Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên aka. Kiên Sinh, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
Còn chưa đến 5 tiếng là giao thừa năm Ất Tỵ rồi, các Đồng Điệu có đang bị canh cánh nỗi lo rằng: “Ăn Tết nhiều sợ qua Tết phát tướng” chưa? Hehe nỗi niềm không của riêng ai :))) Cứ mỗi khi ăn Tết là Kiên lên tầm 1 - 2kg á :>Hay có thể sâu xa hơn, có thể mn sẽ tự hỏi rằng:
Tại sao cũng là bánh tét, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, miến gà, bánh kẹo, nước ngọt…, cùng một lượng đồ ăn xêm xêm đó, mà có người lại tăng thêm vài số đo vòng eo, người lại chả thấy gì?
Câu trả lời có thể liên quan đến tốc độ chuyển hoá của các bạn ấy. Hãy cùng Kiên đào sâu vấn đề nhen.
1. Bạn có chắc là lượng đồ ăn “xêm xêm” không?
Thật ra, cảm giác “ăn xêm xêm” so với người khác đôi khi chỉ là cảm nhận chủ quan. Bạn nghĩ là mình ăn không nhiều, nhưng thực tế thì sao? Trong dịp Tết, việc ăn uống thường không theo bữa cố định mà kéo dài suốt cả ngày, từ sáng tới tối, hết tiệc này lại đến mâm khác. Những món ăn vặt như bánh mứt, kẹo, hạt dưa, hạt bí - tuy nhỏ nhắn, dễ nhâm nhi - nhưng tích tiểu thành đại. Cứ nhón vài lần là lượng calo tăng vọt mà bạn chẳng hề để ý.
Ngoài ra, tâm lý "ăn thêm miếng cho vui" hay "ăn thêm tí nữa để cả nhà đỡ lãng phí" cũng là lý do khiến bạn nạp vào nhiều hơn bạn nghĩ. Thêm vào đó, trong các bữa tiệc ngày Tết, vừa ăn vừa trò chuyện hoặc uống cùng bạn bè, bạn có thể vô tình tiêu thụ quá mức mà không nhận ra.
Thực phẩm ngày Tết: Nhiều calo hơn bạn nghĩ
#Noted: Các con số Kiên đưa ra chỉ tính tham khảo và ước chừng chứ không hoàn toàn chính xác, tại không phải cái bánh chưng hay cây chả nào cũng giống nhau. Có cái thì nhiều mỡ hơn, có cái nhiều nạc hơn, nên áng chừng thôi nhen.
Các món ăn dịp Tết không chỉ đa dạng mà còn chứa lượng calo “khủng” hơn hẳn bữa ăn thường ngày. Đây có lẽ là “thiên đường” cho những ai muốn tăng cân, và lại là “địa ngục” cho những ai đang ăn trong chế độ :))) Dưới đây là vài ví dụ “không thể chối cãi”:
- Bánh chưng, bánh tét: Chỉ cần nhìn thành phần là biết: gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh - toàn những nguyên liệu giàu calo. Một miếng bánh chưng nhỏ xíu đã nạp vào khoảng 200-300 calo, mà ăn thì ít ai dừng lại ở một miếng. Thêm dưa hành, củ kiệu ăn kèm, bạn vô tình tiêu thụ thêm một lượng natri lớn, dễ gây tích nước và sinh thêm cảm giác thèm ăn..
- Mứt và kẹo Tết: Mứt trái cây, mứt dừa, hay kẹo ngọt nhìn có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế, mỗi miếng mứt nhỏ chứa cả đống đường, tầm 50-100 calo. Một ngày bạn nhấm nháp vài miếng, vài lần, là tổng lượng calo tăng nhanh chóng. Đường trong mứt không chỉ làm bạn tăng cân mà còn dễ tích mỡ hơn.
- Các loại hạt: Hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương tuy “heo-thì”, nhưng ăn nhiều vẫn gây mập. 100g hạt chứa hơn 500 calo - gần bằng một bữa ăn chính. Chưa kể, nhiều loại hạt được rang với muối hoặc gia vị, vừa làm bạn khát, vừa kích thích ăn uống tiếp.
- Đồ uống có cồn và nước ngọt: Tết mà, làm sao thiếu bia, rượu hay nước ngọt? Nhưng mỗi lon bia tầm 150 calo, mỗi ly rượu vang 125 calo, nước ngọt thì không ít hơn 140 calo một lon. Nếu bạn nâng ly liên tục trong vài bữa tiệc, lượng calo nạp vào từ đồ uống còn vượt cả bữa chính. Hơn nữa, rượu bia còn làm giảm gây stress các phủ tạng làm nhiệm vụ thải độc và giảm khả năng đốt mỡ của cơ thể, dễ làm bạn tích mỡ bụng hơn và kéo theo các nguy cơ sức khỏe dịp hậu Tết.
- Món chiên rán, nấu dầu mỡ: Nem rán, thịt kho, gà rán - những món siêu "đỉnh" trên mâm cơm ngày Tết - đều chứa nhiều chất béo. Ví dụ, chỉ một chiếc nem rán thôi cũng có khoảng 150-200 calo. Ăn vài cái là đã gần bằng một bữa ăn rồi. Chưa kể, dầu mỡ dùng để chiên rán cũng làm tăng thêm lượng calo đáng kể.
Nói giỡn rằng Tết là thiên đường cho những bạn muốn tăng cân thôi, chứ loại calo nạp vào dịp này cũng chả phải “heo-thì” gì lắm đâu, các bạn ốm ốm cũng đừng quá ỉ i mà ăn tẹt ga, nốc tẹt lon nhen :)))
2. Tốc độ trao đổi chất cơ bản (BMR) - Nền tảng của sự khác biệt
BMR - hay "trao đổi chất cơ bản" - chính là lượng calo mà cơ thể bạn tiêu thụ khi chẳng làm gì cả, chỉ nằm nghỉ ngơi, thở đều, tim đập, máu chảy, và cơ thể duy trì các chức năng sống. Đây là nền tảng để giải thích vì sao có người ăn nhiều vẫn chẳng mập, còn bạn ăn ít mà Tết nào cũng “lên ký” vù vù.
BMR có thể như tốc độ đốt năng lượng của “chiếc lò” cơ thể. Người có "lò" mạnh, hiệu quả, thì dù ăn bao nhiêu, năng lượng nạp vào cũng được đốt cháy nhanh chóng, khó mà tích mỡ. Còn nếu lò yếu, năng lượng tiêu hao ít hơn, nên dù ăn xêm xêm với người khác, lượng dư thừa dễ bị chuyển thành mỡ thừa, đặc biệt là sau những ngày ăn uống thả ga như Tết.
Dịp Tết, lượng calo nạp vào thường vượt xa nhu cầu cơ thể, nhưng lượng tiêu hao lại giảm vì bạn ít vận động hơn. Nếu BMR của bạn thấp, cơ thể không đủ khả năng đốt cháy năng lượng dư thừa, nên thức ăn sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành mỡ.
Hãy thử nghĩ xem: một miếng bánh chưng nhỏ đã khoảng 300 calo. Với người có BMR khoảng 1.400-1.800 calo/ngày (mức trung bình), chỉ cần ăn thêm vài món chính, nhấm nháp chút mứt, uống vài ly bia là bạn đã vượt xa lượng calo cơ thể cần. Nếu BMR thấp, lượng dư thừa này gần như chắc chắn sẽ “dọn nhà” đến vòng bụng, đùi, và cánh tay của bạn.
Vì sao BMR của mỗi người lại khác nhau?
- Khối lượng cơ bắp - yếu tố quyết định lớn: Cơ bắp chính là "máy đốt năng lượng" của cơ thể. Người có nhiều cơ bắp thì BMR cao hơn vì cơ bắp tiêu tốn nhiều calo hơn mô mỡ, ngay cả khi bạn đang nằm dài xem phim Tết. Điều này giải thích vì sao nam giới thường có BMR cao hơn nữ giới - cơ bắp của họ nhiều hơn. Tết đến, nếu bạn không tập luyện và ăn uống dư thừa, cơ thể sẽ tích mỡ nhanh hơn, nhất là khi tỷ lệ cơ bắp thấp. Nói cách khác, nếu bạn ít cơ, chiếc lò đốt của bạn "nhỏ", năng lượng thừa từ bánh chưng, thịt kho, bia rượu sẽ nhanh chóng biến thành mỡ tích tụ.
- Tuổi tác - càng lớn, BMR càng giảm: Khi còn trẻ, bạn có thể ăn uống thoải mái hơn mà không lo tăng cân nhờ BMR cao. Nhưng từ tuổi 30 trở đi, BMR bắt đầu giảm dần mỗi năm. Điều này có nghĩa là, khi bạn già đi, dù ăn lượng thức ăn như cũ, bạn dễ dàng tăng cân hơn. Vậy nên, nếu bạn thấy ngày xưa ăn uống Tết thoải mái chẳng sao mà giờ lại tăng cân nhanh, thì đây chính là lý do!
- Giới tính - đàn ông dễ "thoát tội" hơn: Nam giới thường có BMR cao hơn nữ giới vì tỷ lệ cơ bắp của họ lớn hơn. Nói cách khác, họ có “máy đốt năng lượng” tốt hơn. Vì vậy, trong khi bạn ngồi than thở rằng mình tăng ký sau mấy ngày Tết, thì các ông chồng, ông anh lại chẳng mập lên mấy dù ăn uống chẳng kém phần.
3. Hiệu ứng nhiệt của thức ăn (TEF) và Hoạt động thể chất - Lượng calo tiêu hao ngoài BMR
Tổng năng lượng cơ thể tiêu hao mỗi ngày không chỉ phụ thuộc vào trao đổi chất cơ bản (BMR) mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ hiệu ứng nhiệt của thức ăn (TEF) và mức độ hoạt động thể chất. Trong khi BMR chiếm khoảng 60-70% tổng năng lượng tiêu hao và mang tính ổn định, TEF và hoạt động thể chất lại linh hoạt và thay đổi theo chế độ ăn uống cũng như lối sống của mỗi cá nhân.
a. Hiệu ứng nhiệt của thức ăn (TEF): Chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến mức đốt cháy năng lượng như thế nào?
TEF là lượng năng lượng mà cơ thể cần để tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tuy chỉ chiếm khoảng 10% tổng năng lượng tiêu hao mỗi ngày, TEF đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ “hiệu quả” của chế độ ăn. Đáng chú ý, mỗi nhóm chất dinh dưỡng có TEF khác nhau:
- Protein (tức là các loại đạm) - Vua của TEF: Protein có hiệu ứng nhiệt cao nhất, từ 20-30% lượng calo từ protein được sử dụng để tiêu hóa và xử lý. Điều này có nghĩa là, nếu bạn ăn một miếng thịt gà chứa 100 calo, cơ thể sẽ tiêu tốn khoảng 20-30 calo chỉ để xử lý nó. Đây là lý do chế độ ăn giàu protein thường được khuyến khích trong quá trình giảm cân - không chỉ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn mà còn tăng mức đốt cháy năng lượng.
- Carbohydrate (tức là đường và tinh bột) - Nguồn năng lượng “dễ tiêu”: Carbohydrate có TEF thấp hơn, khoảng 5-10%. Các loại carb đơn giản như đường được tiêu hóa nhanh và ít tốn năng lượng hơn so với carb phức hợp như yến mạch hay khoai lang. Trong dịp Tết, các món như bánh chưng, bánh tét, mứt ngọt chứa lượng lớn carb đã được nấu chín, khiến năng lượng từ chúng dễ dàng được cơ thể hấp thụ và tích trữ hơn.
- Chất béo (tức là dầu mỡ) - “Nhẹ nhàng” nhưng tích trữ dễ dàng: Chất béo có TEF thấp nhất, chỉ khoảng 0-5%. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể tốn rất ít năng lượng để tiêu hóa chất béo, nhưng lại dễ dàng tích trữ nó thành mỡ thừa. Trong các món ăn ngày Tết như thịt kho, nem rán, hay các món chiên xào, chất béo thường chiếm phần lớn, góp phần đáng kể vào việc tăng cân nếu không kiểm soát.
b. Hoạt động thể chất: Yếu tố năng động và đa dạng nhất nhưng thường được bỏ qua nhất vào dịp Tết
Hoạt động thể chất là thành phần năng động nhất trong tổng năng lượng tiêu hao và chiếm khoảng 20-30% hoặc hơn, tùy thuộc vào mức độ vận động. Điều đặc biệt ở yếu tố này là sự khác biệt lớn giữa các cá nhân dựa trên lối sống và thói quen:
- Hoạt động hàng ngày (Non-Exercise Activity Thermogenesis - NEAT): Đây là năng lượng tiêu hao cho những hoạt động thường nhật như đi bộ, làm việc nhà, hay thậm chí cử động nhẹ như vung tay hoặc nhịp chân. Trong những ngày Tết, khi phần lớn thời gian được dành cho việc ăn uống, tụ tập gia đình và xem TV, mức độ NEAT thường giảm đáng kể, góp phần làm giảm tổng năng lượng tiêu hao.
- Hoạt động tập luyện (Exercise): Tập luyện là cách hiệu quả nhất để tăng lượng calo đốt cháy. Một buổi tập cường độ cao có thể đốt cháy từ vài trăm đến cả nghìn calo, tùy thuộc vào loại hình và thời gian vận động. Tuy nhiên, trong dịp Tết, nhiều người thường giảm tập luyện vì lịch trình bận rộn, khiến sự tiêu hao năng lượng từ hoạt động thể chất sụt giảm đáng kể.
- Hiệu ứng tăng tiêu hao sau vận động (EPOC): Sau các bài tập cường độ cao, cơ thể vẫn tiếp tục đốt cháy calo để phục hồi. Hiệu ứng này, được gọi là EPOC (Excess Post-Exercise Oxygen Consumption), có thể kéo dài nhiều giờ sau khi tập. Nếu duy trì thói quen tập luyện ngay cả trong những ngày Tết, bạn không chỉ bù đắp phần nào lượng calo nạp thừa mà còn giúp duy trì quá trình trao đổi chất.
4. Di truyền và di truyền học biểu sinh - Bản thiết kế và công tắc vận hành
a. Di truyền: "Bản thiết kế" quyết định nền tảng về cân nặng
Di truyền đóng vai trò như một "bản thiết kế" ban đầu, quy định nhiều đặc điểm sinh lý quan trọng liên quan đến cân nặng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gen như FTO - còn gọi là gen liên quan đến khối lượng mỡ và béo phì - có ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ thừa cân và béo phì. Những người mang biến thể nhất định của gen FTO thường có xu hướng cảm thấy đói nhiều hơn, ăn nhiều hơn và dễ tích trữ mỡ trong cơ thể.
Không chỉ dừng lại ở sự thèm ăn và quá trình chuyển hóa chất béo, gen còn ảnh hưởng đến phân bố mỡ trong cơ thể. Ví dụ, một số người có xu hướng tích mỡ ở bụng (dạng "mỡ nội tạng"), trong khi người khác lại tích ở đùi hay mông (dạng "mỡ dưới da"). Những đặc điểm này không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn quyết định nguy cơ mắc các bệnh liên quan như tiểu đường, tim mạch.Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng di truyền không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Ngay cả khi bạn được sinh ra với "bản thiết kế" di truyền dễ tăng cân, cách bạn sống, ăn uống và vận động có thể làm thay đổi đáng kể kết quả cuối cùng.
b. Biểu sinh: "Công tắc" điều chỉnh gen và ảnh hưởng từ môi trường
Di truyền học biểu sinh (epigenetic) mang đến một góc nhìn mới mẻ: gen không phải là định mệnh. Biểu sinh là các thay đổi trong cách gen được "bật" hoặc "tắt," mà không làm thay đổi trình tự DNA. Những "công tắc" này chịu ảnh hưởng lớn từ môi trường, chế độ ăn uống, mức độ vận động, và thậm chí cả stress.
Một ví dụ điển hình là chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ. Nếu mẹ ăn uống thiếu khoa học hoặc bị thiếu dinh dưỡng, cơ thể thai nhi có thể thay đổi cách các gen liên quan đến trao đổi chất hoạt động, khiến trẻ dễ tăng cân hoặc tích mỡ sau khi sinh. Thậm chí, những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ hiện tại mà còn có thể được truyền lại cho thế hệ sau. Điều này giải thích vì sao nguy cơ béo phì không chỉ do thói quen cá nhân mà còn chịu tác động từ "di sản biểu sinh" của gia đình.
c. Di truyền hay lối sống: Cái nào mới thực sự quyết định?
Di truyền và biểu sinh đều quan trọng, nhưng chúng không hoạt động trong một hệ khép kín. Chúng luôn tương tác với môi trường và lối sống. Ví dụ:
- Một người mang gen FTO có nguy cơ cao về béo phì nhưng vẫn có thể kiểm soát cân nặng nếu duy trì chế độ ăn giàu rau xanh, protein và ít chất béo xấu.
- Ngược lại, ngay cả người không có biến thể gen FTO cũng có thể tăng cân nếu ăn uống quá mức và ít vận động.
Điều này chứng minh rằng gen quyết định khả năng, còn lối sống quyết định thực tế.
Dịp Tết là thời điểm mà yếu tố di truyền và biểu sinh có thể được "kích hoạt." Nếu bạn có xu hướng di truyền dễ tăng cân, việc ăn uống không kiểm soát trong ngày Tết - với các món ăn giàu tinh bột, chất béo và đường - sẽ nhanh chóng khiến cơ thể tích mỡ. Nhưng nếu bạn điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế các món chiên xào và tăng cường vận động, bạn có thể "làm dịu" ảnh hưởng của di truyền.
Ngoài ra, các thói quen ăn uống lành mạnh trong dịp Tết không chỉ giúp bạn giữ dáng mà còn có tác động biểu sinh tích cực, tạo ra nền tảng sức khỏe tốt cho các thế hệ sau.
5. Hệ vi sinh vật đường ruột - "Cơ quan" ẩn ảnh hưởng đến cân nặng
Hệ vi sinh vật đường ruột, một cộng đồng vi sinh vật đa dạng sống trong ruột, ngày càng được công nhận là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cân nặng. Các nghiên cứu cho thấy rằng thành phần và chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột có thể khác nhau giữa người gầy và người béo phì.
Một số loại vi khuẩn có khả năng chiết xuất năng lượng từ thức ăn hiệu quả hơn, dẫn đến việc hấp thụ nhiều calo hơn từ cùng một lượng thức ăn. Hơn nữa, vi khuẩn đường ruột sản xuất ra các chất chuyển hóa như acid béo chuỗi ngắn (SCFAs) có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, chuyển hóa chất béo và thậm chí là quá trình viêm, tất cả đều liên quan đến cân nặng.
Hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể tương tác với hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh sự thèm ăn như leptin và ghrelin. Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột (dysbiosis) có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.
6. Hormone - Những sứ giả hóa học điều chỉnh sự thèm ăn và trao đổi chất
Bên cạnh đó, các yếu tố hormone cũng đóng vai trò như những "sứ giả hóa học" điều phối các quá trình sinh lý phức tạp liên quan đến điều hoà cân nặng, không chỉ ở mỗi lúc Tết đến Xuân về.
- Leptin, được sản xuất bởi tế bào mỡ, có nhiệm vụ báo hiệu cho não bộ về lượng mỡ dự trữ, ức chế sự thèm ăn và tăng cường trao đổi chất. Tuy nhiên, ở người béo phì, tình trạng kháng leptin có thể xảy ra, khiến não bộ không nhận được tín hiệu no đủ, dẫn đến cảm giác đói liên tục.
- Ngược lại, ghrelin, được sản xuất bởi dạ dày, kích thích sự thèm ăn và thường tăng cao trước bữa ăn.
- Insulin, hormone điều chỉnh lượng đường trong máu, cũng đóng vai trò quan trọng. Kháng insulin, tình trạng cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin, có thể dẫn đến tăng cân và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
- Cortisol - hormone stress, khi tăng cao kéo dài có thể thúc đẩy tích trữ mỡ bụng và kích thích cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thức ăn giàu calo.
- Cuối cùng, hormone tuyến giáp điều chỉnh BMR, và bệnh suy giáp có thể làm giảm BMR, dẫn đến nguy cơ tăng cân.
7. Những giải pháp khoa học và thực tế
Dông dài nãy giờ quá trời rồi, Kiên xin phép tổng hợp thành các gạch đầu dòng để các Đồng Điệu dễ nắm nè:
a. Ăn uống thông minh
- Ưu tiên thực phẩm giàu protein (thịt nạc, trứng, đậu phụ) và rau xanh để tăng cảm giác no và tiêu hao nhiều calo hơn.
- Hạn chế đồ ngọt, chiên rán, mỡ và tinh bột dễ hấp thụ.
- Chia nhỏ bữa ăn, ăn chậm và sử dụng đĩa nhỏ để kiểm soát khẩu phần.
b. Duy trì vận động
- Tăng cường hoạt động nhẹ nhàng như dọn dẹp, đi bộ, hoặc chúc Tết để tiêu hao năng lượng.
- Đi bộ 10-15 phút sau bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa và tránh tích mỡ.
- Dành 15-20 phút mỗi ngày tập các bài nhẹ như yoga hoặc squat.
c. Quản lý hormone
- Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cân bằng leptin (no) và ghrelin (đói).
- Tránh stress bằng cách thư giãn với thiền, nghe nhạc hoặc hít thở sâu để giảm cortisol - hormone thúc đẩy thèm ăn.
d. Điều chỉnh đồ uống
- Hạn chế bia, rượu và nước ngọt, thay bằng nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường.
- Uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày) để giảm cảm giác đói và hỗ trợ trao đổi chất.
e. Linh hoạt và lắng nghe cơ thể
- Chọn thực phẩm phù hợp với cơ địa: người dễ tăng cân nên ăn ít đường, nhiều chất xơ và protein.
- Thưởng thức món yêu thích một cách vừa phải, tránh ăn uống quá đà.
8. Tạm kết
Như vậy, sự khác biệt về cân nặng giữa các cá nhân, dù cùng một lượng đồ ăn và chế độ ăn, là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố. BMR, TEF, hoạt động thể chất, di truyền, di truyền học biểu sinh, hệ vi sinh vật đường ruột và hormone, tất cả đều góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh hơn.
Nói đi cũng phải nói lại: Tết là dịp để tận hưởng, vì vậy đừng quá áp lực về việc kiểm soát cân nặng. Hãy đặt mục tiêu duy trì cân nặng thay vì giảm cân trong những ngày này. Một vài món ăn yêu thích cũng không sao, miễn là bạn biết dừng lại đúng lúc.
Kiểm soát cân nặng dịp Tết không chỉ là việc giảm calo mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa chế độ ăn uống thông minh, vận động hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh. Với những giải pháp khoa học nhưng thực tế này, bạn có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui Tết mà vẫn giữ được vóc dáng và sức khỏe ổn định. Hãy biến Tết trở thành khoảng thời gian không chỉ vui vẻ mà còn đầy ý nghĩa cho cơ thể và tinh thần!
Chúc các Đồng Điệu một Tết Ất Tỵ 2025 thật vui, thật đủ đầy và thật hạnh phúc nhen.
__________________________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên, Kiên Sinh và group Đồng Điệu (Sống đơn thuần - Đẹp đơn giản). Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion