Hi các đồng điệu, mình là Thiện từng làm cho 1 nhãn hàng ứng dụng công nghệ tế bào gốc. Sự khó khăn khi bắt đầu nhãn hàng này là việc phải đi educate thị trường rất nặng. Suốt thời gian làm Thiện luôn bị đau đáu vì những câu hỏi của Bác sĩ về việc có tế bào gốc trong sản phẩm skincare không, nó hiệu quả không, nó được chấp thuận không? Việt Nam mình bị dắt mũi bởi mấy thuật ngữ như “tiêm tế bào gốc”, “bôi thoa tế bào gốc”, … từ nhiều nhà xì kin ke, bác sĩ phake đại tài. Mình cũng thất vọng vì sự hay ho của 1 nền công nghệ còn mới đã bị họ bóp méo đến mức cả thị trường nhìn vào liệu pháp TBG như 1 sự dối trá. (Thiện cũng nghe pr kiểu “tiêm TBG sẽ làm tái tạo tế bào da mới …” … pla pla. Đến lúc tiêm xong thì khách hàng bị viêm, sưng, u hạt đủ kiểu)
Bài viết này là bài đầu tiên của mình trong chuỗi bài viết về y học tái tạo, công nghệ tế bào gốc nhằm làm rõ 1 số hiểu nhầm trong mảnh đất này và ứng dụng của nó vào chăm sóc da. Mình mong được chia sẻ niềm đam mê của mình với các bạn về 1 công nghệ tương lai rất tiềm năng, rất hay ho – Công nghệ tế bào gốc
Y học tái tạo
Đây là ngành nghiên cứu tập trung vào việc chữa lành mô và cơ quan cũng như phục hồi chức năng của cơ thể do lão hóa, bệnh tật, tổn thương hoặc bị khiếm khuyết. Như vậy, khác với các liệu pháp điều trị truyền thống như dược phẩm tập trung vào căn nguyên của bệnh, y học tái tạo nói về việc nuôi dưỡng mô, thay thế mô và tạng hoặc kích hoạt khả năng tự chữa lành của cơ thể.
-
VD về khả năng ghép mô: Ở bệnh nhân ung thư máu có thể áp dụng phương pháp cấy ghép các tế bào gốc tạo máu lấy từ cuống rốn trẻ mới sinh
-
VD về khả năng tự chữa lành: Nếu bạn bị nhiễm Covid thì các loại dược phẩm truyền thống sẽ tập trung vào diệt virus Covid, điều trị triệu chứng viêm bằng corticoid, nặng hơn thì kết hợp với 1 số thuốc sinh học như Tocilizumab (ức chế IL6) để xử lý bão Cytokine. Với ngành y học tái tạo sẽ khác, bằng cách kích hoạt khả năng tự chữa lành thông qua tổ hợp các Cytokine, Growth Factor và Exosome – là các chất tiết của các tế bào khác nhau trong cơ thể. Đây là cách chữa lành tự nhiên nhất của cơ thể!
Tuy nhiên, y học tái tạo vẫn còn là 1 khoảng trống còn nhiều tranh cãi, 1 lĩnh vực không có kết quả lâm sàng nhất quán và đồng bộ như ngành y dược truyền thống.
-
VD như PRP: đây là 1 liệu pháp không lạ trong giới làm đẹp với khả năng trẻ hóa, điều trị sẹo, … Tuy nhiên độ tuổi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng PRP, và vì thế hiệu quả lâm sàng trên các bệnh nhân khác nhau sẽ rất khác nhau.
Nhưng sức mạnh của y học tái tạo là không thể bàn cãi! Có những căn bệnh hoặc những khiếm khuyết do tai nạn gây ra mà không thể điều trị bằng các liệu pháp truyền thống nhưng với y học tái tạo sẽ mở ra 1 trang mới, cảm giác giống như được sống lại 1 lần nữa của những bệnh nhân mang các căn bệnh mạn tính!
Kết luận: y học tái tạo vẫn là 1 chân trời mới còn cần thêm nhiều nghiên cứu, nhiều hiểu biết hơn để có thể ứng dụng rộng rãi. Y học tái tạo là liệu pháp đáng thử nghiệm trong 1 số trường hợp mà y học truyền thống thời điểm hiện tại chưa thể xử lý được.
Tại sao y học tái tạo lại liên quan đến da liễu thẩm mỹ?
Về mặt cơ bản, da cũng được cấu tạo từ các tế bào, theo độ tuổi các tế bào da cũng sẽ bị lão hóa và mất dần chức năng của nó. Y học tái tạo giúp cho các tế bào da lão hóa hành xử 1 cách trẻ hơn, thông qua việc bổ sung các tín hiệu tế bào như Cytokine, Growth Factor, … từ đó giúp làn da được trẻ hóa, căng tràn sức sống hơn
Liệu pháp tế bào gốc
Trước khi bắt đầu mình cũng xin nói là tế bào gốc cũng vẫn còn nhiều tranh cãi. Tế bào gốc cũng là 1 phần quan trọng và đang được tập trung nghiên cứu nhiều nhất của lĩnh vực y học tái tạo.
Tế bào gốc là gì?
