1. Định nghĩa
WSO được mô tả là một dạng nhiễm nấm khu trú trên lớp keratin bề mặt của móng, thường xuất hiện dưới dạng các mảng hoặc đốm trắng đục. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành các dạng nặng hơn nếu không được kiểm soát, như Distal Subungual Onychomycosis (DSO - gây dày móng, đổi màu, có thể đau, nhiễm trùng, khó khăn trong việc cắt móng hoặc đi lại) hay Total Dystrophic Onychomycosis (TDO - dạng nặng nhất, dẫn đến mất móng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đi lại và thẩm mỹ).
Trong các tài liệu khoa học, WSO thường được coi là biểu hiện ban đầu của sự phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên của móng, khiến chúng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố ngoại lai, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt và thiếu vệ sinh. Loại nấm này không xâm nhập sâu ngay từ đầu, nhưng có khả năng gây tổn thương toàn diện nếu không điều trị kịp thời.
#Noted: Hàng rào bảo vệ tự nhiên của móng là lớp móng, một lớp cứng làm từ keratin, giúp bảo vệ đầu ngón tay và ngón chân khỏi tổn thương vật lý và nhiễm trùng.So với hàng rào bảo vệ tự nhiên của da:
- Điểm tương đồng: Cả hai đều chứa keratin và ngăn chặn vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập, đồng thời hạn chế mất nước.
- Điểm khác biệt: Móng cứng và dày hơn, sự phân bố keratin dày đặc hơn, cung cấp rào cản vật lý mạnh mẽ. Trong khi da mềm dẻo, keratin chủ yếu nằm trong tế bào chết và tế bào sừng, có thêm chức năng như điều hòa nhiệt độ và cảm giác. Keratin có đặc tính dễ ngậm nước nên móng có thể thấm nước tốt hơn nhưng ít thấm các phân tử lớn hơn so với da.
2. Cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng
Nguyên nhân chính của WSO là vi nấm Trichophyton mentagrophytes, một loại nấm sợi tơ (dermatophyte) có khả năng thích nghi mạnh mẽ với môi trường ấm nóng chứa độ ẩm cao và keratin phong phú – thành phần chính của móng.
Trichophyton mentagrophytes có sợi nấm phân nhánh, mảnh và không màu (hyaline). Loại vi nấm này có thể tạo thành hai loại bào tử (kiểu tế bào "ngủ đông" được gia cố của vi sinh vật để bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm; khi điều kiện tốt, chúng sẽ "thức dậy" và tiếp tục phát triển): Bào tử đính nhỏ (microconidia - hình tròn hoặc hình giọt nước, mọc dọc theo sợi nấm) và bào tử đính lớn (macroconidia - hình điếu xì gà hoặc bầu dục, vách mỏng, thường ít gặp). Sợi nấm già có thể tạo thành các cấu trúc xoắn đặc trưng gọi là spiral hyphae.
Một số nghiên cứu cũng ghi nhận các loại vi nấm khác, bao gồm Acremonium và Fusarium, nhưng chúng ít phổ biến hơn.
WSO bao gồm các giai đoạn:
a. Giai đoạn xâm nhập
+ Xuất hiện các đốm trắng nhỏ, không đều trên bề mặt móng.
+ Móng vẫn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng mất đi độ bóng tự nhiên.
+ Vi nấm xâm nhập qua các vết nứt nhỏ, tổn thương hoặc vùng móng bị suy yếu. Điều này có thể do các yếu tố bên ngoài như tiếp xúc với nước lâu dài, chất tẩy rửa hoặc chăm sóc móng không đúng cách. Nấm tiết ra các enzym như keratinase, là enzyme phân giải keratin, giúp chúng phân hủy và làm mềm cấu trúc keratin trong móng.
+ Keratinase và các enzyme khác (như collagenase, protease) có vai trò phá vỡ liên kết peptide trong keratin. Khi keratin bị phân giải, nấm có thể “thâm nhập” vào lớp keratin của móng và tiếp tục tiến vào các lớp sâu hơn.
b. Giai đoạn phát triển
+ Móng trở nên khô, giòn và dễ bong tróc khi chạm vào.
+ Bề mặt móng có thể có cảm giác thô ráp hoặc gồ ghề khi sờ.
+ Các sợi nấm (hyphae) bắt đầu phát triển và lan rộng trên bề mặt móng. Nấm hoạt động mạnh mẽ hơn trong điều kiện ẩm ướt vì chúng cần độ ẩm để duy trì sự sống và sinh trưởng.
+ Nấm tiếp tục ăn sâu về cả chiều sâu. Các tổn thương ở giai đoạn này có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị.
c. Giai đoạn biến đổi cấu trúc móng
+ Toàn bộ bề mặt móng bị tổn thương, chuyển sang màu trắng đục.
+ Đến giai đoạn này, nấm gần ăn rộng và sâu đến hết cả cấu trúc của cả móng và nền móng.
+ Trong một số trường hợp, WSO có thể chuyển thành dạng nặng nhất là Total Dystrophic Onychomycosis (TDO - móng có thể hoàn toàn bị biến dạng, bị phá hủy hoàn toàn và mất đi khả năng tái tạo bình thường).
3. Các yếu tố nguy cơ
WSO thường gặp ở các nhóm dân số có nguy cơ cao, bao gồm:
Ngâm chân trong nước lâu ngày:
+ Thợ lặn, nông dân và người làm việc trong môi trường ẩm ướt thường xuyên phải đối mặt với môi trường lý tưởng cho vi nấm phát triển.
+ Môi trường ẩm ướt làm mềm móng, giảm khả năng bảo vệ trước sự xâm nhập của nấm.
Sử dụng giày kín:
+ Giày không thoáng khí tạo điều kiện cho độ ẩm tích tụ, thúc đẩy sự phát triển của vi nấm.
+ Tăng nguy cơ tái phát do tiếp xúc liên tục với nguồn bệnh.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh nhân HIV/AIDS, người bị tiểu đường hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao bị WSO và các dạng nấm móng khác.
Tuổi tác và giới tính:
+ Người cao tuổi thường có lớp móng dày hơn, kém đàn hồi, dễ bị tổn thương và khó chống lại sự xâm nhập của nấm.
+ Nữ giới làm việc trong môi trường chăm sóc sắc đẹp (như làm móng thường xuyên) cũng có nguy cơ cao.
4. Chẩn đoán
- Lâm sàng: Dựa vào các tổn thương đặc trưng trên bề mặt móng.
- Xét nghiệm cận lâm sàng:
+ Soi tươi với KOH: Phát hiện sợi nấm hoặc bào tử dưới kính hiển vi.
+ Nuôi cấy vi nấm: Xác định loại nấm cụ thể để tối ưu hóa điều trị.
+ Sinh thiết móng: Trong các trường hợp nghi ngờ, mẫu móng có thể được xử lý và nhuộm để phân tích cấu trúc tổn thương.
5. Điều trị
- Điều trị tại chỗ:
+ Ciclopirox và Efinaconazole: Hai loại sơn móng chống nấm phổ biến, hiệu quả trong giai đoạn đầu.
+ Các chế phẩm chứa amorolfine cũng được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lan rộng của nấm.
- Điều trị toàn thân:
+ Các thuốc uống như Terbinafine, Itraconazole hoặc Fluconazole thường được sử dụng trong trường hợp bệnh lan rộng hoặc không đáp ứng với thuốc tại chỗ.
+ Điều trị thường kéo dài từ 6 - 12 tuần, tùy thuộc vào tốc độ phát triển của móng.
- Can thiệp cơ học: Loại bỏ phần móng bị tổn thương thông qua các biện pháp cơ học như mài móng hoặc cắt tỉa.
#Noted: Trang không phải là bác sĩ. Các biện pháp Trang đưa ra chỉ mang tính chất tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để ae nắm sơ bộ. Trang không khuyến khích ae tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có sự theo dõi của bác sĩ ha.
6. Phòng ngừa
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Rửa chân và lau khô hoàn toàn sau khi tiếp xúc với nước.
- Tránh ngâm chân quá lâu: Nếu cần thiết, nên sử dụng nước sạch và lau khô kỹ lưỡng sau đó.
- Sử dụng giày dép thoáng khí: Hạn chế giày kín hoặc chất liệu không thoáng khí.
- Tránh dùng chung dụng cụ làm móng: Đây là nguồn lây nhiễm nấm phổ biến trong các cơ sở làm đẹp.
Thông tin liên hệ
Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co
Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co
Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/
Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn
Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion