Định nghĩa
Bệnh vảy da cá di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường (Autosomal Recessive Congenital Ichthyosis - ARCI, trong đó “ichthyosis” nghĩa là bệnh vảy da cá) là một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp thuộc nhóm bệnh da vảy cá bẩm sinh, được đặc trưng bởi sự dày sừng và bong tróc da bất thường ngay từ khi mới sinh.
ARCI di truyền theo kiểu lặn trên nhiễm sắc thể thường (autosomal recessive), nghĩa là bệnh chỉ biểu hiện khi trẻ nhận hai bản sao đột biến (một từ cha và một từ mẹ) ở cùng một gen liên quan.
ARCI bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu bao gồm ba dạng chính là Lamellar Ichthyosis (LI), Congenital Ichthyosiform Erythroderma (CIE) và Harlequin Ichthyosis (HI - là dạng nặng nhất và nghiêm trọng nhất).
Mỗi dạng có đặc điểm lâm sàng và mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một số dấu hiệu đặc trưng như bong vảy toàn thân, da đỏ rực (erythroderma), và mất tính toàn vẹn của hàng rào bảo vệ da.
Dịch tễ học
ARCI được xếp vào nhóm bệnh da hiếm gặp, với tỷ lệ mắc ước tính vào khoảng 1:200.000 – 1:300.000 trẻ sinh ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo từng vùng, do sự phân bố gen đột biến khác nhau và ảnh hưởng của các yếu tố dân số học.
Do mang tính chất là một bệnh di truyền lặn, tỷ lệ mắc ARCI cao hơn ở các cộng đồng có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao, chẳng hạn như ở một số vùng Trung Đông, Bắc Phi và các cộng đồng thiểu số khép kín.
Đặc điểm lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của ARCI có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào loại đột biến và mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng thường bao gồm:
- Da dày sừng và bong tróc lan tỏa, có sự khác biệt ở các phân loại của ARCI:
- Ichthyosis Harlequin: Tình trạng dày sừng cực kỳ nghiêm trọng với các mảng da sừng rất dày, giống như áo giáp (harlequin-like armor), gây co kéo vùng da quanh miệng, mắt, tai và hạn chế vận động của chi.
- Congenital Ichthyosiform Erythroderma (CIE): Biểu hiện với tình trạng da đỏ, bong vảy trắng khắp cơ thể và có thể đi kèm ngứa, khó chịu.
- Lamellar Ichthyosis (LI): Da dày, có vảy lớn dạng lá (lamellar scale) và thường có màu nâu sẫm, dễ tróc vảy.
- Lớp màng Collodion: Nhiều trẻ sơ sinh ARCI khi mới sinh ra được bao phủ bởi một lớp màng bóng căng (collodion membrane), thường bong ra trong vài tuần đầu, để lộ lớp da non bị đỏ (erythroderma) ở bên dưới.
- Da đỏ rực (erythroderma), đặc biệt ở dạng CIE.
- Lớp vảy dày: Từ các lớp vảy mỏng, trắng đến các lớp dày, cứng, nâu sậm hoặc dạng vảy cá lớn, tùy thuộc vào từng dạng bệnh.
- Các dị tật bẩm sinh: Mí mắt lật ra ngoài (ectropion), môi kéo ngược (eclabium), co cứng và biến dạng ngón tay và chân ở dạng HI.
Chẩn đoán chuyên sâu
Việc chẩn đoán ARCI không chỉ dựa vào lâm sàng mà còn cần sự phối hợp của các đặc điểm cận lâm sàng chuyên sâu, bao gồm các xét nghiệm sinh hóa, giải phẫu bệnh và xét nghiệm di truyền để xác định loại hình cụ thể và phân biệt với các dạng bệnh khác. Các phương pháp đó bao gồm:
a. Xét nghiệm di truyền:
Phân tích giải trình tự gen (gene sequencing) có thể phát hiện các đột biến điểm (point mutation), đột biến mất đoạn (deletion) hoặc đột biến lặp đoạn (duplication) trong các gene liên quan đến bệnh.
b. Xét nghiệm sinh hóa:
- Đo lường hoạt tính Transglutaminase-1 (TGase-1): Nhằm đo mức độ liên kết protein trong các mô biểu bì.
- Lipidogram (phân tích lipid): Phân tích lipid trong lớp sừng có thể cho thấy sự thiếu hụt các lipid cấu trúc như omega-hydroxyceramide, ceramide và acylceramide.
c. Sinh thiết da:
Là một phương pháp quan trọng để đánh giá cấu trúc lớp sừng và các rối loạn trong quá trình biệt hóa tế bào sừng như:
- Dày lớp sừng (hyperkeratosis).
- Sừng hóa bất thường (parakeratosis).
- Thâm nhập viêm và xâm nhập bạch cầu.
- Bất thường lớp hạt (stratum granulosum).
- Tích tụ lipid và bất thường cấu trúc lamellar.
d. Soi kính hiển vi điện tử:
Đánh giá chi tiết các bất thường về cấu trúc của lớp sừng và lớp lipid:
- Sự thiếu hụt các thể lamellar (lamellar bodies) trong lớp thượng bì là đặc điểm chính ở các dạng HI.
- Cấu trúc màng lipid không hoàn chỉnh và sự sắp xếp bất thường của các lớp lipid.
- Khiếm khuyết trong quá trình keratin hóa: Các tế bào sừng có thể chứa hạt keratohyalin to hơn bình thường hoặc giảm số lượng trong các dạng nặng của ARCI.
e. Hoá mô miễn dịch (IHC):
Đánh giá biểu hiện protein hoặc hoạt tính của các enzyme liên quan đến ARCI thông qua nhuộm miễn dịch.
f. Đánh giá sự mất nước qua da.
Biến chứng
Do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân ARCI có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như:
- Nhiễm trùng da tái phát do vi khuẩn hoặc nấm, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong.
- Mất nước nặng.
- Rối loạn điều hòa thân nhiệt và hạ thân nhiệt.
- Rối loạn phát triển, suy dinh dưỡng và các vấn đề chuyển hóa.
Cơ chế bệnh sinh
Đã có hơn 10 gene được xác định có liên quan đến ARCI, bao gồm TGM1, ALOX12B, ALOXE3, NIPAL4, PNPLA1, CYP4F22, LIPN và ABCA12. Các gene này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa lipid, liên kết chéo protein và quá trình biệt hóa tế bào sừng, là những yếu tố thiết yếu để hình thành và duy trì hàng rào bảo vệ da.
- ALOX12B và ALOXE3 (vị trí: trên cánh ngắn của NST số 17) mã hóa các enzyme lipoxygenase, các enzyme này rất quan trọng trong quá trình tổng hợp omega-hydroxyceramide. Đột biến ở các gen này dẫn đến sự thiếu hụt các lipid cần thiết trong biểu bì, làm suy giảm tính toàn vẹn của hàng rào thẩm thấu của da.
- TGM1 (vị trí: trên cánh dài của NST số 14) mã hóa Transglutaminase 1, một enzyme chịu trách nhiệm liên kết chéo các protein trong lớp màng tế bào sừng, một cấu trúc thiết yếu cho chức năng của hàng rào bảo vệ da. Sự thiếu hụt enzyme này dẫn đến quá trình liên kết protein không hoàn chỉnh, góp phần vào sự hình thành đặc điểm da vảy cá điển hình.
- ABCA12 (vị trí: trên cánh dài của NST số 2) đóng vai trò như một chất vận chuyển lipid, quan trọng trong việc đưa lipid đến các hạt lamellar trong tế bào sừng. Đột biến ở ABCA12 làm suy giảm quá trình tiết lipid và hình thành hạt lamellar bất thường, gây ra tình trạng bong tróc da nghiêm trọng và rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ.
- CYP4F22 (vị trí: trên cánh ngắn của NST số 19) là một enzyme hydroxylase tham gia vào quá trình omega-hydroxyl hóa các acid béo chuỗi rất dài, cần thiết cho sự tổng hợp ceramide. Đột biến ở gene này làm rối loạn quá trình sản xuất ceramide, gây suy giảm hàng rào lipid bảo vệ.
- LIPN (vị trí: trên cánh dài của NST số 10) và PNPLA1 (vị trí: trên cánh ngắn của NST số 6) là các enzyme lipase tham gia vào quá trình chuyển hóa triglyceride và duy trì hàng rào lipid của da. Đột biến ở các gen này dẫn đến sự rối loạn chuyển hóa lipid, làm suy giảm chức năng hàng rào và gây bong tróc da.
- NIPAL4 (vị trí: trên cánh dài của NST số 5), mã hóa protein Ichthyin, có vai trò quan trọng trong tín hiệu của các phân tử trioxilin, cần thiết cho quá trình chuyển hóa lipid ở da. Khi gen NIPAL4 bị đột biến, quá trình chuyển hóa lipid biểu bì bị rối loạn.
Trong đó, TGM1 là gene đột biến phổ biến nhất, chiếm khoảng 32 - 40% trường hợp ARCI.
Tần suất của từng loại đột biến gen cũng thay đổi theo khu vực và dân số: Đột biến ABCA12 thường gặp hơn ở các dạng HI, trong khi các đột biến ALOX12B và ALOXE3 phổ biến ở CIE.
Phương pháp điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp để khỏi bệnh hoàn toàn.
Mục tiêu của việc điều trị chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng, cải thiện chất lượng sống, duy trì chức năng hàng rào bảo vệ da, và ngăn ngừa biến chứng. Phương pháp điều trị ARCI bao gồm liệu pháp tại chỗ, dưỡng ẩm, và liệu pháp toàn thân, cũng như việc chăm sóc da kỹ lưỡng để duy trì độ ẩm và giảm tình trạng bong tróc da.
(Noted: Các phương pháp điều trị Trang đưa ra chỉ mang tính chất liệt kê, cung cấp kiến thức. Tuỳ vào tình trạng bệnh, mọi quyết định về phương pháp điều trị trên mỗi bệnh nhân cần có sự hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ).
a. Điều trị tại chỗ (topical therapy)
- Dưỡng ẩm chuyên sâu (Emollients): Urea (2-10%), Glycerin, Ceramide, Petrolatum.
- Chất làm mềm và loại bỏ lớp sừng (Keratolytics): Salicylic acid (2-5%), Alpha-hydroxy acid (AHA): Acid lactic (5-10%), Propylene glycol (10-20%).
- Retinoid tại chỗ: Tretinoin, Tazarotene.
- Steroid tại chỗ: Corticosteroid nhẹ như hydrocortisone.
b. Liệu pháp toàn thân (systemic therapy)
- Retinoid toàn thân: Acitretin, Isotretinoin.
- Vitamin D hoặc dẫn xuất Vitamin D3: Calcipotriol.
c. Các phương pháp can thiệp hỗ trợ khác
- Liệu pháp tắm: Nước ấm kết hợp dưỡng ẩm hòa tan.
- Chăm sóc mắt: Nước mắt nhân tạo, thuốc mỡ bảo vệ mắt.
- Chăm sóc móng và tóc: Dưỡng ẩm đặc biệt cho tóc và móng.
d. Quản lý biến chứng
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân
- Điều hòa thân nhiệt: Duy trì môi trường ổn định và tránh nhiệt độ khắc nghiệt.
Các liệu pháp mới như liệu pháp gen có thể mở ra cơ hội điều trị dứt điểm trong tương lai, tuy nhiên cần thêm thời gian để có thể được ứng dụng trên lâm sàng.
_______________
Thông tin liên hệ
Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co
Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co
Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/
Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn
Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion