1. Định nghĩa

Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ (còn được gọi ở một số tài liệu y văn là “mụn trứng cá đảo ngược” - acne inversa; tên bệnh chính thức: Hidradenitis Suppurativa - HS).

Viêm tuyến mồ hôi mủ là một bệnh lý mãn tính, đặc trưng bởi sự hình thành các nốt, mụn và vết loét đau đớn dưới da, chủ yếu ở các khu vực có tuyến mồ hôi, chẳng hạn như nách, háng, mông, dưới ngực và dưới cánh tay.

Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành và có xu hướng tiến triển theo thời gian. Bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh do sự khó chịu, đau đớn, cũng như tác động tâm lý từ các tổn thương da và sẹo. HS có tính di truyền, và các yếu tố như hệ thống miễn dịch, viêm nhiễm và tắc nghẽn lỗ chân lông đều góp phần vào sự phát triển của bệnh.

2. Dịch tễ học

Viêm tuyến mồ hôi mủ thường ảnh hưởng đến khoảng 0.1% đến 1% dân số, với sự khác biệt tùy theo khu vực. Ở Mỹ, ước tính tỷ lệ là 0.4% ở người lớn. Ở châu Âu, tỷ lệ này khoảng 0.6%. Tỷ lệ mắc mới ở Đan Mạch là khoảng 5.6 trên 100,000 người mỗi năm, nhưng con số này có thể thay đổi do bệnh thường bị chẩn đoán muộn.

Viêm tuyến mồ hôi mủ thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành sớm, với độ tuổi khởi phát trung bình ở khoảng 23. 75% bệnh nhân có triệu chứng trước 40 tuổi. Bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ, với tỷ lệ nữ:nam khoảng 2:1 đến 3:1, có thể do yếu tố nội tiết (vẫn chưa được hiểu rõ).

Còn ở phương diện chủng tộc, viêm tuyến mồ hôi mủ có vẻ phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi so với người da trắng, với tỷ lệ tương đối lần lượt là 0.7% và 0.3%.

3. Cơ chế bệnh sinh và diễn tiến bệnh

Viêm tuyến mồ hôi mủ bắt đầu với tắc nghẽn nang lông, dẫn đến vỡ nang và kích hoạt phản ứng viêm mãn tính. Quá trình này liên quan đến sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, hormone, môi trường và đáp ứng miễn dịch, cuối cùng dẫn đến các tổn thương đặc trưng như nốt đau, áp xe và sẹo.

Các giai đoạn chính trong diễn tiến bệnh:

a. Tắc nghẽn nang lông (Follicular Occlusion)

- Bước đầu tiên là sự tắc nghẽn của đơn vị nang lông tuyến bã, bao gồm nang lông, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi loại apocrine (gắn liền và “đổ ké” mồ hôi qua vùng cổ nang lông).

- Tắc nghẽn này thường do tăng sừng hóa hoặc sự tích tụ bất thường của keratin và chất bã nhờn, dẫn đến hình thành nút chặn trong nang lông.

- Đây là sự kiện khởi đầu, có thể liên quan đến yếu tố di truyền, như đột biến gây tăng biểu hiện của phức hợp gamma-secretase (là một phức hợp enzyme màng tế bào, tham gia vào quá trình cắt các protein tín hiệu như NOTCH → Kích hoạt các con đường tín hiệu nội bào dẫn đến việc thay đổi quá trình biệt hóa tế bào và sự hình thành lớp sừng), dẫn đến sự rối loạn trong quá trình biệt hóa tế bào sừng, gây các bệnh lý về rối loạn dày sừng.

b. Vỡ nang lông (Follicular Rupture)

- Khi nang lông bị tắc nghẽn, áp lực tích tụ dẫn đến vỡ nang, giải phóng nội dung như keratin, chất bã nhờn, và vi khuẩn vào lớp bì da.

- Sự kiện này kích hoạt phản ứng miễn dịch, vì các chất này được cơ thể nhận diện như vật thể lạ, dẫn đến viêm cấp tính.

→ Đây là sự kiện quan trọng, quyết định biểu hiện lâm sàng điển hình của viêm tuyến mồ hôi mủ.

c. Phản ứng viêm và tiến triển mãn tính (Inflammation and Chronic Progression)

- Sau khi nang vỡ, hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ, với sự xâm nhập của các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính, đại thực bào và tế bào T.

- Các cytokine tiền viêm như TNF-α, IL-1β và IL-17 được sản xuất, duy trì tình trạng viêm mãn tính.

- Quá trình viêm kéo dài dẫn đến hình thành xoang (sinus tracts), sẹo và xơ hóa, đặc trưng cho giai đoạn muộn của bệnh.

4. Các yếu tố nguy cơ

a. Yếu tố di truyền

- Khoảng 30 - 40% bệnh nhân có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh, cho thấy yếu tố di truyền đóng vai trò khá quan trọng.

- Đột biến trong phức hợp gamma-secretase, bao gồm gen NOTCH1, NOTCH2, và PSEN1 đã được xác định, ảnh hưởng đến sự biệt hóa tế bào và sừng hóa nang lông thông qua việc làm gián đoạn tín hiệu NOTCH, dẫn đến bất thường trong cấu trúc nang lông.

b. Yếu tố nội tiết

- Viêm tuyến mồ hôi mủ thường khởi phát quanh tuổi dậy thì và phổ biến hơn ở phụ nữ, gợi ý vai trò của hormone, đặc biệt là androgen.

- Androgen có thể kích thích hoạt động của tuyến bã nhờn và tăng trưởng tóc, góp phần vào tắc nghẽn nang lông.

- Một chi tiết thú vị là bệnh có thể nặng hơn trong kỳ kinh nguyệt hoặc thai kỳ, cung cấp thêm manh mối hỗ trợ cho giả thuyết bất ổn nội tiết.

c. Yếu tố môi trường

- Béo phì và hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính, với béo phì làm tăng ma sát và độ ẩm ở vùng da kẽ, da có nếp gấp; trong khi hút thuốc có thể làm suy yếu chức năng miễn dịch và lành vết thương.

- Lối sống có thể góp phần làm trầm trọng thêm bệnh, nhưng thường không phải nguyên nhân chính.

d. Vai trò vi sinh vật

- Vi khuẩn như Staphylococcus aureus (tụ cầu cầu vàng) và Streptococcus pyogenes (liên cầu khuẩn nhóm A) thường được tìm thấy trong tổn thương viêm tuyến mồ hôi mủ, nhưng chúng thường được xem là những “kẻ xâm nhập cơ hội”, chứ không phải là yếu tố khởi đầu.

- Hai loại khuẩn trên cũng được ghi nhận có khả năng kháng được rất nhiều loại kháng sinh, dẫn đến khó khăn trong điều trị. Hơn nữa, khi sử dụng kháng sinh để điều trị, gây loại trừ hết các chủng khuẩn không kháng kháng sinh (cả lợi khuẩn và hại khuẩn)

→ Tạo điều kiện cho sự “bành trướng” của các chủng S.aureus hay S.pyogenes kháng thuốc.

- Hệ vi sinh da ngay tại vị trí tổn thương viêm tuyến mồ hôi mủ có thể khác với những vị trí da khỏe mạnh, nhưng vai trò cụ thể trong bệnh cảnh vẫn đang được nghiên cứu.

e. Cơ chế miễn dịch

- Viêm tuyến mồ hôi mủ được phân loại như một bệnh miễn dịch trung gian, với sự rối loạn cả miễn dịch bẩm sinh và thích nghi.

- Tăng biểu hiện của thụ thể nhận diện mẫu (TLR2, TLR4 - để nhận diện các tác nhân ngoại lai và “mảnh” tế bào tổn thương) và cytokine viêm như IL-17, TNF-α và IL-1β đều đã được ghi nhận, dẫn đến viêm mãn tính.

5. Biểu hiện lâm sàng

Viêm tuyến mồ hôi mủ thường khởi phát bằng các cục u nhỏ và nhức. Các tổn thương ban đầu có thể giống như mụn hoặc nhọt, với kích thước từ hạt đậu, có thể tự biến mất, lớn lên, hoặc vỡ ra, rò rỉ mủ. Các cục u này thường nhạy cảm, đau, có thể gây mùi khó chịu khi vỡ, do mủ thoát ra ngoài. Bệnh có thể bắt đầu sớm nhất ở tuổi dậy thì hoặc đầu tuổi trưởng thành (thường gặp hơn), có thể bị nhầm lẫn với các bệnh da khác ở giai đoạn sớm.

Viêm tuyến mồ hôi mủ gây ra một loạt các tổn thương đặc trưng, bao gồm:

- Nốt đau sâu (Deep-seated nodules): Các cục u cứng, nằm sâu dưới da, thường đau khi chạm vào. Chúng có thể cảm nhận được như các khối chắc và là dấu hiệu ban đầu của bệnh.

- Áp-xe (Abscesses): Các túi mủ đau, đỏ, sưng, có thể vỡ và rò rỉ dịch, thường có mùi hôi. Đây là một trong những biểu hiện chính, gây khó chịu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.

- Đầu đen (Blackheads): Các lỗ chân lông bị tắc, thường xuất hiện thành cặp hoặc nhóm, đặc biệt ở vùng da gấp. Chúng như các điểm đen nhỏ, trông có vẻ giống mụn đầu đen trên vùng mặt, nhưng lớn hơn gấp 2 - 3 lần, là dấu hiệu sớm của bệnh.

- Nang (Cysts): Các túi chứa dịch hoặc chất bán rắn, có thể gây đau và sưng. Nang có thể tiến triển thành áp xe nếu nhiễm trùng.

- Đường hầm da (Sinus tracts - còn gọi là mạch lươn): Các kênh dưới da, hình thành do các các nang lông vỡ và nhập lại với nhau, có thể kết nối với bề mặt và rò rỉ mủ. Các hầm này có thể nhìn thấy như các lỗ mở trên da, đôi khi có dịch chảy ra.

- Sẹo xơ hóa (Fibrotic scarring): Kết quả của quá trình viêm và lành vết thương lặp đi lặp lại, dẫn đến da dày lên, có thể lõm hoặc nổi, tạo vẻ ngoài "sỏi đá" ở giai đoạn muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng.

Ngoài các tổn thương chính, viêm tuyến mồ hôi mủ còn có các dấu hiệu phụ như:

- Đau dai dẳng, thường được mô tả là sâu và nhức nhối, đặc biệt khi có áp xe hoặc đường hầm.

- Ngứa hoặc rát, đặc biệt ở vùng da viêm.

- Mùi hôi từ dịch rò rỉ, do mủ chứa vi khuẩn phân hủy, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Da quanh tổn thương thường đỏ, sưng và ấm, cho thấy tình trạng viêm cấp tính.

- Hậu quả gián tiếp do lo âu, trầm cảm.

6. Chẩn đoán chuyên sâu

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt khi biểu hiện không điển hình hoặc cần loại trừ các bệnh khác, các phương pháp chuyên sâu hơn được áp dụng. Các phương pháp này bao gồm sinh thiết da, hình ảnh học, xét nghiệm máu, nuôi cấy và trong một số trường hợp hiếm, xét nghiệm di truyền.

a. Sinh thiết da

- Mô tả: Sinh thiết da là phương pháp quan trọng nhất để xác nhận chẩn đoán viêm tuyến mồ hôi mủ, đặc biệt khi biểu hiện lâm sàng không rõ ràng hoặc cần loại trừ các bệnh khác như ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc hidradenoma. Bác sĩ sử dụng kỹ thuật như khoan sinh thiết (biopsy punch), lấy một mẫu da nhỏ từ vùng tổn thương, thường ở mép của một tổn thương hoạt động và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.

- Phân tích mẫu: Dưới kính hiển vi, nhà bệnh lý học tìm kiếm các đặc điểm đặc trưng của viêm tuyến mồ hôi mủ, bao gồm:

+ Nang lông bị giãn nở với tăng sừng hóa (follicular hyperkeratosis).

+ Vỡ nang lông, dẫn đến viêm và hình thành áp xe.

+ Viêm hạt (granulomatous inflammation) xung quanh vùng vỡ.

+ Thiếu các đặc điểm của các bệnh khác, như nhiễm nấm hoặc ung thư.

- Ứng dụng lâm sàng: Sinh thiết đặc biệt hữu ích ở giai đoạn sớm hoặc ở trẻ em, khi biểu hiện có thể nhầm lẫn với viêm nang lông thông thường hoặc nhọt.

- Hạn chế: Có thể gây đau và để lại sẹo, nhưng thường không đáng kể.

b. Hình ảnh học (Imaging)

- Siêu âm (Ultrasound): Siêu âm, đặc biệt là siêu âm tần số cao, được sử dụng để đánh giá mức độ bệnh, như xác định áp xe, đường hầm da (sinus tracts) hoặc dịch tụ. Siêu âm không phải là công cụ chẩn đoán ban đầu, nhưng hữu ích trong lập kế hoạch điều trị, đặc biệt khi cân nhắc phẫu thuật.

- MRI (Magnetic Resonance Imaging): MRI được sử dụng trong các trường hợp nặng để đánh giá mức độ lan rộng của tổn thương, đặc biệt ở vùng hậu môn hoặc bẹn, nơi có nguy cơ biến chứng cao. MRI có thể phát hiện các đường hầm sâu hoặc nhiễm trùng lan rộng, nhưng không thay thế chẩn đoán lâm sàng.

- Ứng dụng và hạn chế: Cả hai phương pháp đều không thay thế chẩn đoán lâm sàng, nhưng hỗ trợ trong đánh giá mức độ bệnh. Chi phí và khả năng tiếp cận có thể là hạn chế.

c. Xét nghiệm máu (Blood Test)

- Mô tả: Xét nghiệm máu không chẩn đoán trực tiếp viêm tuyến mồ hôi mủ, nhưng có thể hỗ trợ bằng cách kiểm tra các dấu hiệu viêm như CRP (C-reactive protein) hoặc ESR (erythrocyte sedimentation rate), thường tăng trong viêm tuyến mồ hôi mủ.

- Ứng dụng lâm sàng: Xét nghiệm máu hữu ích để đánh giá mức độ viêm toàn thân và loại trừ các bệnh khác như bệnh Crohn hoặc hội chứng chuyển hóa, có liên quan đến viêm tuyến mồ hôi mủ.

- Hạn chế: Không đặc hiệu, vì các dấu hiệu viêm cũng tăng trong nhiều bệnh khác.

d. Nuôi cấy (Culture)

- Mô tả: Nuôi cấy từ tổn thương, đặc biệt là áp-xe hoặc đường hầm, được thực hiện để phát triển dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn như Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes.

- Ứng dụng lâm sàng: Nuôi cấy hữu ích trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng thứ phát, nhưng không phải là phương pháp chẩn đoán chính.

- Hạn chế: Kết quả chỉ mang tính bổ trợ, có thể không phản ánh nguyên nhân chính, vì vi khuẩn thường là kẻ xâm nhập thứ cấp.

e. Xét nghiệm di truyền (Genetic Testing)

- Mô tả: Xét nghiệm di truyền không phải là phương pháp chẩn đoán thường quy, nhưng có thể được xem xét trong các trường hợp hiếm, như bệnh khởi phát sớm hoặc có tiền sử gia đình mạnh. Một số gen liên quan (như PSEN1, PSEN2, và NOTCH1) đã được xác định trong nghiên cứu.

- Ứng dụng lâm sàng: Xét nghiệm di truyền hữu ích trong nghiên cứu hoặc chẩn đoán xác định ở bệnh nhân có biểu hiện bất thường di truyền, nhưng không phổ biến trong thực hành lâm sàng.

- Hạn chế: Chi phí cao, không có giá trị chẩn đoán trực tiếp và cần chuyên gia di truyền học.

7. Phương pháp điều trị chuyên biệt và kiểm soát

Các phương pháp điều trị chuyên biệt và kiểm soát bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ bao gồm thuốc, can thiệp phẫu thuật và liệu pháp sinh học, cùng với sự chú trọng trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì sự cải thiện lâu dài.

a. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là bước đầu tiên và chủ yếu trong kiểm soát viêm tuyến mồ hôi mủ. Các thuốc sử dụng trong điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ chủ yếu nhằm giảm viêm, kiểm soát nhiễm khuẩn, và giảm các triệu chứng đau đớn, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển và tái phát của bệnh.

- Kháng sinh: Kháng sinh là nhóm thuốc phổ biến được chỉ định trong điều trị HS, đặc biệt khi có viêm nhiễm. Các kháng sinh như Clindamycin, Tetracycline (như doxycycline và minocycline) được sử dụng phổ biến nhờ khả năng giảm viêm và kiểm soát vi khuẩn trong các ổ áp-xe. Ngoài ra, kháng sinh cũng giúp làm giảm số lượng và kích thước các mụn mủ, hạn chế sự tái phát của các tổn thương da.

- Thuốc ức chế miễn dịch Corticosteroid: Corticosteroid, chẳng hạn như prednisone và các chế phẩm bôi tại chỗ, có tác dụng giảm viêm nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid kéo dài có thể dẫn đến tác dụng phụ như mỏng da hoặc suy giảm hệ miễn dịch, vì vậy cần được chỉ định cẩn thận và theo dõi chặt chẽ.

- Chế phẩm nguồn gốc sinh học (Biological Agents): Các thuốc sinh học hiện đại, đặc biệt là các chất ức chế TNF-alpha (như các loại kháng thể đơn dòng như adalimumab và infliximab), đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát viêm mãn tính trong viêm tuyến mồ hôi mủ. Các thuốc này tác động trực tiếp vào cơ chế miễn dịch gây viêm trong cơ thể, làm giảm mức độ hoạt động của các cytokine tiền viêm như TNF-alpha, có thể giúp giảm sự xuất hiện của các nốt mủ và ổ áp-xe, đồng thời cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

- Các loại retinoid: Acitretin và các dạng retinoid khác cũng có thể được sử dụng để điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ, đặc biệt trong các trường hợp bệnh không đáp ứng với kháng sinh hoặc các liệu pháp điều trị khác. Retinoid giúp giảm sự tăng sinh của tế bào da, làm giảm sự hình thành các ổ viêm và tổn thương.

#Noted: Ae chỉ được phép sử dụng kháng sinh, corticosteroid và các loại thuốc kể trên dưới sự theo dõi và cho phép của bác sĩ thôi ha. Trang kể ra như vậy là để cung cấp thêm thông tin thôi, chứ không khuyến khích ae tự chẩn đoán - tự mua dùng hen.

b. Can thiệp phẫu thuật

Khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả hoặc khi bệnh đã tiến triển đến mức nghiêm trọng, can thiệp phẫu thuật trở thành một lựa chọn cần thiết. Phẫu thuật không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thông qua việc loại bỏ các ổ áp-xe và ngăn ngừa tái phát.

- Phẫu thuật loại bỏ tổn thương: Phẫu thuật loại bỏ các u cục lớn, các ổ áp-xe hoặc tổn thương mô có thể giúp ngừng sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa các tổn thương da vĩnh viễn. Tuy nhiên, phẫu thuật này có thể để lại sẹo và cần thời gian hồi phục lâu dài.

- Phẫu thuật cắt đoạn mô tổn thương: Đối với những bệnh nhân có tổn thương rộng, các kỹ thuật phẫu thuật như cắt da rộng hoặc phẫu thuật cắt bỏ mô tổn thương có thể được áp dụng để loại bỏ các mô bị viêm và ngăn ngừa sự tái phát. Tuy nhiên, đây là những can thiệp phức tạp và đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật.

c. Liệu pháp laser

Liệu pháp laser, đặc biệt là laser CO2 hoặc laser diode, đã trở thành một lựa chọn điều trị ngày càng phổ biến cho bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng laser có thể giúp làm giảm sự tăng sinh mô bất thường và cải thiện tình trạng da của bệnh nhân bằng cách loại bỏ các mô bị tắc nghẽn và viêm. Liệu pháp này có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác để tối đa hóa hiệu quả điều trị.

d. Quản lý y tế lâu dài và kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Một phần quan trọng trong điều trị viêm tuyến mồ hôi mủ là việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và duy trì tình trạng ổn định lâu dài. Các yếu tố như hút thuốc, cân nặng, chế độ ăn uống không lành mạnh, và stress đều có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống, chẳng hạn như từ bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý và giảm căng thẳng, là những biện pháp hỗ trợ quan trọng giúp cải thiện hiệu quả điều trị.

- Kiểm soát stress: Stress được cho là một yếu tố kích thích sự phát triển và tái phát của viêm tuyến mồ hôi mủ. Việc thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền, yoga hoặc các hoạt động thể thao có thể giúp giảm sự bùng phát của bệnh.

- Chế độ ăn uống và cân bằng nội tiết: Nghiên cứu cũng cho thấy một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp cải thiện tình trạng của bệnh. Bệnh nhân nên hạn chế các thực phẩm có thể gây viêm như đường và các sản phẩm từ sữa, đồng thời tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu omega-3 (acid béo có khả năng giảm viêm) và chất xơ.

e. Tác động tâm lý và hỗ trợ tinh thần

Vì viêm tuyến mồ hôi mủ có thể gây tổn thương lâu dài cho da và tạo ra sẹo, bệnh nhân thường phải đối mặt với những vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm, lo âu và tự ti về ngoại hình. Việc cung cấp hỗ trợ tinh thần, thông qua tư vấn tâm lý hoặc các nhóm hỗ trợ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Chăm sóc toàn diện, bao gồm cả hỗ trợ tâm lý, giúp bệnh nhân đối phó với những thách thức về cảm xúc và tâm lý liên quan đến bệnh.

8. Tương lai trong điều trị và nghiên cứu

Tương lai trong điều trị và nghiên cứu viêm tuyến mồ hôi mủ hứa hẹn nhiều tiến bộ đáng kể nhờ vào sự phát triển của các phương pháp điều trị mới và các hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế bệnh sinh. Nghiên cứu đang ngày càng tập trung vào việc xác định các yếu tố di truyền và miễn dịch chính xác gây ra sự viêm mãn tính trong viêm tuyến mồ hôi mủ, mở ra cơ hội phát triển các liệu pháp điều trị nhắm vào cơ chế này, chẳng hạn như các liệu pháp sinh học thế hệ mới.

Các nghiên cứu cũng đang khám phá vai trò của các cytokine và tín hiệu tế bào trong quá trình viêm, từ đó phát triển các liệu pháp nhắm vào các mục tiêu chính xác hơn, giúp giảm thiểu tác dụng phụ. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ mới như chỉnh sửa gene hoặc các liệu pháp mô ghép có thể cung cấp các giải pháp lâu dài hơn cho những trường hợp bệnh nặng.

Thông tin liên hệ

Fanpage: https://www.facebook.com/latrang.co

Tiktok: https://www.tiktok.com/@latrang.co

Instagram: https://www.instagram.com/latrang.co/

Twins Skin Vietnam: https://www.facebook.com/twinsskin.vn

Trong Vietnam: https://www.facebook.com/profile.php?id=61568318274438

_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Là Trang và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.