1. Tại sao lại dùng thuốc giảm huyết áp trị rụng tóc?
Vào những năm 1970, người ta sử dụng minoxidil dạng uống để điều trị bệnh tăng huyết áp, nhưng lại bất ngờ nhận ra với những bệnh nhân bị hói đầu thì tóc lại mọc lên mạnh mẽ. Từ đó đã mở ra một kỉ nguyên mới cho ngành điều trị rụng tóc, tiếp tục nhiều nghiên cứu được cho ra đời trên chuột,… Thì ra với tác dụng giãn mạch (vì trong tăng huyết áp thì những loại thuốc giúp giãn mạch sẽ giảm áp lực dòng chảy trong lòng mạch) hỗ trợ cung cấp nhiều oxy và dinh dưỡng đến nuôi hành nang tóc (những tế bào nằm trong lớp trung bì đóng vai trò như nhà máy sản xuất sợi tóc năm sâu dưới da đầu) và kéo dài kỳ anagen được 2-6 năm (đồng nghĩa tóc sẽ tồn tại trên đầu lâu hơn). Nhưng viên uống lại gây rậm lông cơ thể (mặt, tay, chân,…) Nên các nhà sản xuất bắt đầu chạy đua trong công cuộc tìm ra loại bôi thoa trực tiếp vào những vùng ít tóc.
2. Tại sao có người dùng thì tóc tua tủa có người nhiều năm vẫn không đáp ứng?
Đây chính là điểm mà người ngoài ngành không bao giờ nói với bạn vì lợi ích kinh tế của họ. Minoxidil trong những lọ serum là dạng không hoạt động, khi vào trong cơ thể cần có enzyme Sulfotransferase (nằm ở thành nang tóc) chuyển thành dạng hoạt động để tạo nên hiệu ứng giãn mạch. Và tất nhiên là hệ enzyme này ở mỗi người là khác nhau thế nên có người chỉ bước qua tháng thứ 2 đã thấy có tóc nhỏ lúng phúng người thì dùng 2 3 năm cũng chưa thấy gì. Không những thế nồng độ DHT trên da đầu mỗi người cũng nhiều ít khác nhau. Đây là hormone gây thoái hóa dần nang tóc làm người rụng tóc hói đầu có yếu tố di truyền mọc sợi tóc mỏng dần về đường kính và nặng hơn nữa thì không mọc tóc mới luôn. Như mình hay đùa là gen nhà mạnh quá, mới 20 mà tóc như đã ngoài 40 thì case này khó nè, đôi khi minoxidil không thôi cũng là chưa đủ.
3. Giữa muôn vàn loại minoxidil ngoài thị trường, đâu là dạng bác sĩ tin dùng?
Đây lại là một vấn đề nhạy cảm, nhưng mình sẽ không đề cập tên hãng trong bài viết này nhé.
Trong thị trường hiện có 2 loại là serum (dạng nước, có thể nhỏ giọt bằng pipet hay xịt phun sương) và dạng foam (như bọt cạo). Có rất nhiều người không dùng được minoxidil vì nó có chứa cồn (đảm bảo không gây bết dính cho tóc), nhất là những da đầu nhạy cảm hay có cơ địa dễ bung gàu ngứa (viêm da tiết bã, viêm da tiếp xúc). Nhưng trong dạng bọt có bỏ ra hoạt chất Propylene glycol một chất gây kích ứng cho da đầu, thế nên những ai từng thất bại với dạng nước thì có thể xem xét thông tin này.
Tiếp theo là lựa chọn nồng độ nào (2% 3% 5% 7% 10%). Cái này mình chỉ nói ngắn gọn là không phải cứ nồng độ càng thì hiệu quả sẽ càng mạnh. Các nghiên cứu cho thấy khi các nồng độ nâng lên >5% thì hiệu quả vẫn chỉ ngang bằng 5%. Còn 2% thì tác động sẽ yếu hơn 5%, nam và nữ đề có loại 5% của từng giới. Các bạn nữ hay bị người bán bơm vào đầu là nữ chỉ được dùng 2%, nhưng theo phác đồ thì điều này là hoàn toàn không đúng nhé.
Chưa xong nữa, lựa chọn minoxidil của nước sản xuất nào? Cái này thì mình cứ đơn giản thôi, hãng nào lâu đời và được các bác sĩ trên toàn thế giới tin dùng và thường được dùng trong các nghiên cứu lớn về điều trị rụng tóc với minoxidil thì mình sẽ ưu tiên dùng. Nói về ý kiến cá nhân, mình thường sẽ nghiêng về các hãng lớn của Mỹ, và mình thấy hài lòng với tác dụng của thuốc mang lại trên bệnh nhân mình trước nay.
4. Những ai không được dùng minoxidil?
- Phụ nữ thả bầu, mang thai và cho con bú
- Người dưới 18 tuổi
- Người bị nhạy với những hoạt chất giãn mạch: bị chóng mặt nhức đầu khi dùng, bị hồi hộp đánh trống ngực, bị phù niêm mi mắt,…. (Với những người có tiền căn bệnh tim mạch thì phải khám bác sĩ trước khi dùng thuốc)
- Người bị viêm da nặng không thể kiểm soát khi tiếp xúc với minoxidil
- Người có nuôi mèo thì phải thận trọng vì chất này gây khó thở khi mèo liếm phải vật dụng có dính minoxidil (gối, chăn, nệm)
- …
5. Có phải tất cả loại bệnh rụng tóc đều giải quyết được với minoxidil không, và làm sao nhận biết được mình là khách hàng tiềm năng của minoxidil? Thời gian tối thiểu cần phải vượt qua để biết mình có đáp ứng với minoxidil hay không?
(mời bạn đón đọc phần 2 )
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của BS. Đinh Gia Hân và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion