Bài viết hơi dài, cả nhà chịu khó đọc nhé! Mình còn viết 2 phần nữa, đặc biệt sẽ đề cập đến tinh bột Nghệ ở các phần sau.
Phần 1. Nghệ & Curcumin
Nghệ (Curcuma longa) từ lâu đã được biết đến như một loại thảo dược quý trong y học cổ truyền, đặc biệt nhờ vào hoạt chất curcumin – một hợp chất có nhiều lợi ích cho sức khỏe như kháng viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu hóa... Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế đáng lo ngại là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu rõ sự khác biệt giữa các sản phẩm từ Nghệ, dẫn đến việc sử dụng không đúng cách và vô tình làm giảm hiệu quả của Nghệ đối với sức khỏe.
Một trong những nhầm lẫn phổ biến nhất là việc sử dụng tinh bột Nghệ thay cho bột Nghệ nguyên chất. Trong quá trình sản xuất tinh bột Nghệ, phần lớn curcumin – thành phần có hoạt tính chính của Nghệ đã bị loại bỏ, chỉ còn lại tinh bột và một số thành phần khác. Điều này khiến tinh bột Nghệ không còn giữ được các đặc tính dược liệu quan trọng như bột Nghệ nguyên chất. Đáng chú ý, việc sử dụng tinh bột Nghệ không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm nguy cơ tắc ruột khi dùng liều cao. Ngay cả bột Nghệ nguyên chất nếu không được sử dụng hợp lý cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Vì vậy, để sử dụng đúng và phát huy công dụng của Nghệ, người tiêu dùng cần hiểu rõ các thành phần hoạt tính có trong Nghệ và lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng mục đích sử dụng. Việc sử dụng Nghệ một cách hợp lý không chỉ giúp cải thiện sức khỏe mà còn tránh được những sai lầm phổ biến, chẳng hạn như dùng tinh bột Nghệ thay vì bột Nghệ nhằm mang lại tác dụng kháng viêm hoặc hỗ trợ tiêu hóa. Phần đầu tiên của bài viết sẽ đề cập đến Nghệ, thành phần hoá học và tác dụng sinh học của Nghệ.
Nghệ có tên khoa học là Curcuma longa L., thuộc họ Gừng (Zingiberaceae)
Tên gọi khác: Nghệ vàng, khương hoàng (thân rễ Nghệ), uất kim (rễ củ Nghệ)Tên tiếng Anh: Turmeric.
Chú ý: Một số loài khác có tên gọi là Nghệ như Nghệ đen (Curcuma zedoaria), Nghệ trắng (Curcuma aromatica),…

1. Nguồn gốc và phân bố
Nguồn gốc chính xác của Nghệ (Curcuma longa) vẫn chưa được xác định rõ, nhưng người ta cho rằng nó có nguồn gốc từ Nam Á hoặc Đông Nam Á, nhiều khả năng nhất là từ Việt Nam, Trung Quốc hoặc miền tây Ấn Độ. Ấn Độ là nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu Nghệ lớn nhất thế giới.
Ngoài giá trị ẩm thực, Nghệ đóng vai trò quan trọng trong y học dân gian, đặc biệt là y học Ayurveda và y học cổ truyền Trung Hoa, được sử dụng để điều trị nhiều bệnh khác nhau như rối loạn tiêu hóa, tim mạch, hô hấp và gan.
Từ curcuma trong tiếng Latinh được cho là bắt nguồn từ gốc tiếng Ả Rập kurkum, có nghĩa là “Nghệ tây,” do Nghệ có đặc tính tạo màu tương tự. Nghệ cũng được gọi là “Nghệ tây Ấn Độ.” Thuật ngữ longa đề cập đến hình dạng thuôn dài của thân rễ. Tên gọi của Nghệ khác nhau giữa các ngôn ngữ, nhưng phần lớn đều liên quan đến ý nghĩa “màu vàng” hoặc “màu sáng”.
2. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của Nghệ là thân rễ và rễ củ, có thể dùng dạng tươi hay phơi sấy khô. Trong đông y, Nghệ được chế biến bằng cách đồ chín và sấy khô.
