Xã hội ngày càng phát triển, căng thẳng, stress, các yếu tố có hại từ môi trường như khói bụi, hoá chất độc hại từ các loại thực phẩm thường ngày đã dẫn đến không ít các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến lão hoá và những cụm từ như “chống oxi hoá" “chống lão hoá" nổi lên càng nhiều, các loại thực phẩm chức năng và thuốc bổ sung sức khoẻ cũng trở thành mối quan tâm của nhiều người.
Tuy nhiên, vì giá thành cao là rào cản, cũng như không chắc về chất lượng thực sự của các loại thực phẩm chức năng có trên thị trường nên mọi người có xu hướng chuyển về sử dụng các loại sản phẩm từ thực vật nhiều hơn, trong đó trà xanh cũng không là ngoại lệ.
Vậy đã có bao giờ bạn tìm hiểu về những lợi ích tuyệt vời và các lưu ý quan trọng khi sử dụng loại thức uống này chưa? Mình sẽ cùng nhau phân tích về trà thông qua bài viết này nhen.
Trong một nghiên cứu về tác dụng làm chậm lão hoá và cơ chế tác động của trà được thực hiện bởi Meiyan Feng và các cộng sự (2021) tại Trung Quốc đã cho rằng “Trà là thức uống tốt cho sức khoẻ, đứng thứ hai sau nước”. Thật vậy, trà là loại thực vật chứa hàng loạt các hợp chất tốt cho sức khoẻ như Polyphenol (ECG, EGCG, EC, EGC), L-theanine, caffeine, saponin, polysarcharide,...mà lại dễ tìm, dễ mua, dễ chế biến và sử dụng nữa.
Vậy trà xanh có lợi gì cho sức khoẻ?
- Chống oxi hoá (Polysacharide có thể làm giảm stress oxi hoá bằng cách trực tiếp loại bỏ các gốc tự do)
- Chống viêm (EGCG làm giảm sản xuất các cytokine gây viêm, ức chế sự biểu hiện của các yếu tố gây viêm như IL-1β, cyclooxygenase-2 (COX-2),..)
- Ức chế quá trình phá huỷ collagen và elastin (EGCG kích thích các nguyên bào sợi, loại tế bào chịu trách nhiệm sản xuất collagen và ức chế hoạt động của elastase và collagenase-enzyme gây phá huỷ collagen và elastin)
- Bảo vệ da khỏi tác động có hại của ánh nắng mặt trời (Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy 5% polyphenol trà xanh (GTP) có thể làm giảm 68% số lượng tế bào bị cháy nắng và 55% tổn thương DNA so với nhóm chiếu xạ tia cực tím; EGCG có thể ngăn chặn những tác động có hại do UVB, UVA gây ra, giảm lão hoá da do ánh nắng)
- Củng cố hàng rào bảo vệ da (Trong một nghiên cứu, EGCG làm tăng biểu hiện của các gen liên quan đến các yếu tố giữ ẩm tự nhiên, chẳng hạn như filaggrin (FLG), transglutaminase-1)
- Giảm nguy cơ tăng sắc tố da như nám, tàn nhang, đồi mồi (ức chế hoạt động của peroxidase và tyrosinase, ức chế quá trình tổng hợp melanin trên da)
- Kháng khuẩn (Saponin trong trà có tác dụng làm sạch bề mặt da, chống viêm và kháng khuẩn)
- Thúc đẩy sự phát triển của vi sinh vật có lợi trong đường ruột và da (EGCG có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột và da, như Helicobacter pylori, Staphylococcus aureus, và một số loại vi khuẩn gây mụn và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi, từ đó tăng cường sức đề kháng của cơ thể)
- Hỗ trợ giảm cân, tốt cho tim mạch, não bộ,...
Tuy nhiên, đừng vội nhìn vào các lợi ích do trà mang lại mà bạn cho rằng thứ thức uống này hoàn toàn tốt và vô hại. Trong một bài tổng quan hệ thống về hiệu quả và tính an toàn của các chế phẩm trà xanh uống trong các bệnh về da được thực hiện bởi Khoa Sinh lý học và Dược lý “V. Erspamer”, Đại học Sapienza Rome, Ý (năm 2022) đã tổng hợp về một số tác dụng phụ do trà mang lại như độc tính với gan, khó tiêu, buồn nôn,...
Dựa trên những phát hiện này, chuyên khảo của Dược điển Hoa Kỳ (USP) về “Chiết xuất trà xanh dạng bột đã khử caffeine” bao gồm yêu cầu ghi nhãn thận trọng sau: “Không dùng khi bụng đói. Dùng cùng với thức ăn. Không sử dụng nếu bạn có vấn đề về gan và ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc sức khỏe nếu bạn phát triển các triệu chứng của bệnh gan, chẳng hạn như đau bụng, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc mắt.”
Theo đó, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) tuyên bố rằng, dựa trên các nghiên cứu lâm sàng, mức EGCG bằng hoặc trên 800 mg (khoảng 2-4 lít nước trà) mỗi ngày có thể gây tăng nồng độ transaminase trong máu, ảnh hưởng đến chức năng gan; tuy nhiên, xét đến việc đôi khi độc tính với gan xảy ra ở liều thấp hơn, nên không thể xác định được liều EGCG an toàn thực sự. Do đó, sử dụng trà xanh với liều lượng hợp lý, khoảng 2-3 tách mỗi ngày được coi là an toàn cho hầu hết người lớn.
Một điều cần lưu ý nữa, đó là không nên sử dụng trà xanh cùng với thuốc. Một số tương tác có thể gặp như:
- Amphetamine, cocaine hoặc ephedrine. Những chất kích thích này phối hợp với caffeine trong trà xanh làm tăng nhịp tim và huyết áp.
- Phenylpropanolamine (một thành phần trong sản phẩm giảm cân và thuốc cảm) có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ chảy máu não khi sử dụng với trà
- Tăng nguy cơ gây hại cho gan khi kết hợp trà xanh với acetaminophen, phenytoin, methotrexate.
- Không nên dùng kết hợp với các thuốc cản trở quá trình đông máu, chẳng hạn như warfarin, ibuprofen hoặc aspirin.
- Thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh và lithium thay đổi thời gian chuyển hoá cafein trong trà
- Trà xanh có thể làm giảm sự hấp thu của sắt và axit folic.
Bạn cũng nên hạn chế sử dụng trà xanh nếu bạn có một số vấn đề về sức khoẻ như: Thiếu máu, rối loạn lo âu, rối loạn chảy máu hoặc đông máu, bệnh tim, bệnh gan…
Phụ nữ mang thai cần hạn chế uống trà vì nó có thể ngăn hấp thu sắt từ thức ăn, dẫn đến dễ bị thiếu máu ở đối tượng này, đồng thời caffeine trong trà có thể kích thích thần kinh, làm tăng nhịp tim, huyết áp và gây mất ngủ.
Dù trà xanh vẫn mang lại một số các tác dụng không mong muốn, nhưng đối với một người bình thường không phải đối tượng đặc biệt (phụ nữ mang thai, người có bệnh về gan, thiếu máu, đang sử dụng thuốc,...) khi hỏi mình về việc dùng thực phẩm chức năng gì để chống oxi hoá cho cơ thể thì mình luôn gợi ý mọi người hãy cân nhắc đến trà xanh, vì tính dễ mua, dễ chế biến và mức giá vô cùng hợp lý để sử dụng mỗi ngày, đem lại tác dụng chống lão hoá về lâu dài cho cơ thể.
_______________
Thông tin liên hệ
- Facebook: https://www.facebook.com/hangvo
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Hằng Võ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion