Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, hy vọng kiến thức mình chia sẻ hữu ích với mn

I. Cơ bản về khái niệm “hỏng dầu”

Bã nhờn, hay sebum, là một hỗn hợp phức tạp của lipid bao gồm các loại triglyceride (chất béo), acid béo, wax ester, squalene, và cholesterol. Các thành phần này trong bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ ẩm, bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường và duy trì sự cân bằng sinh học trên da. Bã nhờn đóng vai trò quan trọng trong sự hoàn thiện lớp màng hydrolipid da. Các ae đừng dại mồm ước gì mình không có bã nhờn nhen, lỡ đâu ông Bụt nghe được là da ae thành sa mạc và viêm da cơ địa trở thành chuyện cơm bữa luôn đó hehe.

“Hỏng dầu” là chính sự thay đổi chất lượng chất lượng bã nhờn theo chiều hướng tiêu cực, bao gồm tăng oleic acid, giảm linoleic acid, tăng squalene và tăng quá trình oxy hóa các loại lipid này trên da. Chi tiết hơn thì mời mn ghé thăm fanpage của chị Là Trang nhen, Kiên cũng học lỏm bên bển đó :))) Vấn đề là chị Trang chia sẻ kiến thức bài vở hàn lâm quá nên với nhiều ae thì hơi khó hình dung hen. Thế nên hôm nay Kiên lên bài này để chia sẻ với ae Đồng Điệu phần nào trải nghiệm về cảm quan để ae dễ hình dung hơn thế nào là hỏng dầu nhen.

II. Cảm giác “hỏng dầu” là như thế nào?

Trên cương vị là một người đã từng bị mụn rất nặng và đã từng “kinh” qua tất cả các thái cực cảm giác và cảm xúc đến từ việc thay đổi chất lượng bã nhờn, Kiên xin phép rút ra các dấu hiệu nhận biết “dầu hỏng” aka. chất lượng bã nhờn của bạn đang có vấn đề như sau. Các ae lấy giấy bút ra tick xem mình có bao nhiêu dấu hiệu nè:

1. Cảm giác nặng mặt, bì bì và luôn dinh dính

Kiên bị mụn từ hồi cấp 2, biệt danh “Kiên mặt mụn” gắn bó với Kiên đến mức chẳng còn thấy đó là lời trêu chọc nữa, mà thành một phần nhận diện của bản thân luôn rồi. Tuy ngoài mặt lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, nhưng thi thoảng cũng tủi thân lắm chứ. Cứ mỗi sáng thức dậy, cảm giác nặng nề trên mặt như thể có cả tấn dầu, chỉ muốn rửa mặt liên tục mãi thôi. Nào giấy thấm dầu, nào giấy ăn, thậm chí còn lấy tay áo lau tạm nữa cơ (nghe có vẻ hơi kinh dị nhỉ, nhưng thật đó :>). Còn nếu mà lỡ chạm tay lên mặt á, ôi thôi như chạm lên một lớp dầu chiên cá luôn. Cái feeling dày dày dính dính hơi giống dầu dừa hoặc dầu olive á. Có anh em nào da dầu từng bị giống Kiên, cùng hội cùng thuyền điểm danh phát nào.

Tại sao dính? Đơn giản là do lượng oleic acid tăng hoặc tỉ lệ oleic acid/ linoleic acid (OA:LA) tăng làm cho bã nhờn có xu hướng đặc dính hơn. Đề nghị các ae lấy tập vở ra kiểm tra bài cũ với chị Là Trang hehe :>

2. Các hậu quả của tăng tiết bã nhờn thấy rõ: Viêm da tiết bã, mụn không viêm, mụn viêm lên ồ ạt

Sự bất thường về độ đặc dính của bã nhờn như trên dẫn đến hậu quả nhãn tiền – mụn, mụn và mụn. Mụn ẩn lên nhiều đến nổi có nhiều đêm Kiên chỉ biết lấy tay cào trán trong bất lực đến mức bật máu luôn :(((

Những thứ nghiêm trọng thường rất dễ thấy. Nói về mụn viêm thì dễ nhận ra lắm, mấy cục u to tướng đỏ chót, có khi còn thấy cả một cái đốm trắng trên đỉnh cục mụn nữa cơ (đấy là mủ, hay còn gọi ổ áp-xe đấy). Mụn viêm nói chung thường gây đau nhức, sưng tấy, mà còn có nguy cơ để lại sẹo, thâm.

Mụn mủ, mụn bọc là một hình thái “cao cấp” hơn của mụn viêm, là kết quả của phản ứng viêm ồ ạt từ hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch phản ứng với vi khuẩn và gốc tự do ở phạm vi lớn và cường độ cao, nó sẽ phóng thích cytokine và các chất trung gian gây viêm, kéo theo sự khu trú của một số lượng lớn tế bào miễn dịch, dẫn đến sự mưng mủ. Sự mưng mủ nếu không được giải quyết, ổ áp-xe ngày càng lớn, dẫn đến vỡ ống nang lông và “sát nhập” các ổ viêm với nhau. Thế là, tada, ta đã được diện kiến trùm cuối trong làng mụn – mụn mạch lươn, với khả năng gây nhiễm trùng và để lại biến chứng nặng nề nhất. Đây chính là nền da của Kiên 6 năm trước đó 😢

Hơi khó nhận diện hơn là mụn đầu trắng và mụn đầu đen. Bã nhờn trở nên nhớt và dính hơn, làm bít tắc lỗ chân lông và khiến mụn đầu đen, đầu trắng xuất hiện ngày càng nhiều. Mụn đầu trắng, đầu đen thì hơi khó để ý hơn chút. Bọn chúng thường tập trung ở vùng mũi, cánh mũi, trán, cằm với cả gò má (chỗ Kiên hay đổ dầu ý). Mụn đầu trắng thì nhân nằm sâu dưới da, còn mụn đầu đen thì nhân tiếp xúc với không khí nên bị oxy hóa, chuyển sang màu đen.

Còn sợi bã nhờn/ u bã nhờn thì khó nhận thấy nhất. Nếu thấy trên da tự nhiên có chỗ nào hơi u nhẹ (hoặc không 😵‍💫), mềm mềm, không đau không viêm, có màu nhạt hơn vùng da viêm xung quanh (do cột chất nhờn ngăn cản sự tán xạ của các mao mạch dưới da), ấn vào thấy phun ra mấy sợi trắng vàng (chất bã nhờn đặc), không mùi hoặc có mùi hôi nhẹ thì đích thị là 1 “sợi bã nhờn”. Nhiều người còn quan niệm, sợi bã nhờn là trạng thái đầu tiên của mụn. Chỉ cần bít tắc xuất hiện là sẽ tiến triển thành mụn đúng nghĩa. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác như lỗ chân lông luôn “nở”, da sần sùi, thô ráp, dễ kích ứng và nổi mẩn đỏ.

3. Bã nhờn có màu lạ, da mau bị xỉn màu

Thông thường, bã nhờn sẽ có màu hơi trong hoặc hơi ánh vàng rất nhạt. Các ae thử lấy một tờ giấy sạch thấm thử dầu trên mặt, nếu bã nhờn của ae có màu vàng rõ hoặc vàng đậm thì là bất thường đó. Màu vàng này có thể đến từ sự tăng bất thường của các sản phẩm oxy hoá thứ cấp, cũng là một dấu hiệu của sự thay đổi chất lượng bã nhờn.

Các sản phẩm oxy hoá thứ cấp như các squalene peroxide, 13-hydroxyoctadecadienoic acid hay malondialdehyde, cũng như sự tích tụ của các sản phẩm phân huỷ của melanin có thể khiến cho bã nhờn có màu đậm hơn bình thường. Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ như 13-hydroxyoctadecadienoic acid hay malondialdehyde được chứng minh là có khả năng gây đột biến mạnh, làm trầm trọng thêm tình trạng stress oxy hóa và tăng cường hơn nữa phản ứng viêm.

Còn nếu bã nhờn của ae có màu xanh lá thì… 🙂 Đi khám bác sĩ liền đi, hối hận không kịp đó! Màu xanh lá thường đến từ pyocyanin của khuẩn Pseudomonas aeruginosa. Nhiễm phải khuẩn này thường gắn liền với tổn thương sâu, nhiễm trùng cơ hội hoặc nhiễm phải dòng kháng kháng sinh.

4. Bã nhờn có mùi hôi

Không chỉ vậy, bã nhờn trên da cũng có sự thay đổi rõ rệt về mùi hương. Mùi hôi khó chịu phát ra từ dầu, đặc biệt là sau một ngày dài, đã từng khiến Kiên lo lắng không yên. Nếu mà lỡ quên rửa mặt là mùi hơi giống mùi dầu ôi. Nhất là bã nhờn ở trong khóe mũi nhen, lâu lâu có mấy ổ nó có mùi như nước mắm luôn 😂

Căn nguyên của các mùi này thì cũng đơn giản thôi. Do hoạt động quá độ của vi khuẩn C.acnes trong môi trường nhiều bã nhờn tạo ra các sản phẩm bay hơi có mùi. Còn mùi mắm là do xuất hiện các sản phẩm phân hủy có lưu huỳnh, chứng tỏ viêm nhiễm đã tiến triển sang trạng thái nặng nề hơn – xuất hiện cả sự phân giải protein (nguy cơ hoại tử mất thịt – để lại sẹo rổ).

5. Da dễ kích ứng, nhạy cảm, xuất hiện các dấu hiệu lão hoá

Khi bã nhờn bị “hỏng”, hàng rào bảo vệ da suy yếu, khiến da dễ bị kích ứng bởi các tác nhân bên ngoài như mỹ phẩm, thời tiết, ô nhiễm… Da thường xuyên cảm thấy ngứa rát, châm chích, đặc biệt sau khi rửa mặt hoặc sử dụng sản phẩm chăm sóc da. Do đó, sự hỏng dầu có thể được xem là căn nguyên nguyên phát của một bộ phận các làn da dầu nhạy cảm.

Bã nhờn mất cân bằng còn làm giảm khả năng chống oxy hóa của da, khiến da dễ bị tổn thương bởi gốc tự do và tia UV. Da nhanh chóng xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, vết chân chim, da sạm màu và không đều màu.

III. Cải thiện chất lượng dầu + giảm viêm: Hướng giải quyết mới

Ở thời điểm hiện tại, chất lượng bã nhờn thay đổi thì Kiên ưu tiên cải thiện chất lượng bã nhờn hơn là kiềm nhờn cực đoan, giống như cây còi thì hãy chăm tưới nước bón phân, chứ ai đời lại bứng luôn cái cây quăng đi, phớ hôn :))) (“kiềm dầu cực đoan” đối với Kiên những phương thức triệt ngay và liền khả năng tiết bã của tuyến bã nhờn, cụ thể nhất là tre đường bôi iso.tre đường uống).

Tại sao Kiên lại có suy nghĩ như vậy? Đó là điều Kiên đã chiêm nghiệm trong cả con đường tự tìm chữa của chính bản thân. Hồi đó Kiên chạy theo trường phái treatment nặng đô – bất kể hoạt chất mạnh nhẹ gì được review là Kiên đã đều “thẩm” qua hết. Và còn gì lý tưởng hơn 1 tuýp tre Ấn chưa đến 200k mà sure kèo mạnh hơn retinol tiền triệu. Quá hời!

Phải chi hồi đó mình bớt liều một tí, mình hèn một tí đặng đi kiếm bác sĩ trước khi xuống tay nhấn nút chốt đơn chai tre 😣 Chuyện cũng đã rồi: Sau 2 tháng sử dụng, Kiên đã bị viêm da tích lũy trong suốt 6 tháng liên tục sau đó và phải ngồi tự ngẫm lại xem cái mindset skincare của mình có thực sự đúng đắn hay chưa. Không phải là Kiên đang bash tretinoin. Các hoạt chất trong mỹ phẩm chẳng qua cũng chỉ là một chất hóa học nào đó, chỉ khi dùng không đúng cách thì mới thành “kẻ xấu” thôi. Các ae tham khảo bài Kích ứng do tre của BS Thành để tìm hiểu thêm nhen.

Khi đã hiểu được bản chất vấn đề (một lần nữa tribute chị Là Trang), chất lượng bã nhờn thay đổi do thiếu linoleic acid thì mình cứ bổ sung thêm linoleic acid vào thôi. Quan trọng là tỉ lệ OA:LA càng thấp thì bã nhờn càng lỏng, dễ trôi, đỡ vón hơn. Một số loại dầu giàu linoleic acid, boost LA cho da mà Kiên hay kiếm trong các sp skincare là dầu hạt gai dầu, dầu hạt chia, dầu hạt nho… Còn mấy dầu nào lạ quá thì google, nhiều linoleic thì hốt :)))

Viêm cũng là nguyên nhân gây tăng tiết bã (+7749 vấn đề về da khác) nên giảm viêm cũng là một trong những “kế sách” luôn nằm trong plan skincare sau này của Kiên. Quan trọng là lựa chọn thành phần giảm viêm, chống oxy hoá an toàn, thân thiện, chứ đừng xách cort đi sài quanh năm là được :< (cort không xấu, lạm dụng cort mới xấu). Niacinamide, B5, HA, chiết xuất lô hội, chiết xuất rau má… nếu ví đang cháy, hoặc các loại peptide, đồng peptide, chiết xuất cây tầm bóp… nếu ví đang dày :))) Ôi thôi, đồ giảm viêm đầy ra đấy ae ơi. Lựa không hết luôn 😂

IV. Kết lại

“Hỏng dầu” là một tình trạng nhiều người gặp phải, nhưng không phải ai cũng biết cách nhận biết. Kiên đã liệt kê hết cho ae về các dấu hiệu nhận biết ở trên rồi, bao gồm: kết cấu, hậu quả đi kèm, màu sắc và mùi hương. Hỏng ở đâu thì sửa ở đó. Cải thiện chất lượng bã nhờn + giảm viêm nên được đặt ưu tiên hàng đầu, vì thà còn nước còn tát, chứ lỡ chơi đồ “hard.core” mà bung bét là không còn gì để tát luôn :)))

Còn nếu ae cảm thấy hoặc được nhiều người nhận xét rằng tình trạng mụn của bản thân quá tệ, Kiên khuyên thật: “LÀM ƠN ĐI GẶP BÁC SĨ ĐI”. Kiên đã từng chơi dại, và Kiên không muốn ai đó trong group mình cũng rơi vào tình trạng như Kiên hồi xưa. Đừng vì sợ k.im ti.ê.m, sợ bác sĩ và sợ tốn tiền mà bỏ lỡ một cơ hội giữ lấy mặt tiền. Đừng để chuyện đã rồi rồi mới tiếc nuối ngày xưa cũ nha ae.

_____________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.