Là tế bào có 2 đặc điểm:
– khả năng nhân đôi vô hạn
– khả năng biệt hóa thành 1 tế bào khác
Đọc xong định nghĩa là mọi người auto nghĩ mỹ phẩm chứa tế bào gốc là nó sẽ tạo ra 1 làn da mới toanh vì nó nhân đôi vô hạn và biệt hóa thành tế bào da trẻ hơn … đúng không dị bà con? Có 2 fact cần làm rõ ở đây:
1. Tế bào không thể có mặt trong mỹ phẩm: nhiệt độ môi trường, chất bảo quản, môi trường không có tí dinh dưỡng nào cho tế bào, nghĩ sao mà có tế bào sống được mà đòi nó tăng sinh vậy mọi người. Tế bào gốc để có thể dùng được phải bảo quản trong nitơ lỏng, nhưng bảo quản cũng chưa chắc là sẽ dùng được vì khi rã đông, không phải tế bào nào cũng có thể sống trở lại (giống người tiền sử hay voi ma mút trong lớp băng vậy, rã lớp băng ra mà con nào cũng sống lại thì voi ma mút có lẽ được vào sách đỏ chứ chưa phải tuyệt chủng đâu)
2. Vậy thứ được gọi là “tế bào gốc” trong chai mỹ phẩm thực chất là gì? Nó có thể là:
– Cell lysate (dịch nội bào của tế bào sau khi ly giải lớp màng của tế bào, bản chất nó là chất dinh dưỡng cho tế bào, giống như thức ăn của tế bào vậy)
– Conditioned Media (chất tiết của tế bào thông qua việc nuôi cấy trong 1 điều kiện cụ thể, là tổ hợp các tín hiệu tế bào)
Phân loại TBG: Tùy theo tiềm năng biệt hóa, tế bào gốc sẽ phân loại như sau: TBG toàn năng, TBG vạn năng, TBG đa năng, TBG đơn năng, Tế bào tiền thân. Ngoài ra còn 1 loại TBG đa năng cảm ứng là 1 công trình đạt giải Nobel (Mình sẽ diễn giải chỗ này vào topic khác vì nó hơi phức tạp, có liên quan đến vấn đề đạo đức ngành TBG nữa).
Tế bào gốc đang sử dụng phổ biến trong skincare hiện tại là TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ (MSC, Mesenchymal Stem Cell), thuộc loại TBG đa năng. Có 3 loại MSC phổ biến là TBG Trung mô tủy xương (là TBG trung mô được nghiên cứu đầu tiên), TBG trung mô mỡ (ứng dụng nhiều trong thẩm mỹ) và TBG trung mô cuống rốn (còn được gọi là Wharton’s Jelly)
MSC còn được gọi là TBG trưởng thành, có thể được thu nhận mà không gặp phải vấn đề đạo đức và là mảnh đất màu mỡ của giới nghiên cứu thời điểm hiện tại. Số lượng các nghiên cứu về MSC liên tục tăng và không có dấu hiệu dừng lại là minh chứng rõ nhất của ngành y học tái tạo. Sức mạnh của các MSC, như lời của Dr Arnold Caplan, cha đẻ và là người đặt tên cho MSC – đến từ các chất tiết của nó (MSC Conditioned Media). Các chất tiết này đóng vai trò tín hiệu tế bào giúp các tế bào phối hợp hoạt động để tự tái tạo và sửa chữa mô bị tổn thương, khi phát hiện được sự thật này ông đã có ý muốn thay đổi tên của MSC thành Medicine Signal Cell.
Thực trạng hiện nay
Công nghệ tế bào gốc đang lên ngôi trong giới làm đẹp vì VN đang trong trend phục hồi da và MSC là ngôi sao trong lĩnh vực này với đặc tính ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH và KÍCH THÍCH TÁI TẠO, GIẢM SẸO. Các đặc tính này cực kỳ có ý nghĩa trong quá trình lành thương sau các liệu pháp xâm lấn
Trong 1 bài revisit của tờ tạp chí JDD 2021 có đề cập đến kim tự tháp skin health chỉ ra rằng: các Peptides, Growth Factor nằm trên top của kim tự tháp với ý nghĩa KÍCH HOẠT và TÁI TẠO. Một phần lớn ở đây chính là các chất do tế bào tiết ra (Conditioned Media)
Trên thế giới, Nhật Bản có lẽ là thiên đường của khoa học tế bào gốc vì đạo luật của Nhật cho phép triển khai rất nhiều dự án liên quan đến tế bào. Khác với Nhật là Mỹ, vấn đề đạo đức trở thành rào cản to lớn, FDA cũng chỉ cấp phép cho 1 số rất rất ít liệu pháp liên quan đến tế bào trong điều trị, khiến cho các nhà nghiên cứu về tế bào gốc phải bỏ xứ, tới những đất nước lân cận hoặc bớt rào cản để được thỏa mãn với niềm đam mê về tế bào gốc của họ. (Mình sẽ viết 1 bài về vấn đề đạo đức trong y học tế bào gốc ở topic sau nhé, mình biết mọi người có rất nhiều câu hỏi, tại hồi đó đi thị trường mình bị hỏi hoài à)
Phần 1 kết thúc nhẹ nhàng ở đây nhen, nếu thấy hay mọi người cho 1 like, 1 comment để mình có động lực viết tiếp. Đồng thời mọi người có câu hỏi thắc mắc gì thì cứ hỏi Thiện sẽ trả lời nhé. Thiện không biết sẽ kiếm tài liệu để trả lời, không kiếm được tui đi hỏi, đi hỏi không được cho tui nợ nhaaaaaa
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của DS. Thiện Đỗ và group Đồng Điệu.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
_______________
Nguồn tham khảo
1. Z. D. Draelos MD, 2021, Revisiting the Skin Health and Beauty Pyramid: A Clinically Based Guide to Selecting Topical Skincare Products, J Drugs Dermatol. 2021; 20(6), p.659
2. Neil H. Riordan PA, 2017, Stem cell therapy – A rising tide. Biên dịch thành sách tiếng việt bởi đội ngũ của BS Đỗ Xuân Trường: “Tế bào gốc – Bí mật của suối nguồn tươi trẻ”
Discussion