3. Ứng dụng trong đời sống
- Là gia vị phổ biến trong nhiều món ăn, trong ẩm thực nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ và Đông Nam Á. Ngoài ra Nghệ còn được sử dụng như phẩm màu thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
- Nghệ và các chiết xuất của nó, đặc biệt là curcumin và dạng bào chế nanocurcumin, được sử dụng phổ biến trong thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng nhờ các đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu hóa…
- Thành phần của nhiều sản phẩm chăm sóc da nhờ đặc tính chống oxy hóa, làm lành vết thương và kháng viêm.
4. Thành phần hóa học của Nghệ
Thành phần Nghệ (thân rễ khô) gồm 60–70% carbohydrate, 6–8% protein, 5–10% chất béo, 3–7% khoáng chất, và 3–5% curcuminoid và tinh dầu (3–7%).
- Curcuminoid: là các hợp chất phenolic có màu vàng đặc trưng và khả năng chống oxy hóa mạnh. Có hơn 100 loại curcuminoid đã được phân lập và xác định từ chi Curcuma, trong đó khoảng 50 loại có mặt trong Nghệ.Nghệ chứa 3 curcuminoid chính:
- Curcumin (curcumin I; ~77%)
- Demethoxycurcumin (curcumin II; ~17%)
- Bisdemethoxycurcumin (curcumin III; 3–6%)
Như vậy, curcumin I chiếm tỷ lệ cao nhất, thường khoảng 75-80% tổng lượng curcuminoid, và đóng vai trò chính trong các tác dụng sinh học của Nghệ. Nhóm chất này kém tan trong nước nhưng tan tốt trong dung môi hữu cơ như ethanol, cloroform, ethyl acetate… Vì vậy, do kém tan trong nước, curcumin có sinh khả dụng thấp khi sử dụng theo đường uống.
Curcuminoid phân hủy nhanh hơn khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời do hiện tượng quang oxy hóa. Quá trình phân hủy do ánh sáng diễn ra ở cả dạng rắn và dung dịch, tạo ra các sản phẩm tương tự như phân hủy hóa học. Để bảo vệ khỏi tia UV, curcuminoid thường được đóng gói trong chai màu nâu hoặc hổ phách.
Curcumin được hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Trong một nghiên cứu trên chuột, khi dùng đường uống một liều 2 g curcumin, nồng độ trong huyết tương đo được dưới 5 μg/mL, cho thấy sự hấp thu kém từ ruột. Một số dạng bào chế như nanocurcumin hoặc phối hợp curcumin với các hợp chất khác như piperin, quercentin,… được phát triển nhằm khắc phục nhược điểm này, giúp tăng cường khả năng hấp thu và nâng cao hiệu quả điều trị. Một số nghiên cứu lâm sàng hiện đang được thực hiện để đánh giá tiềm năng ứng dụng của nanocurcumin trong hỗ trợ điều trị ung thư, đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống như hóa trị và xạ trị.
Sinh khả dụng thấp là rào cản lớn của curcumin trong dược phẩm do khả năng tan kém và chuyển hóa nhanh. Để tăng sinh khả dụng người ta làm dạng nano hóa, liposome, vi nhũ tương, polymer micelle… Các hợp chất như piperin (có trong hạt Tiêu), genistein (từ đậu nành) có thể tăng hấp thu curcumin, trong khi catechin từ trà xanh có thể ức chế một số hoạt tính của curcumin.

- Tinh dầu (Essential oil): Thành phần được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ hoặc chưng cất lôi cuốn theo hơi nước. Tinh dầu Nghệ có các thành phần chính gồm ar-turmerone, α-turmerone, β-turmerone, zingiberene, và β-bisabolene có tác dụng chống viêm, kháng nấm và kháng khuẩn. Hàm lượng tinh dầu trong Nghệ thường chiếm khoảng 3-7% tùy thuộc vào giống Nghệ và điều kiện trồng trọt.
- Terpecurcuminoid là nhóm curcuminoid liên hợp với terpenoid, có hoạt tính sinh học. Đây là nhóm hợp chất phụ của Nghệ với tiềm năng sinh học đáng chú ý.
- Nhựa dầu (oleoresin): Trong công nghiệp, nhựa dầu Nghệ được chiết xuất từ Nghệ bằng dung môi, sản phẩm này chứa 25–35% curcuminoid và tinh dầu. Nhựa dầu Nghệ hoặc tinh dầu Nghệ nếu dùng nhiều có thể gây kích ứng dạ dày ở một số người nhạy cảm hoặc khi sử dụng với liều lượng cao. Cần thận trọng khi dùng cho người có tiền sử bệnh dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa.
5. Tác dụng và công dụng
a. Chống viêm
Curcumin và các curcuminoid khác trong Nghệ đã được chứng minh có tác dụng chống viêm thông qua việc ức chế NF-κB, MAPK, AP-1, từ đó giảm sản xuất các cytokin viêm như IL-1β, IL-6, TNF-α. Ngoài ra, curcumin điều hòa đáp ứng miễn dịch thông qua kích hoạt PPARγ và ức chế con đường JAK/STAT. Một cơ chế quan trọng khác là ức chế inflammasome NLRP3, một phức hợp protein có vai trò trung tâm trong nhiều bệnh viêm.
Các nghiên cứu trên mô hình động vật và tế bào cho thấy curcumin có thể ức chế enzyme iNOS, giảm sản xuất NO, đồng thời làm giảm các chemokine viêm như MCP-1 và RANTES. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng ghi nhận rằng nano-curcumin có thể làm giảm mức CRP và TNF-α, nhưng hiệu quả có thể phụ thuộc vào dạng bào chế, liều lượng và tình trạng bệnh lý.
Curcumin giúp điều hòa cân bằng Th17/Treg, một yếu tố quan trọng trong kiểm soát miễn dịch và bệnh lý tự miễn. Curcumin có thể ức chế sự biệt hóa Th17, làm giảm sản xuất IL-17, đồng thời điều hòa con đường IL-23/Th17, từ đó góp phần duy trì cân bằng miễn dịch và giảm viêm.
Ngoài ra, curcumin còn có tác dụng chống viêm thông qua cơ chế chống oxy hóa. Curcumin ức chế NADPH oxidase, giảm sản xuất ROS – tác nhân gây stress oxy hóa và kích hoạt viêm. Đồng thời, curcumin kích hoạt con đường Nrf2-Keap1, tăng biểu hiện các enzyme chống oxy hóa như HO-1 và NQO1, giúp bảo vệ tế bào. Nhờ những cơ chế này, curcumin trở thành hợp chất tiềm năng trong điều trị các bệnh viêm mạn tính.

b. Chống oxy hóa và bảo vệ gan
Curcumin bảo vệ gan nhờ khả năng chống oxy hóa, chống viêm và điều hòa tín hiệu phân tử. Trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD/NASH), curcumin giúp giảm tích tụ lipid, xơ hóa và viêm gan nhờ ức chế NF-κB, HMGB1 và kích hoạt Nrf2. Trong các mô hình in vivo gan nhiễm độc (CCl₄, methotrexate, fluoride, quá tải sắt, thuốc trừ sâu), curcumin làm giảm tổn thương gan, ức chế NF-κB, giảm peroxid hóa lipid (MDA) và tăng enzym chống oxy hóa (HO-1, PON1, GSH). Ở gan nhiễm độc rượu (ALD), curcumin ức chế viêm, giảm stress oxy hóa, điều hòa enzym chuyển hóa rượu (ức chế CYP2E1) và cải thiện chuyển hóa lipid thông qua AMPK. Tuy nhiên, liều cao (>1 mM) có thể gây tổn thương gan.
Một phân tích tổng hợp trên 308 người cho thấy curcumin (80–1000 mg/ngày, 42–84 ngày) giúp cải thiện chỉ số chống oxy hóa, đặc biệt khi kết hợp với piperine để tăng hấp thu. Thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy curcumin hỗ trợ giảm men gan ở bệnh nhân NAFLD và viêm gan mạn, nhưng chưa có kết quả rõ rệt về MDA, có thể do thời gian nghiên cứu ngắn hoặc tác động của bệnh lý nền.
c. Ức chế sự phát triển của tế bào ung thư
Curcumin đã được nghiên cứu rộng rãi về khả năng ức chế sự phát triển của các dòng tế bào ung thư thông qua nhiều cơ chế khác nhau như gây chết tế bào theo chương trình (apoptosis), ức chế chu kỳ tế bào, và ngăn chặn sự hình thành mạch máu nuôi khối u. Các nghiên cứu in vitro cho thấy curcumin có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú (MCF-7, MDA-MB-231), ung thư đại trực tràng (HT-29, HCT-116), ung thư gan (HepG2), ung thư phổi (A549), ung thư tuyến tiền liệt (PC-3, LNCaP), ung thư máu (K562) và ung thư não (U87MG, U251).
Ngoài thử nghiệm in vitro, một số nghiên cứu in vivo trên mô hình động vật cũng cho thấy curcumin có thể làm giảm kích thước khối u, giảm di căn và tăng cường đáp ứng miễn dịch chống ung thư. Tuy nhiên, do sinh khả dụng kém, curcumin tự do gặp hạn chế khi áp dụng trong điều trị ung thư.
d. Hỗ trợ điều trị bệnh tiêu hóa
Nghệ và các sản phẩm từ nghệ, đặc biệt là curcumin, đã được nghiên cứu về tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ làm lành vết loét và cải thiện triệu chứng của các bệnh tiêu hóa như viêm loét dạ dày - tá tràng, hội chứng ruột kích thích (IBS) và viêm đại tràng. Các nghiên cứu in vitro cho thấy curcumin có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori, tác nhân chính gây viêm loét dạ dày, bằng cách làm giảm khả năng bám dính và tăng nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh. Trong các nghiên cứu in vivo trên động vật, curcumin giúp giảm tổn thương niêm mạc dạ dày do stress oxy hóa và giảm mức độ viêm qua việc điều chỉnh các cytokine tiền viêm như IL-6 và TNF-α. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng ghi nhận rằng việc bổ sung curcumin với liều từ 500 mg đến 1 g/ngày có thể giúp giảm triệu chứng khó tiêu và đau dạ dày ở bệnh nhân viêm loét dạ dày mạn tính. Ngoài ra, Nghệ còn có tác dụng điều hòa hệ vi sinh đường ruột, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.
e. Tác dụng bảo vệ tim mạch
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy curcumin có khả năng bảo vệ tim mạch thông qua cơ chế chống oxy hóa, chống viêm và điều hòa lipid máu. Nghiên cứu in vivo trên động vật cho thấy curcumin có thể làm giảm mức cholesterol LDL, triglycerid và tăng cholesterol HDL, từ đó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng cho thấy curcumin có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và cải thiện chức năng nội mô mạch máu.
f. Hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh
Curcumin đã được nghiên cứu về khả năng bảo vệ tế bào thần kinh, đặc biệt trong các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson. Nghiên cứu in vitro cho thấy curcumin có thể ức chế sự tích tụ của các mảng beta-amyloid trong não, một trong những nguyên nhân chính gây bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu trên mô hình động vật cũng ghi nhận rằng curcumin có thể cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức ở động vật bị suy giảm nhận thức do tuổi tác.
g. Tác dụng làm lành vết thương
Curcumin có vai trò quan trọng trong làm lành vết thương, tác động qua các giai đoạn viêm, tăng sinh. Tuy nhiên, hiệu quả bị hạn chế do sinh khả dụng kém, ít tan trong nước, chuyển hóa nhanh, và độc tính ở nồng độ cao khi dùng ngoài da. Nó giúp tăng tốc độ co rút vết thương, giảm viêm bằng cách ức chế cytokine tiền viêm (TNF-α, IL-1β) và NF-κB, đồng thời kích hoạt TGF-β, thúc đẩy tổng hợp collagen.
Ngoài ra, curcumin tăng sinh mạch máu bằng cách hoạt hóa VEGF, giúp cải thiện tưới máu và tái tạo mô. Nghiên cứu cho thấy curcumin có thể giảm diện tích vết thương đến 20%, hỗ trợ phục hồi mô nhanh chóng. Nhờ những tác dụng này, curcumin là ứng viên tiềm năng trong điều trị vết thương, giúp phục hồi mô và duy trì cân bằng nội môi hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhờ vào thành phần tinh dầu, Nghệ còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất Nghệ ở các nồng độ khác nhau (12,5–100 mg/mL) bằng dung môi nước và ethanol đã được thử nghiệm trên Bacillus spp., Staphylococcus aureus, Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Kết quả cho thấy chiết xuất ethanol hiệu quả hơn chiết xuất nước, với vùng ức chế từ 3–10 mm (Bacillus spp.), 4–9 mm (S. aureus) và 1–7 mm (E. coli), nhưng không có tác dụng với P. aeruginosa.7
Trên đây là tổng hợp một số tác dụng phổ biến của Nghệ và curcumin, dược liệu này và thành phần curcumin còn có nhiều tác dụng sinh học và dược lý quan trọng khác.
6. Tính vị, tác dụng
Nghệ có vị đắng, cay, có mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng hành phí phá ứ, thông kinh chỉ thống. Curcumin từ nghệ có tác dụng mau lên da non, thông mật, tăng bài tiết mật, hạ cholesterol máu. Tinh dầu Nghệ có tác dụng diệt nấm da và cũng như curcumin có tác dụng kháng nấm.
7. Công dụng
Theo YHCT, Nghệ thường được dùng để chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, ứ máu, vùng ngực bụng khí trướng đau nhức, đau liên sườn khó thở, sau khi sinh máu xấu không ra, kết hòn cục trong bụng, bị đòn ngã tổn thương ứ huyết, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức.
Liều dùng: 4-12 g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: lấy Nghệ tươi vắt nước để bôi ung nhọt, viêm tấy lở loét ngoài da. Còn dùng dạng bột 2-4 g, chia làm 2 lần.
Ghi chú: Người cơ thể hư nhược, không có ứ trệ, không nên dùng. (Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, 2012).
Theo chuyên luận Nghệ trong Dược điển Việt Nam V:
Nghệ được chế biến bằng cách: Đào lấy thân rễ, phơi khô, cũng có thể đồ hoặc hấp rồi đem phơi hoặc sấy khô.
Công năng, chủ trị: Hành khí, phá huyết, chỉ thống, sinh cơ. Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau tức sườn ngực, khó thở. Phụ nữ đau bụng sau đẻ do máu xấu không sạch, kết hòn cục, hoặc ứ huyết do sang chấn; viêm loét dạ dày; vết thương lâu liền miệng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dựng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc bột.
Dùng ngoài dưới dạng dịch tươi bôi vào vết thương để chóng lên da non.
Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, không có ứ trệ, không nên dùng.
8. Độc tính và tác dụng phụ của Nghệ và curcumin
Mặc dù Nghệ và curcumin có nhiều lợi ích sức khỏe, việc sử dụng không đúng liều lượng hoặc kéo dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và độc tính:
- Gây kích ứng dạ dày: Curcumin có thể làm tăng tiết acid dạ dày, gây đau dạ dày, buồn nôn hoặc tiêu chảy ở một số người, đặc biệt khi dùng liều cao.
- Ảnh hưởng đến đông máu: Curcumin có thể làm chậm quá trình đông máu, làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt ở những người đang sử dụng thuốc chống đông như warfarin.
- Tương tác thuốc: Curcumin có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số enzyme gan tham gia chuyển hóa thuốc, làm thay đổi hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường và thuốc giảm đau.
- Ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai: Việc sử dụng Nghệ hoặc curcumin với liều cao có thể kích thích tử cung, làm tăng nguy cơ co bóp tử cung, từ đó dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Một số nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng curcumin có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố và làm thay đổi môi trường nội mạc tử cung. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên thận trọng khi sử dụng Nghệ hoặc các sản phẩm chứa curcumin, đặc biệt trong ba tháng đầu thai kỳ.
- Tổn thương gan và thận khi dùng quá liều: Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy liều cao curcumin có thể gây stress oxy hóa, ảnh hưởng đến chức năng gan và thận.
- LD50 (liều gây tử vong 50%) của curcumin: Trong một nghiên cứu về độc tính cấp tính đường uống trên chuột, LD₅₀ được xác định là >2000 mg/kg theo MSDS. Khi dùng liều đơn đường uống từ 1–5 g/kg thể trọng, curcumin không gây độc tính ở chuột.
- Ở người, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy curcumin an toàn khi sử dụng ở liều 1-12 g/ngày trong thời gian ngắn, nhưng có thể gây khó chịu tiêu hóa khi dùng liều cao kéo dài.
Đối với cao chiết Nghệ, LD50 có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp chiết xuất và thành phần hoạt tính. Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy LD50 của cao chiết Nghệ đường uống có thể dao động trong khoảng 5 - 10 g/kg thể trọng, tùy vào hàm lượng curcuminoid và tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu trong cao chiết Nghệ có thể góp phần vào độc tính khi dùng liều cao, gây kích ứng đường tiêu hóa hoặc tác động đến gan. Mặc dù Nghệ và curcumin có nhiều lợi ích sức khỏe, việc sử dụng không đúng liều lượng hoặc kéo dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ và độc tính. Vì vậy, việc sử dụng Nghệ và curcumin cần tuân theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc điều trị.
Kết luận
Như vậy, trong Nghệ, thành phần curcumin là hợp chất đóng vai trò tác dụng chính nhằm giảm viêm, cải thiện chỉ số lipid máu, hỗ trợ trí nhớ và giảm lo âu. Mặc dù có hồ sơ an toàn cao, nhưng khi sử dụng ở liều cao, curcumin có thể gây một số tác dụng phụ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://tuoitre.vn/nhieu-nguoi-dung-sai-tinh-bot-nghe-tri-benh-20230527214157595.htm.
Farzaei MH, Zobeiri M, Parvizi F, El-Senduny FF, Marmouzi I, Coy-Barrera E, Naseri R, Nabavi SM, Rahimi R, Abdollahi M. Curcumin in Liver Diseases: A Systematic Review of the Cellular Mechanisms of Oxidative Stress and Clinical Perspective. Nutrients. 2018 Jul 1;10(7):855. doi: 10.3390/nu10070855. PMID: 29966389; PMCID: PMC6073929.
Sohma Y, Yu YC, Hwang TC. Curcumin and genistein: the combined effects on disease-associated CFTR mutants and their clinical implications. Curr Pharm Des. 2013;19(19):3521-8. doi: 10.2174/13816128113199990320. PMID: 23331029; PMCID: PMC4939248.
Peng Y, Ao M, Dong B, Jiang Y, Yu L, Chen Z, Hu C, Xu R. Anti-Inflammatory Effects of Curcumin in the Inflammatory Diseases: Status, Limitations and Countermeasures. Drug Des Devel Ther. 2021 Nov 2;15:4503-4525. doi: 10.2147/DDDT.S327378. PMID: 34754179; PMCID: PMC8572027.
Jakubczyk K, Drużga A, Katarzyna J, Skonieczna-Żydecka K. Antioxidant Potential of Curcumin-A Meta-Analysis of Randomized Clinical Trials. Antioxidants (Basel). 2020 Nov 6;9(11):1092. doi: 10.3390/antiox9111092. PMID: 33172016; PMCID: PMC7694612.
Odo EO, Ikwuegbu JA, Obeagu EI, Chibueze SA, Ochiaka RE. Analysis of the antibacterial effects of turmeric on particular bacteria. Medicine (Baltimore). 2023 Dec 1;102(48):e36492. doi: 10.1097/MD.0000000000036492. PMID: 38050237; PMCID: PMC10695572.
Kim HL, Lee HJ, Lee DR, Choi BK, Yang SH. Herbal Composition LI73014F2 Alleviates Articular Cartilage Damage and Inflammatory Response in Monosodium Iodoacetate-Induced Osteoarthritis in Rats. Molecules. 2020 Nov 23;25(22):5467. doi: 10.3390/molecules25225467. PMID: 33238379; PMCID: PMC7700416.
Bộ Y tế, Dược điển Việt Nam V, chuyên luận Nghệ (thân rễ).
Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, trang 298 – 302.
__
Bài viết thuộc sở hữu của tác giả Lê Vân và Group Đồng Điệu
Đề nghị không sao chép dưới bất kì hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion