Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
Sau bài “Quá tải hệ nền”, Kiên quyết định sẽ tiếp nối series phổ cập kiến thức skincare bằng những ngôn từ đơn giản (hy vọng đủ đơn giản ) để cả nhà Đồng Điệu, ai cũng có thể là chuyên “da” hen
Các Đồng Điệu thân mến, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao làn da của mình đôi khi lại “trở chứng” khó chiều hơn cả người yêu? Hôm trước còn căng bóng mịn màng, hôm sau đã nổi mụn tùm lum, sần sùi như đường đất? Hay tại sao những món skincare đắt đỏ mà bạn đầu tư lại chẳng mang lại hiệu quả như mong đợi? Đừng vội đổ lỗi cho “số phận” hay “cơ địa”, bởi bí mật đằng sau làn da đỏng đảnh ấy có thể nằm ở một thế giới vi mô đầy bất ngờ: hệ vi sinh vật trên da.
Vậy làm thế nào để “thiết lập lại trật tự” cho làn da và lấy lại vẻ đẹp vốn có? Câu trả lời nằm ở xu hướng “skincare lợi khuẩn” đang làm mưa làm gió trong cộng đồng làm đẹp. Hãy cùng Kiên khám phá thế giới vi mô đầy bí ẩn này, tìm hiểu về “kẻ thù” và “đồng minh” trên da, và tìm ra giải pháp chăm sóc da khoa học, hiệu quả nhất cho riêng bạn. Đừng để làn da “khó chiều” hơn cả người yêu nữa nhé!
1. 12 sứ quân trên "lãnh địa" làn da: Khi lũ khuẩn, lũ nấm cũng đòi "tranh hùng"
Các Đồng Điệu có biết, làn da của chúng ta không chỉ là một lớp áo đơn thuần, mà còn là một chiến trường vi mô đầy kịch tính, nơi 12 “sứ quân” vi sinh vật đang ngày đêm tranh giành lãnh thổ? Đừng tưởng tụi nó bé nhỏ mà xem thường nhé, mỗi “sứ quân” đều có vai trò riêng, tạo nên một hệ sinh thái cân bằng và bảo vệ làn da của chúng ta. Nhưng khi cán cân quyền lực bị đảo lộn, “loạn lạc” sẽ xảy ra, dẫn đến mụn, viêm nhiễm và đủ thứ rắc rối khác.
-
Cutibacterium acnes (tên cũ Propionibacterium acnes): “Ngọa hổ tàng long” chiếm tới 30-50% lãnh thổ, đặc biệt là ở những vùng da dầu. Bình thường thì hiền lành, nhưng khi “lên cơn”, nó sẽ gây ra mụn trứng cá đầy đáng ghét.
-
Staphylococcus epidermidis: “Vệ sĩ trung thành” chiếm khoảng 20-30% dân số, luôn sẵn sàng bảo vệ làn da khỏi những kẻ xâm lược nguy hiểm.
-
Corynebacterium spp.: “Chuyên gia mùi hương” chiếm 5-10%, thường trú ngụ ở những vùng da ẩm ướt. Đôi khi hơi “nặng mùi” một chút, nhưng cũng có công góp phần tạo nên mùi hương đặc trưng của mỗi người.
-
Micrococcus spp.: “Kẻ du mục” chiếm 1-5%, thích lang thang ở những vùng da khô. Tính tình hiền lành, ít khi gây chuyện.
-
Malassezia spp.: “Nấm lém lỉnh” chiếm tới 80% trong giới nấm men trên da. Khi “quá khích”, nó có thể gây ra viêm da tiết bã và lang ben.
-
Staphylococcus aureus: “Tên tội phạm nguy hiểm” chỉ chiếm chưa đến 1%, nhưng đừng chủ quan, hắn có thể gây ra những “vụ án” nghiêm trọng như nhiễm trùng da và hoại tử lan rộng nếu không được kiểm soát.
-
Pseudomonas spp.: “Kẻ cơ hội” chiếm 1-2%, thường ẩn náu ở những nơi ẩm thấp. Chỉ cần sơ hở là hắn sẽ tấn công ngay.
-
Bacteroides spp.: “Công nhân vệ sinh” chiếm 1-2%, chuyên xử lý các chất hữu cơ trên da.
-
Lactobacillus spp.: “Lực lượng gìn giữ hòa bình” chiếm 1-2%, có nhiệm vụ duy trì sự cân bằng trong hệ vi sinh vật và bảo vệ da khỏi những kẻ xấu.
-
Escherichia spp.: “Khách lạ” thường chỉ ghé thăm với số lượng nhỏ dưới 1%. Bình thường thì vô hại, nhưng đôi khi cũng gây ra vài rắc rối.
-
Klebsiella spp.: “Kẻ phá bĩnh” cũng chỉ chiếm dưới 1%. Tuy nhiên, nếu có cơ hội, hắn sẽ không ngần ngại gây ra nhiễm trùng (mặc dù khá hiếm).
-
Demodex spp.: Đây là con duy nhất trong đây không phải khuẩn, cũng chẳng phải nấm. Bọn chúng thuộc họ ve bét, kích thước khoảng 0.1 – 0.4mm, và có thể chiếm tới 20-80% ở người trưởng thành. Chúng sống trong nang lông và tuyến bã nhờn, đôi khi gây ra viêm da nếu “quá đông quá vui”. Đây là con đa phần gây ra kiểu viêm da thường gặp sau kem trộn, thuốc rượu.
2. Loạn khuẩn da: Khi 12 sứ quân chính thức nổi loạn, làn da "tan đàn xẻ nghé"
Chuyện xưa kể rằng, thời Đinh Bộ Lĩnh có 12 sứ quân tranh giành quyền lực, gây loạn lạc khắp nơi. Còn trên “lãnh địa” làn da của chúng ta, cũng có tới 12 “sứ quân” vi sinh đang ngày đêm tranh đấu để giành lấy “miếng bánh thị phần”. Khi cán cân quyền lực giữa các “sứ quân” này bị phá vỡ, “loạn khuẩn da” (dysbiosis) sẽ xảy ra, khiến làn da của bạn trở nên “tan đàn xẻ nghé”, nổi mụn, viêm nhiễm, kích ứng…
Nguyên nhân gây loạn khuẩn da: Khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” không còn
Loạn khuẩn da không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của sự kết hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”:
-
Thiên thời: Các yếu tố môi trường như tia UV, ô nhiễm, thay đổi thời tiết… có thể làm suy yếu “hàng rào bảo vệ” của da, tạo điều kiện cho “kẻ xấu” lấn lướt.
-
Địa lợi: Bản thân làn da cũng có những yếu tố nội tại như độ pH, độ ẩm, lượng dầu… ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ vi sinh vật. Ví dụ, da dầu thường có nhiều C. acnes hơn, dễ gây mụn.
-
Nhân hòa: Lối sống, chế độ ăn uống, cách chăm sóc da… cũng góp phần quan trọng. Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, lạm dụng kháng sinh, vệ sinh da quá mức… đều có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh.
Hậu quả của loạn khuẩn: “Sứ quân phe địch” nào thắng thế, làn da “lãnh đờ-u-đu-hỏi-đủ”
Khi loạn khuẩn xảy ra, các “sứ quân” vi sinh vật sẽ tranh giành nhau để chiếm ưu thế. Tùy vào “sứ quân” nào thắng thế mà làn da sẽ phải chịu những hậu quả khác nhau, nhẹ thì kích ứng tí tí, nặng thì viêm rồi chuyển sang tổn thương luôn:
-
C. acnes lên ngôi: Mụn trứng cá sẽ bùng phát. Loại vi khuẩn này sản xuất ra các chất gây viêm, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, làm bít tắc lỗ chân lông và gây mụn.
-
Malassezia spp. lộng hành: Viêm da tiết bã, lang ben sẽ xuất hiện. Loại nấm men này thường gây ra các vấn đề về da đầu, ngứa và bong tróc.
-
S. aureus hoành hành: Nhiễm trùng da là điều khó tránh khỏi. Loại vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh lý nguy hiểm như chốc lở, nhọt, thậm chí nhiễm trùng huyết.
Về bản chất, loạn khuẩn là trạng thái khuẩn không bình thường, con thì nhiều quá, con thì ít quá, gây rối loạn các tín hiệu kháng nguyên và làm “quá tải” hệ miễn dịch vậy đó. Giống như kiểu ăn một hũ sữa chua (lợi khuẩn vẫn ở ngưỡng chịu được) thì bụng da khoẻ hơn, nhưng nốc 1 lúc 4 hũ thì chắc chắn ảy chẽ, vì lúc này lượng lợi khuẩn đã vượt mức cho phép, khiến “lợi khuẩn” không còn lợi nữa :>
Quay lại làn da, ở cấp độ tế bào, loạn khuẩn gây kích viêm, làm suy yếu hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bị mất nước, kích ứng và nhiễm trùng cơ hội.
Còn ở cấp độ sâu hơn – cấp độ phân tử, loạn khuẩn có thể gây ra những thay đổi sâu rộng trong các con đường tín hiệu tế bào và biểu hiện gen. Cụ thể, các vi khuẩn gây bệnh có thể tiết ra các enzyme và độc tố làm hủy hoại cấu trúc tế bào và phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Lipase từ C. acnes phân giải lipid trong bã nhờn, tạo ra các acid béo tự do gây viêm.
Các vi khuẩn cũng có thể tương tác với các thụ thể nhận diện mẫu (pattern recognition receptors – PRRs) trên bề mặt tế bào, như TLR2 (Toll-like receptor 2). Sự kích hoạt PRRs bởi các thành phần vi khuẩn như lipoteichoic acid và peptidoglycan có thể khởi động các con đường tín hiệu dẫn đến viêm và phản ứng miễn dịch.
Ngoài ra, loạn khuẩn còn có thể ảnh hưởng đến biểu hiện gen của các tế bào da. Sự thay đổi này có thể làm suy yếu chức năng bảo vệ của da, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của các tác nhân gây hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý da.
Ví dụ đơn giản, sự gia tăng của C. acnes làm tăng sản xuất các chất gây viêm như interleukin-1, TNF-alpha, tăng tiết bã nhờn, thay đổi thành phần bã nhờn dẫn đến tình trạng mất nước xuyên biểu bì, viêm nhiễm và mụn trứng cá.
3. Dẹp loạn khuẩn: Prebiotics, probiotics hay postbiotics? Cuộc chiến cân não giữa "viện binh", "lương thực" và “vũ khí”
Đối mặt với tình cảnh loạn lạc, chúng ta cần phải có chiến lược “bình định” phù hợp. Và trong cuộc chiến này, hai “ứng cử viên” sáng giá nhất chính là prebiotics (hiểu nôm na là thức ăn cho lợi khuẩn), probiotics (chính các con lợi khuẩn) và postbiotics (sản phẩm lên men hoặc dịch ly giải của lợi khuẩn). Vậy đâu mới là lựa chọn tối ưu cho làn da của bạn? Hãy cùng Kiên phân tích ưu nhược điểm của từng “chiến lược” hen.
Probiotics: “Viện binh” hùng hậu, trực tiếp tham chiến
Probiotics là những vi khuẩn sống có lợi, được ví như “viện binh” hùng hậu được đưa đến làn da để tăng cường lực lượng “quân ta” (lợi khuẩn), trực tiếp chiến đấu với “quân địch” (hại khuẩn).
Ưu điểm:
-
Tác động nhanh: Probiotics có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng da nhờ khả năng trực tiếp ức chế hại khuẩn và giảm viêm nhiễm.
-
Hiệu quả rõ rệt: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của probiotics trong việc giảm mụn, viêm da, eczema…
Nhược điểm:
-
Khó tồn tại trong sản phẩm và trên da: Do probiotics là vi khuẩn sống, chúng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH… nên khả năng tồn tại và phát triển trong sản phẩm và trên da không được đảm bảo. Cũng vì lý do đó mà các sản phẩm probiotics thường sẽ, hoặc có HSD khá ngắn ngày, hoặc rất mắc :)))
-
Nguy cơ kích ứng: Một số người có thể bị kích ứng khi sử dụng probiotics, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm. Như Kiên cũng có ví dụ về việc ăn sữa chua, lỡ “quá liều” probiotics thì nhỡ đâu “quân ta” lại thành “quân địch”. Hãy nhớ rằng, trong cuộc chiến này không có thắng hoặc thua, mà là phải tìm đến sự cân bằng.
Prebiotics: “Lương thực” dồi dào, nuôi dưỡng “quân ta”
Prebiotics là những chất xơ không tiêu hóa được, đóng vai trò như “lương thực” nuôi dưỡng lợi khuẩn trên da, giúp chúng phát triển mạnh mẽ và lấn át hại khuẩn. Một số dạng prebiotics thường gặp trong mỹ phẩm sẽ là inulin, alpha-glucan oligosaccharide, fructooligosaccharides, galactooligosaccharides, xylitol, lactitol, glucomannan, và beta-glucan.
Trong đó, Kiên ấn tượng nhất với beta-glucan (bởi gặp nó nhiều nhất) và alpha-glucan oligosaccharide (vì loại này có tính chọn lọc chỉ cho “lợi khuẩn” ăn thôi). Mấy loại khác Kiên biết sơ sơ, chưa đào sâu lắm :>
Ưu điểm:
-
Ổn định và dễ sử dụng: Prebiotics không phải là sinh vật sống nên rất ổn định và dễ dàng kết hợp vào các sản phẩm chăm sóc da.
-
An toàn và lành tính: Prebiotics thường không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da, kể cả da nhạy cảm.
-
Tác động lâu dài: Bằng cách nuôi dưỡng chọn lọc các lợi khuẩn, prebiotics giúp duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật trên da một cách bền vững.
Nhược điểm:
-
Tác động chậm: Hiệu quả của prebiotics thường không thể thấy ngay lập tức mà cần có thời gian để lợi khuẩn phát triển và phát huy tác dụng.
Postbiotics: “Vũ khí” đa năng, “hậu phương” vững chắc
Nếu ví prebiotics là “lương thực” và probiotics là “viện binh”, thì postbiotics chính là “vũ khí” được tạo ra từ quá trình chuyển hóa của lợi khuẩn sau khi “ăn uống no say”. Postbiotics bao gồm các chất chuyển hóa, enzyme, acid hữu cơ, peptide kháng khuẩn… có tác dụng trực tiếp lên làn da. Cần phải lưu ý rằng, không phải cứ nuôi đại đại vài ba dòng lợi khuẩn là có postbiotics. Câu chuyện điều chế postbiotics phức tạp hơn thế nhiều!
Ưu điểm:
-
Đa năng: Postbiotics có nhiều tác dụng như kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, tăng cường hàng rào bảo vệ da…
-
Ổn định và an toàn: Không phải là sinh vật sống nên postbiotics rất ổn định, dễ dàng kết hợp vào các sản phẩm chăm sóc da và không gây kích ứng.
-
Hiệu quả nhanh và rõ rệt: Postbiotics có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt trong việc cải thiện các vấn đề về da như mụn, viêm nhiễm, lão hóa…
Nhược điểm:
-
Đa dạng và phức tạp: Thành phần của postbiotics rất đa dạng và phức tạp, tùy thuộc vào loại lợi khuẩn và môi trường lên men. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng postbiotics còn nhiều thách thức, kéo theo giá thành của những postbiotics thực sự có công hiệu không hề rẻ.
Vậy nên chọn prebiotics, probiotics hay postbiotics?
Câu trả lời là: Tùy thuộc vào tình trạng da, nhu cầu chăm da và khả năng tài chính của bạn.
-
Nếu bạn đang gặp vấn đề cấp tính như mụn viêm, kích ứng…: Probiotics có thể là lựa chọn tốt hơn để mang lại hiệu quả nhanh chóng.
-
Nếu bạn muốn duy trì làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa mụn tái phát: Prebiotics là giải pháp lâu dài và bền vững hơn.
-
Nếu bạn muốn phục hồi và tăng cường sức khỏe làn da, đặc biệt sau các tổn thương hoặc khi da nhạy cảm: Postbiotics là lựa chọn tối ưu để làm dịu, tái tạo và bảo vệ da.
Với cá nhân Kiên, Kiên thường thích lựa chọn prebiotics hơn vì những gạch đầu dòng sau đây:
-
Ổn định và bền vững: Không giống như probiotics là vi khuẩn sống, prebiotics là các chất xơ không sống, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ pH, ánh sáng… Do đó, prebiotics có độ ổn định cao hơn, dễ dàng bảo quản và sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da.
-
An toàn và lành tính: Prebiotics không gây kích ứng, phù hợp với mọi loại da, kể cả da nhạy cảm nhất. Chúng không chứa các vi sinh vật sống nên không có nguy cơ gây nhiễm khuẩn hoặc phản ứng phụ không mong muốn.
-
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đa dạng: Prebiotics không chỉ cung cấp thức ăn cho một loại lợi khuẩn cụ thể mà còn nuôi dưỡng nhiều loại lợi khuẩn khác nhau trên da. Điều này giúp tạo ra một hệ vi sinh vật đa dạng và cân bằng, tăng cường sức đề kháng tự nhiên của da.
-
Tác động lâu dài: Bằng cách nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, prebiotics giúp duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật trên da một cách bền vững. Hiệu quả của prebiotics không chỉ dừng lại ở việc cải thiện các vấn đề da hiện tại mà còn giúp ngăn ngừa mụn và các vấn đề khác tái phát trong tương lai. Có thể nói vui rằng, chỉ cần prebiotics và sự kiên nhẫn, da bạn sẽ có cả probiotics và postbiotics mau thôi
-
Tiết kiệm chi phí, dễ dàng bảo quản, đa dạng sự lựa chọn: So với probiotics và postbiotics, prebiotics thường có giá thành rẻ hơn và bảo quản dễ hơn, do đó được nhiều bên R&D lựa chọn bào chế cho sản phẩm của họ hơn. Điều này giúp ae tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả chăm sóc da tốt.
4. Kết lại
Bằng việc lấy hình ảnh loạn lạc 12 sứ quân để ẩn dụ, loạn khuẩn da không chỉ là một khái niệm khoa học khô khan, mà là một câu chuyện đầy màu sắc về cuộc chiến giữa các “sứ quân” vi sinh vật trên “lãnh địa” làn da của chúng ta. Hiểu rõ về sự cân bằng mong manh này, chúng ta có thể chủ động chăm sóc và bảo vệ làn da, ngăn chặn những “cuộc nổi loạn” không mong muốn.
Hãy nhớ rằng, làn da khỏe mạnh không chỉ là làn da đẹp mà còn là biểu hiện của một cơ thể khỏe mạnh từ bên trong. Bằng cách xây dựng một lối sống lành mạnh, chăm sóc da đúng cách và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như prebiotics, probiotics và postbiotics một cách hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể “bình định” loạn khuẩn, khôi phục sự cân bằng cho hệ vi sinh vật da và tận hưởng làn da tươi trẻ, rạng rỡ bền vững.
Cuộc chiến với loạn khuẩn không phải là một cuộc chiến đơn độc, mà là sự hợp tác giữa chính bạn – chính Kiên và chính các Đồng Điệu, và những “cư dân tí hon” trên làn da mỗi người. Hãy trân trọng và bảo vệ chúng, để chúng có thể tiếp tục đồng hành cùng chúng ta trên hành trình chinh phục làn da khỏe đẹp.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion