Xin chào cả nhà Đồng Điệu!
Chắc hẳn qua những bài chia sẻ gần đây của BS. Ngọc Trai trên Đồng Điệu, mọi người đều cảm nhận được niềm đam mê lớn của BS với các liệu pháp da liễu thẩm mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực phục hồi phục và rạn da rồi phải không? Thông qua nghiên cứu và thực tế lâm sàng BS. Trai thấy rằng để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, cần có sự phối hợp hài hòa giữa ba yếu tố: kích thích sinh học, tái tạo sinh học và tăng cường sinh học.
Nhiều phương pháp điều trị hiện nay thường tập trung vào kích thích và tái tạo sinh học, mà bỏ quên mất vai trò nền tảng của tăng cường sinh học. BS. Trai lại có một quan điểm khác. Theo bác Trai , tăng cường sinh học lại cần được xem như yếu tố trước nhất để các quá trình kích thích, sửa chữa, lành thương và tái tạo diễn ra suôn sẻ và hiệu quả.
Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng BS. Trai tìm hiểu sâu hơn về một khía cạnh quan trọng, thường chưa được chú ý trong điều trị bởi cả người điều trị lẫn bệnh nhân, đó là tăng cường sinh học.
1. Tổng quan về các hoạt chất tăng cường sinh học (biorevitalizator) và polynucleotide
Biorevitalizator là một nhóm các hợp chất sinh học được sử dụng trong thẩm mỹ để tăng cường sức khỏe và phục hồi làn da. Mục tiêu của biorevitalizator là giúp da trở nên khỏe mạnh, không bị "hồi da" sau liệu trình, đồng thời tạo đà tăng sinh bền vững thông qua việc cung cấp trực tiếp các dưỡng chất, nguyên liệu, tạo điều kiện cho quá trình tái tạo mô diễn ra hiệu quả hơn. Những chất này bao gồm các đơn chất, phân tử nhỏ và các đại phân tử như các amino acid, hyaluronic acid, peptide, vitamin, yếu tố tăng trưởng… nhằm nuôi dưỡng, bổ sung chất nền trong da, thúc đẩy tái tạo da, duy trì độ đàn hồi, săn chắc và độ ẩm tối ưu.
Vai trò của các biorevitalizator trong quá trình tái tạo cấu trúc da ở sẹo và rạn:
- Trước kích thích sinh học: Biorevitalizor giúp tăng cường khả năng chống chịu của da trước các liệu trình kích thích mạnh như laser, peel da hóa học, hoặc microneedling. Việc cung cấp dưỡng chất trước liệu trình giúp da tăng khả năng tự bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ tổn thương sâu và tối ưu hóa kết quả điều trị.
Có thể nhân hoá vui rằng: Da cũng như người, nếu đang yếu ớt và thiếu dưỡng chất mà bắt đầu thực hiện các bài tập gym nặng thì chẳng khác nào “chưa kịp khỏe mà đã phải gồng”, dễ gây tổn thương và chấn thương nhiều hơn là mang lại hiệu quả. - Trong tái tạo sinh học: Khi da bắt đầu quá trình tái tạo, biorevitalizator đóng vai trò là nguồn cung cấp chất nền và cơ chất cho quá trình tái cấu trúc collagen và tăng sinh elastin, giúp làm đầy các nếp nhăn và cải thiện độ đàn hồi. Đồng thời, quá trình kích thích tái tạo da thường đi kèm với tình trạng viêm nhẹ.
Các thành phần như peptide, nucleotide, amino acid, chất chống oxy hóa và yếu tố tăng trưởng trong biorevitalizator giúp điều chỉnh và kiểm soát tình trạng viêm, ngăn ngừa sự kích ứng quá mức. - Sau tái tạo sinh học: Biorevitalizator giúp kéo dài kết quả tái tạo, ngăn ngừa sự suy giảm chất lượng da sau liệu trình. Điều này giúp da đạt được trạng thái cân bằng sinh học tốt hơn, duy trì độ căng mọng và ngăn ngừa sự xuất hiện trở lại của các dấu hiệu hồi sẹo và lão hóa.
Polynucleotide là một nhóm hợp chất sinh học thuộc về nucleic acid (hồi xưa còn được gọi là các acid nhân), bao gồm các chuỗi dài của các nucleotide như adenine, guanine, cytosine và thymine (hoặc uracil trong RNA). Chúng có mặt tự nhiên trong DNA và RNA của mọi tế bào sống và đóng vai trò then chốt trong quá trình tái tạo, là nguồn cung cấp nguyên vật liệu để sửa chữa và truyền tải thông tin di truyền. Khi được sử dụng trong liệu pháp biorevitalization, polynucleotide trở thành một thành phần quan trọng để tăng cường sức sống của tế bào da, đồng thời kích thích quá trình tái tạo và phục hồi da.
Khi ứng dụng polynucleotide trong tăng cường sinh học, các mục tiêu biểu kiến thường được để tâm là:
- Cung cấp nguồn nguyên liệu sinh học.
- Thúc đẩy tái tạo tế bào.
- Cải thiện vi tuần hoàn.
- Giảm viêm và hỗ trợ phục hồi.
Về phương diện sinh học phân tử ở cấp độ sâu hơn, polynucleotide trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ hoạt động chủ yếu thông qua các cơ chế sinh học phân tử như sau:
- Sửa chữa DNA và duy trì tính toàn vẹn di truyền: Polynucleotide cung cấp các nucleotide tiền chất (dATP, dCTP, dGTP, dTTP) cho quá trình sửa chữa DNA, bảo vệ tế bào da khỏi tổn thương do tia UV và các yếu tố gây stress ngoại sinh. Điều này giúp kích hoạt các enzyme sửa chữa như DNA polymerase và ligase, ngăn ngừa đứt gãy sợi kép (double-strand breaks) và đột biến.
- Kích hoạt thụ thể purinergic P2Y/P2X và tín hiệu nội bào: Polynucleotide và các nucleotide từ nó có thể tương tác với các thụ thể P2Y hay P2X trên màng tế bào, kích hoạt các con đường tín hiệu MAPK/ERK, cAMP và IP3/DAG. Những tín hiệu này làm tăng nồng độ Ca2+ nội bào, dẫn đến tăng sinh tế bào và tăng cường tổng hợp protein. Con đường MAPK/ERK đặc biệt quan trọng vì nó kích hoạt quá trình tăng sinh nguyên bào sợi (fibroblast proliferation) và tăng sản xuất collagen.
- Thúc đẩy sinh tổng hợp collagen, elastin và hyaluronic acid: Các tín hiệu từ thụ thể P2Y còn thúc đẩy sự biểu hiện của các yếu tố tăng trưởng, đặc biệt là TGF-β1 (Transforming Growth Factor-beta 1), kích thích tổng hợp collagen và elastin. Polynucleotide cũng tăng cường hoạt tính của hyaluronan synthase (HAS), giúp cải thiện sản xuất HA, từ đó duy trì độ ẩm, độ đàn hồi và khả năng liên kết của chất nền ngoại bào ECM.
- Điều hòa quá trình chết tế bào theo chương trình (apoptosis): Polynucleotide có khả năng bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa bằng cách kích hoạt các con đường tín hiệu AKT/PKB và NF-κB, giúp tăng cường sự sống sót của tế bào và ngăn ngừa apoptosis. Việc điều hòa apoptosis đảm bảo rằng các tế bào da không bị phá hủy quá mức, giúp duy trì số lượng tế bào trong mô và hỗ trợ quá trình tái tạo.
- Điều hòa hoạt động enzyme phân giải ECM (Matrix Metalloproteinases - MMP): Polynucleotide giúp điều hòa các enzyme MMP như MMP-1, MMP-9 (các enzyme phân hủy collagen và elastin). Bằng cách ức chế hoạt tính MMP, polynucleotide ngăn ngừa sự thoái hóa quá mức của ECM, bảo vệ cấu trúc da và ngăn chặn tình trạng da mất săn chắc, chảy xệ.
2. Đặc điểm hóa học của polynucleotide
Polynucleotide là một chuỗi dài của các nucleotide, đơn vị cơ bản cấu tạo nên DNA và RNA. Polynucleotide có cấu trúc đặc trưng bởi các liên kết phosphodiester nối các đơn vị nucleotide lại với nhau, tạo nên một mạch dài, ổn định, bền vững và phân cực. Mỗi nucleotide bao gồm ba thành phần chính: base nitrogen (adenine, guanine, cytosine, thymine hoặc uracil), đường pentose (deoxyribose trong DNA, ribose trong RNA) và nhóm phosphate.
Polynucleotide bao gồm nhiều nucleotide nối với nhau qua liên kết phosphodiester giữa nhóm 5'-phosphate và nhóm 3'-OH của các nucleotide liền kề, tạo thành một chuỗi phân cực với đầu 5' và 3'. Thành phần cấu trúc chính gồm:
- Base nitrogen: Adenine, guanine (purine); cytosine, thymine hoặc uracil (pyrimidine).
- Đường pentose: Deoxyribose (DNA), ribose (RNA). RNA chứa ribose, có nhóm hydroxyl ở cả 2 vị trí C2' và C3', làm cho RNA kém bền vững hơn DNA.
- Nhóm phosphate: Mang điện tích âm, tạo tính ưa nước và ổn định cấu trúc.
Liên kết phosphodiester hình thành nhờ DNA/RNA polymerase trong quá trình tổng hợp, sử dụng cơ chất là các triphosphate nucleotide (dNTPs, NTPs).Trong da liễu thẩm mỹ, polynucleotide thường được sử dụng ở dạng mạch đơn thay vì mạch đôi như trong DNA tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp polynucleotide dạng mạch đôi được sử dụng, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến tái tạo mô sâu hoặc tăng cường tính ổn định của hoạt chất.
Các tính chất hoá lý tiêu biểu của polynucleotide bao gồm:
- Tính tan trong nước: Polynucleotide dễ tan trong nước nhờ nhóm phosphate mang điện tích âm, giúp tương tác với các phân tử nước thông qua liên kết hydro và tương tác ion. Ví dụ, DNA tự nhiên có độ hòa tan trong nước khoảng 50 mg/mL ở nhiệt độ phòng và nồng độ ion vừa phải (NaCl 0.1 M).
- Tính phân cực: Chuỗi polynucleotide có tính phân cực do đầu 5' mang nhóm phosphate và đầu 3' mang nhóm hydroxyl. Điều này ảnh hưởng đến hướng tổng hợp (5' → 3') trong quá trình sao chép và phiên mã.
→ Với “xương sống” là các chuỗi đường, tính chất tan trong nước và phân cực còn đảm bảo cho polynucleotide chức năng tối thiểu của một biorevitalizator: Chức năng ngậm, giữ và cấp nước, giúp cấp ẩm và làm dịu thông qua cả những cơ chế “thô sơ” nhất.
- Liên kết hydro: Các base tạo liên kết hydro giữa các cặp đối bổ sung (A-T: 2 liên kết, C-G: 3 liên kết). Số lượng liên kết hydro này ảnh hưởng đến điểm nóng chảy (Tm) của DNA: ví dụ, DNA với 50% cặp G-C có Tm cao hơn DNA chứa 30% cặp G-C (thường tăng khoảng 0.4°C cho mỗi 1% G-C tăng thêm).
- Độ nhớt: Polynucleotide có độ nhớt cao khi hòa tan, đặc biệt trong các dung dịch có độ pH trung tính. DNA có trọng lượng phân tử cao (>106 Da) có độ nhớt lớn hơn nhiều so với RNA hoặc các phân tử oligonucleotide nhỏ.
- Khả năng bắt màu (UV absorbance): Polynucleotide hấp thụ mạnh ánh sáng ở bước sóng 260nm do đặc điểm của các base nitrogen thơm. Chỉ số hấp thụ (A260) thường được dùng để xác định nồng độ DNA, với OD 1.0 tại 260 nm tương ứng với ~50 µg/mL đối với DNA sợi đôi và ~40 µg/mL đối với RNA.
3. Điểm nổi bật của polynucleotide so với các biorevitalizator khác
Polynucleotide là một nhóm hợp chất được sử dụng phổ biến trong thẩm mỹ tái tạo da nhờ vào khả năng tái cấu trúc và phục hồi mô một cách mạnh mẽ. So với các biorevitalizator khác như hyaluronic acid (HA), peptide hoặc collagen, polynucleotide vượt trội nhờ cơ chế tác động không chỉ trên cấp độ cấu trúc mà còn điều chỉnh các con đường tín hiệu phân tử nội bào, sửa chữa DNA và kích hoạt quá trình tăng sinh tế bào.
a/ Tác động cấp độ tế bào và phân tử:
- Polynucleotide: Với cấu trúc chuỗi dài các nucleotide, polynucleotide không chỉ cung cấp các yếu tố dưỡng chất mà còn kích hoạt các thụ thể purinergic (P2Y, P2X) trên bề mặt tế bào. Điều này kích thích một loạt các con đường tín hiệu nội bào như MAPK/ERK, PI3K/Akt và JAK/STAT, từ đó điều chỉnh sự tăng sinh và biệt hóa tế bào, thúc đẩy tái tạo mô và phục hồi DNA.
- Hyaluronic Acid (HA): HA hoạt động chủ yếu như một chất dưỡng ẩm, giữ nước trong lớp hạ bì và tạo môi trường thuận lợi cho các yếu tố tăng trưởng. Tuy nhiên, HA không trực tiếp điều chỉnh biểu hiện gene hay kích hoạt các con đường tín hiệu tế bào phức tạp như polynucleotide.
- Peptide: Các peptide có vai trò chính là tín hiệu tăng sinh và điều hòa hoạt động enzyme, nhưng chúng thường không tham gia vào việc sửa chữa DNA hoặc kích thích sự tăng sinh mạnh mẽ như polynucleotide.
b/ Tính tương thích sinh học:
- Polynucleotide có nguồn gốc từ acid nucleic tự nhiên và tính tương thích sinh học cao do cấu trúc của nó giống với DNA và RNA nội sinh trong cơ thể người. Tuy nhiên, hệ miễn dịch vẫn có các thụ thể Toll-like receptor (TLR - như TLR3, TLR7/8, TLR9) chuyên nhận diện DNA và RNA ngoại lai. Nếu polynucleotide có trình tự lạ hoặc đặc tính bất thường, chúng vẫn có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Chính vì thế, mặc dù polynucleotide có nguy cơ thấp hơn peptide và protein, nhưng việc lựa chọn nguồn gốc và tinh khiết của chúng vẫn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn trong liệu pháp tăng cường sinh học. Việc kiểm soát chất lượng và tinh chỉnh trình tự nhằm tránh kích hoạt TLR sẽ giúp hạn chế phản ứng không mong muốn. - Hyaluronic acid (HA) và peptide cũng có tính tương thích sinh học cao, nhưng vì HA và peptide có thể bị phân giải sinh học nhanh chóng trong da bởi các enzyme như hyaluronidase và protease có sẵn, nên thời gian tồn tại của chúng ngắn hơn polynucleotide. Nói cách khác, do trong da không giàu nuclease nên đã đem lại cho polynucleotide đặc tính “kháng phân huỷ sinh học tạm thời”.
c/ Chức năng bảo vệ và sửa chữa DNA:
- Polynucleotide: Cung cấp các nucleotide tự do (ATP, dGTP, dATP) cho quá trình sửa chữa DNA và duy trì tính toàn vẹn di truyền. Nhờ vào cấu trúc mạch dài, chúng giúp bổ sung các phân tử nucleotide cần thiết cho quá trình Base Excision Repair (BER) và Nucleotide Excision Repair (NER) khi da bị tổn thương bởi tia UV hoặc gốc tự do.
- HA và peptide: Không có khả năng sửa chữa DNA hoặc cung cấp nền tảng cho các quá trình sinh tổng hợp nucleotide nội sinh.
d/ Tích hợp tốt vào môi trường ngoại bào:
Nhờ bản chất hoá học, polynucleotide có khả năng tương tác với các thành phần của chất nền ngoại bào (ECM) như collagen, elastin, proteoglycan thông qua liên kết tĩnh điện và liên kết hydro. Điều này giúp polynucleotide được giữ lại trong ECM, tạo thành một "mạng lưới" hỗ trợ cấu trúc da và giải phóng từ từ các nucleotide, kéo dài hiệu quả điều trị.
4. Polynucleotide vs. Polydeoxyribonucleotide (PDRN)
Có hai cái tên mà các Đồng Điệu có thể nhầm lẫn qua lại, “tưởng 1 mà 2” khi tìm hiểu về các tài liệu liên quan đến da liễu thẩm mỹ hoặc khi được tư vấn tại phòng khám, đó là polynucleotide (viết tắt là PN) và polydeoxyribonucleotide (viết tắt là PDRN, hay được gọi dân dã là “DNA cá hồi”). Vậy hai biorevitalizator này có điểm gì khác nhau?
a/ Cấu trúc và nguồn gốc:
- Polynucleotide: Là một thuật ngữ rộng bao gồm các chuỗi nucleotide có độ dài đa dạng, thành phần nucleotide đa dạng, có thể được tách chiết từ nhiều nguồn khác nhau (cá, cá hồi, hoặc mô sinh học khác). Thông thường, PN trong da liễu thẩm mỹ thường ở dạng mạch đơn để tối ưu khả năng thấm.
- PDRN: Là một loại polynucleotide mạch đôi có độ dài thấp (thường là các đoạn từ 50-2000 base), được tách chiết chủ yếu từ DNA của tinh hoàn cá hồi giàu base nitrogen A-G. Vì ngắn hơn và giàu A hơn (sau đó chuyển hoá thành adenosine), PDRN dễ dàng thẩm thấu vào các mô hơn và có khả năng tương tác đặc hiệu với các thụ thể A2A (Adenosine A2A receptor) trên màng tế bào.
b/ Cơ chế hoạt động:
- Polynucleotide: Kích hoạt các con đường tín hiệu purinergic (P2Y) và các con đường liên quan đến phân chia tế bào, tăng cường tổng hợp protein cấu trúc như collagen và elastin. Do tính đa dạng về kích thước và trình tự, polynucleotide không chỉ cung cấp nucleotide mà còn tham gia vào các quá trình phức tạp khác như quá trình biểu hiện gene, điều chỉnh di truyền học biểu sinh và sửa chữa DNA.
- PDRN: Tác động mạnh lên con đường Adenosine A2A receptor, giúp giảm viêm, tăng cường sản xuất TGF-β (yếu tố tăng trưởng β) và tăng tân mạch. Khả năng tái tạo của PDRN chủ yếu nằm ở việc kích thích sự phát triển của mạch máu mới và sửa chữa các tổn thương mô sâu.
c/ Độ dài chuỗi, tính ổn định ảnh hưởng đến hoạt tính sinh học:
- Polynucleotide: Có độ dài chuỗi thay đổi (từ vài trăm đến hàng ngàn base), có thể duy trì cấu trúc trong thời gian dài hơn, tạo hiệu quả bảo vệ mô và tái tạo bền vững. Nhờ cấu trúc dài, chúng tương tác với nhiều thụ thể trên bề mặt tế bào và điều chỉnh sự biểu hiện gene một cách toàn diện hơn, từ đó mang lại tác dụng tăng sinh và tái tạo mô lâu dài.
- PDRN: Độ dài ngắn hơn, dễ bị phân giải nhanh hơn trong môi trường sinh học, nhưng nhờ đặc tính đặc hiệu với thụ thể A2A, PDRN mang lại tác dụng kháng viêm, sửa chữa nhanh chóng hơn polynucleotide.
d/ Hiệu quả lâm sàng:
- Polynucleotide: Tập trung vào hiệu quả tăng sinh tế bào và hỗ trợ sản xuất collagen, elastin, giúp cải thiện độ săn chắc và đàn hồi của da. Sửa chữa các tổn thương mô lâu dài, duy trì hiệu quả tái tạo trong thời gian dài.
- PDRN: Tập trung vào hiệu quả giảm viêm nhanh chóng, đặc biệt trong điều trị tổn thương mô sâu và tổn thương cấp tính. Kích thích tạo mạch máu và cải thiện sự lưu thông máu tại vùng điều trị.
5. Một số bài tổng hợp và nghiên cứu lâm sàng về tiềm năng của polynucleotide
a/ “The Efficacy of Polynucleotide Derived from Salmon DNA for the Treatment of Striae Distensae: A Pilot Study” (tác giả: Sintopachakul, M., & Sirithanabadeekul, P. - năm 2024):
Bài báo tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của polynucleotide chiết xuất từ DNA cá hồi trong điều trị rạn da. Nghiên cứu kéo dài 20 tuần với sự tham gia của 10 tình nguyện viên đã có vết rạn trên vùng bụng trong hơn 12 tháng. Polynucleotide được tiêm vào vùng điều trị có kích thước 8x8 cm ở mỗi buổi, vào các tuần 0, 4 và 8. Các chỉ số như thể tích, độ nhám, chiều rộng và mức độ tích tụ melanin được đo lường qua máy Antera 3D vào tuần 4, 8, 12 và 20. Kết quả cho thấy:
- Thể tích và độ nhám của vết rạn giảm đáng kể từ tuần 8 đến tuần 20 (giảm từ 2.54 mm3 xuống 1.37 mm3 và từ 47.45 xuống 38.50).
- Chiều rộng của vết rạn giảm từ 2.24 mm xuống 2.01 mm.
- Thang đo sẹo Manchester cũng giảm rõ rệt từ 12 xuống 7.4 điểm vào tuần thứ 20, phản ánh sự cải thiện cấu trúc sẹo.
- Không ghi nhận các tác dụng phụ nghiêm trọng trong quá trình điều trị.
b/ “Preliminary Prospective and Randomized Study of Highly Purified Polynucleotide vs Placebo in Treatment of Moderate to Severe Acne Scars” (tác giả: Araco, A., & Araco, F. - năm 2021):
Bài báo này tiến hành một nghiên cứu ngẫu nhiên, có đối chứng và mù đôi trên 20 phụ nữ (10 người điều trị bằng polynucleotide tinh khiết cao - PN-HPT và 10 người dùng giả dược) để đánh giá hiệu quả của PN-HPT trong điều trị sẹo lõm mụn trứng cá từ mức độ vừa đến nặng. Mỗi bệnh nhân được tiêm 4.0 mL PN-HPT vào da mặt, lặp lại sau 3 tuần. Các chỉ số nếp nhăn, kết cấu da và hemoglobin được đánh giá qua thiết bị Antera 3D tại 1 và 3 tháng sau điều trị.
Kết quả cho thấy nhóm sử dụng PN-HPT cải thiện rõ rệt về nếp nhăn và kết cấu da (giảm nếp nhăn từ 41.1 xuống 29.24 điểm và kết cấu từ 37.1 xuống 22.75 điểm) so với nhóm giả dược. Bên cạnh đó, mức độ hài lòng của bệnh nhân cũng tăng đáng kể.
c/ “A Biomimetic Polynucleotides–Hyaluronic Acid Hydrogel Promotes the Growth of 3D Spheroid Cultures of Gingival Fibroblasts” (tác giả: Colangelo, M. T., Vicedomini, M. L., Belletti, S., Govoni, P., Guizzardi, S., & Galli, C. - năm 2023):
Bài báo nghiên cứu hiệu quả của hợp chất polynucleotide và hyaluronic acid (PN + HA) trên mô hình nuôi cấy 3D spheroid của nguyên bào sợi nướu (gingival fibroblasts) nhằm đánh giá khả năng tái tạo mô và tăng sinh tế bào. Thí nghiệm chia các mẫu thành 4 nhóm: đối chứng, PN, HA và PN + HA. Spheroid được theo dõi sự thay đổi về kích thước, hình thái và khả năng sống sót của tế bào.
Kết quả cho thấy nhóm PN + HA có kích thước spheroid lớn hơn, chu vi tăng lên và chỉ số circularity giảm, biểu hiện sự tăng sinh tế bào và phát triển ngoại vi. Nhóm PN + HA cũng có mức độ sống sót tế bào cao hơn so với các nhóm còn lại và sau khi nuôi cấy thêm, chỉ nhóm này cho thấy sự tan rã hoàn toàn của spheroid và sự xâm lấn mạnh mẽ của tế bào ra toàn bộ bề mặt đĩa nuôi cấy, cho thấy khả năng tăng sinh và tái tạo mô cao.
*Chú thích thêm:
- Mô hình nuôi cấy 3D spheroid: Một hệ thống nuôi cấy tế bào ba chiều được sử dụng để mô phỏng cấu trúc và chức năng của mô hoặc khối u trong môi trường thí nghiệm. Spheroid được tạo ra bằng cách nuôi cấy các tế bào thành dạng cụm hình cầu trong điều kiện ba chiều (3D), thay vì môi trường nuôi cấy phẳng hai chiều (2D) thông thường. Trong môi trường 3D này, các tế bào có thể tương tác và sắp xếp tương tự như trong cơ thể sống, tạo ra một mô hình có tính tương đồng cao với các mô tự nhiên, giúp phản ánh vi cấu trúc, tương tác tế bào và biểu hiện gene gần giống hơn so với nuôi cấy 2D.
- Chỉ số circularity (circularity index/ circularity ratio): Một đại lượng toán học dùng để mô tả mức độ tròn đều của hình dạng hoặc cấu trúc nhất định. Trong nuôi cấy tế bào, sự giảm chỉ số circularity cho thấy sự biến đổi từ hình dạng tròn đều sang dạng kéo dài hoặc phức tạp hơn, thường đi kèm với các quá trình biệt hoá, di cư, xâm lấn, stress hoặc thay đổi trạng thái sinh lý của tế bào.
d/ “Improving on laser: biorevitalization of stretch marks, the polynucleotides infiltrations combined with CO2 laser option” (tác giả: Matera, G., Dodici, N., & Raichi, M. - năm 2020):
Bài báo tập trung đánh giá hiệu quả của polynucleotide kết hợp với liệu pháp laser CO2 trong điều trị rạn da. Nghiên cứu bao gồm 18 vết rạn trên 3 phụ nữ và được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm: điều trị bằng PN đơn thuần, PN kết hợp với laser CO2 và nhóm đối chứng. Trong 11 tuần, PN được tiêm vào mô bị rạn và theo dõi hiệu quả bằng công nghệ hình ảnh 3D Antera®.
Kết quả cho thấy nhóm kết hợp PN và laser CO2 có hiệu quả cao nhất, với mức giảm trung bình về độ sâu sẹo lên đến 44,3%, trong khi nhóm PN đơn thuần giảm 30% và nhóm đối chứng không có thay đổi đáng kể. Kết luận của nghiên cứu cho thấy bản thân PN cũng mang đến hiệu quả đầy rạn. Và sự kết hợp giữa PN và laser CO2 có khả năng cải thiện đáng kể độ sâu và bề mặt của sẹo rạn tốt hơn so với điều trị chỉ bằng PN.
e/ Nghiên cứu bổ trợ: “Comparison of Bio-Revitalizing Injective Products: A Study on Skin Fibroblast Cultures” (tác giả: Avantaggiato, A., Girardi, A., Palmieri, A., Pascali, M., & Carinci, F. - năm 2015):
Bài báo tiến hành nghiên cứu so sánh trên các sản phẩm tăng cường sinh học chứa HA và các thành phần bổ sung như polynucleotide, mannitol hoặc các chất ổn định khác để đánh giá hiệu quả của chúng trên nguyên bào sợi da người.
Các sản phẩm này được thử nghiệm trên mô hình nuôi cấy nguyên bào sợi trong thời gian 24, 48 và 72 giờ, sau đó biểu hiện các gene liên quan đến cấu trúc và tái tạo mô như ELN (elastin), HYAL1 (hyaluronidase 1), HAS1 (hyaluronan synthase 1) và DSP (desmoplakin) được đánh giá bằng phản ứng PCR thời gian thực (RT-PCR).
Kết quả cho thấy sản phẩm chứa polynucleotide có khả năng tăng cường biểu hiện gene ELN mạnh mẽ hơn so với các sản phẩm chỉ chứa HA đơn thuần. Sản phẩm này cũng cải thiện cấu trúc mô ngoại bào (ECM) và tăng cường sự kết dính tế bào, giúp tái tạo da tốt hơn. Ngoài ra, các sản phẩm có hàm lượng HA cao (20%) có thể không mang lại hiệu quả tái tạo lâu dài như mong muốn.
6. Những nguy cơ/ bất lợi có thể có của polynucleotide
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích tiềm năng, việc sử dụng polynucleotide trong da liễu thẩm mỹ vẫn có thể đi kèm với những nguy cơ và bất lợi, đặc biệt khi không được sử dụng đúng kỹ thuật hoặc được điều chế từ nguồn không đảm bảo chất lượng.
Những nguy cơ này có thể chia thành phản ứng miễn dịch, biến chứng tại chỗ, nguy cơ sinh học và vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm. Và sự chỉ định và theo dõi từ bác sĩ là điều không thể thiếu. Không có liệu pháp/ hoạt chất nào là đảm bảo an toàn và phù hợp 100% cả.
- Nguy cơ kích hoạt phản ứng miễn dịch: Polynucleotide dù có cấu trúc tương tự DNA và RNA trong cơ thể người, nhưng vẫn có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây viêm tại chỗ hoặc phản ứng toàn thân. Hơn nữa, sự khác biệt trong trình tự DNA có thể gây đáp ứng miễn dịch chéo, dẫn đến dị ứng hoặc nghiêm trọng hơn là phản ứng tự miễn.
- Vấn đề về chất lượng và nguồn gốc polynucleotide: Nếu quá trình tinh chế không đảm bảo, polynucleotide có thể chứa protein hoặc enzyme không mong muốn, dễ kích hoạt đáp ứng miễn dịch và các phản ứng không mong đợi. Tạp nhiễm RNA hoặc protein có thể làm thay đổi tính chất sản phẩm và kích hoạt các con đường tín hiệu bất thường trong tế bào.
Ngoài ra, các sản phẩm PN có nguồn gốc từ động vật cần tuân thủ quy định pháp lý nghiêm ngặt; nếu không, việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng có thể tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho người dùng. - Nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ và biến chứng sau tiêm: Việc tiêm polynucleotide có thể gây ra các nguy cơ như viêm tại chỗ và kích ứng nếu kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, dẫn đến các phản ứng viêm tại vùng tiêm. Ngoài ra, việc tiêm không đúng cách có thể gây nhiễm trùng vi khuẩn, dẫn đến hình thành áp xe, mụn mủ, hoặc các biến chứng nặng hơn.
Một nguy cơ khác là sự xuất hiện của u hạt (granuloma) tại vị trí tiêm do phản ứng viêm mạn tính, thường xảy ra khi sản phẩm polynucleotide không tinh khiết, chứa tạp chất hoặc DNA không mong muốn, khiến cơ thể hình thành phản ứng bảo vệ “cách ly” chất nguy hại. - Nguy cơ liên quan đến sự tương tác với các liệu pháp khác: Polynucleotide thường được kết hợp với các liệu pháp khác như laser, peel hóa học hoặc tiêm HA. Tuy nhiên, việc kết hợp không đúng kỹ thuật có thể làm gia tăng các phản ứng phụ. Do vậy, cần thiết phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ có chuyên môn khi sử dụng polynucleotide. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng tại nhà!
- Hiệu quả không ổn định và phản ứng không mong muốn: Polynucleotide có thể cho hiệu quả không đồng đều do sự tương tác khác nhau với môi trường ngoại bào và các enzyme nội bào, dẫn đến kết quả thẩm mỹ không ổn định giữa các cơ địa. Ngoài ra, tiêm polynucleotide vào vùng da có mật độ mạch máu và enzyme phân giải khác nhau có thể gây phản ứng không đồng nhất, như đỏ da, sưng nề và mất cân bằng cấu trúc tại vùng điều trị.
7. Kết luận
Polynucleotide đang nổi lên như một thành phần đầy tiềm năng trong các liệu pháp tái tạo và phục hồi da nhờ khả năng hỗ trợ cho một trong những chu trình quan trọng trong tái tạo sinh học - sự nhân đôi DNA và sự tạo RNA trong các hoạt động sống của tế bào.
Đây là một trong những ứng dụng khó có thể được thay thế bởi các liệu pháp tăng cường khác như peptide, amino acid hay HA.Tuy nhiên, hiệu quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn gốc, tính tinh khiết của sản phẩm và kỹ thuật sử dụng.
Dù mang lại nhiều lợi ích vượt trội so với các biorevitalizator khác trên phương diện phân tử, polynucleotide vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ như kích hoạt phản ứng miễn dịch, nhiễm trùng hoặc phản ứng viêm không mong muốn nếu không được xử lý đúng cách.
Vì vậy, đối với BS. Ngọc Trai, việc hiểu rõ đặc điểm, ưu điểm và rủi ro của polynucleotide sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi ứng dụng trong thẩm mỹ da liễu.
Hy vọng bài viết của BS. Ngọc Trai đã giúp cho các Đồng Điệu có một cái nhìn sâu sắc và tường tận nhất về polynucleotide nhé! Hẹn gặp các Đồng Điệu ở các bài viết tới.
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Ngọc Trai và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion