Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên aka. Kiên Sinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.

“Mắc HIV thì khác nào dính phải án tử!”

Thật vậy! Trong ký ức của nhiều người Việt, HIV từng là một cơn ác mộng, một “lời nguyền” gắn liền với nỗi sợ hãi, sự kỳ thị và bóng tối của cái chết không thể tránh khỏi. Những năm 80 và 90, khi HIV/AIDS lần đầu xuất hiện, nó không chỉ cướp đi sinh mạng mà còn phá hủy cả những mối quan hệ gia đình, cộng đồng, để lại những vết thương lòng khó phai. Bệnh nhân có thể không chết vì bệnh, mà chết dần chết mòn vì sự kỳ thị, nghèo đói và do cả việc thiếu tiếp cận đến những phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Tuy nhiên, ánh sáng hy vọng đã ló dạng nhờ những tiến bộ vượt bậc trong y học, đặc biệt là liệu pháp kháng retrovirus (ART - Antiretroviral Therapy). Ngày nay, HIV không còn là bản án tử, mà đã trở thành một bệnh mãn tính có thể kiểm soát. Người mắc HIV, nếu được chẩn đoán sớm và tuân thủ điều trị, có thể sống lâu và khỏe mạnh tương đương với những người không mắc bệnh.

Tại Việt Nam, nơi hàng trăm ngàn người đang sống chung với HIV, ART đã mang lại cơ hội để họ sống khỏe mạnh, cống hiến và tận hưởng cuộc sống như bất kỳ ai. Với những nỗ lực không ngừng trong việc chẩn đoán sớm, cung cấp thuốc miễn phí và giảm kỳ thị xã hội, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Các Đồng Điệu hãy cùng Kiên khám phá hành trình khoa học đằng sau sự chuyển mình này, từ cơ chế sinh học của HIV đến hiệu quả của ART, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của sự đồng hành và thấu hiểu để người mắc HIV không chỉ sống lâu, mà còn sống trọn vẹn nhé.

1. Tổng quan về HIV (Human Immunodeficiency Virus - Virus gây suy giảm miễn dịch ở người)

a. Cấu trúc của HIV

HIV là một retrovirus thuộc họ Retroviridae, có kích thước khoảng 100 nm - tức là bạn có thể xếp khoảng 700 con HIV nối đuôi nhau mới bằng đường kính của một sợi tóc mảnh.Cấu trúc của HIV bao gồm:

  • Vỏ ngoài: Được bao bọc bởi một lớp lipid kép, chứa các protein bề mặt như glycoprotein 120 (gp120) và glycoprotein 41 (gp41). Gp120 giúp virus gắn vào thụ thể CD4 trên tế bào T helper, trong khi gp41 hỗ trợ quá trình hợp bích (fusion) để virus xâm nhập vào tế bào.
  • Lõi: Chứa hai phân tử RNA dương sợi đơn (khoảng 9749 nucleotide), cùng với các enzyme quan trọng như transcriptase ngược (reverse transcriptase), integrase và protease. Lõi được bao bọc bởi protein capsid p24.
  • Bộ gen: Gồm 9 gen (gag, pol, env, tat, rev, nef, vif, vpr, vpu), mã hóa 19 protein, bao gồm các protein cấu trúc (Gag, Pol, Env) và các protein điều hòa (Tat, Rev, Nef).

b. Chu kỳ nhân lên của HIV

HIV nhân lên qua một chu kỳ phức tạp, bao gồm các bước sau:

  • Gắn vào tế bào chủ: Gp120 trên vỏ virus gắn vào thụ thể CD4 và đồng thụ thể (CCR5 hoặc CXCR4) trên tế bào T helper hoặc đại thực bào.
  • Nhập vào tế bào: Gp41 xúc tác quá trình hợp bích, cho phép lõi virus xâm nhập vào tế bào.
  • Phiên mã ngược: Enzyme transcriptase ngược chuyển RNA virus thành DNA bổ sung (cDNA). Quá trình này dễ xảy ra lỗi, dẫn đến đột biến và khả năng kháng thuốc.
  • Tích hợp: Enzyme integrase tích hợp cDNA vào bộ gen của tế bào chủ, tạo thành tiền virus (provirus).
  • Phiên mã và dịch mã: Provirus được phiên mã thành RNA virus, sau đó dịch mã thành các protein virus.
  • Lắp ráp và thành thục: Các protein virus được lắp ráp thành các hạt virus mới. Enzyme protease cắt các polyprotein để tạo ra các hạt virus trưởng thành.
  • Thoát ra: Các hạt virus mới thoát ra khỏi tế bào qua quá trình nảy chồi (budding), tiếp tục lây nhiễm các tế bào khác.

Điểm đặc biệt là HIV có khả năng tạo ra các “kho chứa” (latent reservoirs) trong các tế bào T hỗ trợ CD4+ - nơi virus có thể nằm im và không bị ảnh hưởng bởi thuốc, gây khó khăn cho việc chữa khỏi hoàn toàn

 → Lý giải cho khả năng “ẩn mình” của HIV và cũng là lý do vì sao rất rất khó thể nào chữa khỏi được HIV hoàn toàn.

2. Cách nhân loại “tuyên chiến” với HIV: Liệu pháp kháng retrovirus (ART - Antiretroviral Therapy)

a. ART là gì?

Dựa trên cơ sở các hiểu biết về HIV và các enzyme quan trọng trong chu trình nhân lên của chúng, ART đã được nghiên cứu và phát triển để trở thành phương pháp điều trị chính cho HIV, sử dụng sự kết hợp của nhiều loại thuốc kháng retrovirus để ức chế các bước khác nhau trong chu kỳ nhân lên của virus.

Mục tiêu của ART là giảm tải lượng virus trong máu xuống mức không thể phát hiện (dưới 50 bản sao/ml), bảo vệ hệ miễn dịch và ngăn chặn sự tiến triển thành AIDS (Acquired Immunodeficiency Syndrome - Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).

b. Các lớp thuốc ART và cơ chế hoạt động

ART bao gồm nhiều lớp thuốc, mỗi lớp nhắm vào một giai đoạn cụ thể trong chu kỳ nhân lên của HIV. Kiên sẽ tóm tắt cho các Đồng Điệu một số thông tin ngắn gọn về các lớp thuốc chính:

  • Thuốc ức chế transcriptase ngược không phải nucleoside (NNRTI): Gắn vào enzyme phiên mã ngược transcriptase, làm thay đổi cấu trúc và ngăn chặn hoạt động của nó.
    Đại diện: Efavirenz (Sustiva), Nevirapine (Viramune), Rilpivirine (Edurant).
  • Thuốc ức chế transcriptase ngược nucleoside (NRTI): Là các nucleoside giả, cạnh tranh với nucleoside tự nhiên, gây ngừng dây chuyền trong quá trình phiên mã ngược.
    Đại diện: Zidovudine (Retrovir), Lamivudine (Epivir), Tenofovir (Viread).
  • Thuốc ức chế protease (PI): Ngăn chặn enzyme protease, ngăn virus trưởng thành và lây nhiễm.
    Đại diện: Atazanavir (Reyataz), Darunavir (Prezista), Lopinavir.
  • Thuốc ức chế integrase (INSTI): Ngăn chặn enzyme integrase, ngăn DNA virus tích hợp vào bộ gen tế bào chủ.
    Đại diện: Raltegravir (Isentress), Dolutegravir (Tivicay).
  • Thuốc ức chế gắn kết: Ngăn HIV gắn vào hoặc nhập vào tế bào chủ.
    Đại diện: Enfuvirtide (Fuzeon, ức chế hợp bích), Maraviroc (Selzentry, ức chế CCR5).
  • Nhóm hỗ trợ tăng cường dược động học: Tăng hiệu quả của các thuốc khác bằng cách ức chế enzyme chuyển hóa thuốc.
    Đại diện: Cobicistat (Tybost).

c. Liệu pháp kết hợp (HAART)

Liệu pháp kết hợp (HAART - Highly Active Antiretroviral Therapy) sử dụng ít nhất ba loại thuốc từ các lớp khác nhau để tối ưu hóa hiệu quả và giảm nguy cơ kháng thuốc. HAART đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật liên quan đến HIV từ 60% đến 80%.

d. Tiến bộ gần đây trong ART

Thuốc tiêm dài hạn: Các loại thuốc như cabotegravir và rilpivirine được tiêm mỗi 1 - 2 tháng, cải thiện tuân thủ và chất lượng cuộc sống. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy chúng hiệu quả tương đương với ART uống hàng ngày.

Lenacapavir: Một loại thuốc tiêm 6 tháng một lần, đã cho thấy hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa HIV ở phụ nữ và 96% ở nam giới và cá thể chuyển giới trong các thử nghiệm lâm sàng. Lenacapavir nhắm vào protein capsid của HIV, làm cứng cấu trúc capsid và cản trở các giai đoạn quan trọng của chu kỳ nhân lên của virus. Nó cũng được sử dụng để điều trị HIV kháng nhiều thuốc, mang lại hy vọng cho những người có ít lựa chọn điều trị.

3. Hiệu quả của liệu pháp kháng retrovirus (ART - Antiretroviral Therapy)

a. Kiểm soát virus và bảo vệ hệ miễn dịch

ART có thể giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện, giúp duy trì số lượng tế bào CD4+ ở mức bình thường (500 - 1500 tế bào/mm khối). Điều này ngăn chặn sự suy giảm miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi do pneumocystis (PCP - một dạng nhiễm trùng cơ hội nghiêm trọng ở phổi, gây ra bởi nấm Pneumocystis jirovecii) hoặc bệnh lao.

b. Tuổi thọ và chất lượng cuộc sống

Với ART, người mắc HIV có thể đạt tuổi thọ tương đương với người không mắc bệnh. Một nghiên cứu từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, những người bắt đầu ART với số lượng CD4 cao (trên 500 tế bào/μL) có tuổi thọ gần bằng dân số chung.

VD: Một người 20 tuổi được chẩn đoán HIV và bắt đầu ART sớm có thể sống thêm hàng thập kỷ - so với tuổi thọ chỉ 19 năm khi ART chưa ra đời. Tuy nhiên, người mắc HIV có thể đối mặt với các bệnh đồng mắc sớm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống lành mạnh và chăm sóc y tế định kỳ.

c. Phòng ngừa lây truyền

Theo nguyên tắc "Undetectable = Untransmittable" (U=U), khi tải lượng virus ở mức không thể phát hiện, nguy cơ lây truyền qua quan hệ tình dục giảm xuống gần như bằng không. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giảm kỳ thị xã hội đối với người mắc HIV.

4. Liệu pháp mới nổi và triển vọng tương lai của cuộc chiến với HIV

a. Kháng thể trung hòa rộng (bNAb)

Kháng thể trung hòa rộng (bNAb) là một lĩnh vực nghiên cứu đầy hứa hẹn, có khả năng trung hòa nhiều biến thể HIV bằng cách gắn vào các thành phần cụ thể của virus, như glycoprotein vỏ (Env) và kích hoạt phản ứng miễn dịch. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy bNAbs có thể duy trì kiểm soát virus ngay cả sau khi ngừng ART, gợi ý một liệu pháp chức năng mới.

Như trong một số thử nghiệm, 10 - 20% người nhận bNAb duy trì virus ở mức không phát hiện được ít nhất 84 ngày sau khi ngừng ART, so với chỉ 4% ở nhóm không can thiệp. Nghiên cứu đang tập trung vào việc kết hợp nhiều bNAb hoặc sửa đổi vùng Fc của kháng thể để tăng hiệu quả và thời gian tồn tại trong cơ thể.

b. Các liệu pháp gen

Công nghệ chỉnh sửa gen, như CRISPR, đang được khám phá để loại bỏ DNA virus khỏi các tế bào nhiễm bệnh. Một liệu pháp chỉnh sửa gen tên EBT-101 đã nhận được chỉ định nhanh từ FDA và đang trong thử nghiệm lâm sàng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025. Mặc dù vẫn ở giai đoạn đầu, các liệu pháp này có tiềm năng cách mạng hóa điều trị HIV.

c. Vaccine điều trị

Nghiên cứu đang tiến hành phát triển vaccine giúp hệ miễn dịch kiểm soát HIV, có thể giảm hoặc loại bỏ nhu cầu sử dụng ART suốt đời. Một số thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật cho thấy vaccine điều trị kết hợp với bNAb có thể dẫn đến kiểm soát virus sau khi ngừng ART.

d. Thuốc kích hoạt tiềm ẩn

Các chất kích hoạt tiềm ẩn (latency-reversing agent) nhằm kích hoạt các kho chứa virus tiềm ẩn, làm cho chúng dễ bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch hoặc ART. Đây là một bước quan trọng hướng tới việc chữa khỏi, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức về an toàn và hiệu quả.

5. Thách thức và triển vọng tương lai

Mặc dù ART và các liệu pháp mới nổi đã thay đổi đáng kể tiên lượng của HIV, vẫn còn những thách thức lớn:

  • Kho chứa virus tiềm ẩn: Virus HIV tích hợp vào bộ gen tế bào chủ có thể nằm im, không bị ảnh hưởng bởi ART, khiến việc chữa khỏi hoàn toàn trở nên khó khăn.
  • Kháng thuốc: Tỷ lệ lỗi cao của enzyme transcriptase ngược dẫn đến đột biến, có thể gây kháng thuốc. Các thuốc như lenacapavir và bNAbs đang được phát triển để giải quyết vấn đề này.
  • Tiếp cận toàn cầu: Chi phí cao và hạn chế về cơ sở hạ tầng y tế ở các nước thu nhập thấp là rào cản lớn. Ví dụ, lenacapavir cần có giá dưới 54 USD/năm để phù hợp tại Nam Phi.

Tuy nhiên, các tiến bộ gần đây, như lenacapavir và bNAb, cùng với nghiên cứu về chỉnh sửa gen và vaccine điều trị, cho thấy con đường hướng tới việc quản lý HIV như một bệnh mãn tính và có thể đạt được chữa khỏi. Sự hợp tác toàn cầu giữa các nhà khoa học, chính phủ và cộng đồng là yếu tố then chốt để biến mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 thành hiện thực.

6. Đôi lời gửi đến những bệnh nhân đang sống chung với HIV/AIDS và người thân

Kiên biết rằng, hành trình kể từ khi một người biết mình có HIV thực sự không chỉ là chuyện thuốc men, sức khỏe. Đó còn là một hành trình đầy cảm xúc, đôi khi chông chênh giữa hy vọng và nỗi sợ. Có lẽ khi nghe kết quả chẩn đoán, cảm giác như cả bầu trời sụp đổ xuống quanh mình, phải không? Nỗi lo về ngày mai, sự e ngại trước những ánh nhìn dò xét, đôi khi là cả khoảng cách không lời từ chính những người mình thương yêu nhất... tất cả có thể khiến bạn thấy mình lạc lõng, đơn độc giữa thế giới này.

Và Kiên cũng hiểu, với những người thân yêu, chứng kiến người mình thương trải qua điều này cũng là một nỗi đau thầm lặng, là những đêm trăn trở, những lúc thấy mình bất lực.

Nhưng tin Kiên đi, bạn không hề một mình trên con đường này. Ngay tại Việt Nam mình, có hàng trăm ngàn người đang sống chung với HIV. Điều tuyệt vời là nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học, đặc biệt là liệu pháp ART, cuộc sống của họ đã và đang viết tiếp những trang mới đầy hy vọng.

Kiên đã được nghe, được thấy những câu chuyện thật đẹp: những người mẹ từng tuyệt vọng nay mạnh mẽ nuôi con khôn lớn, những bạn trẻ tìm lại được niềm tin để theo đuổi đam mê, những gia đình càng thêm gắn bó yêu thương sau thử thách. Có những người từng nghĩ cuộc đời mình đã dừng lại, giờ đây vẫn đang mỗi ngày đi làm, yêu thương, vun đắp cho tổ ấm, và xây dựng những ước mơ mới. Những con người ấy, những câu chuyện ấy là minh chứng sống động nhất: HIV không thể định nghĩa bạn là ai, không thể tước đi giá trị và khát vọng nơi bạn.

Và gửi đến những người thân yêu đang đồng hành cùng người có HIV ngoài kia, Kiên thực sự muốn cảm ơn sự hiện diện và tình yêu của các bạn. Vòng tay của gia đình, sự thấu hiểu của bạn bè chính là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Đôi khi, chỉ cần một cái nắm tay thật chặt, một lời lắng nghe không phán xét, đã đủ để sưởi ấm và tiếp thêm nghị lực cho người trong cuộc. Hãy cùng họ bước qua những ngày khó khăn và quan trọng hơn hết, hãy luôn cho họ thấy rằng họ mãi là một phần yêu thương, không thể thiếu trong cuộc đời bạn.

Hành trình này chắc chắn không trải đầy hoa hồng, nhưng mỗi bước đi, dù nhỏ, đều là một sự nỗ lực đáng trân trọng. Hãy vững tin vào y học hiện đại, vào những điều kỳ diệu mà khoa học mang lại và hơn hết, hãy tin vào sức mạnh tiềm ẩn bên trong chính bạn. Chúng ta đang cùng nhau xây dựng một Việt Nam không còn bóng ma kỳ thị, nơi mỗi người sống với HIV đều có thể ngẩng cao đầu, sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn. Các bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó!

Hy vọng bài viết của Kiên có ích với mọi người, đặc biệt là trong thời điểm này. Hẹn gặp lại cả nhà vào bài viết sau nhé 

__________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy KiênKiên Sinh và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.