Ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam luôn gắn với những hình ảnh thân thuộc. Bên cạnh mai vàng, đào tươi hay mâm cơm gia đình ấm cúng, việc mừng tuổi đã trở thành nét văn hóa chứa đựng biết bao ý nghĩa, một hình ảnh không thể thiếu vào dịp Tết. Những chiếc bao lì xì đỏ rực rỡ được trao tay cùng những lời chúc tốt đẹp, mở ra một năm mới với biết bao hy vọng và niềm vui.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và thay đổi của xã hội, ít nhiều văn hóa mừng tuổi đã xuất hiện những “biến tướng” làm mất đi ý nghĩa ban đầu, cũng đồng thời khiến cho niềm vui ngày Tết không được trọn vẹn.

1. Ý nghĩa của việc mừng tuổi ngày Tết

Văn hóa mừng tuổi đối với người Việt gói ghém nhiều ý nghĩa tốt đẹp, gắn với từng đối tượng được nhận mừng tuổi. Trước hết, khi con cháu trong gia đình mừng tuổi ông bà, cha mẹ, điều đó thể hiện mong ước sức khỏe, bình an, mang may mắn đến cho các bậc cao niên và thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của lớp con cháu.

Nhóm đối tượng thứ hai chính là trẻ em. Việc mừng tuổi ngày Tết sẽ làm cho trẻ cảm thấy được yêu thương và quan tâm. Tờ tiền mới trong bao lì xì mừng tuổi trẻ em có ý nghĩa canh tân, đổi mới, chúc trẻ một năm mới có nhiều niềm vui, có sự đổi mới, thăng tiến trong học tập nói riêng và hành trình trưởng thành của trẻ nói chung.

Hơn nữa, mừng tuổi không chỉ có phong bao mà luôn gắn với những câu chúc lời hay ý đẹp, cầu mong sự may mắn, thịnh vượng đến cho nhau, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình, họ hàng và cộng đồng, tạo nên phong tục truyền thống nối giữa thế hệ này với thế hệ khác.

2. Nguyên nhân làm “nặng gánh” việc mừng tuổi

Truyền thống luôn cần được gìn giữ, tuy vậy, với sự phát triển và đổi thay từng ngày của xã hội, không tránh khỏi những “biến tướng”, làm mất đi nét đẹp của phong tục. Câu chuyện mừng tuổi cũng có nhiều thực trạng đáng tiếc, chẳng hạn như tiền mừng tuổi với nhiều người đã trở thành một phần gánh nặng kinh tế trong ngày Tết, trẻ em có thái độ không hay khi mở phong bao hoặc việc mừng tuổi được xem là phương tiện cho những mục đích thăng tiến…

Nguyên nhân đầu tiên đến từ cách hiểu sai hoặc cố tình xem đó là cơ hội “đổi chác”. Nhiều trường hợp mượn việc mừng tuổi để xây dựng mối quan hệ với bố mẹ của trẻ em, hoặc với con cháu của các bậc cao niên. Do đó, người ta sẵn sàng bỏ vào phong bao một số tiền rất lớn. Lâu dần, điều này khiến việc mừng tuổi mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, thay vào đó là sự xuất hiện của một dạng thức “đi cửa sau” để thăng tiến trong công việc hay đạt được mục đích nào đó.

Khi mệnh giá bên trong phong bao bị đặt nặng, một nỗi áp lực đã nhen nhóm trong tâm lý của nhiều người khi nhắc đến mừng tuổi ngày Tết, nhất là đối với những người chưa vững về tài chính để có thể “mạnh tay” mừng tuổi tất cả các mối quan hệ của mình. Trên thực tế, không ít các bạn trẻ cảm thấy ngại về quê vì tiền mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cháu chắt… cũng là một gánh nặng bên cạnh chi phí vé xe, vé tàu.

Mặt khác, một số bạn trẻ mới bắt đầu đi làm, ngày Tết vẫn nhận được tiền mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ và họ hàng. Trong họ lại xuất hiện một nỗi áp lực khác, xuất phát từ tâm lí mong muốn được mừng tuổi ngược trở lại cho người thân nhưng chưa có khả năng thực hiện khiến các bạn áy náy, thiếu tự tin. Tuy nhiên, hãy nhớ lại ý nghĩa và bản chất của việc mừng tuổi. Điều quan trọng không nằm ở số tiền mà chính là niềm vui thực sự được gửi trao giữa các thành viên trong gia đình.

3. Hạnh phúc hai chiều cho và nhận

Tiền mừng tuổi sẽ trở thành áp lực khi người ta không mừng tuổi vì người nhận mà vì chính bản thân, hoặc nếu mỗi người xem đó là một “cuộc đua” về thể diện và đẳng cấp. Để buông xuống gánh nặng này cho niềm vui ngày Tết thêm trọn vẹn, cần hiểu đúng ý nghĩa của việc mừng tuổi, bỏ đi tính sĩ diện, so đo và cần thực tế nhìn nhận khả năng tài chính của bản thân.

Mặt khác, các bạn có thể chuẩn bị đa dạng mệnh giá dành cho nhiều đối tượng thân sơ khác nhau. Tiền mừng tuổi cũng nên bỏ vào phong bao để giữ được vẻ tế nhị, ý tứ cầu chúc may mắn, sao cho cả người nhận và người cho đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.