Xin chào những người bạn “đồng điệu”, mình là bác sĩ Gia Hân chuyên về điều trị rụng tóc và đang công tác tại White Clinic.

Nói đến da liễu thì ai cũng nghĩ đến da mặt, nó trở nên mainstream đến mức một cô bé cấp 2 cũng có thể trở thành một chuyên gia và trải nghiệm hàng tá những sản phẩm skincare quá với tuổi da của mình. Thế nên một chiếc bác sĩ như mình dần cũng không còn chỗ nào để đứng.
Khoa học của mái tóc một điều mà giới làm đẹp của Việt Nam vẫn còn chưa khám phá đến, và đó là lí do tại sao mình ở đây. Trước khi đi vào những nghiên cứu cao siêu thì mình sẽ dẫn dắt các bạn từ bất ngờ này đến bất ngờ khác để nhận ra chúng ta đã bị ngành công nghiệp sản xuất dầu gội lùa gà như thế nào.
Lời mở đầu có vẻ hơi dài, vì dù sao đây cũng là bài viết đầu tiên của mình trên group, nên cũng muốn khơi gợi cho bạn một chút sự tìm tòi. Và mình cũng sẽ chia sẻ chuyên sâu nhiều vào chủ đề khoa học chăm sóc tóc, mong các bạn theo dõi và ủng hộ mình thật nhiều.
Quay về chủ đề chính.

Gội đầu mỗi ngày có thực sự sẽ gây rụng tóc?

Trong khuôn khổ bài viết này, bác sĩ sẽ cùng bạn lý giải khoa học và tìm cho mình một tần suất gội đầu phù hợp.
Dầu nhờn là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Nếu bạn được một lần soi tóc với độ phóng đại gấp 50 lần và thấy được chân tóc của mình ngập trong một hố dầu như trong hình, thì bạn sẽ hiểu ra nếu cứ để tình trạng này xảy ra ngày này qua tháng nọ thì rất dễ sinh ra các bệnh nhiễm nấm nhiễm khuẩn trên da đầu (mà cơ chế của những bệnh học này mình sẽ lên bài viết riêng). Dầu còn làm sợi tóc bị mất độ neo, và cũng làm cho việc xịt các sản phẩm dưỡng tóc không thẩm thấu vào nang tóc được để phát huy tác dụng điều trị của hoạt chất.
Để kiểm chứng cho việc “không kiểm soát được dầu nhờn da đầu sẽ gây rụng tóc” chúng ta hãy tự làm một test nho nhỏ. Bạn hãy để da đầu siêu nhờn và tóc siêu bết hãy đi gội, rồi gom và đếm số sợi rụng. Tương tự hãy gội đầu với tần suất như thế nào mà khi gội tóc bạn vẫn còn khá sạch. Và so sánh số tóc rụng giữa 2 kiểu gội, và comment chia sẻ với mọi người xem kết quả như thế nào nhé.
Còn thực tế lâm sàng với các bệnh nhân mà bác sĩ đã làm việc, thì việc làm sạch da dầu trước khi nó bị dơ quá nhiều đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả chữa rụng tóc. Vậy tần suất có phải mẫu số chung cho mọi người không? Câu trả lời là không.
Tần suất gội đầu hợp lý phải được cá nhân hóa ở mỗi người.
Khi một người bị rụng tóc, thì bất cứ giới hay độ tuổi nào cũng sẽ nghĩ ngay và đổ lỗi cho dầu gội đầu tiên. Chính ông bà trong nhà, cũng dạy cho mình bài học vỡ lòng khi thấy mình gội đầu mỗi ngày là “Tóc đã mỏng còn gội đầu mỗi ngày cho rụng hết đi nha”. Nhưng xin được trích nguyên văn JAAD Journal of American Academy of Dermatology aka Hiệp hội Da liễu Mỹ “If your scalp is oily, you may need to wash it as often as once a day” dịch ra là “Nếu bạn thuộc tuýp da đầu dầu, bạn có thể sẽ cần gội đầu mỗi ngày.
Thật ra việc kiểm soát bã nhờn trên da đầu quan trọng hơn tần suất gội đầu. Và điều này phải được cá thể hóa. Nếu bạn thuộc tuýp da đầu khô thì sau 2-3 ngày chưa gội, da đầu vẫn khô ráo, tóc vẫn tơi thì bạn có thể cách ra 1-2 ngày mới cần gội. Nhưng nếu bạn thuộc tuýp da đầu dầu, mới gội tối sáng ngủ dậy tóc đã hơi bết phần chân, xẹp xuống, đi làm đến chiều là bết rệt lại, thì chúc mừng bạn quay vào ô gội đầu mỗi ngày.
Nhưng việc gội đầu 2 lần/ ngày với dầu gội cũng không nên bạn nhé. Nếu như trong ngày đã lỡ gội đầu với dầu gội rồi nhưng sau đó chơi thể thao và tóc ra mồ hôi nhiều, thì chúng ta chỉ nên gội với nước, nhưng thật ra nước chỉ tạo cảm giác sạch sẽ, sảng khoái chứ không có cơ chế kéo đi được dầu trên da đầu được như dầu gội (có chứa chất surfactant trung hòa dầu thừa).
Và nếu như bạn hỏi “Vậy gội đầu mỗi ngày có làm khô da đầu và kích thích tiết ra nhiều dầu hơn như cơ chế của da mặt không?” Thì mời bạn đón xem trong bài sau nhé.

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Đinh Gia Hân và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.