Ngoài kia bảo “what doesn’t kill you makes you stronger”, trong nhà nói “áp lực tạo nên kim cương”. Nhưng quên ghi chú rằng điều đó không có nghĩa là càng nhiều áp lực càng tốt.

Từ năm 1908, người ta đã tìm ra điều đó rồi:

Định luật Yerkes-Dodson - mô hình về mối quan hệ giữa áp lực về hiệu suất

Lý thuyết này có từ năm 1908, khi các nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dillingham Dodson thực hiện thí nghiệm trên chuột. Bằng cách dùng những cú sốc điện nhẹ, họ có thể dạy chuột học một nhiệm vụ mà họ gọi là “thói quen” nhanh hơn. Nhưng khi những cú sốc trở nên mạnh hơn, những con chuột mất nhiều thời gian hơn để hình thành thói quan, có thể vì chúng tập trung vào việc tránh cú sốc hơn là hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù Yerkes-Dodson được gọi là định luật nhưng nó gần với một khái niệm tâm lý học (psychological concept) hơn là một định luật khoa học (science law).

Theo lý thuyết này, tồn tại một ngưỡng áp lực cân bằng lý tưởng để bạn làm việc với hiệu suất tốt nhất. Quá ít hoặc quá nhiều áp lực sẽ dẫn đến hiệu suất kém. Từng trải qua các cuộc thi, chắc bạn cũng nhận thấy: có một số môn vào phòng thi tự nhiên bạn làm được bài như thể buộc-phải-làm-được, dù trước đó trong quá trình ôn tập hoặc thi thử thì rất mù mờ. Ngược lại, có một số môn khi học và kiểm tra bình thường thì bạn làm rất tốt, nhưng đến những kỳ thi quan trọng thì lại sai tới sai lui. 

Ngưỡng áp lực cân bằng lý tưởng này thường được gọi là “sweet spot of stress” - điểm rơi ngọt ngào của áp lực. Điểm rơi ngọt ngào này cũng không phải là một “hằng số” mà thay đổi tùy theo từng người. Đó là lý do mà cùng một khối lượng công việc, người này thấy chỉ là chuyện nhỏ, trong khi người kia lại thấy rất khó khăn để vượt qua. 

Rút ra điều gì từ định luật này?

(Học cách) hiểu mình - (từ đó) hiểu người - (rồi) ngưng áp đặt. Tìm cho mình một điểm rơi ngọt ngào và đừng bỏ qua những lời kêu gào của tâm trí. Áp lực là câu chuyện tất yếu của cuộc sống và nghe lớn lao hơn nữa, là thành công, nhưng không có nghĩa bạn phải ép mình hoặc người khác đến sức cùng lực kiệt. 

Mình nghĩ ít nhất một lần trong đời, bạn đã từng nghe câu “động viên” kiểu này: “Có gì đâu, mới chút xíu chuyện mà đã than. Tao còn khổ hơn mày…”

Dần dà, chúng ta cũng cảm thấy sự căng thẳng, mệt mỏi mà mình đang gánh chịu là một thứ gì đó “không đáng”, và có lẽ mình chỉ đang quá sức yếu đuối, trong khi áp lực đã vượt ngưỡng chịu đựng rồi. Để rồi sau này, chính ta sẽ là người cảm thấy chuyện buồn của người khác chẳng qua chỉ là điều cỏn con.

Sự tích cực độc hại đã được nhân bản theo cách như vậy.

"Kỳ thực, nỗi đau không phải đường đua, chúng ta cũng chẳng là những vận động viên. Mỗi người có cách nhìn nhận và ngưỡng chịu đau khác nhau. Chỉ vì người khác bị gãy chân, không có nghĩa là bạn phải phớt lờ vết trầy trên đầu gối của mình." - Trích Viên thuốc bọc đường chỉ dành cho trẻ nhỏ.

Cân bằng và phù hợp, cuối cùng vẫn là lối ra cho tất cả vấn đề.