"Human sebum seems to be useless. Since hair has become vestigial over most of the human surface, the sebaceous glands are probably obsolescent appendages." – Dr. Albert Kligman.
(tạm dịch: Bã nhờn ở người dường như khá vô dụng. Khi mà lông tóc đã gần trở nên thừa thãi trên hầu hết bề mặt cơ thể, các tuyến bã nhờn có lẽ cũng chỉ còn là những “tàn tích tiến hoá” mà thôi).
Năm 1963, trong bài The uses of sebum (tạm dịch: Những công dụng của bã nhờn) xuất bản trên tạp chí Da liễu Anh, bác sĩ Kligman đã tung ra một "quả bom tấn" trong giới da liễu khi tuyên bố bã nhờn là thứ "vô dụng". Quan điểm đầy thách thức này đã khuấy động cả giới chuyên môn lẫn giới mộ điệu và ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận về bã nhờn trong suốt nhiều thập kỷ.
Nhưng gần bảy thập kỷ đã trôi qua, khoa học không ngừng tiến bộ và chúng ta đã có cái nhìn mới mẻ hơn về "bánh bèo" bã nhờn này. Liệu bã nhờn có thực sự là “một hóa thạch sống, có quá khứ không có tương lai”?
Trước tiên nắm đại cương để “đổ bê tông” phần nền, sẽ giúp ae dễ hiểu phần phân tích hơn.
I. Đại cương tuyến bã nhờn
- Định nghĩa: Tuyến bã nhờn là những tuyến nhỏ nằm trong da, có nhiệm vụ sản xuất và tiết ra một chất dầu gọi là bã nhờn (sebum).
- Cấu trúc: Tuyến bã nhờn thường gắn liền với nang lông, bã nhờn sẽ được tiết vào ống nang rồi được đưa lên bề mặt da. Tuy nhiên, ở một số vùng như môi, mí mắt, núm zú và bộ phận sinh zục, số lượng và mật độ phân bố của các tuyến bã có thể thay đổi ít nhiều.
- Phân bố: Tuyến bã nhờn có mặt trên hầu hết các vùng da, ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mật độ tuyến bã nhờn cao nhất ở vùng mặt, ngực và lưng.
- Thành phần chính của bã nhờn: Bã nhờn là một hỗn hợp phức tạp gồm các lipid, bao gồm:
- Triglyceride và acid béo tự do: ~ 57%
- Sáp - Wax esters : 26%
- Squalene: ~ 12% (Đừng lộn với Squalane trong mỹ phẩm ngheng)
- Cholesterol và các ester cholesterol: ~4.5%
Lưu ý: Thành phần lipid bã nhờn sẽ khác với thành phần lipid được tạo ra từ lớp sừng. Thành phần lipid lớp sừng bao gồm:
- Ceramide (CER) và sphingolipid (tiền thân của ceramide): ~40 - 50%
- Cholesterol (CHOL) và các dạng của nó như cholesterol sulfate và các cholesterol ester: ~20 - 25%
- Các acid béo tự do Free fatty-acid (FFA): ~10 - 20%
Ngoài ra, còn có các thành phần khác có lượng nhỏ hơn như triglyceride, phospholipid…
- Điều hòa hoạt động tuyến bã nhờn: Hoạt động của tuyến bã nhờn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm hormone (đặc biệt là androgen), tuổi tác, di truyền và một số loại thuốc. Sự mất cân bằng hormone hoặc các yếu tố khác có thể dẫn đến tăng tiết bã nhờn, gây ra các vấn đề về da như mụn trứng cá.
Còn về công dụng… Cụ Kligman thì bảo bã nhờn dư thừa, ăn hại rồi đấy.Nên Trang không tổng công dụng ở mục I như những gì chúng ta thường nghe ở thập kỷ này. Trang muốn chúng ta cùng hiểu về luận điểm và nghiên cứu của cụ Kligman trước.
II. Cụ Kligman đã nhận định những gì?
Trong bài báo năm ấy, Cụ Kligman đã đặt ra nhiều nghi vấn và phản biện quan trọng về vai trò thực sự của bã nhờn đối với sức khỏe làn da, khẳng định rằng bã nhờn không có nhiều giá trị như đã tưởng. Về phương pháp nghiên cứu - báo cáo thì Cụ tổng hợp các nghiên cứu khác hay còn gọi là bài báo tổng quan (review article). Sau khi đọc bài báo Cụ viết Trang tóm tắt 7 luận điểm thế này:
- Bã nhờn có ít giá trị bảo vệ da ở con người hiện đại
- Sự không liên quan giữa bã nhờn và sức khỏe da trẻ em
- Không có tình trạng da liễu nào chỉ liên quan đến thiếu hay bất thường tuyến bã nhờn
- Bã nhờn không đóng vai trò trong việc sản sinh vitamin D
- Bã nhờn không có tác dụng dưỡng ẩm
- Bã nhờn có tác dụng kháng khuẩn rất hạn chế và không đồng nhất
- Bã nhờn gây hại cho da (gây mụn, tăng nấm)
Đấy, Trang thấy Cụ quá ngầu. 1 mình 1 ngựa. Với Trang, đó thực sự là yếu tố rất cần của một người làm khoa học. Khoa học không phải để đi đến kết luận đúng - sai mãi mãi. Người làm khoa học phải có tinh thần hoài nghi tích cực, phải có bản lĩnh để phá bỏ những điều đã được cho là sự thật hiển nhiên. Họ liên tục phản tư: phủ định - khẳng định - phủ định - khẳng định -... để đến gần với “sự thật - mới mẻ” hơn.Trang có nghe phong thanh sau này Cụ Kligman cũng thay đổi nhận định trên về bã nhờn nhưng Trang chưa kiếm được tài liệu do chính Cụ đính chính. Ae nào có cho Trang xin thêm tài liệu nha.Với cương vị là kẻ hậu bối, Trang xin được mở rộng cuộc hội thoại cùng cụ trên 7 luận điểm này, mời ae Đồng Điệu cùng bàn.
III. Luận điểm Trang hoàn toàn đồng tình
Nói trước về 3 luận điểm Trang đồng tình tính cho tới thời điểm hiện tại, sau này chưa biết có tiếp các nghiên cứu mới rồi tính sau :))
1.1 Bã nhờn không đóng vai trò trong việc sản sinh vitamin D:
*Quan điểm của cụ Kligman:
Một trong những luận điểm quan trọng của Cụ Kligman là bã nhờn không chứa tiền chất của vitamin D như từng được cho là trước đây.
Cụ dẫn chứng, nghiên cứu của Wheatley và Reinertsen (1958) đã chứng minh rằng tiền chất của vitamin D, 7-dehydrocholesterol, được sản xuất bởi biểu bì chứ không phải bởi tuyến bã nhờn.
Điều này bác bỏ quan niệm rằng bã nhờn góp phần vào quá trình tổng hợp vitamin D trên da, khẳng định rằng bã nhờn không có giá trị dinh dưỡng hay bảo vệ nào liên quan đến vitamin D trong cơ thể con người.
→ Quan điểm này có vẻ phù hợp với các nghiên cứu mà Trang đọc được. Trang đồng ý là bã nhờn không TRỰC TIẾP sản sinh vitamin D.
Ví dụ nghiên cứu Trang tìm được của Holick vào năm 1995 đã cho thấy khả năng tổng hợp vitamin D3 khi thoa dung dịch chứa 10 μg/ml 7-dehydrocholesterol (là tiền vitamin D3 và không có tự nhiên trong bã nhờn) trên da thằn lằn, da ếch và da người. Sau 4 giờ tiếp xúc với tia UV, lượng vitamin D3 tăng lên lần lượt là 30, 38 và 31% ở 3 đối tượng thí nghiệm. Điều đó chứng tỏ rằng 7-dehydrocholesterol mới là tiền chất để tổng hợp vitamin D3, chứ không phải là cholesterol có trong bã nhờn.
Kết quả này đã được ông tiếp tục nhấn mạnh vào nghiên cứu của mình vào năm 2004.
(Ngoài lề nếu ae chưa biết: vitamin D có nhiều loại từ D1 đến D5, trong đó D2 và D3 mới có công dụng chống còi xương. D2 và D4 thường gặp trong nấm và động vật, còn D3 có mặt ở động vật và người - trích Giáo trình đào tạo sau ĐH - Hóa sinh y học - ĐH Y Hà Nội.)
Để bổ sung thêm, ở bài tổng hợp vào năm 2019 của Acharya, P. và cộng sự đã cho thấy nhiều nghiên cứu chỉ ra sự liên hệ “tréo ngoe” giữa việc THIẾU vitamin D ở những cá nhân có da dầu mụn, tương ứng với việc có nhiều bã nhờn. Thế nên, nhiều bã nhờn chưa chắc sẽ có nhiều vitamin D.
1.2 Không có tình trạng da liễu nào chỉ liên quan đến thiếu hay bất thường tuyến bã nhờn:
*Quan điểm của cụ Kligman:
Cụ Kligman lập luận rằng tình trạng da không chỉ đơn giản là do bã nhờn, mà còn do nhiều yếu tố sinh lý khác. Cụ chỉ ra rằng các trường hợp như loạn sản ngoại bì và ngộ độc kim loại nặng chứng minh da khô không chỉ do thiếu bã nhờn mà còn do rối loạn chức năng biểu bì và tuyến mồ hôi. Sức khỏe của da phụ thuộc vào nhiều quá trình sinh học, bao gồm tuyến mồ hôi, hàng rào biểu bì và các yếu tố bên ngoài.
→ Đây là một quan điểm vẫn được ủng hộ bởi các nghiên cứu về sinh lý da hiện đại. Đơn cử như mụn hiện tại chúng ta cũng nhắc nhiều nguyên nhân/cơ chế tác động cùng một lúc. Cơ bản nhất thì cũng phải hoạt động bã nhờn - sừng hóa nang lông - sự tham gia của vi khuẩn - phản ứng miễn dịch.
Hay các bệnh lý da liễu như viêm da cơ địa (atopic dermatitis) hay vẩy nến (psoriasis) đồng thời cho thấy rõ ràng rằng sự phản ứng miễn dịch bất thường và suy yếu hàng rào biểu bì mới đóng vai trò then chốt.
Rõ ràng là chúng ta nên quan tâm đến tính đa tác động giữa nhiều yếu tố trong một vấn đề bệnh học (hay trong cuộc sống cũng zậy), nhỉ?
1.3 Sự không liên quan giữa bã nhờn và sức khỏe da trẻ em:
*Quan điểm của cụ Kligman:
Luận điểm này được củng cố qua nghiên cứu về da trẻ em trước tuổi dậy thì dù tuyến bã nhờn kém phát triển nhưng da vẫn mịn màng, không bị tổn thương. Điều này cho thấy bã nhờn không đóng vai trò quan trọng trong việc giữ da khỏe mạnh, bởi da trẻ em có thể tự duy trì mà không cần lượng bã nhờn đáng kể nào.
→ Quan điểm vẫn được hỗ trợ bởi các nghiên cứu cho thấy bề mặt da trẻ em chủ yếu được bảo vệ bởi lipid từ lớp sừng hơn là lipid từ bã nhờn. Tốc độ thay mới ở da trẻ em cũng nhanh hơn so với người lớn, do đó lượng lipid từ lớp sừng cũng có thể nhiều hơn.
Trang tìm thấy Nghiên cứu Abe, T. và cộng sự vào năm 1978 đã chỉ ra rằng thành phần lipid trên da trẻ em khá khác với da người lớn, với tỉ lệ cholesterol và phospholipid (đến từ lớp sừng - epidermal lipid) cao hơn hẳn (ở người lớn thì giàu squalene hơn - một loại lipid đặc trưng từ tuyến bã nhờn). Nên ý của bác là “không mợ chợ vẫn đông”, không có anh tui vẫn sống tốt, có vẻ đúng :))
Hay bài tổng hợp của Cork, M. J. và cộng sự vào năm 2009 cũng cho thấy các bệnh da liễu gặp ở trẻ em thường không liên quan mấy lipid tuyến bã, mà chủ yếu liên quan đến sự tăng sinh bất thường của lớp sừng và sự tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
IV. Luận điểm Trang đồng tình một nửa
2.1 Bã nhờn gây hại cho da (?):
* Quan điểm của cụ Kligman:
- Đặc biệt là trong trường hợp mụn trứng cá:
Cụ Kligman nhấn mạnh rằng bã nhờn không chỉ vô dụng mà còn có thể gây hại, đặc biệt trong tình trạng mụn trứng cá. Cụ chỉ ra rằng mụn trứng cá thường xuất hiện và trở nặng khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, nhất là ở tuổi dậy thì.
Việc tuyến bã nhờn hoạt động quá mức tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Propionibacterium acnes (hay chúng ta còn hay gọi là C.acnes ấy) phát triển, dẫn đến viêm nhiễm và hình thành mụn. Cụ Kligman cũng lưu ý rằng việc giảm tiết bã nhờn bằng các biện pháp như sử dụng thuốc có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của mụn trứng cá.
Ví dụ uống Isotretinoin. (Cụ Kligman cũng chính là người tiên phong sử dụng Tretinoin và Isotretinoin trong việc trị mụn để ức chế việc tiết dầu). Hiện tại Trang thấy có nhiều bác sĩ vẫn đi theo quan điểm “ghét dầu” trong việc trị mụn này của cụ. - Tác dụng kháng vi khuẩn rất hạn chế, thậm chí còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển:
Nhận định của Sulzberger vào năm 1960 đã góp phần phổ biến ý tưởng rằng acid béo trong bã nhờn có thể tạo môi trường (acid mantle) - hiểu đơn giản là pH bình thường của da có tính acid (yếu) nên không thân thiện với một số vi sinh vật nên giúp giảm nhiễm khuẩn.
Thậm chí là dùng từ “self-sterilizing” - nghĩa là tự khử trùng, tự tiêu diệt được vi khuẩn (có thể hiểu Cụ Sulzberger đánh giá rất cao khả năng kháng khuẩn của bã nhờn).
Tuy nhiên, Cụ Kligman hông chịu, cụ bảo: Thuyết “acid mantle” đã ch.ết dần ch.ết mòn (“slow death”):- Các nghiên cứu trước đó của Burtenshaw (1938, 1942) chỉ ra rằng tác dụng kháng khuẩn của bã nhờn rất hạn chế và không đồng nhất, chỉ thực sự hiệu quả đối với các vi khuẩn Streptococci nhưng lại không mạnh với Staphylococcus aureus và không có hiệu quả với E. coli.
- Pillsbury và Kligman (1954) cũng đã cho thấy các dòng khuẩn tự nhiên (có sẵn trong hệ vi sinh da) và tạm thời (ngoại sinh bu zô da) đều sinh trưởng tốt ở pH da bình thường. Hổng bị diệt gì hết trơn.
Các cụ chốt rằng phần lớn hiệu ứng kháng khuẩn chỉ liên quan đến desiccation (sự khô đi tự nhiên của lớp sừng), gây mất nước thì vi khuẩn không sinh trưởng nữa, vậy thôi. Chứ chả phải công trạng gì của bã nhờn. Thậm chí có bã nhờn thì vi khuẩn sẽ còn “khó ch.ế.t” hơn nữa. Trích lời nguyên văn của hai cụ:
“If sheets of stratum corneum are placed in the desiccator, they usually become sterile in a few days, obviously through desiccation. If, however, the horny layer is first smeared with sterile sebum, ten days in the desiccator are not sufficient for sterilization! One can imagine that bacteria dispersed within sebum droplets might be able to resist desiccation effectively.”
Quan trọng hơn, cụ Kligman nhấn mạnh rằng: acid béo tự do không phải được sản xuất bởi da để tiêu diệt vi khuẩn mà ngược lại, chính vi khuẩn trên da đã sản xuất các acid béo từ bã nhờn thông qua enzyme lipase.
→ Ý đầu tiên, Trang xin update như này:
- Enzyme Lipase không chỉ đến từ mỗi vi khuẩn, mà trong da cũng có lipase. Tiêu biểu có thể kể đến như tổ hợp Adipose Triglyceride Lipase (ATGL) và ABHD5/CGI-58, Hormone-Sensitive Lipase (HSL) và Monoglyceride Lipase (MGL).
- Ngoài ra, còn có một số “cháu” khác đang cần được nghiên cứu thêm, nhưng cũng được dự đoán là có hoạt tính lipase như PNPLA1, LIPK, LIPM, LIPN, CES3 và ABHD9.
- Các acid béo tự do được tạo ra nhờ các lipase này có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: Tổng hợp các lipid khác (đóng nhiều vai trò như dưỡng ẩm, bảo vệ, kháng khuẩn…), sản xuất năng lượng, cũng như là tín hiệu tế bào.
Thế nên nói như cụ “acid béo tự do không phải được sản xuất bởi da để tiêu diệt vi khuẩn mà ngược lại, chính vi khuẩn trên da đã sản xuất các acid béo từ bã nhờn thông qua enzyme lipase” là đúng nhưng chưa đủ.
Tiếp theo, các nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng:
- Nhờ lipase trên da, bã nhờn trên da đã biến đổi thành các lipid phức tạp như eicosapentaenoic acid, docosahexaenoic acid, γ-linolenic acid và dihomo-γ-linolenic acid có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp đối với nhiều loại vi khuẩn Gram dương, trong đó có các vi khuẩn gây mụn như S.aureus và C.acnes (theo nghiên cứu của Andrew P. Desbois và cộng sự vào năm 2013).
- Hơn nữa, enzyme stearoyl-CoA Δ-6 desaturase trong các tế bào tuyến bã có thể chuyển hóa palmitic acid trong bã nhờn thành sapienic acid - một loại acid béo khác cũng được chứng minh là có khả năng trực tiếp kháng khuẩn và kháng nấm một cách mạnh mẽ (theo bài báo của Lovászi, M. và cộng sự vào năm 2017). Cụ thể, sapienic acid có thể kháng đa dạng các loại khuẩn gram âm như Aggregatibacter actinomycetemcomitans (gây bệnh nha chu), Fusobacterium nucleatum (gây viêm tuỷ xương hàm), Porphyromonas gingivalis (gây viêm toàn thân) và các dòng Streptococcus (dựa theo bài tổng hợp của Carol L. Fischer, 2020).
- Lauric acid cũng cho thấy tác dụng kháng C.acnes thấy rõ (dựa theo bài tổng hợp của Carol L. Fischer, 2020).
- Tuyến bã nhờn còn phụ trách sản xuất các peptide kháng khuẩn (như các β-defensin, cathelicidin, granulysin - theo bài tổng hợp của Nagy, I. và Kemény, L. vào năm 2014), giúp hạn chế sự “bành trướng” quá mức của vi sinh vật.
- Các nhân tố kích viêm gọi là adipokine (như adiponectin, IL-6, leptin, serpin E1, resistin và visfatin) do tế bào bã nhờn tiết ra đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gián tiếp thông qua kích viêm, “báo động” hệ miễn dịch để bảo vệ da khỏi những tác nhân ngoại lai như nấm, vi khuẩn.
Một điều quan trọng, ở điều kiện bình thường là Bã nhờn còn tham gia vào hoạt động cân bằng hệ vi sinh trên da. Từ đó giúp các nhóm vi sinh vật tự kiềm hãm, cân bằng lẫn nhau.
- C.acnes tiêu thụ bã nhờn và sinh ra phụ phẩm là các acid béo chuỗi ngắn (SCFA) giúp ức chế sự tạo màng biofilm - chính là công cụ giúp vi khuẩn kháng lại kháng sinh (giống như một ngôi nhà chung to bự của tụi vi khuẩn - nơi mà lũ khuẩn tập trung lại, ăn uống cùng nhau, tương trợ lẫn nhau, có chỗ che mưa che nắng :))).
- Nhờ đó giảm khả năng kháng kháng sinh của Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da), cũng như của các dòng tụ cầu gây viêm khác (nghiên cứu của Nakamura, K. và cộng sự vào năm 2022).
- C.acnes cũng sinh ra cutimycin, một peptide kháng khuẩn giúp kiềm chế sự hoạt động của các dòng khuẩn khác.
Do đó, mặc dù không phải là chất kháng sinh điển hình, bã nhờn vẫn có tác dụng trực tiếp và gián tiếp trong việc bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại như khuẩn và nấm.
Đây cũng là cơ sở cho lý thuyết thay đổi chất lượng bã nhờn sẽ dẫn đến sự thay đổi hệ vi sinh, dẫn đến sinh mụn.
- Không những không kháng nấm mà còn tăng nấm:
Chính cụ Kligman và cộng sự Ginsberg đã tự thực hiện một thí nghiệm như sau:
Lấy lớp sừng được tách ra khỏi cấu trúc da, dày 10-15 μm cho vào một đĩa nhỏ cấy vào môi trường agar 2% (hiểu nôm na nó giống thạch rau câu nhằm cho tế bào có chỗ bám zô chứ không có chất dinh dưỡng gì để lớn cả), sau đó phủ một lượng bã nhờn khác nhau, lên đến 4 mg/cm2, cao hơn nhiều so với mức trung bình trên da trán.
Các đĩa này sau đó được cấy với bào tử nấm Trichophyton mentagrophytes và Microsporum gypseum (hai loại nấm liên quan đến các tình trạng nấm da đầu, nấm thân, nấm bẹn, nấm chân, nấm móng) rồi quan sát sự phát triển nấm ở nhiệt độ phòng.
Kết quả: Sự phát triển nấm trên các đĩa có phủ bã nhờn diễn ra mạnh mẽ tương tự như trên đĩa đối chứng không có bã nhờn, cho thấy bã nhờn không ngăn cản sự sinh trưởng của nấm. Sau 10 ngày, lớp sừng bị nấm phá hủy nghiêm trọng.
Thậm chí, cụ Kligman còn dẫn chứng một thí nghiệm khác (khum biết của bác nào): Cho combo nước muối sinh lý + 200mg da vụn lấy từ lớp sừng cho vào 2 bình. Trộn 1 bình với lượng bã nhờn đạt 5%, bình đối chứng còn lại thì không.
Sau đó, thả bọn nấm M. gypseum vào cả 2 bình rồi tiến hành nuôi trong 2 tuần.
Sau 2 tuần, gạn lấy phần khô trong cả 2 bình (lẫn nấm + da) rồi đem đi khuấy trong NaOH để loại bỏ da, giữ lại mỗi thành của tế bào nấm (do thành tế bào nấm kháng chịu tốt hơn với NaOH).
Tiến hành đo khối lượng nấm sau nuôi cấy thì nhận thấy: Bã nhờn thúc đẩy sự phát triển của nấm, với khối lượng nấm tăng lên 160 - 185 mg so với chỉ 40 - 60 mg ở nhóm đối chứng, (dù nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích).
→ Trang đồng ý ở chỗ cái gì quá mức cũng không tốt.
Ngay như trong chính nghiên cứu của Cụ Kligman, lượng bã nhờn Cụ dùng cũng đã cao hơn nhiều so với bình thường.
Điều đó chỉ chứng minh là lượng bã nhờn nhiều bất thường mới có sự liên quan đến khả năng gây nấm, chứ bã nhờn ở lượng vừa phải chưa chắc đã gây ra những vấn đề tương tự. Đâu phải ai đầu bết cũng bị nấm tóc :)))
Thêm nữa, lượng bã nhờn trong thí nghiệm này không được “thêm mới” liên tục như trên da thật nên không chắc sẽ giữ liên tục được đặc tính kháng nấm. Trong thí nghiệm cụ đề cập thì cụ chỉ trộn da với bã nhờn rồi thả nấm vào nuôi cấy thôi. Nhưng các acid béo kháng nấm trong bã nhờn thì lượng của nó đã ít rồi, nên khi đã xài hết thì không có để bù vào.
Còn ở trên da người riuuu, bã nhờn hôm nào cũng tiết được, nên các acid béo kháng nấm dù ít nhưng do được bổ sung liên tục nên vẫn giữ đặc tính kháng nấm của bã nhờn. Có thể hiểu giống như việc dùng chất kháng khuẩn liều thấp thì không dít được khuẩn ngay lập tức, nhưng nếu cứ dùng ngày này qua tháng nọ thì sẽ ngăn cản không cho khuẩn bành trướng vậy.
Bởi vậy ae đừng sợ mà đi diss bã nhờn mọi lúc mọi nơi.
Bã nhờn muốn “sinh chuyện” thì còn phụ thuộc vào chất lượng bã nhờn nữa. Không phải ai da dầu cũng bị mụn và không phải ai bị mụn cũng là da dầu.
Một lần nữa Linoleic acid lại làm nên chuyện. Nghiên cứu của Carolina H. Pohl và cộng sự, 2019 cho thấy đặc tính kháng nấm ở nấm Candida albicans gây tưa miệng, nấm âm đạo, nấm da.
Còn undecylenic acid (một loại acid béo kháng nấm khác thường thấy trong bã nhờn) thì cho thấy đặc tính kháng nấm Epidermophyton inguinale (một loại nấm gây bệnh hắc lào), Trichophyton rubrum (nấm gây bệnh nấm bàn chân và nấm bẹn), Trichophyton mentagrophytes (gây bệnh nấm da, móng, tóc) và Microsporum audouinii (gây bệnh nấm da đầu) (Carol L. Fischer, 2020).
Tạm hết phần 1
Mời các ae đón đọc phần 2 nhen.
_______________
Thông tin liên hệ
Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co
Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co
Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/
Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn
Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion