Theo Y học cổ truyền, có 9 loại thể chất sức khỏe gồm: Thể chất Bình hòa, khí hư, dương hư, âm hư, đàm thấp, thấp nhiệt, huyết ứ, khí uất và cơ địa dị ứng.
Việc chúng ta hiểu rõ bản thân thuộc dạng thể chất nào sẽ giúp bản thân có những phương án điều chỉnh lối sống cho phù hợp, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phòng bênh hiệu quả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung nói về thể chất Huyết ứ, bởi đây là một trong những dạng thể trạng rất phổ biến hiện nay, là nguyên nhân gây nên tình trạng sạm nám, da tối màu ở các chị em phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu để biết cách khắc phục vấn đề này theo phương án dưỡng sinh của Y học cổ truyền nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết thể chất huyết ứ
Có bao giờ bạn từng gặp một người, mà khuôn mặt của họ có một sắc tối rất rõ rệt, nó không phải vấn đề ở sắc da đen hay trắng, mà khi quan sát tổng thể, bạn sẽ thấy đó là một khuôn mặt rầu rĩ, u buồn và mang một năng lượng khá tiêu cực. Đó có thể xem là dấu hiệu đầu tiên nhận diện thể chất huyết ứ. Bởi theo YHCT, tạng Tâm (hiểu nôm na là Tim - hệ tim mạch) chủ huyết mạch, vinh nhuận ra mặt. Khuôn mặt tối sạm có nghĩa là huyết mạch không được hanh thông.
Huyết là nguồn gốc của sự sống, huyết dồi dào thì sắc mặt hồng nhuận, tươi sáng. Huyết không thông thì mặt nhợt nhạt, thiếu sức sống, còn Huyết ứ thì sắc mặt sẽ tối tăm, lưỡi tím, mao mạch nổi đỏ sậm, và đây cũng chính là nguyên nhân gây sạm nám, xỉn màu da. Một điều mà chị em phụ nữ không thích chút nào.

Ngoài dấu hiệu về ngoại hình, người thuộc thể chất Huyết ứ còn có thể có một vài biểu hiện đau ở một số vùng trong cơ thể. Bởi Đông y vẫn nói: “Thông thì bất thống, thống bởi bất thông’’ - có nghĩa là sự tắc ư không thông lợi chính là nguyên nhân gây đau. Do vậy người Huyết ứ sẽ có thể thấy một hoặc một vài dấu hiệu đau như đau đầu, đau nửa đầu (đau cơ năng, khi khám không thấy tổn thương thực thể), hoặc thi thoảng đau nhói vùng ngực hay là đau bụng kinh.
2. Nguyên nhân và ảnh hưởng
Thể chất huyết ứ liên quan tới việc lưu thông má.u. Sẽ có một số trường hợp có thể trạng huyết ứ do khí hư hoặc huyết hư từ nhỏ liên quan tới di truyền, còn đa phần với những người trưởng thành trong thời hiện đại hiện nay, thể trạng này dần hình thành do lối sống ít vận động, không lành mạnh. Có thể kể đến như:
a. Chế độ ăn uống không lành mạnh:
Ăn quá nhiều thức ăn chiên rán, dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh hoặc sử dụng các thực phẩm có tính hàn với số lượng lớn trong thời gian dài có thể gây trở ngại cho sự lưu thông má.u từ đó gây huyết ứ.
b. Stress và cảm xúc tiêu cực:
Việc căng thẳng lo âu trong một thời gian dài là nguyên nhân rất lớn dẫn tới Can khí uất kết, khí trệ lại, mà khí huyết luôn vận hành cùng nhau, khí trệ thì huyết không thể hành được. Thêm nữa, Can uất phạm tới Vị, khiến tiêu hóa không thuận lợi, thường gặp các vấn đề như đầy chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trào ngược dạ dày,... càng làm ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng, lại khiến chất lượng huyết suy giảm, như một vòng luẩn quẩn bệnh lý vậy.

c. Thiếu các hoạt động thể chất:
Việc ngồi lâu một chỗ, lối sống ít vận động ở phần lớn người lao động trí óc hiện nay góp phần không nhỏ khiến cho thể chất huyết ứ ngày một phổ biến. Điều này khiến máu ứ trệ lại, không thuận lợi đi tới những nơi quan trọng như lên não khiến trí nhớ giảm, mất tập trung... hoặc không tới được vùng xa tim như các chi, gây lạnh, tê bì tay chân, chịu lạnh kém.
Hơn nữa, tình trạng huyết ứ diễn ra lâu ngày sẽ có thể dẫn tới một số bệnh lý như u cục, nặng hơn là tình trạng tắc mạch, gây nên đột quỵ.
Với phụ nữ, trong kì kinh nguyệt có thể xuất hiện một số tình trạng bệnh lý như là kinh đến muộn, màu sắc của kinh thường sẫm tối hoặc có cục nhiều.
Với làn da, Huyết ứ chính là nguyên nhân khiến cho làn da dễ phát sinh sạm nám, sần sùi, không đều màu, thâm mụn lâu hết. Nám là tình trạng hình thành các vết thâm sạm trên da, thường xảy ra do sự rối loạn trong sản xuất melanin, kết hợp với các phản ứng viêm. Đối với người có thể chất huyết ứ, các yếu tố sau đây có thể góp phần làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nám:
- Sự rối loạn lưu thông má.u: Má.u không lưu thông tốt có thể khiến các chất dinh dưỡng và oxy không được vận chuyển đầy đủ tới các tế bào da, làm chậm quá trình tái tạo da và có thể gây ra sự tích tụ của melanin tại một số khu vực.
- Tích tụ độc tố: Sự ứ đọng độc tố trong má.u có thể dẫn đến sự mất cân bằng hormone và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả tình trạng nám.
- Trì trệ quá trình phục hồi của da: Huyết ứ có thể khiến những chức năng bình thường của cơ thể bị trì trệ, bao gồm cả quá trình phục hồi và tái tạo tế bào da, từ đó làm tăng nguy cơ và mức độ của nám.
3. Các phương pháp cải thiện từ góc độ y học cổ truyền
Vậy nên, nếu cảm thấy bản thân hoặc người thân của mình đang thuộc thể chất này, chúng ta nhất định cần phải chú ý để thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng.
Về việc sinh hoạt, cần luôn ý thức rèn luyện một lối sống năng động, bởi chỉ có như vậy mới thúc đẩy khí huyết lưu lợi khắp cơ thể được. Hãy lựa chọn bài tập yêu thích, tập cường độ tăng dần một cách phù hợp để có thể duy trì lâu dài.
Về chế độ ăn uống, chú trọng tới chế độ ăn đa dạng đủ chất, tốt cho sức khỏe tim mạch, ví dụ như chế độ ăn Địa Trung Hải:
- Ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe mạch má.u.
- Các loại rau lá xanh đậm màu như rau bina, cải xoăn, và cải thìa chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe tổng thể và có thể hỗ trợ lưu thông má.u.
- Cá hồi, cá trích giàu omega-3, gan và các loại đậu cung cấp nguồn sắt tốt, giúp phòng ngừa thiếu má.u.

Về Y học cổ truyền, có 1 số vị thuốc nam dễ kiếm có thể cải thiện chất lượng và sự lưu thông máu như:
- Tang thầm (quả dâu tằm chín) : có vị ngọt, chua, tính hàn mát, quy kinh Can, Thận. Tác dụng bổ huyết, trừ Can Phong. Có thể ăn tươi hoặc làm siro hòa nước uống. Do tính hàn mát vậy nên dùng vào mùa xuân hè, hoặc hòa nước ấm uống.
- Khương hoàng (nghệ vàng), uất kim (nhánh nghệ non): Vị cay đắng, mùi thơm hắc, tính ấm. Tác dụng hành khí, hoạt huyết, thông kinh, chỉ thống, tiêu mủ, kháng viêm, liền sẹo. Quy kinh Can, Tỳ. Người thể chất huyết ứ nên đưa nghệ với lượng nhỏ vào chế độ ăn như dạng gia vị, tuần 1-2 bữa, hoặc dùng tinh bột nghệ hòa nước ấm uống, tuần 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa cafe. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục trong thời gian dài.
- Lá sen: Vị đắng và hơi chát, tính mát giúp hạ nhiệt, làm tan máu tụ và có tác dụng cầm máu. giúp ổn định mỡ máu, tốt cho tim mạch. Phù hợp cho người có thể BMI cao, vòng 2 lớn, dùng tươi hoặc khô, nấu nước uống hàng ngày.
- Ma nhân (vừng đen): Dưỡng âm huyết, nhuận tràng, bổ thận, dùng hỗ trợ tiêu hóa, đen tóc, đẹp dam ổn định mỡ máu,... Có thể rang thơm lên nấu cháo ăn, tuần 2-3 bữa.
- Ginger shot: loại thức uống kết hợp giữa nước cốt gừng, chanh và có thể thêm nghệ, là một loại thức uống giúp cải thiện tiêu hóa, chống viêm và hoạt huyết rất tốt, chú ý dùng lượng ít để đánh giá khi có vấn đề như viêm loét dạ dày.
- Củ tam thất: Tam thất vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công dụng chỉ huyết (cầm máu), tán ứ (làm hết ứ trệ), tiêu thũng, định thống (giảm đau), có thể dùng cùng mật ong hòa nước ấm uống, tuần 2-3 lần, mỗi lần 1 -2 thìa cafe bột tam thất. Không dùng lượng lớn trong thời gian dài.
- Ngải cứu: Tính ôn, vị cay, giúp ôn khí huyết, thông mạch, giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt, … Có thể dùng kết hợp trong bữa ăn, hoặc sắc lá lấy nước uống. Ngoài ra cũng có thể dùng dưới dạng điếu cứu ngải, hơ các huyệt ở lòng bàn chân, bàn tay, quanh rốn giúp khí huyết lưu thông...
Massage mặt, tay, chân thường xuyên cũng là 1 cách rất tốt để giúp khí huyết lưu thông.
Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, chúng ta cần đi khám để bác sĩ có thể đánh giá được mức độ sức khỏe của cơ thể, từ đó có những bài thuốc phù hợp cho từng thể trạng cụ thể. Có thể chưa hình thành bệnh lý, nhưng huyết ứ lâu ngày cũng gây ảnh hưởng tới chức năng của tạng phủ, từ đó gây bệnh sau này.
Discussion