Ba ngày Tết bảy ngày xuân khép lại, mỗi chúng ta lại quay về với cuộc sống thường nhật, guồng công việc đầy ắp những hạng mục và deadline đang chờ giải quyết, cùng với đó là những hoài bão, mục tiêu cho năm mới.

Một tinh thần phấn chấn cùng phương pháp đặt mục tiêu hiệu quả sẽ là hành trang cần thiết để khởi động một năm mới nhiều năng lượng tích cực.

Thực trạng “nhớ Tết”

Sau một mùa Tết, khi quay trở lại với công việc hằng ngày, chúng ta thường cảm thấy uể oải, khó bắt nhịp. Đây là hiện tượng tâm lý rất đỗi bình thường, có thể gặp ở bất kì ai.

Tình trạng này ở mỗi người thường bắt nguồn từ những lý do khác nhau, tựu trung có thể quy thành nhóm các nguyên nhân như sau:

  1. Kì nghỉ dài với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vô tình khiến chúng ta xuất hiện tâm lý ái ngại khi nhắc đến công việc và những áp lực khi đi làm. Đặc biệt với những người có khối lượng công việc nhiều, áp lực tâm lý càng tăng, càng dễ cảm thấy nản khi quay trở lại với công việc.
  2. Nhịp sinh học có thể bị đảo lộn trong những ngày Tết do lịch sinh hoạt thay đổi, những chuyến du lịch nước ngoài, những cuộc hội họp về khuya với bạn bè chẳng hạn. Tất cả những thay đổi đó khiến cơ thể cần có thời gian thích nghi khi quay trở lại với cuộc sống thường nhật.
  3. Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý luyến tiếc. Đó là những trường hợp đi làm, đi học xa quê, hoặc những người yêu xa, một năm chỉ có thể đoàn viên vào dịp Tết. Sự hụt hẫng này phần nào khiến cho tâm trạng uể oải, chán chường sau Tết gia tăng.
  4. Một số người đi làm ngay ngày đầu năm đã phải đối diện với khối lượng công việc nhiều, deadline cũ chồng deadline mới dẫn đến tâm lý ngao ngán. Khi không thể hoàn thành tốt công việc, một tâm lý khác chính là tự ti, tự trách xuất hiện, cho rằng bản thân kém cỏi và tinh thần cũng vì thế càng uể oải hơn.
    Ngay ngày đầu năm, công việc của năm cũ, năm mới nhiều cũng dễ khiến nhân viên dễ nản, sợ việc … Các chủ doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, quản lý cần phải lưu ý để có sự phân công công việc hợp lý cho nhân viên dễ thích nghi, bắt nhịp hiệu quả với công việc.
Năm mới - Cách giữ tinh thần phơi phới

Giải bài toán “xốc lại” tinh thần

Để giữ tinh thần trở lại trạng thái phấn chấn, trước hết cần nhận thức rõ tâm trạng uể oải sau kỳ nghỉ dài là một điều bình thường về phương diện sinh học lẫn tâm lý. Vì thế, chúng ta không nên tự ti, mặc cảm hay chỉ trích bản thân.

Mặt khác, “giục tốc bất đạt”, cũng không nên vội vàng lao ngay vào công việc. Tập thể, cơ quan, ban lãnh đạo cần tâm lý tạo điều kiện cho người đi làm có một bước chuyển êm xuôi bằng các hoạt động gặp gỡ, giao lưu tăng tình đoàn kết đầu năm. Về phía cá nhân, nên chủ động sắp xếp và lên kế hoạch, để có thể dần bắt nhịp với cuộc sống thường nhật.

Tiếp đến, điều chỉnh nhịp ăn uống, sinh hoạt, thiết lập lại lịch trình sinh hoạt là điều quan trọng thay vì giữ mãi quan điểm “còn mùng là còn Tết”. Cụ thể, vào những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, nên có sự chuẩn bị để đưa lịch sinh hoạt về gần với nhịp sống bình thường, thực hành lại những thói quen thường nhật như đi ngủ sớm, đọc sách, xem báo, tập thể dục…

Việc trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên về công việc cũng sẽ tạo động lực, tăng tính kết nối giúp các vấn đề trong công việc được giải quyết tốt hơn. Điều này cũng khiến bạn cảm thấy không đơn độc khi giải bài toán “xốc lại” tinh thần, vì đây là tình trạng ai cũng sẽ gặp phải.

Năm mới - Cách giữ tinh thần phơi phới

Đặt mục tiêu năm mới và giữ năng lượng tích cực

Bên cạnh sức khỏe tinh thần, để khởi động năm mới tích cực và hiệu quả, còn phải kể đến câu chuyện mục tiêu. Việc đặt mục tiêu hợp lý và biết chia nhỏ mục tiêu sẽ giúp chúng ta không bị choáng ngợp trước khối lượng công việc.

Một trong những phương pháp thiết lập mục tiêu phổ biến chính là công thức S.M.A.R.T. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá một mục tiêu hợp lý:

  • S = Specific (Tính cụ thể)
  • M = Measurable (Tính đo lường)
  • A = Achievable (Khả năng thực hiện)
  • R = Relevant (Tính liên quan tới mục tiêu lâu dài/ mục tiêu lớn của cuộc đời)
  • T = Time (Giới hạn thời gian thực hiện)
Năm mới - Cách giữ tinh thần phơi phới

Nhìn chung, mục tiêu cần cụ thể, có thể hình dung được, có thể đo lường, có tính khả thi, liên quan đến những định hướng dài hạn và có thời gian thực hiện rõ ràng.

Xin gợi ý 1 mục tiêu quan trọng sẽ giúp bạn sống bình an, tràn đầy năng lượng mỗi ngày, đó là hãy sống tốt, sống thiện trong mọi ý nghĩ, hành động, hay ít nhất không gây hại cho mình cho người cho thiên nhiên!

Chúc các bạn 1 năm làm việc 2025 như ý vạn sự!