Đây là những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao, vì vậy các công ty tuyển dụng thường là những công ty lớn có ngân sách R&D dồi dào. Nếu chỉ có bằng cử nhân và có từ 0-3 năm kinh nghiệm, bạn vẫn có thể ứng tuyển vào các vị trí này với title Associate Scientist. Khi có 3-5 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học, title sẽ là Scientist hoặc Senior Scientist. Tùy công ty mà title sẽ hơi khác nhau một chút.
Đọc thêm về phần 1 tại đây.
1. Biologist – Nhà sinh học
Ngoài hóa học, kiến thức sinh học về da cũng được nghiên cứu chuyên sâu ở các công ty lớn. Biologist là những người thiết kế những thí nghiệm về da bằng cách nuôi cấy tế bào trong lab hoặc thực hiện các thí nghiệm lâm sàng để hiểu sâu hơn về người tiêu dùng hoặc độ hiệu quả của sản phẩm. Lấy một ví dụ, có những biomarker nào được biểu hiện khi da bị kích ứng? Từ đó, có thể đo độ tăng/giảm của những biomarker đấy để đánh giá hiệu quá khả năng chống viêm của một sản phẩm.
2. Technical Marketing – Marketing kỹ thuật
Bạn có bao giờ tự hỏi làm thế nào để người tiêu dùng hiểu được những kiến thức hàn lâm trong khoa học mỹ phẩm? Có một vị trí sinh ra để làm đúng điều đấy. Technical Marketing là cầu nối giữa R&D và Marketing để giải thích những kiến thức chuyên môn bằng ngôn ngữ dễ hiểu gần gũi với người tiêu dùng. Ngoài ra, họ cũng phải nắm bắt những nguyên liệu và công nghệ mới từ các báo cáo khoa học và hội thảo quốc tế để sáng tạo ý tưởng cho dự án mới.
3. Analytical Chemist – Hóa phân tích
Đây là bộ phận dùng hóa phân tích để test và đánh giá sản phẩm. Ngoài ra, khi có vấn đề phát sinh trong công đoạn nghiên cứu và sản xuất như mỹ phẩm tách lớp, bao bi bị gỉ, nguyên liệu có tạp chất không an toàn, họ sẽ dùng các loại máy khác nhau để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết vấn đề. Đây chắc là bộ phận có nhiều tiến sỹ nhất vì mỗi người sẽ là chuyên gia về loại máy của họ. Các loại máy hay dùng là Rheometer, SEM, FT-IR, DSC, NMR, HPLC v..v..
4. Computational Chemist – Hóa tính toán
Trong thời đại 4.0 khi công nghệ ngày một phát triển, việc ứng dụng khoa học máy tính gồm machine learning và data science vào quá trình R&D là vô cùng cần thiết để rút ngắn thời gian nghiên cứu và tăng hiệu suất làm việc. Computation chemist sẽ phát triển những mô hình tính toán cho các hệ phức tạp từ mô hình sinh học cùa da tới công thức sản phẩm tới độ ổn định của các mẫu thử. Computation Chemistry là sự giao thoa giữa khoa học máy tính và hóa học.
5. Technology development – Nghiên cứu khoa học công nghệ
Bật mí đây là công việc hiện tại của mình. Mình nghiên cứu những nguyên liệu và hoạt chất mới để đưa vào công thức sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty. Technology development sẽ tìm những nguyên liệu mới, thiết kế thí nghiệm để tìm ra công nghệ ưu việt nhất, và khi thành công, họ sẽ đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ đó. Ví dụ như một sản phẩm làm trắng da, ai cũng có thể dùng Niacinamide trong công thức của họ, nhưng công ty A lại có một công nghệ Niacinamide độc quyền. Khi đó, chỉ có công ty A được sử dụng công nghệ đó và sản phẩm của họ cũng trở nên đặc biệt hơn.
Phần 2 cũng khép lại series những vị trí mình cho là tiêu biếu trong R&D mỹ phẩm ở Mỹ. Nếu bạn nào có thắc mắc gì về bất cứ vị trí nào trong cả phần 1 và 2 thì hãy để lại comment. Ngoài ra, các bạn muốn mình chia sẻ gì thêm về việc học hóa mỹ phẩm hoặc tìm việc trong ngành này thì cứ gợi ý để mình viết trong những post tiếp theo.
_______________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của TS. Trang Vũ và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào.
Discussion