Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,

Mình tên là Lê Duy Kiên aka. Kiên Sinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.

Các Đồng Điệu chắc hẳn đã quen thuộc với khái niệm “stress oxy hóa” (oxidative stress - OS) - tức là tình trạng cơ thể bị “tấn công” bởi đám gốc tự do (ROS, RNS…) đúng không nào? Chúng ta thường được khuyên bổ sung chất chống oxy hóa để “đánh bại” stress oxy hóa. Nhưng khoan, câu chuyện không đơn giản như thế!

Cơ thể chúng ta không cần triệt tiêu oxy hóa, mà thực chất là hướng tới một sự cân bằng tinh tế giữa oxy hóa và khử, gọi là cân bằng oxy hóa-khử nội môi. Sự cân bằng này là chìa khóa cho mọi hoạt động sống, từ sản xuất năng lượng đến truyền tín hiệu tế bào.

Hôm nay, hãy cùng Kiên khám phá một khía cạnh mới lạ đang làm “sốt” trong giới khoa học: Stress khử (reductive stress - RS). Liệu trạng thái này có đang thách thức những gì chúng ta từng tin về chất chống oxy hóa? Cùng tìm hiểu với Kiên nhen.

1. Nền tảng: Cân bằng Oxy hóa-khử là sự sống

Cơ thể chúng ta, cũng như mọi sinh vật hiếu khí khác, hoạt động dựa trên một mạng lưới phức tạp các phản ứng hóa học gọi là phản ứng oxy hóa-khử (redox). Trạng thái cân bằng giữa các quá trình oxy hóa (mất electron) và khử (nhận electron) này, hay còn gọi là cân bằng oxy hoá-khử nội môi (redox homeostasis), là yếu tố sống còn cho chức năng bình thường của tế bào.

Nó không chỉ cần thiết cho việc tạo ra năng lượng dưới dạng ATP (phân tử năng lượng chính của tế bào) mà còn tham gia vào việc tổng hợp các thành phần cấu trúc quan trọng của tế bào như nucleic acid (DNA, RNA) và lipid (chất béo). Trạng thái oxy hoá-khử còn điều hòa hàng loạt quá trình sinh lý khác như truyền tín hiệu tế bào, tăng sinh, biệt hóa, miễn dịch và sửa chữa mô.

Trong quá trình chuyển hóa, đặc biệt là tại chuỗi chuyền điện tử ở ty thể (bào quan sản xuất năng lượng chính), việc tạo ra các gốc tự do oxy phản ứng (reactive oxygen species - ROS) như gốc superoxide, hydrogen peroxide và gốc hydroxyl, cùng với các gốc tự do nitơ phản ứng (reactive nitrogen species - RNS) như nitric oxide (NO), là điều không thể tránh khỏi. Trong nhiều năm, ROS/RNS bị xem là “kẻ xấu”, những sản phẩm phụ độc hại gây tổn thương tế bào.

Tuy nhiên, khoa học hiện đại cho thấy chúng có vai trò kép. Ở nồng độ sinh lý thấp, chúng hoạt động như những phân tử truyền tin thứ cấp thiết yếu, điều hòa nhiều con đường tín hiệu quan trọng. Trạng thái cân bằng động này, nơi ROS có lợi, được gọi là “stress oxy hóa tích cực” (oxidative eustress).

Để kiểm soát mức độ ROS/RNS, tế bào có một hệ thống phòng thủ chống oxy hóa tinh vi, bao gồm các enzyme như Superoxide Dismutase (SOD), Catalase (CAT), Glutathione Peroxidase (GPx) và các phân tử như Glutathione dạng khử (GSH), vitamin C, vitamin E. Ngoài ra, tế bào còn có một hệ thống điều hòa tổng thể quan trọng là Nrf2-Keap1: Với Nrf2 là yếu tố phiên mã kích hoạt các gen chống oxy hóa, còn Keap1 kiểm soát Nrf2.

2. Khi cán cân bị lệch: Hai thái cực mất cân bằng - Stress oxy hóa và stress khử

Khi sự cân bằng oxy hoá-khử nội môi bị phá vỡ, tế bào rơi vào stress oxy hoá-khử. Stress oxy hoá-khử có hai dạng căn bản:

a. Stress oxy hóa (oxidative stress - OS): Đây là trạng thái mất cân bằng nghiêng về phía oxy hóa, xảy ra do sản xuất quá mức ROS/RNS hoặc suy giảm hệ thống chống oxy hóa. Nồng độ ROS/RNS cao gây tổn thương không hồi phục cho lipid, protein, DNA, góp phần vào lão hóa và nhiều bệnh lý. Đây cũng là trạng thái mất cân bằng hay được nhắc đến nhiều nhất.

b. Stress khử (reductive stress - RS): Đây là trạng thái đối nghịch, khi cân bằng oxy hoá-khử dịch chuyển mạnh về phía khử một cách bất thường và kéo dài. Đặc điểm sinh hóa cốt lõi là sự tích lũy quá mức các chất khử nội sinh, dẫn đến tăng cao các tỷ lệ của các cặp oxy hoá-khử chính trong tế bào:

  • NADH/NAD+: Tỷ lệ giữa Nicotinamide Adenine Dinucleotide dạng khử (NADH) và dạng oxy hóa (NAD+) tăng lên. NADH là sản phẩm của các con đường dị hóa (phân giải) như đường phân và chu trình Krebs, cung cấp điện tử cho chuỗi truyền điện tử. Tích tụ NADH phản ánh dư thừa năng lượng khử hoặc tắc nghẽn chuỗi truyền.
  • NADPH/NADP+: Tỷ lệ giữa Nicotinamide Adenine Dinucleotide Phosphate dạng khử (NADPH) và dạng oxy hóa (NADP+) cũng tăng. NADPH là nguồn năng lượng khử chính cho các phản ứng sinh tổng hợp và hệ thống chống oxy hóa (như glutathione, thioredoxin).
  • GSH/GSSG: Tỷ lệ giữa Glutathione dạng khử (GSH) và dạng oxy hóa (Glutathione disulfide - GSSG) tăng cao. GSH là phân tử chống oxy hóa nội sinh quan trọng nhất. Tỷ lệ cao phản ánh khả năng chống oxy hóa mạnh, nhưng quá cao lại biểu thị môi trường khử mạnh có thể cản trở các quá trình oxy hóa cần thiết (như hình thành cầu disulfide trong protein, khiến sự hình thành và cấu trúc protein không trọn vẹn).

Quan trọng là, cả stress oxy hoá và stress khử đều là sự lệch khỏi trạng thái cân bằng tối ưu và đều có hại. Việc công nhận stress khử thách thức quan điểm đơn giản “stress oxy hoá là xấu, chống oxy hóa là tốt". Hơn nữa, stress khử gây hại qua các cơ chế riêng, không chỉ đơn thuần là do “thiếu oxy hoá”.

3. Stress khử từ đâu ra?

Stress khử nội sinh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố:

a. Chuyển hóa năng lượng nội bào bị rối loạn:

  • Dinh dưỡng quá mức (Overnutrition): Tiêu thụ quá nhiều glucose và acid béo làm tăng sản xuất NADH vượt quá khả năng xử lý của ty thể, gây tích tụ NADH. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây stress khử trong bối cảnh béo phì, tiểu đường tuýp 2.
  • Con đường Polyol: Hoạt động mạnh khi đường huyết cao (như ở các bệnh nhân tiểu đường) gây chuyển glucose thành sorbitol rồi fructose. Quá trình này tạo ra NADH, cũng góp phần gây nên stress khử.
  • Ức chế hô hấp ty thể: Thiếu oxy (hypoxia), tổn thương ty thể hoặc một số độc tố làm chậm quá trình tái oxy hóa NADH gây tích tụ NADH nội bào và sinh ra stress khử. Hiện tượng này thấy trong hiệu ứng Warburg ở tế bào ung thư.
  • Rối loạn chu trình Krebs: Tích tụ succinate, fumarate trong chu trình này cũng có thể góp phần vào stress khử.

b. Hoạt động quá mức của hệ thống chống oxy hóa nội bào:

  • Kích hoạt Nrf2 quá mức: Do đột biến gen hoặc khiếm khuyết autophagy (quá trình tự thực bào của tế bào), dẫn đến sản xuất dư thừa protein chống oxy hóa, làm cạn kiệt gốc tự do sinh lý và gây stress khử.
  • Bổ sung quá nhiều chất chống oxy hóa ngoại sinh: Tiêu thụ liều cao vitamin C, E, NAC, polyphenol... có thể trực tiếp làm tăng năng lực khử của tế bào vượt quá nhu cầu, gây stress khử.

Cần lưu ý rằng stress khử có thể biểu hiện cục bộ trong các bào quan khác nhau (ty thể, bào tương, lưới nội chất - ER), gây ra hậu quả đặc thù tùy vị trí. VD: Stress khử ở ty thể (do tích tụ NADH) ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất năng lượng, trong khi stress khử ở mạng lưới nội chất (do dư thừa GSH) gây cản trở gấp cuộn protein.

4. Tác động của stress khử đến sức khoẻ tế bào

Stress khử kéo dài có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng:

a. Rối loạn chức năng ty thể (mitochondrial dysfunction):

  • Ức chế chuỗi chuyền điện tử: NADH dư thừa làm quá tải Phức hệ I, làm chậm dòng điện tử, giảm sản xuất ATP.
  • Gây tăng sản xuất gốc tự do một cách nghịch lý (paradoxical ROS production): Đây là một hiện tượng khá thú vị đối với Kiên. Mặc dù môi trường tổng thể là khử, sự quá tải chuỗi truyền điện tử do NADH lại làm tăng rò rỉ điện tử, tạo ra nhiều gốc tự do hơn tại ty thể. Điều này giải thích tại sao các tình trạng stress khử (như tiểu đường giai đoạn đầu, sau dùng chất chống oxy hóa liều cao) lại có thể đi kèm dấu hiệu stress oxy hoá cục bộ tại ty thể, tạo vòng luẩn quẩn gây hại ở cấp độ bào quan và tế bào.
  • Giảm sinh tổng hợp ty thể (mitochondrial biogenesis): Stress khử (VD như do bổ sung chất chống oxy hóa liều cao) có thể ức chế các yếu tố tăng sinh ty thể như PGC-1α, gây cản trở sự thích nghi của cơ bắp sau luyện tập hoặc hoạt động của mô mỡ nâu.

b. Stress lưới nội chất (ER stress):

  • Cản trở cấp cuộn protein: Môi trường khử mạnh trong lưới nội chất có thể gây cản trở enzyme PDI (protein disulfide isomerase) tạo cầu nối disulfide (S-S), dẫn đến tích tụ protein bị gấp sai.
  • Kích hoạt phản ứng protein không gấp cuộn (unfolded protein response - UPR): Sự tích tụ protein lỗi gây stress lưới nội chất, kích hoạt UPR. Ban đầu UPR cố gắng sửa chữa, nhưng nếu stress quá nặng hoặc kéo dài, nó sẽ kích hoạt apoptosis (tức là sự chết rụng tế bào theo chương trình). Stress lưới nội chất do stress khử góp phần gây nên sự kháng insulin.

c. Can thiệp vào truyền tín hiệu tế bào:

  • Thay đổi hoạt động của các yếu tố phiên mã nhạy cảm oxy hoá-khử như NF-κB (liên quan đến viêm, miễn dịch) hoặc chính hệ thống Nrf2-Keap1.
  • Làm suy yếu hoặc sai lệch các tín hiệu phụ thuộc gốc tự do sinh lý, ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch, tăng trưởng, thích nghi với kích thích (như tập luyện).

d. Ảnh hưởng đến chuyển hóa và tăng trưởng tế bào:

Trong ung thư, trạng thái stress khử (NADH, NADPH cao) có thể có lợi, cung cấp năng lượng khử cho sinh tổng hợp nhanh chóng các thành phần tế bào mới (lipid, nucleotide), hỗ trợ khối u phát triển. NADH dư thừa còn kích hoạt ChREBP, thúc đẩy tạo mỡ mới.Mặt khác, stress khử thường ức chế tăng trưởng và khả năng sống sót của tế bào bình thường. Tế bào ung thư có thể đã thích nghi để khai thác stress khử, trong khi tế bào thường bị tổn thương.

5. Tác hại của stress khử đối với sức khỏe và bệnh lý ở người

Stress khử không chỉ dừng ở cấp độ tế bào mà còn góp phần vào nhiều bệnh lý nghiêm trọng:

a. Các bệnh chuyển hóa:

  • Béo phì và kháng insulin: Dinh dưỡng quá mức gây stress khử (tích tụ NADH) ở gan, cơ, mô mỡ. Stress khử góp phần kháng insulin thông qua việc gây rối loạn chức năng ty thể, stress lưới nội chất và viêm mãn tính. NADH dư thừa còn thúc đẩy tạo mỡ và sản xuất glucose ở gan.
  • Đái tháo đường: Stress khử (tăng NADH/NAD+) xảy ra sớm do tăng đường huyết và hoạt hóa con đường polyol. Stress khử ban đầu này có thể khởi phát tổn thương tiếp theo thông qua sản xuất gốc tự do nghịch lý ở ty thể, gây stress oxy hoá thứ cấp và biến chứng mạch máu, thần kinh.

b. Bệnh tim mạch:

  • Bệnh liên quan đến cơ tim và suy tim: Stress khử hiện diện trong các mô hình bệnh cơ tim phì đại hoặc do tích tụ protein đột biến, góp phần vào rối loạn chức năng ty thể, stress lưới nội chất và suy giảm co bóp tim.
  • Tổn thương do thiếu máu cục bộ - tái tưới máu (I/R Injury): Giai đoạn thiếu máu gây stress khử (tích tụ NADH), sau đó tái tưới máu nhanh chóng chuyển sang stress oxy hoá mạnh. Sự dao động giữa hai thái cực stress này góp phần vào tổn thương cơ tim.
  • Rối loạn chức năng mạch máu: Stress khử có thể ảnh hưởng tế bào nội mô. VD: Làm giảm tính thấm bất thường của hàng rào máu não khi dùng chất chống oxy hóa liều cao.

c. Vai trò phức tạp trong ung thư:

  • Hỗ trợ: Stress khử nội tại có thể giúp tế bào ung thư tăng sinh và chống lại stress oxy hoá.
  • Gây độc: Stress khử quá mức lại gây rối loạn ty thể, stress lưới nội chất nghiêm trọng, kích hoạt sự chết rụng tế bào theo chương trình (apoptosis). Một số hóa trị hoạt động bằng cách đẩy tế bào ung thư vào stress khử cực đoan rồi gây stress oxy hoá và gây chết.
  • Kháng trị: Stress oxy hoá có thể giúp tế bào ung thư kháng lại thuốc điều trị gây stress oxy hoá.
  • Tiềm năng trị liệu: Nhắm vào trạng thái stress khử đang được nghiên cứu như một chiến lược tiêu diệt tế bào ung thư chọn lọc.

d. Các ảnh hưởng khác: 

Stress khử còn bị nghi ngờ liên quan đến bệnh thoái hóa thần kinh (Alzheimer), bệnh cơ xương (loạn dưỡng cơ Duchenne), bệnh tự miễn, viêm mãn tính (viêm khớp dạng thấp), vô sinh nam (do lạm dụng chất chống oxy hóa) và quá trình lão hóa.

6. Nghịch lý dung nạp chất chống oxy hóa: Khi “tốt” thành “hại”

“Cái gì quá cũng không tốt!”

Các chất chống oxy hóa, như vitamin C, E, polyphenol… từ lâu được ca ngợi vì khả năng trung hòa gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa. Thông điệp “chất chống oxy hóa tốt, stress oxy hoá xấu” đã thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng bùng nổ. Tuy nhiên, hiểu biết về stress khử và vai trò kép của các gốc tự do cho thấy việc lạm dụng chất chống oxy hóa ngoại sinh liều cao là đáng lo ngại. Việc lạm dụng các sản phẩm bổ sung chống oxy hóa liều cao có thể gây stress khử bằng cách làm tăng đột ngột GSH hoặc NADPH, phá vỡ cân bằng oxy hoá-khử.

Đáng ngạc nhiên, một số chất chống oxy hóa ở liều cao lại hoạt động như chất “tiền oxy hoá” (pro-oxidant), thúc đẩy sản xuất gốc tự do thứ cấp tại ty thể và dẫn đến tổn thương tế bào.

Bên cạnh đó, các tín hiệu gốc tự do thoáng qua rất quan trọng cho sự thích nghi, VD như lợi ích của việc tập luyện thể chất (tăng sinh ty thể, cải thiện độ nhạy insulin) được kích hoạt bởi gốc tự do tạo ra khi tập. Bổ sung chất chống oxy hóa liều cao (đặc biệt là vitamin C, E) có thể “dập tắt” tín hiệu gốc tự do này, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa bớt lợi ích của việc tập luyện.

Ngày càng có nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu trên tế bào, động vật và cả trên người cho thấy việc bổ sung chất chống oxy hóa liều cao không những không mang lại lợi ích như mong đợi mà còn có thể gây hại:

a. Giảm hoặc mất lợi ích của luyện tập thể chất: Nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin C (1000 mg/ngày) và/hoặc vitamin E ( 235-600 mg/ngày, tương đương khoảng 350-900 IU/ngày) trước, trong và sau quá trình tập luyện có thể làm giảm đáng kể hoặc loại bỏ hoàn toàn các lợi ích về cải thiện độ nhạy insulin, tăng khối lượng cơ, tăng sức bền và tăng sinh ty thể mà lẽ ra việc tập luyện mang lại. Điều này cho thấy việc can thiệp vào tín hiệu oxy hoá tích cực bằng chất chống oxy hóa ngoại sinh có thể cản trở sự thích nghi sinh lý bình thường.

b. Tăng dấu ấn stress oxy hóa và viêm: 

Trái với mong đợi, một số nghiên cứu lại báo cáo rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa liều cao, đặc biệt là vitamin E hoặc sự kết hợp vitamin C và E, ở các vận động viên sức bền hoặc trong các mô hình tế bào, lại dẫn đến sự gia tăng các dấu ấn của tổn thương oxy hóa như peroxide hóa lipid (VD: đo bằng TBARS) và oxy hóa protein, cũng như tăng các dấu ấn viêm như hs-CRP. Điều này ủng hộ giả thuyết về tác động “tiền oxy hoá” một cách oái oăm của chất chống oxy hóa liều cao.

c. Rối loạn chức năng tế bào và mô:

  • Mô mỡ: Nghiên cứu trên chuột và tế bào mỡ nuôi cấy cho thấy điều trị bằng NAC (một tiền chất của GSH) gây ra stress khử, dẫn đến rối loạn chức năng ty thể (giảm tiêu thụ oxy, tăng sản xuất lactate), cản trở quá trình “hóa nâu” của mô mỡ trắng (một quá trình có lợi về mặt chuyển hóa) và giảm hoạt động của mô mỡ nâu.
  • Hàng rào máu não (Blood-Brain Barrier - BBB): Nghiên cứu sử dụng chiết xuất trà Rooibos (giàu chất chống oxy hóa) trên tế bào nội mô não nuôi cấy cho thấy việc gây ra stress khử bởi chiết xuất này làm giảm tính thấm của lớp tế bào nội mô (mô phỏng BBB) và ức chế sự tăng sinh của chúng. Sự thay đổi tính thấm BBB có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cân bằng nội môi của não.

d. Ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản nam giới: 

Việc sử dụng tràn lan các sản phẩm chống oxy hóa không kê đơn với liều lượng cao và kéo dài được cho là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây vô sinh nam, có thể do gây ra stress khử hoặc phá vỡ cân bằng oxy hoá-khử cần thiết cho chức năng tinh trùng.

e. Tăng nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân: 

Một số phân tích gộp lớn dựa trên nhiều thử nghiệm lâm sàng đã đưa ra kết luận đáng báo động rằng việc bổ sung vitamin E liều cao (thường được định nghĩa là ≥ 400 IU/ngày) có liên quan đến sự gia tăng nhỏ nhưng có ý nghĩa thống kê về nguy cơ tử vong do nhiều nguyên nhân. Mặc dù cơ chế chưa hoàn toàn rõ ràng, điều này càng củng cố thêm lo ngại về sự an toàn của việc bổ sung chất chống oxy hóa liều cao một cách thường quy.Những phát hiện này tạo nên "nghịch lý chống oxy hóa", nhấn mạnh rằng bổ sung liều cao không chỉ kém hiệu quả mà đôi khi, còn có thể gây hại ở một mức độ nào đó.Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nguy cơ gây stress khử hoặc các tác động tiêu cực khác từ việc bổ sung chất chống oxy hóa không phải là tuyệt đối mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Liều lượng: Nguy cơ chủ yếu liên quan đến việc sử dụng liều cao, thường vượt xa mức khuyến nghị hàng ngày (RDA) hoặc lượng có thể đạt được qua chế độ ăn uống cân bằng. Liều thấp hơn hoặc lượng từ thực phẩm thường được coi là an toàn và có lợi.
  • Loại chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa khác nhau (vitamin E, vitamin C, β-carotene, selen, polyphenol, flavonoid...) có cơ chế hoạt động, dược động học và tiềm năng gây hại khác nhau. Không thể đánh đồng cho tất cả các chất chống oxy hóa.
  • Thời gian sử dụng: Việc sử dụng liều cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ tích lũy và gây hại so với sử dụng ngắn hạn.
  • Tình trạng sức khỏe và lối sống: Phản ứng với việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể khác nhau ở người khỏe mạnh, vận động viên, người già hoặc người có các bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, ung thư. Mức độ stress oxy hóa nền của cá nhân cũng có thể ảnh hưởng.
  • Nguồn gốc chất chống oxy hóa: Cần phân biệt rõ ràng giữa việc tiêu thụ chất chống oxy hóa từ nguồn thực phẩm tự nhiên, đa dạng (như rau củ, trái cây) và việc sử dụng các sản phẩm bổ sung tinh khiết, liều cao. Trong thực phẩm, các chất chống oxy hóa thường tồn tại cùng với nhiều vi chất dinh dưỡng khác trong một “ma trận” phức tạp, ở nồng độ thấp hơn và có thể được hấp thụ, chuyển hóa một cách hài hòa hơn so với các viên uống liều cao. Lợi ích sức khỏe của chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa tự nhiên là rõ ràng, nhưng không thể ngoại suy một cách đơn giản rằng việc bổ sung liều cao các chất riêng lẻ sẽ mang lại lợi ích tương tự hoặc lớn hơn.

7. Kết luận và định hướng tương lai

Hiểu biết ngày càng sâu về stress khử cho thấy rằng sức khỏe không nằm ở việc tăng cường tối đa khả năng chống oxy hóa, mà ở sự cân bằng tinh tế giữa oxy hóa và khử trong cơ thể. Thay vì lạm dụng các chất bổ sung chống oxy hóa liều cao, chúng ta nên ưu tiên một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu thực phẩm tự nhiên để nuôi dưỡng cơ thể một cách hài hòa.

Nhìn về tương lai, các nhà khoa học cần đào sâu hơn vào những bí ẩn của stress khử: từ cơ chế phân tử, sự tương tác phức tạp với stress oxy hóa, đến việc tìm ra các dấu ấn sinh học đáng tin cậy để đo lường trên thực tế lâm sàng. Đồng thời, việc xác định liều lượng an toàn và hiệu quả của chất chống oxy hóa, cũng như khám phá các phương pháp điều trị mới nhắm vào stress khử - đặc biệt trong lĩnh vực ung thư - sẽ mở ra những chân trời mới.

Chuyển từ việc chỉ tập trung vào chống stress oxy hóa sang duy trì sự cân bằng oxy hóa-khử là một bước tiến quan trọng. Đây không chỉ là một thay đổi trong tư duy khoa học, mà còn là lời nhắc nhở rằng sức khỏe, sự sống và cả hành trình chống lão hóa đều phụ thuộc vào sự hài hòa tự nhiên của cơ thể.

Hy vọng bài viết của Kiên có ích với mọi người. Hẹn gặp lại cả nhà vào bài viết sau nhen!

__________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy KiênKiên Sinh và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.