“Muốn phục hồi, kiếm ngay HA B5”
“Da đang kích ứng hả? Thoa HA B5”
“Da đang khô căng quá sao? Bôi ngay HA B5 vào”
...
Đây ắt hẳn là những câu nói cửa miệng của rất nhiều người, trong đó có thể có cả các anh em Đồng Điệu. Ở ngoài kia, số lượng sản phẩm HA B5 (Hyaluronic Acid và Vitamin B5) cũng nhiều vô số kể, trong đó nhiều nhất là ở các thị trường Hàn và Nhật. Có thể nói vui rằng, một line sản phẩm chăm sóc da sẽ là không hoàn chỉnh khi thiếu một sản phẩm chứa combo “quốc dân” HA B5 này.
Hãy cùng BS Trai tìm hiểu đánh giá và phân tích để có cái nhìn khách quan và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho nhu cầu phục hồi của mỗi Đồng Điệu nhé!
1. Hyaluronic Acid (HA) là gì? Vitamin B5 là gì?
Thú thật, những phần tổng quan này đôi khi hơi khô khan và lý thuyết, nhưng BS. Trai luôn sợ các bạn mới sẽ bỏ lỡ những kiến thức quan trọng nên vẫn phải trình bày đầy đủ. Cùng nhau ôn lại một chút nhé!
Hyaluronic Acid (HA) là một polysaccharide tự nhiên xuất hiện trong cơ thể con người, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm và độ đàn hồi của da. Trong mỹ phẩm, HA thường được sử dụng như một thành phần dưỡng ẩm hiệu quả nhờ khả năng giữ nước vượt trội, tạo một lớp màng bảo vệ trên bề mặt da, ngăn chặn sự mất nước và tăng cường độ ẩm tự nhiên. Ứng dụng của HA trong việc phục hồi da chủ yếu nhắm vào việc cải thiện độ ẩm, giúp da trở nên căng mọng và mịn màng hơn. Ngoài ra, HA còn hỗ trợ trong việc làm đầy các nếp nhăn và giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa bằng cách kích thích sản xuất collagen. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng HA có thể làm tăng độ đàn hồi và độ mịn của da, đồng thời giảm tình trạng viêm và kích ứng. Trong các sản phẩm phục hồi da, HA thường được kết hợp với các thành phần chống oxy hóa và tái tạo khác, nhằm tối ưu hóa quá trình phục hồi và tái tạo da.
Thế còn Vitamin B5? Nó còn được gọi là pantothenic acid, là một trong những thành phần quan trọng trong các sản phẩm chăm sóc da. Vitamin B5 nổi bật với khả năng cấp ẩm, giữ ẩm, làm dịu và phục hồi da bị tổn thương. Trong mỹ phẩm, vitamin B5 thường được sử dụng dưới dạng provitamin B5 (panthenol), một chất có khả năng thấm sâu vào các lớp da và chuyển hóa thành pantothenic acid. Pantothenic acid là yếu tố cần thiết cho quá trình tổng hợp và chuyển hóa coenzyme A, một thành phần quan trọng trong việc duy trì chức năng tế bào và sửa chữa các mô da bị tổn thương.
2. Có phải cứ cấp ẩm, làm dịu là “phục hồi”?
Trong da liễu, “phục hồi” đề cập đến quá trình mà tái tạo và sửa chữa sau tổn thương của da. Da có thể bị tổn thương bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tổn thương vật lý (ví dụ như vết cắt, trầy xước), tổn thương hóa học (do tiếp xúc với hóa chất gây hại), tổn thương nhiệt (như bỏng nắng), và tổn thương sinh học (như mụn trứng cá hoặc các bệnh lý về da). Mỗi kiểu tổn thương này yêu cầu các cơ chế phục hồi khác nhau để da có thể quay trở lại trạng thái bình thường. Thông thường, khi nhắc đến phục hồi, người ta sẽ thường nghĩ đến cấp ẩm và làm dịu đơn thuần.
Quá trình phục hồi da thường bao gồm ba giai đoạn chính: viêm, tăng sinh, và tái tạo.
– Giai đoạn viêm diễn ra ngay sau khi da bị tổn thương, với mục đích loại bỏ các tác nhân gây hại và chuẩn bị cho quá trình sửa chữa.
– Giai đoạn tăng sinh là khi các tế bào da bắt đầu tăng trưởng và di chuyển để lấp đầy vết thương.
– Giai đoạn tái tạo là khi các tế bào da tái cấu trúc và trở lại trạng thái bình thường.
Thực chất khi hiểu sâu, phục hồi da là một quá trình phức tạp và tinh vi, vượt xa khái niệm đơn giản về việc cung cấp độ ẩm và làm dịu da. Đó là một chuỗi các phản ứng sinh học liên hoàn, với sự tham gia của nhiều loại tế bào và tín hiệu phân tử khác nhau, nhằm tái tạo và sửa chữa các tổn thương, đưa da trở về trạng thái khỏe mạnh ban đầu.
Nguyên bào sợi đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này, chúng là “nhà máy” sản xuất collagen và elastin, hai thành phần cấu trúc quan trọng nhất của da. Collagen giúp da săn chắc, đàn hồi, trong khi elastin giúp da co giãn và linh hoạt. Khi da bị tổn thương, nguyên bào sợi được kích hoạt để sản xuất thêm collagen và elastin, lấp đầy các khoảng trống và sửa chữa các tổn thương.
Bên cạnh đó, các tế bào miễn dịch như đại thực bào và tế bào T cũng đóng vai trò quan trọng. Đại thực bào có nhiệm vụ “dọn dẹp” các mảnh vỡ tế bào và vi khuẩn gây hại, trong khi tế bào T điều hòa phản ứng viêm, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lan rộng và gây tổn thương thêm cho da.
Các yếu tố tăng trưởng như TGF-β và VEGF đóng vai trò như “chất xúc tác” cho quá trình phục hồi. TGF-β kích thích nguyên bào sợi sản xuất collagen và elastin, trong khi VEGF thúc đẩy sự hình thành mạch máu mới, cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào da mới hình thành. Các cytokine và chemokine hoạt động như “sứ giả hóa học”, điều phối hoạt động của các tế bào miễn dịch và các tế bào khác tham gia vào quá trình phục hồi.
3. Tại sao chỉ dùng HA + B5 để phục hồi trong một số trường hợp là chưa đủ
Ở nhiều sản phẩm HA và B5 phân khúc thấp đến trung (nhóm sản phẩm dễ tiếp cận nhất) trên thị trường, dù có vai trò quan trọng trong việc dưỡng ẩm và làm dịu da, nhưng không thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phức tạp của quá trình phục hồi da ở các cấp độ sâu hơn, vốn gặp ở những dạng tổn thương thường gặp ở các biện pháp xâm lấn như bóc tách đáy sẹo, điều trị rạn da, laser, vi kim/ phi kim… Những điểm hạn chế đó bao gồm:
a. Hạn chế trong việc kích thích tái tạo tế bào
Bản thân HA, nếu không được áp dụng công nghệ gì, thì chủ yếu chỉ thấm và hoạt động ở lớp thượng bì, cung cấp độ ẩm và hỗ trợ quá trình hydrat hóa. Tuy nhiên, nó khó trực tiếp kích thích sự tăng sinh của các tế bào da như nguyên bào sợi (fibroblast), tế bào sừng (keratinocyte), và tế bào nội mô, vốn rất quan trọng cho việc tái tạo và phục hồi các lớp da sâu hơn.
B5 (panthenol) tuy có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo da, nhưng tác động của nó chủ yếu ở mức độ biểu bì và không đủ mạnh để kích thích sự tăng sinh tế bào một cách đáng kể ở các lớp da sâu hơn. Khả năng làm dịu và phục hồi của panthenol cũng thường ở mức vừa phải, “chưa đủ đô” với những làn da vừa sau “cày xới”.
b. Thiếu các yếu tố tăng trưởng và cytokine quan trọng
Quá trình phục hồi da cần sự tham gia của nhiều yếu tố tăng trưởng (như EGF, FGF, TGF-β) và cytokine (như interleukin và interferon) để điều hòa các phản ứng viêm, tăng sinh tế bào, và tái tạo mô. HA và B5 không cung cấp các yếu tố này, dẫn đến việc quá trình phục hồi diễn ra chậm và kém hiệu quả.
c. Không tác động nhiều đến quá trình tổng hợp collagen và elastin
Collagen và elastin là hai thành phần cấu trúc chính của da, giúp duy trì độ đàn hồi, săn chắc và ngăn ngừa nếp nhăn, đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc vùng mô sẹo. Các dạng thức bào chế HA (thường là HA phân tử lớn và vừa) và B5 thông thường sẽ không trực tiếp kích thích quá trình tổng hợp collagen và elastin, mà chỉ gián tiếp hỗ trợ quá trình này thông qua việc tăng ngậm nước và làm dịu da. HA có 3 dạng thức thường gặp trên thị trường: HA phân tử lớn, HA phân tử vừa và HA phân tử nhỏ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở dạng HA nhỏ nhất, trung bình độ thấm đạt tới ~130μm (ở tầng cuối của lớp thượng bì). Cá biệt, một số công thức bào chế HA phân tử nhỏ (oHA) có khả năng thấm đến tầng trung bì (~800μm). Chỉ khi đó, HA mới có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh tổng hợp chất nền ngoại bào và hỗ trợ lành thương.
d. Không giải quyết dứt điểm các vấn đề cốt lõi của hàng rào bảo vệ da
Hàng rào bảo vệ da là lớp ngoài cùng của da, có chức năng ngăn ngừa mất nước, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và vi khuẩn. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, da trở nên khô, nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Chức năng trực tiếp nhất của HA B5 chính là tạo lớp màng hydrat hoá để làm dịu và bảo vệ da trong thời điểm bôi. Nhờ có HA B5 đảm nhiệm chức năng làm dịu và bảo vệ nên da mới có những “khoảng nghỉ” để tập trung cho việc chữa lành. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy công dụng của HA và B5 đang đi theo hướng gián tiếp, chứ không tham gia trực tiếp vào việc hồi phục. Mỗi khi có xâm lấn và tổn thương lớn, việc phục hồi gián tiếp là tốt nhưng không thể đảm bảo được tính “đủ” và “kịp thời”. HA B5 trên thị trường phần lớn khó tham gia phục hồi hoàn toàn hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, vì chúng không chứa, và thiếu khả năng kích thích tăng sinh trực tiếp các lipid và ceramide cần thiết để tái tạo lớp màng lipid của da.
Đặt niềm tin quá lớn vào HA B5 sẽ khiến cho nhiều Đồng Điệu bỏ lỡ mất “thời điểm vàng” trong phục hồi và tái tạo mô, khiến kết quả không được như mong muốn.
4. Các hoạt chất tăng sinh và kích thích sinh học: Khi làn da thực sự cần “phục hồi” nhiều hơn
Vậy một khi đã xác định được rằng chỉ bôi thoa HA và B5 là không đủ với tình trạng da hiện tại của mình, các Đồng Điệu nên tìm đến những sự lựa chọn thay thế nào?
a. Bioregenerator: Chất tái sinh sinh học
Bioregenerator, hay chất tái sinh sinh học, giúp tái tạo và sửa chữa mô da bị tổn thương bằng cách kích thích quá trình tăng sinh tế bào. Đây là giải pháp bôi thoa hữu hiệu hơn hẳn so với combo HA và B5. Yếu tố tăng trưởng (Growth Factors) chính là nhóm chất tái sinh sinh học phổ biến nhất và được ứng dụng nhiều nhất, như TGF-β, EGF, và VEGF. Chúng là những protein có khả năng kích hoạt các thụ thể trên bề mặt tế bào, thúc đẩy sự phát triển và phân chia tế bào, đồng thời sản xuất collagen và elastin mới.
Platelet-Rich Plasma (PRP) là một liệu pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu từ máu của chính bệnh nhân, cung cấp nhiều yếu tố tăng trưởng giúp tăng cường quá trình lành vết thương và tái tạo da, cải thiện tình trạng sẹo và rạn da.
PRP chứa các nhân tố tăng trưởng đã và đang được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực y học, kể cả da liễu. Một nghiên cứu của Lisi, C. và cộng sự vào năm 2017 đã đề cao công dụng của việc tiêm PRP trong điều trị bệnh về khớp gối, với những thay đổi tích cực đáng kể của bệnh nhân trong sinh hoạt và trên hàng loạt các thang đo như WOMAC, AKSS và Lequesne, so với nhóm đối chứng chỉ được tiêm HA. Đặc biệt, không hề đi kèm với bất kỳ tác dụng phụ nào.
Việc kết hợp cả các nhân tố tăng trưởng (bao gồm EGF, bFGF, KGF-2, SOD1, và IGF-1) và HA trong một nghiên cứu của Lee, D. H. và cộng sự vào năm 2014 cho thấy khả năng cải thiện quang tổn thương (mức độ tổn thương giảm từ 3.30 xuống 2.83) và nếp nhăn trong vòng từ 4 – 8 tuần ở tất cả các đối tượng tham gia thử nghiệm.
Vậy tại sao các yếu tố tăng trưởng nên được ưu tiên hơn HA B5 trong các trường hợp xâm lấn, tổn thương sâu? HA và B5 được ví như những giải pháp tức thời, giúp xoa dịu cơn khát của làn da tổn thương. Tuy nhiên, để thực sự “câu” được làn da khỏe mạnh, căng tràn sức sống, chúng ta cần đến “cần câu” – các yếu tố tăng trưởng. Không chỉ đơn thuần là cấp ẩm, các yếu tố tăng trưởng còn kích thích da tự sản sinh HA và các yếu tố kiềm viêm, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, sản xuất collagen và elastin, giúp phục hồi cấu trúc da từ sâu bên trong.
Chính vì vậy, trong trường hợp da bị tổn thương, các yếu tố tăng trưởng được xem như “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa giải quyết các vấn đề hiện tại, vừa xây dựng nền tảng vững chắc cho một làn da khỏe mạnh, tươi trẻ dài lâu.
b. Biostimulator: Chất kích thích sinh học
Bên cạnh đó, ta có một nhóm hoạt chất khác, gọi là các biostimulator, hay chất kích thích sinh học. Sau khi được đưa vào trong da, chúng có khả năng kích thích phản ứng viêm nhẹ trong da, từ đó thúc đẩy quá trình sản sinh HA, collagen và elastin tự nhiên của cơ thể. Có thể hiểu rằng, biostimulator được đưa vào giúp kích hoạt phản ứng viêm và các phản ứng dây chuyền liên quan, trong đó có việc sản sinh các biogenerator nhóm yếu tố tăng trưởng, từ đó tiếp tục kích thích tăng sinh HA, collagen và elastin tự nhiên và tái cấu trúc mô. Do qua nhiều bước, quá trình phục hồi do biostimulator thường có đặc điểm là diễn ra từ từ và kết quả xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng.
Poly-L-Lactic Acid (PLLA) là một trong những biostimulator phổ biến nhất. PLLA được tiêm vào da dưới dạng hạt nhỏ, kích hoạt quá trình viêm nhẹ để kích thích sản xuất collagen, giúp da trở nên săn chắc và đàn hồi hơn. Một nghiên cứu về việc tiêm PLLA trong vòng 6 tuần, sau đó đánh giá trong 96 tuần liên tục cho các bệnh nhân nhiễm HIV bị di chứng teo mỡ dưới da, cho thấy sự cải thiện độ dày da đáng kể (từ 2.0 – 5.5mm trước liệu trình, đến >10mm, kể từ tuần 24).
Calcium Hydroxylapatite (CaHA – các Đồng Điệu lưu ý rằng HA ở đây không phải là Hyaluronic Acid nhé) cũng là một biostimulator hiệu quả, không chỉ làm đầy tạm thời mà còn kích thích sản xuất collagen, mang lại làn da mịn màng và cải thiện cấu trúc lâu dài.
c. Liệu pháp biorevitalization: Tăng cường sinh học
Biorevitalization (tăng cường sinh học) là một phương pháp thẩm mỹ nội khoa, kết hợp với các hoạt chất sinh học biogenerator và biostimulator để tăng cường hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng và sức khỏe làn da từ sâu bên trong. Mục tiêu của biorevitalization là khôi phục độ ẩm, độ đàn hồi, và sức sống cho làn da, đồng thời làm mờ nếp nhăn, cải thiện cấu trúc da và làm đều màu da.
Các phương pháp biorevitalization thường gặp là mesotherapy đưa các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng và cung cấp dinh dưỡng cho làn da như: amino acid, chất chống oxy hóa, khoáng chất… Ngoài ra, còn có thể kết hợp với các hoạt chất kích thích và tái sinh sinh học kể trên, cùng các phương pháp như tiêm meso, lăn kim/ phi kim, laser fractional và điện di/siêu âm/ sóng RF…để gia tăng hiệu quả điều trị
– Kết hợp với biostimulator: Giúp kích thích sản xuất collagen và elastin mạnh mẽ hơn, mang lại hiệu quả trẻ hóa da lâu dài và bền vững.
– Kết hợp với biogenerator: Giúp làm đầy nếp nhăn và cải thiện độ ẩm của da ngay lập tức, đồng thời kích thích quá trình tái tạo da từ sâu bên trong.
Lưu ý: Biorevitalization, bioregeneration, biostimulation là những hoạt chất được sử dụng trong các thủ thuật y tế, cần được thực hiện bởi bác sĩ da liễu có chuyên môn, chứ không được chủ quan sử dụng như những dược mỹ phẩm thông thường. Trước khi thực hiện, các Đồng Điệu cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với tình trạng da và nhu cầu phục hồi da của bản thân.
d. Rủi ro và chi phí: Chuyện ai cũng thắc mắc, nhưng không phải ai cũng dám hỏi
Biostimulator, bioregenerator và biorevitalization là những phương pháp có tiềm năng mang lại những cải thiện đáng kể cho làn da, tuy nhiên, chúng cũng đi kèm với mức chi phí nhất định và một số rủi ro có thể xảy ra nếu sử dụng ko đúng cách. Đây là điều hiển nhiên, không có phương pháp nào hoàn hảo cả các Đồng Điệu ạ.
Trước khi quyết định thực hiện bất kỳ liệu trình nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về quy trình, sản phẩm sử dụng, đồng thời trao đổi chi tiết với bác sĩ hoặc chuyên gia thẩm mỹ về những rủi ro và chi phí có thể phát sinh. Việc lựa chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho quá trình điều trị.
Một số rủi ro tiềm ẩn:
– Phản ứng quá mẫn: Mặc dù tỷ lệ xảy ra thấp, một số cá nhân có thể biểu hiện phản ứng quá mẫn với các thành phần có trong sản phẩm, dẫn đến các triệu chứng như ban đỏ, phù nề, ngứa hoặc thậm chí sốc phản vệ trong những trường hợp nghiêm trọng.
– Nhiễm trùng: Nếu quy trình không được thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối hoặc dụng cụ không được tiệt trùng đúng quy trình, nguy cơ nhiễm trùng tại vị trí tiêm là hiện hữu.
– Biến chứng không mong muốn: Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện các biến chứng như u hạt, sẹo lồi, hoặc kết quả thẩm mỹ không đạt như kỳ vọng.
– Tương tác thuốc: Một số loại dược phẩm có thể tương tác với các sản phẩm được sử dụng trong các phương pháp này, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Cân nhắc về chi phí:
– Chi phí điều trị ban đầu: Chi phí cho các liệu trình này thường ở mức tương đối cao hơn sản phẩm tiêm chứa HA thông thường, phụ thuộc vào loại sản phẩm được sử dụng, số lượng vùng điều trị và uy tín của cơ sở thẩm mỹ.
– Chi phí duy trì: Để duy trì kết quả đạt được, thông thường cần thực hiện đúng phác đồ theo liệu trình điều trị định kỳ, nên tổng chi phí cũng là yếu tố cần xem xét.
– Chi phí xử lý biến chứng: Trong trường hợp không may xảy ra biến chứng, ví dụ như khi khách hàng điều trị ở những cơ sở ko có chuyên môn, thì chi phí điều trị và khắc phục biến chứng về sau có thể tốn kém nhiều hơn và là một gánh nặng tài chính đáng kể.
5. Kết luận
HA và B5, cặp đôi dưỡng ẩm phục hồi quốc dân, đã quá quen thuộc với các tín đồ skincare. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng là lựa chọn tối ưu. HA B5 chỉ phù hợp khi các Đồng Điệu cần phục hồi sau kích ứng nhẹ hoặc sử dụng như một phần của liệu trình chăm sóc da hàng ngày để tăng cường độ ẩm thôi nhé. Hiểu rõ tình trạng của làn da và nhu cầu của nó mới là chìa khóa để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Trong thế giới thẩm mỹ đa dạng và phong phú như hiện nay, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp có thể là một thách thức lớn. Mỗi người có một làn da độc nhất với những đặc điểm, vấn đề và mục tiêu riêng biệt. Do đó, việc áp dụng một liệu trình điều trị chung cho tất cả mọi người là không hiệu quả và thậm chí có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
Không có giải pháp “một kích cỡ phù hợp cho tất cả”. Mỗi làn da là duy nhất, và không có một liệu trình điều trị nào có thể phù hợp với tất cả mọi người. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp đòi hỏi sự tư vấn và đánh giá kỹ lưỡng từ các bác sĩ chuyên gia thẩm mỹ có kinh nghiệm. Họ sẽ xem xét tình trạng da, mục tiêu và ngân sách của bạn để đưa ra những gợi ý phù hợp nhất.
Hy vọng qua bài viết này, BS. Trai đã cùng cả nhà Đồng Điệu cập nhật thêm những “tân binh” đầy tiềm năng – biorevitalization, biogeneration và biostimulation, trong hành trình chăm sóc và phục hồi làn da, đặc biệt là sau những liệu trình xâm lấn và trẻ hoá da. Hãy để làn da được “thưởng thức” những dưỡng chất tinh túy nhất, để luôn rạng rỡ và khỏe mạnh từ sâu bên trong.
Đọc bài viết này xong, các Đồng Điệu có còn quá “thiên vị” HA B5 nữa không nào?
Các bạn có thể liên hệ với Bác sĩ Ngọc Trai thông qua những nền tảng dưới đây:
Fanpage TS.BS Ngọc Trai – Da liễu Thẩm mỹ Pearl Clinic
Tiktok bacsingoctrai
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Ngọc Trai và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion