Xin chào các anh chị em Đồng Điệu,
Mình tên là Lê Duy Kiên, tốt nghiệp Cử nhân ngành CNSH (hệ Chất lượng cao) thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Hôm nay Kiên lại tiếp tục lên đây chém gió cùng cả nhà, mong những kiến thức này hữu ích cho ae Đồng Điệu.
“Uống vitamin C nhiều coi chừng sỏi thận”
“Uống nước cam buổi tối, dư C là hại thận lắm đó”
Mấy câu này chắc mọi người cũng nghe đến mòn tai rồi nhỉ? Mà Kiên thì lại là đứa hay tò mò, cứ nghe gì cũng phải hỏi lại “Thật hông ta?”. Thế là Đồng Điệu lại có topic để tám rồi đây :)))
Hôm nay, hãy cùng Kiên và Đồng Điệu “bóc phốt” sự thật về vitamin C nhé. Biết đâu sau buổi hôm nay, chúng ta lại có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe tốt hơn thì sao?
1. Vitamin C có liên hệ gì với sỏi thận?
Sỏi thận là sự hình thành của các tinh thể cứng trong thận do sự kết tủa của các chất khoáng và muối có trong nước tiểu. Sỏi thận phổ biến nhất là sỏi canxi oxalate, nhưng sỏi cũng có thể được hình thành từ calcium phosphate, uric acid, và cystine. Trong đó, sỏi calcium oxalate là loại sỏi phổ biến nhất, chiếm khoảng 70 – 80% các trường hợp sỏi thận.
Các điều kiện hình thành sỏi oxalate:
-
Nồng độ oxalate trong nước tiểu cao.
-
Nồng độ calcium trong nước tiểu cao: Calcium trong nước tiểu có thể kết hợp với oxalate để tạo thành sỏi calcium oxalate. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi uống không đủ nước, khiến nước tiểu trở nên đậm đặc.
-
pH nước tiểu thấp: Môi trường acid trong nước tiểu (pH thấp) làm giảm độ hòa tan của oxalate, khiến cho chúng dễ kết tinh hơn.
-
Giảm bài tiết citrate: Citrate là một chất chống kết tinh trong nước tiểu, giúp ngăn chặn quá trình hình thành sỏi. Khi cơ thể tiết ra ít citrate, nguy cơ hình thành sỏi tăng lên.
Ở phe ủng hộ quan điểm “vitamin C gây sỏi thận”, họ sẽ nói gì? Khi nạp vào cơ thể, vitamin C (ascorbic acid) tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng, bao gồm tổng hợp collagen, chống oxy hóa, và hấp thụ sắt.
Vitamin C trong hệ tuần hoàn trải qua quá trình thoái hoá tuần tự:
-
Sản phẩm trung gian tạo thành sau khi mất electron đầu tiên là ion ascorbate, một dạng gốc tự do. Tuy nhiên, gốc ascorbate này thể hiện tính ổn định và ít phản ứng hơn so với các gốc tự do khác.
-
Quá trình mất electron thứ hai tạo nên sản phẩm oxy hóa thứ hai là dehydroascorbic acid (DHA).
-
DHA có khả năng chuyển hóa thành diketogulonic acid mạch hở, một hợp chất không bền. Quá trình phân hủy diketogulonic acid cuối cùng tạo ra oxalate kém tan – nguyên nhân chính của sỏi thận.
Do đó, có thể từ đó suy ra rằng mối tương quan giữa lượng vitamin C nạp vào và khả năng sỏi thận là mối tương quan tỉ lệ thuận. Túc là nếu một người tiêu thụ lượng vitamin C càng lớn, nồng độ oxalic acid trong nước tiểu có thể sẽ càng tăng, dẫn đến nguy cơ tăng nguy cơ kết tủa và tăng sỏi thận.
Oxalic acid không được tái hấp thu hoàn toàn trong thận, do đó, nó có xu hướng tập trung trong nước tiểu. Nồng độ oxalic acid trong nước tiểu bình thường dao động từ 10 – 30 mg/ ngày, nhưng khi tăng lên đến 45 mg/ ngày, nguy cơ hình thành sỏi thận bắt đầu tăng lên đáng kể.
2. Phản đề: Quan điểm “vitamin C gây sỏi thận” còn có những sơ hở gì?
Hãy nhớ rằng: Sỏi oxalate có thành phần là calcium và oxalate, thế nên nói vitamin C liên quan trực tiếp đến sỏi thận là hơi “nhảy cóc”! Mặc dù vitamin C có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận trong một số điều kiện nhất định, tuy nhiên, nguy cơ này không phổ quát và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, quan điểm “vitamin C gây sỏi thận” còn nhiều sơ hở và cần được đánh giá trong bối cảnh tổng thể hơn về sức khỏe và lối sống của từng cá nhân.
Một trung tâm y tế cũng có nêu ra một luận điểm khác phản đối quan điểm “vitamin C gây sỏi thận” là: Nếu vitamin C thực sự gây sỏi thận, việc hình thành sỏi thận có thể sẽ trở thành một “đại dịch” ở thế giới động vật, do động vật ăn cỏ có thể tự sản xuất vitamin C. Việc không có tình huống như vậy, cũng như tỷ lệ mắc sỏi thận thấp mặc dù đã tiêm tĩnh mạch vitamin C cho bệnh nhân của họ trong hơn 20 năm, là cơ sở để trung tâm y tế đó bác bỏ lý thuyết này.
Tỷ lệ chuyển hóa vitamin C thành oxalate trong cơ thể người là một thông số được quan tâm đặc biệt khi đánh giá nguy cơ hình thành sỏi thận từ việc bổ sung vitamin C. Tỷ lệ này có thể thay đổi phụ thuộc vào liều lượng vitamin C bổ sung, cơ địa cá nhân, và các yếu tố môi trường khác. Thông thường, tỷ lệ chuyển hóa này thường được ước tính là khoảng 1 – 3%, có nghĩa là chỉ một phần rất nhỏ vitamin C được chuyển hóa thành oxalate thôi.
Những điểm còn sơ hở có thể được tổng hợp dưới đây:
-
Liều lượng và cơ địa cá nhân: Không phải mọi người đều có nguy cơ sỏi thận khi sử dụng vitamin C. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ chỉ gia tăng đáng kể khi sử dụng vitamin C liều rất cao (trên 2000mg/ ngày) hoặc ở những người có cơ địa dễ mắc sỏi thận. Cụ thể, khi tiêu thụ liều cao vitamin C (thường từ 1,000 mg/ngày trở lên), tỷ lệ chuyển hóa thành oxalate có thể tăng lên. Mặt khác, khi bổ sung 2000 mg vitamin C/ngày (gấp hơn 20 lần liều khuyến nghị), lượng oxalate trong nước tiểu có thể tăng thêm 40 – 50% (là từ 1 – 3% tăng lên 1,5 – 4,5%) so với bình thường. Tuy nhiên, ngay cả ở mức này, tổng lượng oxalate vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng lượng vitamin C tiêu thụ. Các nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng vitamin C với nguy cơ sỏi thận ở liều lượng thông thường.
-
Mức độ chuyển hóa thành oxalate: Quá trình chuyển hóa vitamin C thành oxalate không đồng đều ở tất cả mọi người. Các yếu tố như di truyền, chức năng thận, và chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến mức độ chuyển hóa này, khiến nguy cơ hình thành sỏi thận không phải là yếu tố phổ biến ở tất cả mọi người.
-
Bằng chứng mâu thuẫn: Có sự mâu thuẫn trong kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa vitamin C và sỏi thận. Một số nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu khác lại không thấy nguy cơ này, thậm chí có nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin C có thể có vai trò bảo vệ thận thông qua cơ chế chống oxy hóa.
-
Vai trò của các yếu tố bảo vệ: Quan điểm này thường bỏ qua vai trò của các chất chống kết tinh tự nhiên trong cơ thể, chẳng hạn như citrate. Citrate trong nước tiểu có khả năng ức chế sự kết tinh của oxalate và calci, giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Việc tập trung quá mức vào vitamin C mà không cân nhắc các yếu tố bảo vệ này có thể dẫn đến nhận định sai lệch.
3. Sỏi thận còn có thể đến từ đâu nữa?
Như Kiên đã nhấn mạnh ở trên, vitamin C không phải là nguyên nhân trực tiếp gây sỏi, mà chính là oxalate. Miễn lượng oxalate tạo ra thấp, nồng độ oxalate trong nước tiểu không quá cao, thận của bạn khoẻ mạnh như người bình thường thì sỏi thận vitamin C sẽ không đáng để lo ngại.
Vậy những yếu tố thực sự cần để tâm, do có thể gây tăng oxalate niệu, cũng như tăng nguy cơ gây sỏi có thể là gì?
-
Thực phẩm giàu oxalate: Các thực phẩm giàu oxalate bao gồm rau bina (spinach), củ cải đường (beet), sô cô la, hạt dẻ cười, và một số loại hạt. Lượng oxalate trong các thực phẩm này có thể đóng góp đáng kể vào lượng oxalate trong nước tiểu. VD: rau bina chứa khoảng 750 mg oxalate trên mỗi 100g, trong khi sôcôla chứa khoảng 80 mg oxalate trên mỗi 100g. Điều này cho thấy rằng oxalate từ thực phẩm có thể đóng góp một phần quan trọng vào việc hình thành sỏi thận, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác như tiêu thụ không đủ nước hoặc ăn ít calci.
-
Protein động vật: Chế độ ăn giàu protein động vật, đặc biệt là thịt đỏ, cá, và gia cầm, có thể làm tăng sản xuất axit uric và giảm pH nước tiểu, dẫn đến sự hình thành sỏi uric acid (một loại sỏi khác và có liên hệ với bệnh gout). Bởi vậy mới thấy mấy người sỏi thận là hay được khuyên bớt đi nhậu lắm, vì mồi nhậu toàn là mấy món giàu đạm, và nạp cồn vào người sẽ gây tăng thải nước qua đường tiểu, khiến nước tiểu bị “cô đặc” lại.
-
Calcium: Mặc dù calci đóng vai trò chính trong sự hình thành sỏi calcium oxalate, nhưng việc hấp thụ calci từ thực phẩm thực tế có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Điều này là do calci trong chế độ ăn có thể kết hợp với oxalate trong ruột, làm giảm sự hấp thụ oxalate vào máu. Tuy nhiên, việc bổ sung canxi dạng viên uống có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận nếu không được cân bằng với lượng nước uống đủ.
-
Mất nước: Uống không đủ nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra sỏi thận, vì nó làm tăng nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết tinh và hình thành sỏi. Mất nước là một yếu tố nguy cơ quan trọng mà mọi người rất dễ bỏ qua nhất và có thể dễ dàng kiểm soát nhất để giảm nguy cơ mắc sỏi thận.
-
Tiền sử gia đình và các bệnh di truyền liên quan đến thận: Một số người có yếu tố di truyền làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Ví dụ, đột biến gây tăng oxalate niệu nguyên phát (primary hyperoxaluria) là một rối loạn di truyền dẫn đến sản xuất quá mức oxalate. Các rối loạn chuyển hóa như tăng calci niệu, tăng uric acid niệu, và giảm citrate niệu đều có thể góp phần vào việc hình thành sỏi thận. Những rối loạn này làm tăng nồng độ của các chất hòa tan trong nước tiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết tủa và hình thành sỏi.
-
Những bất thường trong hấp thu ở ruột và các bệnh lý khác: Những người có vấn đề về hấp thu mỡ (như ở những người bị bệnh Celiac hoặc hội chứng ruột ngắn) có thể hấp thu nhiều oxalate hơn qua ruột, do acid béo cạnh tranh liên kết với calci trong ruột thay vì oxalate. Điều này dẫn đến tăng nồng độ oxalate được hấp thu vào máu và trong nước tiểu. Những người mắc bệnh thận mãn tính, tiểu đường, hoặc các bệnh lý về hệ tiêu hóa cũng có nguy cơ cao hơn trong việc hình thành sỏi thận do oxalate.
4. Nếu bạn vẫn còn sợ: Kế hoạch bổ sung C an toàn và hạn chế sỏi thận
Nếu các Đồng Điệu vẫn còn sợ việc bổ sung vitamin C gây sỏi thận, hoặc cơ địa các bạn có vấn đề về thận và có tiền sử sỏi thận, hãy thử áp dụng những cách dưới đây để giảm thiểu nguy cơ hết mức có thể nhé.
1. Duy trì liều lượng hợp lý:
-
Liều lượng khuyến nghị: Đối với người trưởng thành, liều lượng khuyến nghị hàng ngày của vitamin C là 65 – 90 mg, tối đa không vượt quá 2000mg/ngày. Việc bổ sung trong ngưỡng này giúp đảm bảo cơ thể nhận đủ lượng vitamin C cần thiết mà không làm tăng đáng kể nguy cơ chuyển hóa thành oxalate.
-
Tránh dùng liều cao lâu dài: Nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng vitamin C liều cao (> 2.000 mg/ngày) trong thời gian dài có thể làm tăng nồng độ oxalate trong nước tiểu, dẫn đến nguy cơ sỏi thận. Để giảm thiểu nguy cơ, tránh bổ sung liều cao liên tục và nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần bổ sung liều cao.
-
Chia nhỏ liều dùng: Nếu bạn đang bệnh và cần phải bổ sung vitamin C liều cao, thay vì uống một lúc 500mg vitamin C, hãy cân nhắc việc chia nhỏ thành nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần khoảng <100mg để không quá gây áp lực cho thận và hạn chế nguy cơ tích sỏi.
2. Uống đủ nước:
-
Tăng lượng nước uống: Uống đủ nước giúp pha loãng nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu, giảm nguy cơ kết tinh oxalate với canxi, từ đó ngăn ngừa sỏi thận. Nên uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày, đặc biệt khi bổ sung vitamin C.
-
Điều chỉnh lượng nước theo liều vitamin C: Khi bổ sung liều cao vitamin C, tăng cường lượng nước uống sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tích tụ oxalate trong thận. Thường mỗi khi Kiên uống vitamin C là trong vòng một tiếng sau đó, Kiên sẽ ráng bổ sung nhiều nước để bù trừ.
3. Kết hợp với chế độ ăn giàu calcium:
-
Calci trong chế độ ăn: Bổ sung canxi thông qua thực phẩm như sữa, phô mai, và rau xanh có thể giúp liên kết oxalate trong ruột, giảm lượng oxalate hấp thụ vào máu và bài tiết qua nước tiểu, từ đó giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.
-
Tránh bổ sung calci dạng viên: Trong khi canxi từ thực phẩm có lợi, việc bổ sung calci dạng viên có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận nếu không kết hợp với lượng nước đủ.
4. Sử dụng chất ức chế kết tinh:
-
Bổ sung citrate: Citrate có thể ngăn chặn sự kết tinh của canxi oxalate bằng cách tạo thành hợp chất calcium citrate hòa tan. Citrate có thể được bổ sung qua thực phẩm như chanh, cam hoặc dưới dạng kali citrate.
-
Chế độ ăn giàu magie: Magie cũng giúp ức chế sự kết tinh oxalate và giảm nguy cơ sỏi thận. Thực phẩm giàu magie bao gồm hạnh nhân, hạt bí, và rau xanh.
5. Theo dõi và kiểm soát yếu tố nguy cơ:
-
Kiểm tra định kỳ: Những người có tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ cao nên kiểm tra định kỳ pH nước tiểu, cũng như nồng độ oxalate và calcium trong nước tiểu để điều chỉnh liều lượng vitamin C và các biện pháp phòng ngừa khác một cách phù hợp.
-
Điều chỉnh chế độ ăn: Tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu oxalate như rau bina, củ cải đường, và socola khi đang bổ sung vitamin C liều cao, để giảm thiểu nguy cơ oxalate cao trong nước tiểu.
_____________
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.
Discussion