Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.

Hôm nay thứ 7 rồi, Kiên xin phép lên đây để chia sẻ với cả nhà một mảnh kiến thức thú vị mà Kiên đã lượm lặt được trong tuần qua - bị mụn vì đồ makeup.

Vấn đề này có thể nhiều người đã biết, nhưng có vẻ chưa nhiều người nhận ra tầm nghiêm trọng của vấn đề.

Việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và sự tự tin cho cá nhân. Tuy nhiên, ẩn sau lớp phấn son ấy là một vấn đề ít được quan tâm đúng mức: sự tích tụ vi sinh vật trên dụng cụ trang điểm, đặc biệt là cọ và mút trang điểm.

Tương tự, cọ và mút trang điểm bẩn chính là "bát đĩa bẩn" cho làn da của bạn. Vi khuẩn từ dụng cụ trang điểm có thể gây ra mụn viêm, mụn ẩn, thậm chí là kích ứng, khiến da trở nên “6 xí” và “khóa chệu vô cùng” :)))

Dụng cụ trang điểm: Môi trường lý tưởng cho sự tăng sinh của vi sinh vật

Bạn có để ý rằng đôi khi sau khi trang điểm bằng cọ hoặc mút cũ, da bạn dễ nổi mụn hơn không? Hoặc bạn có bao giờ thấy cọ trang điểm của mình có mùi lạ, hoặc xuất hiện những vết bẩn cứng đầu? Đó chính là dấu hiệu cho thấy vi khuẩn đang "tung hoành" trên dụng cụ của bạn đấy.

  • Cấu trúc vật lý: Cọ trang điểm, với chất liệu lông tự nhiên hoặc sợi tổng hợp; mút trang điểm với cấu trúc xốp, chứa vô số khoang rỗng li ti, vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho sự bám dính và phát triển của vi sinh vật. Các cặn mỹ phẩm dư thừa, tế bào da chết, bã nhờn và mồ hôi còn sót lại trên dụng cụ sau mỗi lần sử dụng chính là nguồn dinh dưỡng phong phú cho vi khuẩn. Hơn nữa, các dụng cụ trang điểm cần được làm ẩm mỗi khi sử dụng để lớp nền mịn mướt hơn nên cũng sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.
  • Điều kiện bảo quản: Dụng cụ trang điểm thường được bảo quản trong môi trường ẩm ướt, thiếu ánh sáng, ví dụ như túi đựng đồ trang điểm hoặc phòng tắm. Đây là điều kiện tối ưu cho sự sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi sinh vật, bao gồm cả vi khuẩn và vi nấm gây bệnh.
  • Tần suất sử dụng: Tần suất sử dụng cao và tiếp xúc trực tiếp với da mặt, đặc biệt là vùng da nhạy cảm, càng làm gia tăng nguy cơ tích tụ và lây lan vi sinh vật từ dụng cụ trang điểm sang da.

Cơ chế gây mụn trứng cá liên quan đến vi sinh vật trên dụng cụ trang điểm

  • Tác nhân gây bệnh: Các chủng vi khuẩn thường được phân lập trên dụng cụ trang điểm có thể bao gồm Staphylococcus aureus, Cutibacterium acnes hay Streptococcus pyogenes. Ngoài ra, còn có nấm men như Malassezia spp. hay các loại virus.
    Các Đồng Điệu có thể ngó qua bài Loạn khuẩn của Kiên để tìm hiểu thêm về hệ vi sinh trên da nghen. Khi dụng cụ tiếp xúc với da, vi sinh vật có thể xâm nhập vào nang lông, gây viêm nhiễm và khởi phát quá trình hình thành mụn trứng cá.
  • Tắc nghẽn nang lông: Cặn mỹ phẩm (nhất là các mỹ phẩm có nhiều dầu, có thể bị oxy hoá theo thời gian), tế bào chết và vi sinh vật tích tụ trên dụng cụ trang điểm có thể gây bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện yếm khí thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn kỵ khí như C. acnes, một tác nhân quan trọng trong sinh bệnh học của mụn trứng cá.
  • Phản ứng viêm: Một số chủng vi khuẩn có khả năng sản sinh các enzyme, endotoxin và exotoxin, gây kích ứng và viêm nhiễm tại chỗ, làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.

Biểu hiện lâm sàng của mụn trứng cá do dụng cụ trang điểm

Các thương tổn da do vi sinh vật từ dụng cụ trang điểm gây ra thường tương tự với các dạng mụn trứng cá thông thường. Tuy nhiên, mụn do trang điểm thường có đặc điểm về vị trí là tập trung ở những chỗ hay tiếp xúc với dụng cụ trang điểm. Các loại mụn có thể bao gồm:

  • Mụn viêm: Đặc trưng bởi các sẩn, nốt, nang có màu đỏ, đau, có thể kèm theo mủ.
  • Mụn không viêm: Bao gồm mụn đầu đen (mở) và mụn đầu trắng (đóng), hình thành do sự ứ đọng bã nhờn và tế bào chết trong nang lông.

Chiến lược phòng ngừa

Hãy dành thời gian làm sạch cọ và mút trang điểm thường xuyên, giống như bạn chăm chút cho làn da của mình vậy. Việc này không chỉ giúp bảo vệ da khỏi vi khuẩn mà còn giúp duy trì chất lượng của dụng cụ,giúp lớp trang điểm lên màu đẹp hơn và bền hơn. Cụ thể hơn, các Đồng Điệu cần lên plan kỹ càng như sau:

  • Vệ sinh dụng cụ: Cọ trang điểm nên được làm sạch tối thiểu mỗi tuần một lần bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng hoặc xà phòng dịu nhẹ, có độ pH sinh lý. Mút trang điểm cần được làm sạch sau khoảng vài lần sử dụng bằng xà phòng kháng khuẩn và nước ấm, hoặc có thể sắm nhiều mút để thay vòng vòng. Cuối cùng, hãy đảm bảo dụng cụ được phơi khô hoàn toàn trong môi trường thoáng khí trước khi sử dụng lại.
  • Bảo quản dụng cụ: Bảo quản dụng cụ ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao. Sử dụng túi đựng đồ trang điểm sạch sẽ, được làm từ vật liệu có khả năng thông thoáng.
  • Hạn chế dùng chung dụng cụ: Việc dùng chung dụng cụ trang điểm có thể dẫn đến lây nhiễm chéo vi sinh vật và các tác nhân gây bệnh da liễu.
  • Tẩy trang kỹ lưỡng: Loại bỏ hoàn toàn lớp trang điểm trước khi đi ngủ bằng sản phẩm tẩy trang phù hợp với loại da. Việc mụn do trang điểm là một tình trạng diễn tiến kéo dài, thế nên hãy tẩy trang sớm nhất và kỹ nhất có thể để tránh việc đọng cặn trang điểm và các tác nhân gây mụn hen.
  • Skincare toàn diện: Duy trì chế độ chăm sóc da khoa học, bao gồm làm sạch da mặt hàng ngày, tẩy tế bào chết định kỳ và sử dụng các sản phẩm dưỡng da phù hợp, chấm mụn (nếu cần) để củng cố hàng rào bảo vệ da và ngăn ngừa mụn.

Tạm kết

Đừng xem nhẹ việc vệ sinh dụng cụ trang điểm nhen. Hãy biến việc này thành một thói quen, một phần trong chu trình chăm sóc da hàng ngày của bạn. Làn da khỏe mạnh, rạng ngời sẽ là "phần thưởng" xứng đáng cho công sức chà cọ và giặt mút mỗi ngày, mỗi tuần của bạn á. Hết bài :)))

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.