Hằng ngày, chúng ta sử dụng mỹ phẩm, bôi thoa nhiều hoạt chất, mục đích sau hết cũng là để duy trì vẻ đẹp cho làn da. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu các chị em chỉ dừng lại ở việc chăm dưỡng bên ngoài mà quên mất đầu tư cho sức khỏe làn da từ bên trong. 

Tiến sĩ Elizabeth Blackburn, người đoạt giải Nobel năm 2009 về sinh lý học, đã tổng kết các yếu tố sống thọ (sống vui, sống khỏe): Nếu bạn muốn sống thọ, chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các yếu tố khác 25%, trong khi cân bằng tâm lý chiếm 50%. Như vậy, hôm nay, xin mời các Đồng Điệu cùng tôi tìm hiểu về mối liên hệ giữ sức khỏe tinh thần với làn da, cũng như trao đổi một vài bí quyết mà chính tôi đã áp dụng cho bản thân và cho những khách hàng cần tham vấn tâm lý của mình. 

1. Sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể lý

Ngay từ khi thành lập, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa sức khỏe tâm thần vào định nghĩa về sức khỏe. Trong đó, sức khỏe là “trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không đơn thuần là không mắc các bệnh tật hay khiếm khuyết thể lí” (WHO 2001, tr.1). Nói riêng về sức khỏe tâm thần, WHO cho rằng đó là “trạng thái khỏe mạnh mà cá nhân nhận ra khả năng của chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có thể làm việc năng suất, hiệu quả, và có thể đóng góp cho cộng đồng của mình (WHO 2001a, tr.1).

Trong bài tóm tắt báo cáo Thúc đẩy sức khỏe tâm thần do WHO, Bộ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện phối hợp với Quỹ Thúc đẩy Sức khỏe Victoria và Đại học Melbourne thực hiện, mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể lý đã được nhấn mạnh thông qua một số nghiên cứu.

Ví dụ, kết quả của Khảo sát Sức khỏe Cộng đồng Thành phố New York (khảo sát qua điện thoại với 10.000 người dân New York, với sự đại diện từ 33 quận) cho thấy những người thường xuyên đau khổ sẽ có sức khỏe tổng quát kém gấp ba lần. Họ có tỷ lệ mắc nhiều bệnh mãn tính bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, béo phì, hen suyễn và tiểu đường với thói quen ít vận động, uống rượu say, hút thuốc và ăn chế độ ăn kém (Sở Y tế và Vệ sinh Tâm thần Thành phố New York 2003).

Và như các bạn đã biết, sắc thái của làn da chính là biểu hiện cho những vấn đề của bộ máy bên trong cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ được thể hiện bằng một gương mặt rạng rỡ, một nước da tươi tắn. Ngược lại cơ thể nhiều bệnh tật sẽ có biểu hiện bên ngoài bằng một gương mặt mệt mỏi và làn da nhợt nhạt. Từ đây, chúng ta tiếp tục tìm hiểu về sức khỏe tinh thần đối với làn da.

2. Tâm sinh tướng và những ảnh hưởng từ tinh thần đến làn da

Ông bà ta có câu: “Tâm sinh tướng” âu cũng bởi thân và tâm là một. Tâm mình thế nào, vui vẻ, hạnh phúc hay lo âu, tất cả sẽ được biểu hiện qua làn da và sắc mặt. 

Khi lo âu, phiền muộn, cơ thể sẽ tiết ra Cortisol và Adrenalin, làm tăng sản xuất dầu trên da, gây bít tắc lỗ chân lông và có thể gây mụn. Quan sát các khách hàng đến để tham vấn tâm lý, tôi nhận ra một đặc điểm chung đó là da họ có nhiều biểu hiện như mụn trứng cá, tàn nhang, nám, xỉn màu ... Lý do có thể đến từ việc bị căng thẳng tâm lý kéo dài.

