chỉ cho các bạn những dấu hiệu để nhận biết mụn trứng cá bị ảnh hưởng nhiều bởi nội tiết tố.

Nội tiết tác động đến mụn trứng cá như thế nào

Tế bào hình thành tuyến bã nhờn của con người biểu hiện vô số các thụ thể, bao gồm các thụ thể cho các hormone peptide, chất dẫn truyền thần kinh và các thụ thể cho các hormone steroid và tuyến giáp. Các hormone và chất trung gian khác nhau hoạt động bằng cách gắn vào các thụ thể tương ứng để chỉ huy tế bào tuyến bã nhờn hoạt động.

Nói về hormon có thể tác động đến tuyến bã nhờn thì không chỉ có androgen (testosterone) mà còn có một số hormon khác cũng có vai trò trong sinh bệnh học mụn trứng cá đó là các hormon insulin (hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, có chức năng quan trọng trong việc điều chỉnh mức đường trong máu) và hormon tăng trưởng có cấu trúc giống insulin là IGF-1, được sản xuất chủ yếu ở gan.

Vì vậy ở một số bạn có tỉ lệ cân bằng giữa các loại hormon estrogen và testosterone nhưng vẫn biểu hiện mụn trứng cá trên lâm sàng có thể do mất cân bằng các loại hormon khác kể trên.

IGF-1 có thể trực tiếp gắn vào thụ thể IGF-1 (IGF-1R) trên bề mặt tế bào của tuyến bã nhờn, kích hoạt con đường tín hiệu PI3K/Akt. Hơn nữa, IGF1 còn kích thích tổng hợp androgen tuyến sinh dục. Các con đường này thúc đẩy sự tăng trưởng và phân chia tế bào tuyến bã nhờn.

Với Insulin, tăng insulin máu làm tăng mức lưu hành của IGF-1, và cũng kích hoạt con đường tín hiệu tương tự như IGF-1.

=> Một chế độ ăn với lượng đường cao thúc đẩy gia tăng đường truyền tín hiệu insulin/IGF-1 gây ra tình trạng tăng tiết bã nhờn có thể gây mụn và vì vậy trong điều trị mụn trứng cá, giảm đường, tinh bột trong bữa ăn có thể hỗ trợ điều trị mụn rất tốt.

Khi lên mạng tìm về mụn nội tiết thì các bạn có thể hay được nghe nói là mụn mọc ở phần hàm dưới là mụn nội tiết. Tuy nhiên đây là một thông tin không đầy đủ.

Có 2 dạng mụn trứng cá ảnh hưởng nhiều bởi nội tiết: Dạng đầu tiên gặp ở 80% bệnh nhân và được đặc trưng bởi sự xuất hiện các tổn thương viêm bề mặt (sẩn, mụn mủ) khắp mặt với ít nốt sần. Dạng thứ hai, ít phổ biến hơn (20% phụ nữ trưởng thành bị mụn trứng cá), khu trú chủ yếu ở vùng hàm dưới, cằm và được đặc trưng bởi nhiều mụn trứng cá và u nang đóng kín với một vài tổn thương viêm kèm không viêm.

9-dau-hieu-mun-noi-tiet

Về mặt lâm sàng, mụn nội tiết thường khởi phát khi trưởng thành, mụn trứng cá có thể xuất hiện nhiều hơn trước kỳ kinh, và có / không có kinh nguyệt không đều và hội chứng rậm lông. Sự dao động về mức độ nội tiết tố androgen có thể dẫn đến bùng phát mụn trứng cá theo chu kỳ.

Sự tham gia của nội tiết tố androgen (trong đó có testosterone) và các hormone khác trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá được suy ra từ các bằng chứng lâm sàng. Nhưng cũng cần khẳng định lại yếu tố chính tác động đến lượng bã nhờn chính là hormon androgen. Có 2 trường hợp mà androgen tác động đên tuyến bã nhờn:

  • Mất cân bằng giữa các nhóm hormon khiến nồng độ androgen cao có liên quan đến mụn trứng cá. Ví dụ như lượng estrogen giảm xuống khiến nồng độ androgen trở nên cao hơn, hoặc trường hợp tăng cao andrgen bất thường.

  • Tuyến bã nhờn quá mẫn cảm với nội tiết tố androgen lưu hành cũng được cho là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của mụn trứng cá. Những người không nhạy cảm với androgen không phát triển mụn trứng cá vì họ không hoặc sản xuất ít bã nhờn.

Testosterone và dihydrotestosterone (DHT) được tạo ra từ testosterone thông qua enzym 5-alpha reductase là 2 loại hormon androgen liên kết các thụ thể androgen ở nhân tế bào của tuyến bã nhờn, sau đó tương tác với axit deoxyribonucleic trong nhân tế bào bã nhờn và cuối cùng điều chỉnh các gen liên quan đến tăng sinh tế bào và hình thành lipid. Phối tử thụ thể kích hoạt peroxisome tăng sinh (PPAR) được cho là có vai trò trong việc điều hòa các gen chuyển hóa lipid. Những điều này làm quá trình sản xuất bã nhờn diễn ra mạnh mẽ tạo nên mụn trứng cá. Có một số hội chứng liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố và biểu hiện bằng mụn trứng cá.

Các hội chứng khác nhau liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố và mụn trứng cá

– Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường được đặc trưng bởi sản xuất quá nhiều androgen(nhóm hormon bao gồm testosterone là hormon chính gây mụn trứng cá) ở buồng trứng, rối loạn phóng noãn và buồng trứng hơi to với nhiều nang nhỏ ngoại vi xuất hiện dưới dạng u nang. Những cá nhân có biểu hiện của hội chứng này chiếm 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Rối loạn này thường đi kèm với kháng insulin và vô sinh. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm kinh nguyệt không đều do rối loạn rụng trứng và di chứng da liễu bao gồm chứng rậm lông, mụn trứng cá và rụng tóc nội tiết tố.

– Hội chứng Cushing liên quan tới tổn thương thực thể hoặc do dùng thuốc corticoid: Phần lớn các trường hợp hội chứng Cushing xảy ra do tuyến yên (bệnh Cushing) hoặc sự tăng tiết hormone vỏ thượng thận (ACTH), sản xuất quá mức cortisol(là một loại hormon corticosteroid) của tuyến thượng thận, hoặc sử dụng thuốc glucocorticoid gây biến chứng. Mức độ dư thừa của glucocorticoid trong hội chứng được cho là làm giảm sự tăng sinh của tế bào sừng và nguyên bào sợi ở da. Những thay đổi này làm giảm sự hình thành collagen và các thành phần khác của chất nền ngoại bào và cuối cùng góp phần làm teo da và khiến da mỏng manh. Tác dụng dị hóa của glucocorticoid cũng mở rộng đến mô liên kết dưới da. Sự lắng đọng mô mỡ ở những vị trí đặc trưng: má (làm khuôn mặt tròn như mặt trăng), mô mỡ lưng, đệm mỡ thượng đòn (dày, cổ ngắn). Hơn nữa, mất mô dưới da có thể dễ gây bầm tím và chậm lành vết thương. Glucocorticoid dư thừa cũng có thể dẫn đến mụn trứng cá do steroid. Biểu hiện này là các sẩn ban đỏ, đơn hình hoặc mụn mủ nhỏ phân bố dọc theo thân trên, các chi trên gần, cổ và mặt.

– Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH) dẫn đến tăng androgen

– Chứng tăng tiết androgen, kháng insulin và hội chứng acanthosis nigricans(bệnh gai đen – là một bệnh lý trên da biểu hiện bởi các mảng da đổi màu sẫm và thường xuất hiện tại các vị trí như nách, bẹn, cổ)

– Tăng tiết bã nhờn, mụn trứng cá, rậm lông và / hoặc hội chứng rụng tóc nội tiết tố nam (SAHA)

– To đầu chi (Bệnh to đầu chi (acromegaly)) là một rối loạn do kết quả của hormone tăng trưởng dư thừa (GH) sau khi các mảng tăng trưởng đã đóng lại. Triệu chứng ban đầu thường là bàn tay và bàn chân nở rộng.)

– Hội chứng mụn trứng cá conglobata(mụn mạch lươn, sẩn cục to, đây là loại mụn nghiêm trọng)

– Hội chứng Apert:đặc trưng bởi các bất thường về xương, các dấu hiệu và triệu chứng bổ sung của hội chứng Apert có thể bao gồm đổ mồ hôi nhiều bất thường (hyperhidrosis), da dầu bị mụn trứng cá nghiêm trọng hoặc thiếu lông mày.

mun-noi-tiet

Sự mất cân bằng hormone cơ bản có thể khiến mụn trứng cá phát triển mà không đáp ứng với liệu pháp điều trị thông thường. Điều trị bằng nội tiết tố kết hợp với liệu pháp chống mụn trứng cá thường xuyên có thể là cần thiết nếu có dấu hiệu của bệnh lý do tăng androgen với nhiều biểu hiện toàn thân như rối loạn kinh nguyệt, rậm lông, mụn trứng cá.

Ngoài các yếu tố khác, sự sản xuất bã nhờn do androgen kích thích đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh của mụn trứng cá. Việc sản xuất bã nhờn cũng được điều chỉnh bởi các hormone khác, bao gồm estrogen, hormone tăng trưởng, insulin, yếu tố tăng trưởng giống insulin-1, glucocorticoid, hormone vỏ thượng thận và melanocortins.

Liệu pháp sử dụng thuốc nội tiết cũng có thể có lợi ở bệnh nhân mụn trứng cá ở nữ giới có nồng độ androgen huyết thanh bình thường. Hiểu biết về tuyến bã nhờn và các ảnh hưởng của nội tiết tố trong cơ chế bệnh sinh của mụn trứng cá sẽ là điều cần thiết để tối ưu hóa liệu pháp nội tiết tố.

9 dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết

BS liệt kê một số dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết, nhận biết sớm sẽ cho chúng ta một hướng điều trị hiệu quả và hợp lí hơn, các bạn tự đánh giá các dấu hiệu trên cơ thể nếu phát hiện những bất thường nên đi khám để chẩn đoán và nhận được tư vấn chính xác nhất:

1. Mụn trứng cá khởi phát muộn (xuất hiện ngoài tuổi 30)

2. Kháng trị với những phác đồ điều trị thông thường

3. Mụn trứng cá thường ở mức độ trung bình trở lên, và khởi phát đột ngột

4. Căng thẳng làm nổi mụn

5. Khởi phát tiền kinh nguyệt – trước khi đến kì kinh tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.

6. Dấu hiệu của cường androgen (giọng nói trầm và đặc điểm nam tính ở nữ, chứng rậm lông…)

7. Nữ giới có chẩn đoán buồng trứng đa nang

8. Dấu hiệu tăng insulin máu (béo phì ở thân, acanthosis)

9. Phân bố các tổn thương do mụn: mụn trứng cá nếu chỉ khu trú ở phần dưới của khuôn mặt dọc theo cằm và quai hàm cũng có thể nghĩ nhiều đến tình trạng mụn ảnh hưởng nhiều bởi nội tiết.

9-dau-hieu-mun-noi-tiet

Đây là những dấu hiệu nhận biết tình trạng mụn trứng cá do rối loạn nội tiết, BS Thành liệt kê để các bạn tham khảo. Khi nghi ngờ tình trạng mụn của mình bị ảnh hưởng nhiều bởi nội tiết hãy đi khám để được tư vấn và có chỉ định điều trị phù hợp.

Bác sĩ Thành (Founder Delaxi Beauty & Clinic)
Các bạn có thể liên hệ với Bác sĩ Thành thông qua những nền tảng dưới đây:
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Đỗ Thành và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.