Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên aka. Kiên Sinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.

Chào các Đồng Điệu! Vậy là chúng ta đã bước sang những ngày đầu tiên của năm 2025 rồi. Không biết các bạn đã kịp sắm sửa gì mới cho tủ đồ skincare của mình chưa?

Kiên tin rằng, cũng giống như việc năng quan sát mây trời để đoán biết được thời tiết - "mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa", chỉ cần có đam mê và ở trong giới skincare này đủ lâu, chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã có những cảm nhận và dự đoán riêng về xu hướng làm đẹp của năm 2025 này rồi. Trong khuôn khổ bài viết này, các Đồng Điệu hãy cùng Kiên điểm qua một số xu hướng mà theo Kiên, sẽ ít nhiều viral trong năm nay nhen.

Tuy vậy, góc nhìn của mỗi người là khác nhau, vì vậy Kiên rất mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, dù đồng tình hay không, từ tất cả các Đồng Điệu. Các ae hãy cùng nhau tập bổ cau “đúng nhận, sai cãi” nào :)))

1. Đâu đâu cũng thấy peptide

Sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ bào chế đã mở ra một kỷ nguyên mới cho peptide. Nếu trước đây, peptide được xem là thành phần "xa xỉ", "khó bảo quản" và chỉ xuất hiện trong các sản phẩm cao cấp, thì ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy peptide ngay cả trong sữa rửa mặt. Peptide với đủ loại công dụng và đủ loại mức giá, tha hồ cho bạn lựa chọn. Một xu hướng nổi bật nữa chính là việc "gắn đuôi" peptide vào các hoạt chất quen thuộc nhằm tăng cường khả năng thẩm thấu và tác động chính xác đến mục tiêu.

Kiên phải nhấn mạnh rằng: Tiềm năng của peptide là rất rất lớn!Chính nhờ tính linh hoạt và khả năng tùy biến cao, dựa trên cơ chế hoạt động "chìa khóa và ổ khóa" đặc trưng, từ 20 amino acid cơ bản, peptide có thể tạo ra vô số trình tự chuỗi khác nhau. Điều này mở ra khả năng vô tận cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và phát triển hàng loạt hoạt chất peptide với đa dạng công dụng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc da ngày càng khắt khe, phong phú và cá nhân hoá.

Để các Đồng Điệu có thể hình dung rõ hơn về tiềm năng khổng lồ này, Kiên xin đưa ra một vài con số ấn tượng. Với 20 loại amino acid, theo toán tổ hợp, chúng ta có thể tạo ra số lượng peptide khác nhau như sau:

  • Chuỗi peptide có 2 amino acid: 400 loại
  • Chuỗi peptide có 4 amino acid: 160.000 loại
  • Chuỗi peptide có 6 amino acid: 64.000.000 loại (64 triệu!)
  • Chuỗi peptide có 8 amino acid: 25.600.000.000 loại (25.6 tỷ!!)
  • Chuỗi peptide có 10 amino acid: 10.240.000.000.000 loại (10.24 nghìn tỷ!!!)

Chỉ với một chuỗi peptide ngắn gồm 10 amino acid, số lượng biến thể theo lý thuyết đã lên đến hàng nghìn tỷ! Con số này cho thấy tiềm năng to lớn và gần như vô hạn của peptide. Có lẽ, điều đáng lo ngại không phải là thiếu tiềm năng, mà là liệu con người có đủ khả năng và nguồn lực để khám phá và nghiên cứu hết những tiềm năng đó hay không.

Bản thân cơ thể con người cũng là một "mỏ vàng" peptide, với vô số loại peptide với độ dài, cấu trúc, hình dáng khác nhau, cùng với các biến thể được tạo ra nhờ việc gắn thêm các gốc đường hay lipid. Điều này càng chứng tỏ sự phức tạp và tiềm năng to lớn của peptide trong sinh học và ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ.

2. Trào lưu giảm viêm tiếp tục đạp gió, rẽ sóng mạnh mẽ hơn nữa

Chắc hẳn Đồng Điệu cũng thấy, trào lưu treatment mạnh bạo từng làm mưa làm gió giai đoạn 2017-2022 giờ đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng, dịp cuối năm 2024, với bao nhiêu cái status “còn xx ngày nữa là đến Tết”, lại xuất hiện những xu hướng làm đẹp khá "liều lĩnh" được truyền tai nhau với tư tưởng “được ăn cả, ngã về không” như peel da liên tục, sử dụng tretinoin, hydroquinone, azelaic acid hay uống isotretinoin một cách thiếu kiểm soát tại nhà với mong muốn có làn da đẹp đón Tết. Và hệ quả tất yếu là tình trạng over-treatment, viêm da tích luỹ ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, làn sóng "làm dịu, giảm viêm" lại một lần nữa có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ dịp sau Tết.

Điều đáng mừng là người tiêu dùng ngày nay đã có kiến thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc giảm viêm. Nếu như cách đây khoảng 3 năm, việc làm dịu và giảm viêm thường bị xem nhẹ, kiểu "có thì tốt, không có cũng chẳng sao", hay quan niệm sai lầm "chỉ khi nào bị viêm mới cần giảm viêm", thì giờ đây, mọi người đã hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa viêm và nhiều vấn đề da liễu tưởng chừng như không liên quan, ví dụ như mụn tái phát, da tiết dầu nhiều hơn, sạm nám hay lão hóa. Chính vì nhận thức được điều này, mọi người sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho các sản phẩm phục hồi, làm dịu và giảm viêm.

"Có cầu ắt có cung", những sản phẩm phục hồi, giảm viêm chất lượng cao cũng dần được phân phối rộng rãi tại Việt Nam. Các thương hiệu Việt cũng ngày càng chú trọng hơn đến dòng sản phẩm này, đầu tư mạnh vào R&D để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất.

Rõ ràng, chả ai tập gym mà chỉ suốt ngày ôm cục tạ, chả ăn uống gì. Việc chăm sóc da cũng vậy, không chỉ là "trị" mà còn là "dưỡng", đặc biệt là việc làm dịu và phục hồi da sau những tác động mạnh. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe làn da một cách toàn diện và khoa học hơn.

3. Từ khoá hiệp đồng: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Đây là một khái niệm tiền thân từ ngành dược, với “hiệp” mang nghĩa hợp tác, còn “đồng” là rút gọn của đồng lòng, đồng thuận. Hiệp đồng là một thuật ngữ chỉ sự phối hợp, hợp tác giữa các yếu tố, bộ phận hoặc cá nhân nhằm đạt được hiệu quả lớn hơn so với khi các thành phần đó hoạt động riêng lẻ.

Xu hướng hiện tại là người tiêu dùng sẽ ngày càng quan tâm hơn đến cơ chế hoạt động và sự phối hợp của các thành phần trong một sản phẩm. Sẽ có những sản phẩm mà các Đồng Điệu nhìn bảng thành phần thì có vẻ rất đơn giản, trên dưới 10 chất, thậm chí còn bị gán là "nhạt nhòa", nhưng hiệu quả mang lại lại vượt xa mong đợi. Đó chính là sức mạnh của sự hiệp đồng, hay còn gọi là synergistic effect.

Xu hướng tập trung vào một hoặc một vài thành phần nổi bật chắc chắn sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng nó sẽ dần hạ nhiệt. Thị trường người tiêu dùng cũng sẽ dần phân hóa rõ rệt hơn: nhóm người dùng phổ thông (normal user) sẽ vẫn quan tâm đến một, hai thành phần chủ đạo và lựa chọn các sản phẩm đại trà, dễ hiểu, dễ nắm. Trong khi đó, giới "guru" - những người có kiến thức sâu rộng hơn về skincare - sẽ hình thành một nhóm riêng, họ tập trung phân tích và đánh giá sản phẩm như một tổng thể thống nhất, không tách rời các thành phần riêng lẻ.

Cũng chính vì yếu tố hiệp đồng này, câu chuyện về nguồn gốc, quy trình chế biến và độ tinh khiết của nguyên liệu đầu vào cũng sẽ ngày càng được chú trọng hơn, nhất là những thành phần có nguồn gốc từ thiên nhiên, dược liệu. Cùng một tổ hợp thành phần, nhưng không phải sản phẩm nào cũng mang lại hiệu quả tương đương. Thị trường hiện tại cũng đang chứng kiến sự chuyển dịch trong chiến lược marketing của các "ông lớn", từ việc tập trung quảng bá một thành phần đơn lẻ sang nhấn mạnh vào sự kết hợp hài hòa của các thành phần trong công thức. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

4. Sự xuất hiện dày đặc hơn của các công nghệ, cả cũ lẫn mới

Chắc hẳn khái niệm "công nghệ trong bào chế" không còn quá xa lạ với chúng ta nữa rồi. Nếu như trước đây, nhắc đến công nghệ A, công nghệ B là người ta nghĩ ngay đến những thứ gì đó rất cao siêu, khó hiểu, kiểu "trên trời dưới đất" ấy, không phải ai cũng nắm bắt được. Khách hàng thời đó đôi khi sẵn sàng chi tiền chỉ vì nghe quảng cáo về một công nghệ nghe có vẻ rất tinh vi và phức tạp.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi. Kiến thức, trải nghiệm và cả sự nhạy bén của khách hàng ngày càng được nâng cao. Họ sẵn sàng tìm hiểu và lắng nghe về công nghệ mà các nhãn hàng áp dụng, đồng thời cũng dần nhận biết được đâu là công nghệ thật sự, đâu chỉ là những chiêu trò "bánh vẽ". Các nhãn hàng cũng đang chuyển hướng, tập trung đầu tư nguồn lực vào marketing để truyền đạt một cách rõ ràng và dễ hiểu về ý nghĩa thực sự của công nghệ đối với làn da, chứ không còn chỉ lợi dụng hai chữ "công nghệ" để "lùa gà" hay thổi phồng giá sản phẩm.

Sự chuyển dịch này mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Khách hàng được tiếp cận thông tin minh bạch và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn. Rõ ràng, việc minh bạch về công nghệ không chỉ là trách nhiệm của nhãn hàng mà còn là chìa khóa để xây dựng niềm tin và sự gắn bó lâu dài với khách hàng. Đồng thời, nó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam lên một tầm cao mới. Kiên tin rằng, ngày mà mỹ phẩm Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu chẳng còn xa nữa đâu.

Đó là những dự đoán của Kiên cho ngành mỹ phẩm Việt Nam vào năm 2025 này. Còn bạn thì sao?

__________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên, Kiên Sinh và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.