Chúng ta, những người đi qua năm 2020 chắc hẳn sẽ chẳng lạ gì với những thuyết âm mưu về vaccine. Gần đây nhất, khi vụ á.m s.át bất thành diễn ra ở xứ sở cờ hoa, cũng có nhiều thuyết âm mưu được đà nở rộ. 

Một số thuyết âm mưu nghe qua đã thấy hoang đường, một số tinh vi hơn - nghe thì có vẻ hợp lý, nghĩ kỹ thì kì kì, nhưng tại sao vẫn có vô số người tin vào rồi tuyên truyền nó?

Thuyết âm mưu “làm dịu” nỗi bất an

Theo Ted Goertzel, giáo sư Xã hội học tại Đại học Rutgers, niềm tin vào các thuyết âm mưu có liên quan chặt chẽ đến sự bất an. Thất nghiệp, bệnh tật, gia đình rối loạn và các mối quan hệ đổ vỡ… góp phần khiến một người cảm thấy bất lực. Để đối phó về mặt cảm xúc trước những tình huống như vậy, nhiều người đổ lỗi cho những âm mưu; những hội kín khổng lồ với sức mạnh đáng kinh ngạc kiểm soát mọi người vì những mục đích nham hiểm. Niềm tin vào những âm mưu mang lại cho những người đang đầy bất an ấy điều gì đó để hy vọng, rằng chỉ cần vạch trần được âm mưu, họ sẽ không còn khổ sở nữa.

Đó là lý do mà khi một khủng hoảng xã hội xảy ra, những thuyết âm mưu lại mọc lên như nấm. 

Ảnh hưởng từ tính cách

Theo nghiên cứu Anthony Lantian - phó giáo sư Tâm lý học tại Đại học Paris Nanterre, có một số đặc điểm tính cách khiến người ta dễ tin vào thuyết âm mưu:

(1) Kiểu người đa nghi, thiếu niềm tin và sự hợp tác, muốn tách biệt mình với xã hội hoặc bị xã hội cô lập. 

Việc tìm đến thuyết âm mưu giúp những người bất hợp tác và bị xã hội cô lập tìm cảm giác thuộc về một cộng đồng khác, đi ngược với cộng đồng mà họ bị từ chối.

(2) Người theo chủ nghĩa xảo quyệt (machiavellianism), chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, sẵn sàng thao túng và lừa lọc người khác.

Thuyết âm mưu có thể trở thành một mánh khóe thao túng xuất hiện vào các sự kiện khủng hoảng (thiên tai, biến động chính trị - xã hội) để trục lợi. Như dạo gần đây, trên Tóp tóp, mình đã lướt thấy một số video nói rằng sẽ có đ.ại d.ịch và mọi người nên trồng… cây chùm ngây (!?)

(3) Kiểu người “cho mình là nhất”, còn mọi người là những con cừu ngây thơ.

Mục này thì không cần giải thích nhiều, có lẽ bạn cũng dễ dàng hiểu được. Một trong những nhu cầu cao nhất của con người là thể hiện, khẳng định mình. Khao khát trở nên đặc biệt nhưng nội lực không có thì rất dễ rơi vào những cái bẫy như thế này. 

Ngày chưa bước chân vào một ngành học liên quan đến chính trị, mình cũng rất thích các thuyết âm mưu. Nó cho mình cảm giác mình thật đặc biệt, có hiểu biết về các vấn đề chính trị, xã hội hơn so với cộng đồng. Nhưng càng học, mình càng biết được một điều, đó là mình không biết gì cả. 

Tạm kết

Thuyết âm mưu vốn sinh ra từ những cảm giác tiêu cực, nó sẽ không bao giờ trở thành điều gì tốt đẹp. Ban đầu, nó có thể làm bạn cảm thấy được xoa dịu khỏi những bất an, nhưng kỳ thực nó chỉ đang bám rễ vào đó và sẽ làm nỗi lo lắng trở nên to lớn và phức tạp hơn.

Dù sao cũng không thể kiểm soát được thế giới, hãy tin vào điều làm mình thấy thoải mái. Bớt nghi ngờ, trong nhiều trường hợp, sẽ dễ thở hơn.