Thứ nữa, lo âu cũng làm giảm lưu lượng máu đến da, từ đó giảm khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết. Điều này cản trở quá trình tái tạo da và phục hồi những tổn thương, khiến da trở nên xỉn màu và khô sạm.

Hơn hết, khi căng thẳng, nhiều người có xu hướng bỏ bê chế độ ăn uống, thiếu ngủ hoặc không chăm sóc da đúng cách, càng khiến da lão hóa nhanh hơn. Năm 2010, một nghiên cứu của Viện Karolinska (Thụy Điển) cho thấy giấc ngủ đầy đủ giúp cải thiện vẻ ngoài của làn da. Bởi trong khi ngủ, cơ thể sản xuất nhiều cytokine là các protein giúp điều tiết phản ứng miễn dịch và chống viêm. Còn những người thiếu ngủ da thường bị sạm, dễ lên mụn và làn da trông kém sức sống.

Nói đi cũng phải nói lại, nếu căng thẳng, lo âu là “kẻ thù” của làn da thì tâm trạng tích cực, lạc quan yêu đời sẽ trở thành “món đồ dưỡng da vô giá”. Năm 2013, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Da liễu Anh Quốc đã chỉ ra những người có tư duy tích cực và lạc quan thường có làn da sáng khỏe, đàn hồi và căng mướt hơn. Lí do là hormone estrogen và serotonin được cân bằng, giúp da giữ độ ẩm, giảm khô ráp và tăng sự mịn màng.

Khi ở trạng thái vui vẻ, bình an, hormone hạnh phúc Endorphin sẽ được sản sinh, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến da, cung cấp nhiều oxy và dưỡng chất giúp da rạng rỡ, hồng hào và đều màu hơn. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu cho thấy khi tâm trạng tốt, số lượng và hiệu quả hoạt động của tế bào bạch cầu sẽ tăng lên, đặc biệt là bạch cầu lympho giúp hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp da chống lại vi khuẩn gây mụn (như Propionibacterium acnes), đồng thời giảm tình trạng viêm và kích ứng. 

3. Tâm an phải luyện

Biết tâm an là quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta vẫn tự đánh mất sự bình thản, thư thái vì nhiều lí do trong cuộc sống. Để tìm lại trạng thái an nhiên, trước hết, ta cần học cách giữ cân bằng tâm lý và gia tăng chỉ số trí tuệ xúc cảm. Khi hiểu và điều hòa được cảm xúc của mình, an nhiên tự tại trước những chuyện bất như ý, ta mới có thể gia tăng bình an trong tâm hồn.

Bằng những hành động đơn giản, chúng ta dần học cách chuyển hóa cảm xúc: mỉm cười nhiều hơn, nhất là vào mỗi buổi sáng để tăng năng lượng tích cực cho cả ngày, nói lời cảm ơn, massage da mặt hoặc tập thiền từ 10-15p ... Một nghiên cứu của Viện Khoa học Y tế Ấn Độ năm 2018 đã chỉ ra thiền và yoga có thể giúp cải thiện da bằng cách giảm căng thẳng và tăng cường tuần hoàn máu.

Về dinh dưỡng, không nên ăn quá nhiều vào buổi sáng, thay vào đó hãy chọn những món ăn nhẹ nhàng, nếu có thể ăn chay sẽ giúp cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng và thanh sạch. Đặc biệt, nếu phụ nữ muốn da đẹp nên khởi động ngày mới bằng một cốc nước như nước lọc ấm, chanh mật ong ấm, ... 

Ngoài ra, hãy chú ý chất lượng giấc ngủ, buông những phiền muộn, áp lực và cảm xúc tiêu cực trước khi lên giường ngủ. Những cử chỉ đơn giản như ôm, trò chuyện nhẹ nhàng với người thân trước khi đi ngủ cũng tạo ra cảm giác bình yên và ấm áp. Với giấc ngủ ngon, cơ thể sẽ được phục hồi, hệ miễn dịch được củng cố, làn da cũng trở nên tươi tắn, rạng rỡ hơn sau khi thức dậy.