Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.

Hôm nay Kiên đổi gió bằng chuyên mục kiến thức ngắn cho cả nhà dễ hiểu ha. 

1. Khái niệm và cơ sở khoa học: Đơn giản là “ít mà chất”!

Biện pháp tiếp xúc ngắn (Short-Contact Therapy – SCT) trong da liễu là một phương pháp điều trị mà thuốc bôi, thường là những sản phẩm có hoạt chất mạnh, được áp dụng lên da trong một khoảng thời gian rất ngắn, thường khoảng 30 phút – 2 tiếng, sau đó rửa sạch. SCT được thiết kế nhằm mục đích giảm thiểu các tác dụng phụ, như kích ứng và đỏ da, thường gặp phải khi sử dụng các hoạt chất mạnh trong thời gian dài.

Biện pháp tiếp xúc siêu ngắn (“Minutes” Therapy – MT) cũng có cùng nguyên lý với SCT, nhưng thời gian tiếp xúc giảm tối thiểu còn từ 10 – 30 phút.

Cơ sở khoa học của hai biện pháp này nằm ở khả năng của da trong việc hấp thụ các hoạt chất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian tiếp xúc của thuốc với da càng lâu, nguy cơ kích ứng và các tác dụng phụ càng cao. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thời gian ngắn cũng đủ để hoạt chất thấm vào da và phát huy tác dụng điều trị.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các hoạt chất mạnh như tretinoin, retinol, benzoyl peroxide, hoặc anthralin trong điều trị mụn, vảy nến, hoặc viêm da cơ địa, và ở những làn da nhạy cảm, dễ kích ứng.

2. Ứng dụng SCT và MT trong da liễu

SCT và MT được áp dụng rộng rãi trong nhiều trường hợp lâm sàng, đặc biệt là với các bệnh da mãn tính như vảy nến và viêm da cơ địa, nơi mà sự an toàn và khả năng dung nạp của bệnh nhân là yếu tố quan trọng.

  • Điều trị mụn trứng cá: Các hoạt chất như benzoyl peroxide hoặc salicylic acid có thể gây khô và kích ứng nếu để lâu trên da. SCT và MT cho phép sử dụng các sản phẩm này trong thời gian ngắn, giảm nguy cơ tác dụng phụ trong khi vẫn duy trì hiệu quả điều trị.

  • Điều trị vảy nến: Anthralin, một trong những hoạt chất phổ biến để điều trị vảy nến, thường gây kích ứng nếu để trên da quá lâu. Với SCT, anthralin được bôi trong 10-20 phút rồi rửa sạch, giúp giảm viêm và tăng cường hiệu quả mà không gây tổn thương da.

  • Điều trị viêm da cơ địa: Trong điều trị viêm da cơ địa, các sản phẩm chứa corticoid hoặc tacrolimus có thể gây mỏng da hoặc kích ứng khi sử dụng lâu dài. SCT giúp hạn chế những tác dụng phụ này bằng cách giảm thời gian tiếp xúc.

3. So sánh với phương pháp bôi thoa thông thường

So với phương pháp bôi thoa thông thường, SCT có những ưu điểm nổi bật về mặt an toàn và khả năng dung nạp. Thông thường, các sản phẩm bôi da được khuyến nghị để qua đêm hoặc suốt cả ngày, điều này có thể gây ra các vấn đề về kích ứng, đặc biệt với những làn da nhạy cảm. Ngược lại, với SCT:

  • Hiệu quả gần như tương đương: Thật ra SCT và MT không phải là gì đó quá mới trong giới chuyên môn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng với các phương pháp tiếp xúc ngắn hạn, sự cải thiện tình trạng da đạt được mức tương đương với phương pháp bôi thoa thông thường nhưng với tần suất tác dụng phụ giảm rõ rệt.
    Điều này đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân phải điều trị lâu dài, giúp họ duy trì được liệu trình mà không bị gián đoạn do tác dụng phụ.
    Một nghiên cứu của Ryatt, K. S. và cộng sự từ năm 1984 đã nhận thấy việc áp dụng SCT và MT khi dùng dithranol cho thấy hiệu quả giảm vảy nến tương tự như khi để liên tục thuốc trên da tận 24h.
    Việc để những hoạt chất có nguy cơ (như tretinoin hay các loại peel da hoá học nồng độ cao) trên da lâu hơn có thể tăng thêm một tí hiệu quả, nhưng không đáng để đánh đổi với các nguy cơ kích ứng mà nó mang lại. Tiêu biểu ta có, việc “để quên” glycolic acid nồng độ cao trên mặt càng lâu thì ngày hôm sau da càng dễ bị sạm, do GA có khả năng gây tăng quang nhạy cảm.

  • Giảm tác dụng phụ: Thời gian tiếp xúc ngắn giúp giảm nguy cơ kích ứng, khô da, và các phản ứng phụ khác, đặc biệt là với các hoạt chất có tiềm năng gây kích ứng cao.

  • Dễ dàng điều chỉnh: SCT và MT dễ dàng điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của từng bệnh nhân, cho phép linh hoạt thay đổi thời gian tiếp xúc dựa trên phản ứng của da. Ai cảm thấy da mình không “mạnh lắm” thì SCT, “yếu” tí nữa thì MT.

  • Khả năng dung nạp tốt hơn: Bệnh nhân dễ dàng chấp nhận phương pháp này hơn, vì nó giảm bớt những khó chịu thường gặp khi bôi thuốc trong thời gian dài.

Lưu ý: SCT và MT là 2 phương pháp để giảm thiểu tác dụng phụ của các hoạt chất mạnh trên những làn da có nguy cơ, nhưng đây không phải là cái cớ để các bạn da nhạy cảm “quất tá lả tùm lum” đồ mạnh bạo. Nhạy cảm là một tình trạng da chứ không phải là một loại da, và có 7749 kiểu nhạy cảm khác nhau, nặng nhẹ rộng nhỏ tuỳ người.

Do vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến người có chuyên môn, và tập thói quen patch-test với mỗi món đồ skincare hay makeup nhé (tức thoa sản phẩm một ít ở vùng dưới cằm thử rồi để đó trong 24h, nếu không có kích ứng gì thì hẵng xài lên toàn mặt).

4. Kết luận

Biện pháp bôi thoa tiếp xúc ngắn và cực ngắn là một lựa chọn lý tưởng trong chăm sóc da và điều trị các bệnh da liễu mãn tính. Nó không chỉ giúp giảm thiểu tác dụng phụ mà còn duy trì hiệu quả điều trị, làm cho liệu trình trở nên dễ chịu hơn cho người bệnh.

Với SCT và MT, bạn không cần phải hy sinh làn da khỏe mạnh để đạt được kết quả điều trị, mà có thể đạt được cả hai một cách hiệu quả và an toàn.

_____________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.