Mỗi lần bước vào phòng khám da liễu, ánh mắt của bệnh nhân dường như luôn ánh lên một sự lo lắng, pha lẫn sự băn khoăn. Mụn, một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng lại là nỗi ám ảnh với không ít người, không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn gắn liền với những cảm giác tự ti, buồn bã.

Và khi điều trị mụn, một trong những phương pháp mà các bác sĩ thường áp dụng chính là kháng sinh - bởi vì bản chất đúng, nhanh, gọn vào tác nhân chính là vi khuẩn gây mụn. Tuy nhiên, điều này luôn gây nên một mối băn khoăn lớn trong lòng bệnh nhân: “Liệu uống kháng sinh lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi không?”

Là một bác sĩ da liễu đã có nhiều năm kinh nghiệm thực tế điều trị và cũng đã gặp không ít khách hàng bị mụn ở nhiều độ tuổi và nhiều mức độ, trong bài viết này, BS Ngọc Trai sẽ đưa ra quan điểm và kinh nghiệm về việc sử dụng kháng sinh trong dự phòng và điều trị mụn hiện nay. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các Đồng Điệu trong quá trình tham vấn cùng bác sĩ da liễu để đưa ra một phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

1. Những mối lo ngại của bệnh nhân khi sử dụng kháng sinh điều trị mụn

Kháng sinh, mặc dù hiệu quả trong việc điều trị mụn viêm do có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, nhưng lại không phải là một giải pháp không có tác dụng phụ. Một trong những mối lo ngại phổ biến của bệnh nhân là việc sử dụng kháng sinh lâu dài có thể dẫn đến kháng thuốc. Việc kháng sinh bị lạm dụng trong điều trị mụn có thể khiến vi khuẩn Cutibacterium acnes phát triển đề kháng, làm giảm hiệu quả của thuốc trong các lần điều trị tiếp theo.

Không chỉ vậy, việc dùng kháng sinh kéo dài còn dẫn đến những tác dụng phụ toàn thân, như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, hoặc gây tổn thương cho gan và thận. Một số bệnh nhân thỉnh thoảng để ý rằng nước tiểu của mình có màu sẫm hơn trong thời gian dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. 

Tuy nhiên, sự thay đổi màu nước tiểu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy gan hay thận đang ‘làm việc cật lực’ để đào thải thuốc. Trên thực tế, một số loại kháng sinh như metronidazole, nitrofurantoin hay rifampicin có thể khiến nước tiểu đổi màu do đặc tính hóa học của chính thuốc hoặc các chất chuyển hóa của chúng - điều này thường vô hại và sẽ hết khi ngừng thuốc. 

Dù vậy, nếu nước tiểu có màu bất thường kèm theo dấu hiệu như vàng da, mệt mỏi, đau vùng hạ sườn phải, thì bạn nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra chức năng gan, thận và loại trừ các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng kháng sinh như doxycycline hoặc tetracycline có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến các vấn đề như tiêu chảy, nấm miệng hoặc loạn khuẩn dẫn đến viêm âm đạo do nấm. Điều này càng khiến bệnh nhân cảm thấy lo sợ hơn khi phải theo đuổi liệu trình điều trị dài ngày.

Các loại kháng sinh thường được kê cho điều trị mụn trứng cá bao gồm clindamycin, erythromycin, dapsone (đường bôi) và doxycycline, minocycline, tetracycline (đường uống). Nhiều nghiên cứu và thực tế điều trị cho thấy cho thấy không có một đơn thuốc nào có thể thỏa tiêu chí “one-for-all” cả, liều lượng và thời gian dùng có thể thay đổi tùy theo mức độ nặng của mụn và phản ứng của bệnh nhân.

Thời gian sử dụng kháng sinh trong điều trị mụn thường được bác sĩ cá thể hóa theo tình trạng của từng người. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung, kháng sinh bôi ngoài da thường được sử dụng trong khoảng 6 đến 8 tuần, trong khi kháng sinh đường uống được giới hạn từ 3 đến 4 tháng để hạn chế nguy cơ kháng thuốc. Một số trường hợp có thể kéo dài đến 6 tháng nếu có chỉ định đặc biệt và được theo dõi sát.

Từ góc nhìn của bệnh nhân, BS. Trai nhận thấy một mối lo khá phổ biến khác: đó là không rõ mình đang được kê đơn thuốc gì và vì sao. Thực tế, một đơn thuốc điều trị mụn có thể bao gồm nhiều nhóm thuốc khác nhau như: isotretinoin để giảm tiết bã nhờn, kháng sinh để kiểm soát vi khuẩn, và các sản phẩm hỗ trợ khác.

Một số bác sĩ có thể kê thêm viên uống chống nắng hoặc chống oxy hóa để bảo vệ da đang viêm, vốn dễ nhạy cảm; tuy nhiên, cần lưu ý rằng các sản phẩm như viên bổ gan thận hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả rõ ràng trong điều trị mụn.

Vì vậy, việc minh bạch thông tin và giải thích rõ ràng về từng loại thuốc cho bệnh nhân là điều rất quan trọng. Bệnh nhân cũng nên chủ động hỏi bác sĩ khi có thắc mắc, thay vì tự tra mạng hoặc tự ý mua dùng thuốc theo lời truyền miệng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Một phác đồ hiệu quả chỉ có thể đạt được khi cả bác sĩ và bệnh nhân cùng đồng hành, hiểu và tin tưởng lẫn nhau.

2. Lý do kháng sinh vẫn còn là lựa chọn cần thiết trong điều trị mụn

Kháng sinh vẫn giữ vai trò quan trọng trong điều trị mụn trứng cá, đặc biệt là đối với các trường hợp mụn viêm nặng, mụn mủ, mụn nang hoặc u cục. Những dạng mụn này không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn như: sẹo rỗ, sẹo lồi, sẹo thâm…, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Trong các trường hợp như vậy, kháng sinh đường toàn thân có thể được sử dụng nhằm kiểm soát tình trạng viêm và giảm sự phát triển quá mức của vi khuẩn Cutibacterium acnes (C. acnes) - một yếu tố sinh bệnh chính trong mụn trứng cá.

C. acnes là vi khuẩn cư trú tự nhiên trên da, tuy nhiên khi bị giữ lại trong lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn, vi khuẩn này có thể kích hoạt phản ứng viêm và góp phần hình thành mụn. Các kháng sinh như doxycycline hay minocycline không chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của C. acnes, mà còn có đặc tính chống viêm thông qua việc ức chế các cytokine tiền viêm – mặc dù cơ chế chống viêm cụ thể vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại kháng sinh đều có hiệu quả giống nhau trong điều trị mụn. Dưới đây là một số nhóm kháng sinh thường được sử dụng, mỗi nhóm có ưu và nhược điểm riêng. Việc lựa chọn loại kháng sinh phù hợp sẽ do bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ bệnh, đặc điểm cá nhân và nguy cơ tác dụng phụ của từng bệnh nhân

a. Nhóm Tetracycline

Doxycycline: Ưu điểm là hiệu quả, ít gây kháng thuốc hơn tetracycline, có thể dùng 1 lần/ngày. Nhược điểm là có thể gây nhạy cảm ánh sáng, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi.

Minocycline: Ưu điểm là hiệu quả cao, ít gây kháng thuốc. Nhược điểm là có thể gây tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương (chóng mặt, buồn nôn), tăng sắc tố da, hiếm gặp hơn là các phản ứng tự miễn.

Tetracycline: Ít được sử dụng hơn do phải uống nhiều lần trong ngày, dễ gây kháng thuốc và có nhiều tương tác thuốc.

b. Nhóm Macrolide

Erythromycin: Từng được sử dụng rộng rãi, nhưng hiện nay tỷ lệ kháng thuốc cao nên ít được lựa chọn.

Azithromycin: Có thể dùng trong một số trường hợp, nhưng cũng đang có nguy cơ kháng thuốc tăng lên.

Clarithromycin: Ít được sử dụng trong điều trị mụn.

c. Clindamycin

Thường được dùng dưới dạng bôi tại chỗ, kết hợp với benzoyl peroxide để tăng hiệu quả và giảm nguy cơ gây kháng kháng sinh. Ít khi dùng đường uống do nguy cơ viêm đại tràng giả mạc.

d. Trimethoprim-sulfamethoxazole 

Được chỉ định khi các kháng sinh khác không hiệu quả hay có chống chỉ định.

Tuy nhiên, không phải mọi loại mụn đều cần đến kháng sinh. Đối với những trường hợp mụn nhẹ hoặc mới chớm, các y bác sĩ có thể sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp điều trị tại chỗ như benzoyl peroxide (diệt khuẩn phổ rộng không gây kháng) hoặc retinoid, mandelic acid hoặc salicylic acid (tác động vào các yếu tố khác hình thành nên mụn như dày sừng và bã nhờn).

Lưu ý: Kháng sinh chỉ được chỉ định khi mụn có dấu hiệu viêm nhiễm nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

3. Những yếu tố cần xem xét khi sử dụng kháng sinh dài ngày

Một trong những mối lo ngại lớn nhất khi sử dụng kháng sinh trong thời gian dài chính là nguy cơ phát triển đề kháng, đặc biệt đối với C.acnes, một loại vi khuẩn chủ yếu gây ra mụn trứng cá. Quá trình kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, dưới tác động của kháng sinh, không bị tiêu diệt mà thay vào đó phát triển khả năng chống lại thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị trong tương lai.

Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách hoặc không theo đúng phác đồ có thể là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Khi bệnh nhân tự ý ngừng thuốc khi thấy mụn có dấu hiệu thuyên giảm hoặc tự điều chỉnh liều lượng mà không có sự chỉ định từ bác sĩ, vi khuẩn C.acnes có thể vẫn tồn tại và dần phát triển các cơ chế kháng lại tác dụng của kháng sinh.

Điều này dẫn đến tình trạng thuốc không còn phát huy tác dụng trong những lần điều trị tiếp theo, khiến mụn không chỉ không khỏi mà còn có thể trở nên nặng hơn, khó kiểm soát hơn.

Vấn đề kháng thuốc trong điều trị mụn trứng cá là một ví dụ điển hình của “sự thích nghi” của vi khuẩn với môi trường thuốc, trong đó vi khuẩn không ngừng thay đổi để tồn tại và phát triển. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của kháng sinh mà còn có thể tạo ra một “chu kỳ luẩn quẩn” trong điều trị mụn: thuốc không còn hiệu quả, buộc bác sĩ phải thay đổi phương pháp điều trị, trong khi vi khuẩn tiếp tục phát triển và làm tăng mức độ nghiêm trọng của mụn.

Để giảm thiểu nguy cơ phát triển đề kháng và đảm bảo hiệu quả trong điều trị mụn, việc tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ là điều vô cùng quan trọng. Các bác sĩ da liễu không chỉ kê đơn kháng sinh mà còn theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân để điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho hợp lý, giúp giảm thiểu những tác dụng phụ không mong muốn và tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Khi bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bao gồm việc uống thuốc đúng liều và đúng thời gian, khả năng vi khuẩn phát triển kháng thuốc sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Kháng sinh được sử dụng trong điều trị mụn không phải là một “liều thuốc thần” có thể giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức. Do đó, bác sĩ thường phải áp dụng một phương pháp điều trị toàn diện, bao gồm cả việc kết hợp kháng sinh với các liệu pháp khác như retinoids (chẳng hạn như tretinoin) hoặc các liệu pháp ánh sáng (laser, ánh sáng sinh học)...

-> Các liệu pháp này không chỉ giúp giảm mụn mà còn giảm thiểu thời gian sử dụng kháng sinh, từ đó làm giảm nguy cơ tác dụng phụ và sự phát triển của kháng thuốc.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ cần theo dõi các dấu hiệu của tác dụng phụ và điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp. Việc theo dõi chức năng gan, thận và hệ vi sinh vật đường ruột của bệnh nhân trong suốt quá trình sử dụng kháng sinh là rất cần thiết để phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra và điều chỉnh ngay lập tức. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi loại kháng sinh, kết hợp thêm các biện pháp hỗ trợ như bổ sung men vi sinh hoặc giảm thời gian sử dụng kháng sinh.

4. Tạm kết

Hành trình điều trị mụn không chỉ là cuộc chiến với những nốt viêm sưng trên da, mà còn là cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và bác sĩ để vượt qua những nỗi lo lắng, hoài nghi. Kháng sinh, dù là “người hùng” trong nhiều trường hợp mụn viêm nặng, không phải lúc nào cũng là chìa khóa vạn năng, cũng như việc sử dụng nó đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, minh bạch từ phía Bác sĩ, cũng như sự chủ động trao đổi và tuân thủ điều trị từ phía bệnh nhân.

BS. Ngọc Trai hy vọng rằng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về vai trò và giới hạn của kháng sinh trong điều trị mụn, từ đó trở nên tự tin hơn khi bước vào phòng khám – sẵn sàng đặt câu hỏi, chia sẻ thắc mắc, và cùng Bác sĩ của mình xây dựng một phác đồ điều trị phù hợp và an toàn.

Hãy nhớ rằng, mỗi làn da là một hành trình riêng biệt. Có những hành trình sẽ gặp khó khăn, có lúc gian nan, nhưng bạn không đơn độc. Đồng hành cùng bạn sẽ luôn có những người hiểu, lắng nghe và hỗ trợ – đó chính là các Bác sĩ da liễu giỏi và tận tâm. Chúc các Đồng Điệu sớm tìm được liệu trình phù hợp và vững tin trên con đường chăm sóc làn da của mình ngày càng tỏa sáng.

_______________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Ngọc Trai và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.