1. Formulation chemist – Điều chế công thức
Công việc nhiều người nghĩ đến nhất về R&D mỹ phẩm chính là điều chế công thức. Sau khi bên Marketing hoặc khách hàng đặt hàng sản phẩm với một concept nào đó, formulator là những người chọn nguyên liệu và lên công thức phù hợp với tiêu chí sản phẩm và giá thành đề ra. Ngoài ra, họ phải cân chỉnh độ nhớt, pH và kiểm tra độ ổn định để đảm bảo sản phẩm không tách lớp, không đổi màu sắc hay mùi hương trong suốt hạn sử dụng ghi trên bao bì. Quá trình này đòi hỏi formulator làm nhiều mẻ trong lab, đưa mẫu thử cho bên đặt hàng một hoặc nhiều lần, cho đến khi chọn được công thức ưng í nhất mà bên đặt hàng duyệt.
2. Fragrance design – Nghiên cứu hương liệu
Mùi hương của sản phẩm là một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng tới quyết đinh của người tiêu dùng có mua một sản phẩm hay không. Chính vì thế, việc chọn mùi hương phù hợp với tiêu chí và concept của sản phẩm vô cùng quan trọng. Một loại hương liệu có thể có đến hơn 100 thành phần và thường là một nguyên liệu bí mật, chỉ được liệt kê bằng từ “Fragrance” / “Perfume” trên bao bì sản phẩm. Fragrance house là các công ty chuyên nghiên cứu hương liệu và thiết kế hương liệu theo yêu cầu của khách hàng.
3. Microbiologist – Kiểm định vi sinh
Mỹ phẩm là những sản phẩm được sử dụng trực tiếp lên da và tóc, chính vì thế độ an toàn của sản phẩm là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Kiểm nghiệm vi sinh, nấm, mốc ở nhiều nhiệt độ và điều kiện khác nhau là những kiểm tra bắt buộc để đảm bảo sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
Claims testing – Đánh giá công dụng sản phẩm
Mỗi câu từ trên bao bì hoặc website về thành phần và công dụng của một sản phẩm được gọi là “Claims”. Có những claims đơn giản như “dưỡng ẩm”, “sulfate free” hay “silicone free” có thể được chứng minh dễ dàng bằng bảng thành phần của sản phẩm. Tuy nhiên, có những claims định tính như “giúp tóc chắc khỏe gấp 2 lần” hay “cấp ẩm cho da trong suốt 24h”. Để ghi được những claims như vậy trên bao bì sản phẩm, các hãng phải có kết quả thí nghiệm in vitro hoặc thử nghiệm lâm sàng để chứng minh. Claims testing là đội ngũ thiết kế những thí nghiệm như vậy để đánh giá công dụng của sản phẩm.
5. Process engineer – Kỹ sư quy trình
Sau khi formulator đã lên công thức và sản xuất những mẻ nhỏ trong lab thành công, process engineer sẽ là những người chuẩn hóa quy trình sản xuất ở mức lớn hơn trong các pilot plant (phòng sản xuất) và factory (nhà máy). Sản xuất mẻ lớn sẽ rất khác khi sản xuất mẻ nhỏ. Làm thế nào để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu thời gian sản xuất một mẻ để tăng năng suất sản xuất của nhà máy là những câu hỏi kỹ sư quy trình phải trả lời.
6. Packaging engineer – Kỹ sư bao bì
Bao bì không chỉ quyết định độ đẹp và nổi bật của một sản phẩm trên kệ hàng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm đó. Lấy ví dụ một chai dầu gội: độ nhớt và rheology profile của sản phẩm đấy như thế nào? Nên dùng lọ dốc ngược hay có vòi ấn? Nên dùng bao bì chất liệu gì để sản phẩm được cất giữ an toàn, không rò rỉ trong suốt quá trình vận chuyển và sử dụng? Sản phẩm có thành phần nào phản ứng với tia UV hay không? Kỹ sư bao bì phải nắm bắt nhưng thông tin này từ formulator, làm những thí nghiệm để kiểm tra và lựa chọn bao bì phù hợp.
Hóa mỹ phẩm là một ngành khoa học tổng hợp gồm kiến thức từ rất nhiều ngành nghề, vì thế bạn có thể chọn học những ngành như hóa học, sinh học, vi sinh học hay kỹ sư hóa ở bậc cử nhân cho những vị trí kể trên. Trong post tiếp theo, mình sẽ chia sẻ thêm về những công việc đòi hỏi bằng cao học trong các công ty mỹ phẩm.
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của TS. Trang Vũ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion