Các bạn xem đầy đủ video tại đây.
@cophonghoacoc Clip 9 phút để giảng chuyên sâu về mặt nạ Biocellulose – Vật liệu tân tiến trong ngành mỹ phẩm. Gáng nghe hết nha, Cô nghĩ sẽ bổ ích lắm <3 #learnontiktok #beautytiktok #mypham #skincare #mask #biocellulose #twinsskin #cophonghoacoc
1. Màng nhầy khi lên men giấm sinh ra đó là gì?
Thực chất nó gọi là Bacterial Biocellulose – đây là tên đầy đủ của nó để mn có thể tìm thấy dễ dàng hơn trên các tạp chí khoa học. Vì quen miệng, nên Cô gọi đây là Biocellulose cho dễ.
Ngay từ cái tên nó đã có đầy đủ ý nghĩa rồi, Bacterial Biocellulose thì:
- Bacterial là vi khuẩn
- Biocellulose là sợi cellulose được sinh ra từ con vi khuẩn
Khi ghép lại, Bacterial Biocellulose có nghĩa là loại sợi cellulose được sinh ra từ vi khuẩn.
2. Giấm cái lên men - Lý giải khoa học
“Muốn nuôi giấm thì phải đi xin con giấm cái” – đây là câu cửa miệng mà người lớn hay nói trước khi nuôi giấm
Thực chất, những con giấm cái này là những loại vi khuẩn có khả năng tổng hợp ra sợi Biocellulose. Trong các tài liệu khoa học, đó là tụi Agrobacterium, Sarcina, Rhizobium và Acetobacter. À, đừng nghĩ vi khuẩn là xấu nha, vì đây là những con vi khuẩn hiếu khí không gây bệnh, mục đích sống của nó thì Cô mới biết là để đẻ ra sợi Biocellulose và lên men giấm thui :))))
Trong đó, Acetobacter xylinum là loại mà được phát hiện từ lâu đời (cụ thể là vào năm 1886), khi đó, ông Brown đã ghi nhận rằng “em khuẩn này sẽ sinh ra một lớp màng gelatin trắng dày (tới 2.5 cm) và có mùi chua”. Cho đến hiện tại, thì loại này vẫn được sử dụng nhiều trong công nghiệp và đời sống thường ngày để lên men giấm và sản xuất các loại mặt nạ biocellulose.
3. Quá trình lên men dưới góc nhìn hóa học
Lúc mà con vi khuẩn này lên men, có 2 thứ mà nó sinh ra: đó là sợi biocellulose và acetic acid. Và để vi khuẩn lên men được thì chắc chắn phải có sự góp mặt của đường glucose hoặc fructose. Cũng bởi vì thế, người ta mới chọn những loại thực phẩm có nhiều đường để mà lên men, ví dụ như nước dừa xiêm, chuối, hoặc táo…
Về bản chất thì cấu tạo cellulose là chuỗi tuyến tính của hàng trăm đến hàng nghìn đơn vị D-glucose liên kết với nhau thông qua vị trí β(1-4). Ờm, dễ hiểu hơn, để vi khuẩn tiêu thụ glucose và sinh ra sợi cellulose, chúng sẽ thực hiện các phản ứng sinh hóa ở trỏng, như mở vòng glucose thành aldehyde, sau đó gắn nhóm phosphate, UDP… để ghép nối các monomer glucose lại với nhau cho ra sợi biocellulose.
Nhưng nuôi giấm để lấy acetic và nuôi để lấy biocellulose thì khác nhau hoàn toàn. Nuôi giấm thì người ta sẽ phải cho thêm rượu đế để vi khuẩn oxy hóa cồn thành acetic acid. Còn để nuôi mà lấy biocellulose thì người ta không bỏ rượu, chỉ bỏ nước dừa và vi khuẩn mà thôi.
Thực tế thì ít ai biết công dụng thật sự của những cái tấm mà do con giấm sinh ra, để Cô kể tiếp cho mọi người nghe nó có ứng dụng như nào nhé!
4. Ứng dụng của sợi biocellulose do con giấm sinh ra
Bên y học nước ngoài, người ta sử dụng loại vật liệu Biocellulose này rất là phổ biến, chủ yếu là tập trung vào chuyện tăng tốc quá trình lành thương cho da, như là bỏng, rách da… Bởi bên trong loại sợi Bacterial Biocellulose có cấu trúc khá là thú vị!
4.1. Kích thước cực nhỏ
Đường kính khi chụp bằng kính hiển vi điện tử bề mặt (SEM), loại sợi này nó nhỏ chỉ từ 20 đến 100 nanomet.
Để dễ hình dung hơn, 1 sợi tóc nó đã có đường kính trung bình khoảng 74 micromet. Vậy tức là phải tới 740-3700 sợi biocellulose ghép lại thì mới to bằng 1 sợi tóc của con người.
Cũng chính vì vậy nên sợi biocellulose được ứng dụng vào làm mặt nạ hoặc làm chất mang để đưa dẫn hoạt chất chính đến đúng mục tiêu. Nano mà, muốn len lỏi vào đâu mà chả được.
Nếu như ứng dụng vào mặt nạ, thì Cô đã đắp 1 số loại mặt nạ làm từ vật liệu này rồi, từng sợi vải nó sẽ bám rất là chặt vào da. Khi tháo ra, vân da nó còn ịn lên trên miếng mặt nạ. Nếu như đắp cho đến khi mặt nạ khô gần như hoàn toàn, thì lúc lột ra sẽ thấy hiện tượng này, kéo theo đó là có thêm vài miếng da chết nữa đấy :)))
4.2. Đưa dẫn hoạt chất cực tốt
So với các loại mặt nạ được làm từ sợi cellulose thực vật, khi đắp, những loại mặt nạ đó rất là mau khô. Khi này, các hoạt chất sẽ không còn đường dẫn (là nước) để chui tọt vào da, lúc đó, hoạt chất còn mắc kẹt lại trong miếng mặt nạ, hoặc là ở những tầng trên cùng của da.
Nhưng với sợi bacterial biocellulose thì khác, nước sẽ được trú ngụ trong đó một cách lâu dài hơn và khó bị thất thoát ra khỏi mặt nạ biocellulose. Tạo điều kiện cho các hoạt chất ưa nước trong miếng mặt nạ có thể theo đường dẫn của nước để mà chui tọt vào da.
Lý giải cho điều này: Vì sợi biocellulose có kích thước nhỏ → Kích thước lỗ giữa các sợi tạo ra cũng sẽ nhỏ theo → Số lượng lỗ rất nhiều
→ Đủ để nước bị “kẹt” ở trong đó và ở lại lâu hơn. Miễn là khi có nước, các hoạt chất sẽ còn xuôi theo dòng nước để mà ịn vào trong da.
4.3. Độ tinh khiết cực cao
Sở dĩ mà vật liệu Biocellulose được sử dụng trong y tế, thì Cô nghĩ phần lớn là do ở khía cạnh về độ tinh khiết. Bởi vì sợi Biocellulose từ vi khuẩn sinh ra nó khá là clean, tức là gần như 100% là sợi cellulose thôi thì lại lành tính.
Còn với những loại mặt nạ khác được làm từ cellulose thực vật, nó còn chứa 1 lượng nhất định các tạp chất như lignin, pectin… Đây là những tạp chất góp phần làm giảm khả năng bám dính và đàn hồi (kiểu mặt nạ từ sợi thực vật có phần hơi cứng hơn), cũng như là tụi này không có khả năng giữ nước mạnh mẽ.
5. Độ dày của màng biocellulose được điều chỉnh như thế nào?
Nếu ai làm sản xuất Biocellulose, hay nuôi giấm thì sẽ để ý có miếng dày miếng mỏng. Vì sao lại như thế? Để ý kỹ những yếu tố này rồi thì Cô tin chắc là mọi người không chỉ thành công trong việc nuôi giấm thôi đâu, mà có khi còn thu hoạch thêm cả miếng Biocellulose để đem đi bán (hay xài tại nhà) để vọc, hay trưng nữa đó kkk.
Để làm ra được 1 miếng mặt nạ dày hay mỏng, người ta sẽ phải lưu ý 1 số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất khi lên men. Những yếu tố mà Cô sắp nói cũng giải thích tại sao có người lên men giấm thì thất bại, có người làm thì thành công.
Đầu tiên là HÀM LƯỢNG ĐƯỜNG, như Cô đã nói, nước dừa để làm thức ăn cho tụi vi khuẩn là 1 trong những nguồn nguyên liệu giàu đường Glucose và Fructose. Nếu như thay nước dừa thành những loại thực vật ít đường hơn, chắc chắn là lượng biocellulose sinh ra sẽ thấp.
Kế đến là độ pH của môi trường. Trong quá trình vi khuẩn tổng hợp sợi biocellulose, nó cũng sẽ sinh ra spham phụ là acetic acid, nếu như không loại bỏ sản phẩm phụ này đi, môi trường sống của vi khuẩn sẽ quá là acid, khiến cho hiệu suất tổng hợp biocellulose bị giảm. Cùng vì lẽ đó mà tại sao khi nuôi giấm, người ta thường xuyên phải lấy bớt acetic acid ra để cho tụi nó sinh sản tiếp.
Glucose —lên men—> Biocellulose + Acetic acid
Hay THẬM CHÍ LÀ NHIỆT ĐỘ, PHẢI DUY TRÌ NÓ Ở MỨC 25-30 OC THÌ CON VI KHUẨN ĐÓ MỚI SINH SẢN TỐT NHẤT. KỂ CẢ NỒNG ĐỘ OXY cũng phải đủ thoáng thì chúng mới lên men dễ dàng được, vì đây là tụi vi khuẩn hiếu khí.
Môi trường SẠCH SẼ là điều quan trọng nhất, chỉ cần tay dơ, vật dụng dơ mà chọt vào, vi khuẩn, nấm mốc khác sẽ cạnh tranh nguồn thức ăn và làm con giấm cái chết đi, mất cả chì lẫn chài…
Nhưng mà mỗi lần Cô đụng vào thùng giấm mẹ Cô nuôi, thì bà ấy cũng bảo, mấy đứa con gái có kinh nguyệt, tới tháng đừng có bao giờ đụng vô, kiêng kỵ lắm, đụng vào nó chết là xui lắm :))) Này là ở khía cạnh tâm linh thôi.
Đặc biệt là phải Ủ TRONG BÓNG TỐI. Cô nghĩ là do quang năng sẽ chuyển thành nhiệt năng, và khiến cho môi trường trở nên nóng hơn là nó mau ngủm. Nhưng kinh nghiệm nuôi mấy con này mà ông bà truyền lại cho Cô là vậy…
5. Kết luận
Nói chung, về vật liệu Bacterial Biocellulose thì Cô cũng đã đào rất sâu để mn có 1 cái nhìn tổng quan về nó. Và Cô cũng đã trải nghiệm 1 số loại mặt nạ biocellulose rồi, xài xong chỉ có dính cứng ngắc mà thôi :))) khó mà quay lại xài mấy loại mặt nạ từ sợi tencel thực vật lắm hihi.
Bản thân Cô thì thấy nó khá là hay, phải mất 1 tuần để Cô tìm kiếm tài liệu, và cả tháng ngồi ngẫm nghĩ thì mới có thể lên cho mn 1 cái bài viết chỉn chu như thế này.
Mong là mn có thể hiểu sâu hơn về loại vật liệu mới này nhá!
_______________
À, do Phong đang xây dựng thương hiệu cá nhân, có gì ông đi qua, bà đi lại, cho Phong xin 1 follow, xem như là động lực để tiếp tục chia sẻ những nội dung về mỹ phẩm mang tính chuyên môn hơn nhé!
Fanpage Cô Phong Hoá Cọc
TikTok Cô Phong Hoá Cọc
_______________
Bản quyền sở hữu thuộc Đinh Tùng Phong và Đồng Điệu.
Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Discussion