Bài viết hôm nay của BS. Ngọc Trai sẽ giúp các Đồng Điệu hiểu rõ hơn về đặc điểm và cơ chế hoạt động của PDLLA, cũng như những ứng dụng thực tế trong da liễu thẩm mỹ.
1. Tổng quan về biostimulator và PDLLA
Biostimulator (tác nhân kích thích sinh học) trong da liễu thẩm mỹ là phương pháp sử dụng các hoạt chất hoặc các phương pháp để kích hoạt cơ chế tự sửa chữa và làm mới cấu trúc và tế bào của da, chủ yếu thông qua quá trình tạo ra các vi tổn thương và/hoặc kích hoạt các phản ứng viêm, tăng sinh có kiểm soát.
Khi biostimulator được tiêm hoặc áp dụng lên da, các vi tổn thương/phản ứng viêm nhỏ này không những không gây hại mà còn kích thích để cơ thể tự kích hoạt các phản ứng sửa chữa và làm mới các mô tự nhiên. Cơ chế này bao gồm việc kích hoạt nguyên bào sợi (fibroblast) – các tế bào chuyên sản sinh collagen và elastin, hai yếu tố chính giúp duy trì độ săn chắc và đàn hồi của da.
Đồng thời, quá trình này còn thúc đẩy sự hình thành HA tự nhiên, giúp tăng cường độ ẩm và làm đầy nếp nhăn. Bằng cách tạo ra những tổn thương nhỏ/những phản ứng viêm nhỏ có kiểm soát, biostimulator kích thích sự tái tạo và tân tạo các lớp cấu trúc bên trong da, từ đó cải thiện các vấn đề lão hóa như nếp nhăn, da chảy xệ mà không cần phẫu thuật xâm lấn.
Quan trọng hơn, hiệu quả của biostimulator là lâu dài và tăng dần theo thời gian, vì các quá trình sửa chữa và làm mới này có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, giúp làn da trở nên săn chắc, đàn hồi và trẻ trung hơn một cách tự nhiên.
PDLLA là một biostimulator thế hệ mới. Đây là một polymer phân hủy sinh học tổng hợp từ lactic acid – một loại α-hydroxy acid có nguồn gốc từ sự lên men carbohydrate như glucose và tinh bột. PDLLA được cấu thành từ cả hai đồng phân D- và L- của lactic acid, tạo nên cấu trúc racemic.
PDLLA được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y sinh học, dược phẩm và đặc biệt là trong các ứng dụng thẩm mỹ. PDLLA là một vật liệu đa chức năng, có thể được sử dụng trong các ứng dụng cần có khả năng phân hủy tự nhiên trong cơ thể mà không cần phải can thiệp để loại bỏ, như các chất làm đầy, thiết bị y tế cấy ghép, và hệ thống phân phối thuốc.
Cấu trúc racemic của PDLLA góp phần vào khả năng phân hủy nhanh hơn so với các polymer có cấu trúc tinh thể, giúp tối ưu hóa cho các ứng dụng ngắn hạn và trung hạn.
*Chú thích: Racemic là thuật ngữ dùng để chỉ một hỗn hợp chứa hai dạng đồng phân quang học của một hợp chất, cụ thể là dạng D (dextro-rotatory) và dạng L (levo-rotatory) với tỷ lệ bằng nhau 1:1, tạo nên một cấu trúc vô định hình (giống thuỷ tinh).
2. Đặc điểm hoá học của PDLLA
PDLLA được tổng hợp thông qua quá trình trùng hợp vòng mở (ring-opening polymerization) của monomer lactide, dưới tác động của các xúc tác kim loại hoặc xúc tác hữu cơ. Quá trình trùng hợp này tạo ra các chuỗi polymer vô định hình với đặc tính độc đáo, bao gồm tính chất cơ học, nhiệt và hóa học khác biệt so với các dạng polymer khác.
a. Cấu trúc vô định hình (Amorphous structure): Cấu trúc vô định hình của PDLLA khiến cho polymer này có nhiệt độ chuyển thủy tinh (Tg) thấp hơn so với các polymer tinh thể như PLLA. Cụ thể, PDLLA có Tg khoảng 50 – 60°C, điều này làm cho nó trở nên linh hoạt hơn và dễ dàng xử lý ở nhiệt độ thấp hơn. Cấu trúc vô định hình cũng đồng nghĩa với khả năng phân hủy sinh học nhanh hơn, do các liên kết polymer ít chặt chẽ hơn so với cấu trúc tinh thể, giúp nước dễ dàng thâm nhập và cắt đứt các liên kết ester, thúc đẩy quá trình thủy phân.
*Chú thích: Nhiệt độ chuyển thủy tinh (Glass Transition Temperature – Tg) là nhiệt độ mà tại đó một polymer chuyển từ trạng thái cứng, giòn (giống thủy tinh) sang trạng thái mềm dẻo và đàn hồi. Tg là một tính chất quan trọng của polymer, đặc biệt là trong việc xác định ứng dụng và hiệu suất của vật liệu.
b. Quá trình phân hủy sinh học (Biodegradation): Quá trình phân hủy sinh học của PDLLA diễn ra thông qua phản ứng thủy phân các liên kết ester trong chuỗi polymer, dẫn đến sự hình thành các oligomer và cuối cùng là axit lactic. Lactic acid sau đó được chuyển hóa qua chu trình Krebs thành carbon dioxide và nước, các sản phẩm không độc hại và được đào thải tự nhiên ra khỏi cơ thể. Tốc độ phân hủy của PDLLA phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, pH môi trường và mức độ vô định hình của polymer.
c. Tính chất cơ học (Mechanical properties): PDLLA có tính chất cơ học kém bền hơn so với PLLA do cấu trúc vô định hình. Tuy nhiên, tính mềm dẻo và khả năng chịu lực kéo tốt giúp PDLLA được ứng dụng trong các thiết bị y tế không đòi hỏi cường độ cơ học quá cao. Đặc tính này giúp PDLLA dễ dàng tạo thành các hình dạng phức tạp như màng, sợi hoặc hạt vi mô, phù hợp với các ứng dụng như màng bao thuốc hoặc thiết bị cấy ghép ngắn hạn.
d. Độ tan trong dung môi và quá trình gia công (Solubility and processing): PDLLA tan tốt trong các dung môi hữu cơ như chloroform, acetone, và dioxane, giúp dễ dàng trong quá trình gia công và tạo hình. Khả năng gia công linh hoạt này giúp PDLLA được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất các vật liệu y sinh, từ màng phim đến hệ thống phân phối thuốc dạng hạt.
3. Điểm nổi bật của PDLLA so với các biostimulator khác
PDLLA nổi bật nhờ vào khả năng kích thích collagen lâu dài và mạnh mẽ, tương thích an toàn với cơ thể và tính bền vững trong việc cải thiện chất lượng da theo thời gian. Các đặc tính này làm cho PDLLA trở thành một lựa chọn hàng đầu trong việc tái tạo và trẻ hóa da so với các biostimulator khác, đặc biệt là đối với những người tìm kiếm kết quả tự nhiên và lâu dài.
a. Thời gian tác dụng lâu dài: PDLLA có thể tạo ra hiệu quả kéo dài hơn so với các biostimulator khác. Quá trình phân hủy sinh học chậm của PDLLA trong cơ thể giúp kéo dài quá trình kích thích collagen lên đến 24 tháng hoặc hơn, trong khi các hoạt chất khác có thể chỉ kéo dài khoảng 12 - 18 tháng.
b. Hiệu quả kích thích collagen vượt trội: PDLLA hoạt động theo cơ chế kích thích nguyên bào sợi để sản xuất collagen mới. Điều này không chỉ giúp tăng sản xuất collagen loại I (loại collagen chịu trách nhiệm cho độ săn chắc của da) mà còn làm thay thế dần collagen bị lão hóa, cải thiện cấu trúc da từ sâu bên trong. So với một số hoạt chất khác, PDLLA có hiệu quả kích thích collagen cao hơn do cấu trúc polymer của nó tương thích tốt với các quá trình tự nhiên của da.
c. Phù hợp với các vùng điều trị lớn: Nhờ khả năng kích thích collagen lâu dài và hiệu quả, PDLLA đặc biệt phù hợp với những vùng điều trị rộng như mặt, cổ, và tay. Điều này giúp nó trở thành lựa chọn tối ưu cho những người muốn cải thiện tổng thể làn da mà không cần phải thực hiện nhiều lần điều trị.
d. Phân hủy sinh học an toàn: PDLLA là một chất phân hủy sinh học tự nhiên, có nghĩa là nó từ từ tan biến và không gây tổn hại cho cơ thể. So với các biostimulator khác, PDLLA không chỉ kích thích sản xuất collagen mà còn tan biến dần mà không để lại cặn dư trong mô. Điều này làm cho nó trở nên an toàn hơn trong dài hạn, với ít nguy cơ gây biến chứng hoặc phản ứng phụ.
e. Không tạo tác động tức thời: Một điểm khác biệt đáng chú ý là PDLLA không tạo ra hiệu quả tức thời như các chất làm đầy khác (filler). Khi tiêm PDLLA, ban đầu không có sự thay đổi ngay lập tức, nhưng qua thời gian, nhờ vào quá trình kích thích collagen, da dần trở nên săn chắc và mịn màng hơn. Điều này làm cho PDLLA là lựa chọn lý tưởng cho những người muốn có kết quả tự nhiên và dần dần, thay vì sự thay đổi rõ rệt ngay lập tức như với filler.
4. Một số bài tổng hợp và nghiên cứu lâm sàng về tiềm năng của PDLLA
“Compositions of injectable poly-D,L-lactic acid and injectable poly-L-lactic acid” (Chen et al., 2019): So sánh hai dạng polylactic acid, PDLLA (Poly-D,L-lactic acid) và PLLA (Poly-L-lactic acid). Cả hai chất đều được nghiên cứu về thành phần và kích thước hạt vi cầu (microparticles) cùng khả năng phân hủy sinh học và kích thích tái tạo collagen. PDLLA có khả năng phân hủy sinh học nhanh hơn PLLA do cấu trúc vô định hình và ngẫu nhiên. Vi cầu PDLLA có kích thước từ 30–70 µm và tạo ra tác dụng sinh học mạnh mẽ trong kích thích collagen, cho thấy tiềm năng cao trong điều trị thẩm mỹ không xâm lấn.
“Skin rejuvenation effect of the combined PDLLA and non cross‐linked hyaluronic acid: A preliminary study” (Seo et al., 2023): 16 bệnh nhân tham gia, được điều trị với hai hoặc ba phiên tiêm PDLLA/HA cách nhau 4 tuần. Đánh giá bao gồm ảnh lâm sàng, hình ảnh 3D và xét nghiệm mô học với các tiêu chí như nếp nhăn, kết cấu da, sắc tố không đều, và mẩn đỏ.
Có sự cải thiện đáng kể về nếp nhăn mịn, kết cấu da, sắc tố không đều và mẩn đỏ sau điều trị. 50% bệnh nhân báo cáo cải thiện hơn 50%. Kết quả mô học cho thấy tăng cường sợi collagen và elastin.
“Rejuvenation of the dorsal hand by injectable poly-D, L-lactic acid: A pilot study” (Ma, S.-H., Lin, C.-Y., & Chen, C.-C., 2024): Nghiên cứu thí điểm thực hiện trên 5 bệnh nhân mong muốn cải thiện vẻ ngoài của vùng mu bàn tay. Mỗi bên mu bàn tay được tiêm 1 ống PDLLA, với kỹ thuật tiêm qua 2 điểm.
Đánh giá hiệu quả sau 6 tháng và 12 tháng sau khi tiêm. Sau tiêm, sự xuất hiện của các tĩnh mạch và gân trở nên ít rõ ràng hơn, nếp nhăn giảm. Hiệu quả kéo dài đến 1 năm với mức độ hài lòng cao từ bệnh nhân. Hai bệnh nhân gặp phản ứng phụ nhẹ như đau và sưng, nhưng giảm dần sau 1 tuần.
“Biostimulatory effects of polydioxanone, poly‐d, l lactic acid, and polycaprolactone fillers in mouse model” (Kwon et al., 2019): Nghiên cứu sử dụng ba loại biostimulator: PDO (Polydioxanone), PDLLA (Poly-D,L-lactic acid), và PCL (Polycaprolactone). 24 con chuột không lông được chia ngẫu nhiên thành ba nhóm, mỗi nhóm được tiêm một loại. Đánh giá hiệu quả thông qua hình ảnh 3D và mô học ở các thời điểm 1, 4, 8, và 12 tuần sau tiêm. PDO và PDLLA có sự kích thích tăng sinh collagen tương tự nhau, với sự tăng cường collagen loại I. PCL kích thích tăng sinh cao hơn một chút so với 2 loại còn lại.
“Efficacy and safety of poly-D,L-lactic acid microspheres as subdermal fillers in animals” (Lin et al., 2019): Nghiên cứu sử dụng 30 con chuột Sprague Dawley, mỗi con được tiêm 0.5 mL PDLLA vào mô dưới da. Các nhóm chuột được chọn ngẫu nhiên để phân tích lâm sàng và mô học vào các tuần 2, 4, 8, 12, 16, và 20 sau khi tiêm.
Kết quả cho thấy không có bất thường nào ở vị trí tiêm và thể tích tiêm được duy trì trong 20 tuần; quan sát vi mô cho thấy sự hình thành collagen từ tuần thứ 4, với collagen loại I xuất hiện bên trong và xung quanh các vi cầu PDLLA vào tuần 12 và 20. Đồng thời, PDLLA không di chuyển sang các cơ quan khác và không gây viêm.
5. Những nguy cơ/ bất lợi có thể có của PDLLA
Mặc dù PDLLA mang lại nhiều lợi ích vượt trội trong việc trẻ hóa da, không thể phủ nhận rằng, như bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào khác, nó cũng tiềm ẩn một số nguy cơ và bất lợi. Việc hiểu rõ những rủi ro này là vô cùng quan trọng, giúp chúng ta đưa ra quyết định sáng suốt và đảm bảo an toàn cho bản thân trong hành trình làm đẹp.
a. Tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm
-
Sưng, đỏ, bầm tím: Đây là những phản ứng thường gặp sau tiêm PDLLA, thường tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hoặc nghiêm trọng, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
-
Đau hoặc khó chịu: Một số người có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu tại vị trí tiêm, đặc biệt là trong vài ngày đầu sau khi điều trị.
-
Nhiễm trùng: Mặc dù hiếm gặp, nhiễm trùng có thể xảy ra nếu quy trình tiêm không đảm bảo vô trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm đau dữ dội, sưng đỏ lan rộng, sốt, và chảy mủ. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
-
U hạt: Trong một số trường hợp hiếm hoi, PDLLA có thể kích thích hình thành các u hạt, là những nốt nhỏ cứng dưới da. Các u hạt này thường không gây đau và có thể tự biến mất theo thời gian, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể cần được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
b. Biến chứng nghiêm trọng: Rất hiếm xảy ra, thường do kỹ thuật tiêm không chính xác hơn là đặc tính của sản phẩm.
-
Tắc mạch máu: Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể xảy ra khi PDLLA vô tình được tiêm vào mạch máu. Tắc mạch máu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như hoại tử da, mất thị lực, hoặc thậm chí đột quỵ.
-
Hoại tử da: Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm hoi, PDLLA có thể gây ra hoại tử da (chết mô) tại vị trí tiêm. Điều này thường xảy ra do người tiêm không đúng kỹ thuật hoặc nhiễm trùng do vô trùng không tốt.
c. Những lưu ý khác
-
Cần lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: PDLLA không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú do chưa có đủ dữ liệu về tính an toàn trong các nhóm đối tượng này.
-
Cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm: Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng, việc tiêm PDLLA cần được thực hiện bởi bác sĩ da liễu có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy.
-
Kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi: Mặc dù PDLLA mang lại hiệu quả trẻ hóa da đáng kể, kết quả có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng da của từng người.
6. Kết luận
Tóm lại, với BS. Ngọc Trai, PDLLA là một hoạt chất kích thích sinh học đầy hứa hẹn trong lĩnh vực da liễu thẩm mỹ, mang lại hiệu quả trẻ hóa da tự nhiên, an toàn và lâu dài. Với những ưu điểm vượt trội so với các biostimulator khác, PDLLA đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc đáp ứng nhu cầu làm đẹp không phẫu thuật của đông đảo khách hàng.
Tuy nhiên, như bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào, PDLLA cũng có những nguy cơ và bất lợi tiềm ẩn. Do đó, việc tìm hiểu kỹ thông tin, tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và lựa chọn cơ sở uy tín là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và đạt được kết quả thẩm mỹ như ý.
Các bạn có thể liên hệ với Bác sĩ Ngọc Trai thông qua những nền tảng dưới đây:
Fanpage TS.BS Ngọc Trai – Da liễu Thẩm mỹ Pearl Clinic
Tiktok bacsingoctrai
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Ngọc Trai và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion