1. Định nghĩa, đặc điểm dịch tễ học và gánh nặng y tế

Viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis) là một bệnh lý viêm da mãn tính, không lây nhiễm, thường biểu hiện ở những vùng da có mật độ tuyến bã nhờn cao, như da đầu, mặt (đặc biệt là vùng rãnh mũi-má, lông mày), tai, ngực và vùng nếp gấp cơ thể.

Theo nghiên cứu dịch tễ học, bệnh ảnh hưởng từ 1-5% dân số toàn cầu, với tỷ lệ cao hơn ở nam giới so với nữ giới. Viêm da tiết bã phổ biến ở hai giai đoạn tuổi: trẻ sơ sinh và người trưởng thành (đặc biệt từ 30-60 tuổi). Bệnh cũng có tỷ lệ mắc cao hơn ở các nhóm nguy cơ như bệnh nhân HIV/AIDS (tỷ lệ lên tới 85%) và bệnh Parkinson, cho thấy vai trò tiềm năng của suy giảm miễn dịch trong bệnh sinh.

Gánh nặng y tế từ viêm da tiết bã không chỉ dừng lại ở các triệu chứng lâm sàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, gây khó chịu về thẩm mỹ, căng thẳng tâm lý và chi phí điều trị lâu dài.

2. Cơ chế bệnh sinh

a. Vai trò của hệ vi sinh vật da và Malassezia spp.

Nghiên cứu sâu về hệ vi sinh vật da cho thấy Malassezia, một loại nấm men “ưa dầu” (lipophilic), đóng vai trò trung tâm trong bệnh sinh của viêm da tiết bã. Loại nấm này sử dụng lipid từ tuyến bã nhờn để chuyển hóa thành acid béo tự do, đặc biệt là oleic acid, một chất gây phá vỡ hàng rào bảo vệ da và kích thích viêm. Mặc dù Malassezia hiện diện trên da của cả người khỏe mạnh và bệnh nhân viêm da tiết bã, phản ứng miễn dịch bất thường với sự hiện diện của loại nấm này được cho là yếu tố phân biệt chính.

Các loại Malassezia liên quan trực tiếp đến viêm da tiết bã bao gồm M. globosa, M. restricta và M. furfur.

b. Vai trò của tuyến bã nhờn

Tuyến bã nhờn tăng hoạt động ở những vùng da dễ bị tổn thương (như mặt, da đầu và ngực) tạo môi trường thuận lợi cho Malassezia phát triển. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa viêm da tiết bã và tuyến bã nhờn không đơn thuần là sự tăng sản xuất dầu, mà còn bao gồm thay đổi thành phần lipid trong bã nhờn, cụ thể là tỷ lệ cao hơn của triglyceride và cholesterol ester so với các acid béo tự do.

c. Yếu tố miễn dịch

Phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi đóng vai trò trung tâm trong bệnh sinh. Các cytokine tiền viêm như IL-6, IL-8 và TNF-α được kích hoạt bởi Malassezia, dẫn đến sự tăng sinh tế bào sừng và gây “bong vảy”. Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh vai trò của thụ thể nhận diện nấm - TLR2 (Toll-like receptor 2) trong việc nhận diện Malassezia và khởi phát viêm.

d. Vai trò của yếu tố di truyền và môi trường

Di truyền học cho thấy những đột biến trong các gen liên quan đến hàng rào bảo vệ da (như FLG, gene mã hóa filaggrin) có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, yếu tố môi trường như khí hậu ẩm, stress, thiếu ngủ và sử dụng mỹ phẩm không phù hợp (VD: sử dụng dầu dừa giàu palmitic acid) cũng được xem là các yếu tố thúc đẩy diễn tiến bệnh.

3. Phân loại và biểu hiện lâm sàng

a. Phân loại theo độ tuổi

- Trẻ sơ sinh: Bệnh thường xuất hiện trong vài tuần đầu đời với đặc điểm nổi bật là các mảng vảy nhờn màu vàng trên da đầu (cradle cap - “cứt trâu”) hoặc phát ban nhờn ở vùng tã lót, (không giống hăm tã - là phát ban khô).

- Người trưởng thành: Viêm da tiết bã có xu hướng tái phát nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm và biểu hiện ở các vùng giàu tuyến bã nhờn, với các đợt bùng phát liên quan đến yếu tố kích thích như thời tiết lạnh, stress hoặc các bệnh lý đồng mắc.

b. Phân loại theo mức độ lâm sàng

- Mức độ nhẹ:

+ Viêm da tiết bã ở mức độ nhẹ thường biểu hiện với các tổn thương khu trú, không gây khó chịu nghiêm trọng và ít ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đặc trưng lâm sàng bao gồm sự xuất hiện của các mảng vảy nhỏ, mỏng, thường có màu trắng hoặc vàng nhạt, bám nhẹ trên bề mặt da. Các vảy này dễ bong tróc, đặc biệt khi có tác động như gãi hoặc chải tóc. Da nền dưới các mảng vảy thường có sắc đỏ nhẹ nhưng không có hiện tượng phù nề rõ rệt.

+ Triệu chứng ngứa ở mức độ nhẹ, không thường xuyên và hiếm khi ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc sinh hoạt hằng ngày. Tổn thương thường giới hạn ở các khu vực giàu tuyến bã nhờn như da đầu (nơi có thể nhầm lẫn với gàu), rãnh mũi má hoặc quanh tai. Do mức độ viêm thấp và sự tương tác giữa Malassezia cùng hệ miễn dịch chưa rõ rệt, bệnh ở giai đoạn này dễ kiểm soát.

- Mức độ nặng:

+ Ở mức độ nặng, viêm da tiết bã biểu hiện với các tổn thương lan rộng và dễ nhận biết hơn, gây ra sự khó chịu rõ rệt và tác động đáng kể đến tâm lý, sinh hoạt của bệnh nhân. Các mảng tổn thương thường có kích thước lớn, bao phủ nhiều vùng da cùng lúc như toàn bộ da đầu, vùng trán, lông mày, ngực và nếp gấp da. Bề mặt tổn thương có màu đỏ rực, sưng nhẹ và được bao phủ bởi lớp vảy nhờn dày, màu vàng hoặc trắng xám, bám chắc hơn so với mức độ nhẹ.

+ Ngứa là một triệu chứng nổi bật trong giai đoạn này, thường ở mức độ từ trung bình đến nặng. Bệnh nhân có thể bị thôi thúc gãi liên tục, dẫn đến nguy cơ chàm hóa - một hiện tượng da trở nên dày hơn, sẫm màu hơn do tình trạng viêm mạn tính và cọ xát kéo dài. Gãi thường xuyên còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn (thường gặp là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus), biểu hiện qua sự rỉ dịch, nốt mủ nhỏ hoặc thậm chí đóng mài.

+ Ngoài ra, trong các trường hợp nặng, viêm da tiết bã có thể xuất hiện ở các vùng không điển hình, như quanh mắt hoặc vùng nách, làm tăng mức độ khó chịu và bất tiện cho bệnh nhân. Bệnh nhân ở mức độ này thường đối mặt với sự tự ti, căng thẳng, và thậm chí rối loạn tâm lý do ảnh hưởng thẩm mỹ.

c. Tương quan với các bệnh lý đồng mắc

Viêm da tiết bã thường được xem là một biểu hiện ngoại biên của các bệnh lý hệ thống như HIV/AIDS, Parkinson và trầm cảm. Sự đồng mắc này nhấn mạnh vai trò của miễn dịch toàn thân và thần kinh nội tiết trong cơ chế bệnh sinh.

#Lưu ý: Mặc dù cả viêm da tiết bã và viêm nang lông do nấm Malassezia (hay còn được biết đến với tên gọi “mụn nấm men”) đều có liên quan đến nấm Malassezia và ngứa, cơ chế bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng hoàn toàn khác nhau.

Viêm da tiết bã tập trung ở bề mặt da, với tổn thương dạng mảng đỏ và vảy nhờn; trong khi viêm nang lông khu trú tại nang lông, biểu hiện qua các sẩn viêm hoặc nốt giống mụn nhỏ, kích thước đồng đều hơn mụn trứng cá.

4. Chẩn đoán

a. Tiêu chuẩn chẩn đoán

Chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng, tập trung vào các tổn thương đặc trưng và vị trí phân bố. Việc sử dụng các công cụ bổ trợ như soi da có thể giúp nhận biết các đặc điểm này.

b. Vai trò của xét nghiệm sinh học

Xét nghiệm cận lâm sàng thường không cần thiết trong hầu hết các trường hợp, nhưng có thể được chỉ định nếu cần phân biệt với các bệnh khác như vảy nến (psoriasis), chàm (eczema) hoặc lupus ban đỏ (systemic lupus erythematosus).

Khi nghi ngờ Malassezia là nguyên nhân, các kỹ thuật cấy nấm hoặc sinh thiết da có thể hỗ trợ chẩn đoán. Các xét nghiệm miễn dịch (như ELISA để phát hiện cytokine tiền viêm) cũng đang được nghiên cứu để xác định vai trò của miễn dịch trong viêm da tiết bã.

5. Điều trị

Viêm da tiết bã là một bệnh lý mang tính mãn tính nên sẽ không đảm bảo sẽ khỏi hẳn 100%. Nguy cơ và thời điểm tái phát có thể tùy thuộc vào từng cơ địa và tình trạng bệnh cụ thể.

a. Can thiệp tại chỗ

- Thuốc chống nấm: Ketoconazole và ciclopirox là lựa chọn đầu tay, với cơ chế ức chế sự phát triển của Malassezia.

- Corticosteroid: Được sử dụng trong các đợt bùng phát nặng, nhưng cần tránh lạm dụng do nguy cơ teo da và tăng sắc tố.

- Các chất điều hoà miễn dịch (calcineurin inhibitors): Tacrolimus và pimecrolimus giúp kiểm soát viêm ở các vùng nhạy cảm như mặt.

b. Điều trị toàn thân

- Thuốc chống nấm đường uống: Itraconazole hoặc fluconazole được chỉ định khi tổn thương lan rộng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ.

- Retinoids: Isotretinoin có tác dụng giảm hoạt động của tuyến bã nhờn và kiểm soát viêm.

c. Điều chỉnh lối sống và chăm sóc da

Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm không gây kích ứng, duy trì vệ sinh vùng da tổn thương bằng sản phẩm chuyên dụng và tránh các yếu tố kích thích (như rượu bia, stress) là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa tái phát.

6. Tương lai của điều trị: Triển vọng cá nhân hóa

Nghiên cứu gần đây tập trung vào hệ vi sinh vật da và khả năng sử dụng probiotics hoặc prebiotics để phục hồi cân bằng vi sinh. Liệu pháp sinh học nhắm vào các cytokine như IL-17 và IL-23 cũng đang được nghiên cứu, mở ra hướng điều trị mang tính cá nhân hóa và bền vững hơn.

Thông tin liên hệ

Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co

Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co

Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/

Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn

Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438

_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.