“Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, những gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo cách riêng của mình.”

Đại thi hào người Nga Lev Tolstoy đã bắt đầu tác phẩm kinh điển Anna Karenina của mình như thế. Bởi “những gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo cách riêng”, nên chấn thương thời thơ ấu có muôn hình vạn trạng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chấn thương thời thơ ấu (adverse childhood experiences) là những trải nghiệm gây tổn thương ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi), ví dụ như:

(1) Bị ngược đãi, lạm dụng hoặc bỏ rơi về mặt thể chất hay tinh thần.

(2) Chứng kiến bạo lực trong gia đình hoặc trong cộng đồng.

(3) Môi trường gia đình có yếu tố gây mất an toàn, ổn định và gắn kết: Cha mẹ ly hôn, người thân sử dụng chất kích thích hoặc có vấn đề tâm thần,...

Vết hằn mà chấn thương tuổi thơ để lại

(1) Đánh mất ký ức tuổi thơ

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nếu ký ức đau buồn đủ nhiều thì cơ chế phòng vệ sẽ được kích hoạt khiến ta từ chối ghi nhớ trải nghiệm buồn để né tránh cảm xúc tiêu cực. Kết quả là ký ức tuổi thơ trở nên “chớp nhoáng”, ví dụ như chúng ta vẫn nhớ mình từng bị đánh đập nhưng lại không nhớ một chút gì về bối cảnh lúc đó. 

Khi tuổi thơ bị “đánh cắp”, quá trình trưởng thành sẽ thiếu đi nền tảng và điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thấu hiểu bản thân khi trưởng thành, thậm chí là khủng hoảng danh tính (identity crisis).

(2) Bị thu hút bởi những mối quan hệ độc hại

Tuổi thơ tổn thương dễ đẩy những nạn nhân đến với những người có tính cách tương đồng với trải nghiệm của họ - nghĩa là những người cũng vô tâm, bạo lực hoặc ái kỷ. Ví dụ như một cô gái lớn lên trong gia đình có người bố bạo hành, bỏ bê vợ con… thì rất có khả năng sẽ hẹn hò phải một chàng trai giống như bố của mình. 

Đôi khi, nạn nhân hoàn toàn ý thức được đây là mối quan hệ độc hại và muốn thay đổi nó, nhưng những ảnh hưởng vô hình vẫn đưa họ trở lại con đường cũ. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn nhốt họ trong con người cũ, bi kịch cũ.

(3) Có vấn đề với sự cam kết trong mối quan hệ 

Bên cạnh đó, có một số người sẽ né tránh sự thân mật, sợ hãi việc phải cam kết với một ai đó - như một cách để bảo vệ bản thân khỏi tổn thương. Điều này khiến họ khó hòa nhập với cộng đồng nơi họ sinh sống/ làm việc, không thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh cần thiết.

(4) Chối bỏ bản thân

Đó là khi sự kết nối với bản thân chỉ khiến họ cảm thấy đau đớn - bởi đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về những tổn thương trong quá khứ. Ý thức về bản thân, nếu có, thường được gắn với những đặc điểm xấu. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc và phát triển bản thân khi họ sống tách biệt với chính mình, không có khả năng chiêm nghiệm về bản thân. 

(5) Các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần 

Trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc các hội chứng khác có liên quan chặt chẽ đến chấn thương thời thơ ấu. Nếu không được phát hiện và điều trị phù hợp, nạn nhân có thể gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Họ có thể tìm đến bia rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác để giải tỏa cảm xúc, tìm lấy niềm vui nhất thời. 

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chấn thương thời thơ ấu làm tăng lượng hormone cortisol và norepinephrine trong cơ thể, gây ra căng thẳng mãn tính và nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, thừa cân, tiểu đường, tim mạch và một số loại ung thư. Tất cả những điều này trở thành một vòng lặp độc hại, khó thoát ra.

Thay lời kết, mình sẽ lược trích một đoạn trong cuốn “Viên thuốc bọc đường chỉ dành cho trẻ nhỏ”:

“Tổn thương là thứ có thể di truyền từ đời này sang đời khác. Nỗi buồn là một loại virus, lây lan và đầu độc những đứa trẻ. Niềm đau sẽ như một vòng luẩn quẩn, dày vò tất cả các thế hệ. 

Bởi vì nước mắt chảy xuống, nên chừng nào tổn thương còn tồn tại, nó sẽ luôn được truyền lại. Cách duy nhất để thoát ra khỏi vòng lặp tiêu cực này chính là một người nào đó có thể nhìn nhận lại gốc rễ của những vết thương và chấp nhận sự thật rằng linh hồn mình có những khoảng trống lớn, và rằng bố mẹ cũng chỉ là những con người bình thường với nỗi-đau-tương-tự trong trái tim. Lúc ấy, chúng ta mới có thể tìm ra cách chữa lành và bỏ lại những tổn thương, để chúng không còn có thể làm đau những đứa trẻ tiếp theo.    

Nếu nỗi đau có tính di truyền, thì niềm yêu thương cũng vậy.”