Paraben = Ung thư? Paraben = Rối loạn nội tiết?

Là một người có chút kiến thức về sinh học và có “chọt chọt” tí quá hoá học, Kiên thấy cần phải lên tiếng để làm rõ những hiểu lầm về paraben.

Paraben từ lâu (cụ thể là từ năm 1924 - tức là 1 thế kỷ trước) đã là một chất bảo quản được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, giúp sản phẩm của chúng ta dùng được lâu hơn.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã đưa ra những lo ngại về khả năng paraben có thể gây rối loạn nội tiết và thậm chí là ung thư.Nhưng mà khoan đã, đừng vội vàng kết luận nhen! Hãy cùng Kiên tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này. Biết đâu nhỏ pa-ra-bẻn bị hàm oan thì sao?!

1. Làm quen với paraben

Okay, để Kiên cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan trước về paraben nhen.

Về bản chất, paraben là một nhóm các ester của một alcol và para-hydroxybenzoic acid (còn được gọi là 4-hydroxybenzoic acid) (para- là một trong số nhiều thuật ngữ hoá hữu cơ để chỉ vị trí 2 nhóm thế trên vòng benzene 6 cacbon, với para- nghĩa là “đối diện”). Chúng có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh, do đó được sử dụng rộng rãi như chất bảo quản trong nhiều sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm, đồ chăm sóc cá nhân và có thể cả thực phẩm.Paraben hoạt động kháng khuẩn và kháng nấm chủ yếu thông qua các cơ chế sau:

  • Thay đổi tính thấm của màng tế bào: Paraben có thể xâm nhập vào màng tế bào của vi khuẩn và nấm, làm thay đổi cấu trúc và tính thấm của màng. Điều này dẫn đến sự rò rỉ các thành phần thiết yếu bên trong tế bào, gây rối loạn chức năng và cuối cùng là tiêu diệt tế bào.
  • Ức chế các enzyme quan trọng: Paraben có khả năng ức chế hoạt động của một số enzyme quan trọng trong quá trình trao đổi chất của vi khuẩn và nấm. Điều này làm gián đoạn quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng, dẫn đến sự suy yếu và chết tế bào.
  • Tương tác với DNA: Một số nghiên cứu cho thấy paraben có thể tương tác với DNA của vi khuẩn và nấm, gây tổn thương và ngăn cản quá trình sao chép DNA. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển của chúng.

Paraben có tác dụng kháng tốt với vi khuẩn gram dương và nấm, nhưng hơi “yểu” hơn với vi khuẩn gram âm.

2. Paraben bị cấm tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, các quy định về việc sử dụng paraben trong mỹ phẩm đã tuân theo những tiêu chuẩn được áp dụng trong khu vực ASEAN và liên quan đến một số loại paraben cụ thể.

Đặc biệt, vào năm 2015, ASEAN đã cấm 5 loại paraben gồm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm mỹ phẩm chứa các chất này đã bị loại khỏi thị trường từ ngày 1 tháng 8 năm 2015​.

Ngoài ra, các loại paraben khác như methylparaben và ethylparaben vẫn được phép sử dụng nhưng với nồng độ hạn chế. Cụ thể, chúng được cho phép ở mức tối đa là 0,4% đối với một loại paraben đơn lẻ và 0,8% khi kết hợp nhiều loại paraben khác nhau trong cùng một sản phẩm. Còn butyl- và propylparaben thì với nồng độ tổng lượng paraben không vượt quá 0.14%.

→ Tóm lại: Paraben không bị cấm hoàn toàn ở Việt Nam. Có thể hiểu nôm na như vầy, các loại paraben có phần đuôi alcol to, dài, ưa dầu sẽ dễ thâm nhập hơn vào tế bào thì bị cấm hoặc hạn chế. Còn những loại có đuôi alcol nhỏ hơn, ít “nguy cơ” hơn thì vẫn được cho phép, nhưng nói chung là không vượt quá 1%.

3. Người đời sợ gì về paraben? Tại sao có loại paraben bị cấm?

Hồi nãy Kiên có nói: “...các loại paraben có phần đuôi alcol to, dài, ưa dầu sẽ dễ thâm nhập hơn vào tế bào”. Đó chính là mấu chốt của tính “gây độc” của paraben. Phân tử paraben càng ưa dầu thì chúng sẽ càng dễ “thẩm thấu” vào lớp màng tế bào (bản chất cũng có tính “dầu”), nên sẽ càng dễ được hấp thu và tích luỹ. Một số claim về tính “hại” của paraben bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết: Paraben có cấu trúc tương tự estrogen và được cho là có thể gây rối loạn hormone.
  • Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Nghiên cứu trên chuột cho thấy butylparaben có thể làm giảm số lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến tuyến sinh dục, đặt ra câu hỏi về tác động lên khả năng sinh sản của con người.
  • Tích lũy sinh học: Paraben có thể hấp thụ qua da và tích lũy trong cơ thể, được phát hiện trong nước tiểu và mô người.
  • Nguy cơ ung thư: Paraben đã được tìm thấy trong các mô ung thư vú, nhưng mối liên hệ nhân quả giữa paraben và ung thư vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Ngoài ra Kiên còn “lượm lặt” được các nguy cơ khác như:

  • Kích ứng da: Paraben có thể gây kích ứng da ở một số người, đặc biệt là với da nhạy cảm, dù tỷ lệ phản ứng khá thấp.
  • Nguy cơ đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Trẻ em và phụ nữ mang thai có hệ thống nội tiết nhạy cảm hơn, có nguy cơ cao hơn khi tiếp xúc với paraben.

Nhiều ha, nghe quải chè đậu thiệt chớ :)))

Cơ mà các tổ chức lớn về sức khoẻ thì lại có cái nhìn khách quan hơn và “công bằng” hơn với paraben. FDA Hoa Kỳ, Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu - EFSA, Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng - SCCS, Hiệp hội Sản phẩm Chăm sóc Cá nhân - PCPC, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, cũng như ASEAN kể trên lại không cấm cửa hoàn toàn paraben.

Tại sao vậy? Tính ra cost sản xuất paraben khá rẻ, hông lẽ các ông lớn ngành mỹ phẩm “đút lót” cho các tổ chức y tế lớn này để paraben không bị ban? Tiểu phẩm như mấy phim mafia dị hen, nhưng mà không phải đâu :))) Chúng tôi, những nhà khoa học chân chính, chỉ bị “mua chuộc” bằng các nghiên cứu khoa học legit thôi.

4. Nỗi lo về paraben: Có phải bạn đang bị cuốn vào vòng xoáy FOMO?

Rối loạn nội tiết: Paraben = Estrogen?

Các nghiên cứu in vitro như từ Boberg et al. (2010) mà Kiên có nêu đến ở trên đã chỉ ra rằng một số loại paraben có thể có tác động estrogen trong cơ thể, như khả năng kích hoạt các thụ thể estrogen trong tế bào MCF7 (tế bào ung thư vú nhạy cảm với estrogen).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu in vitro không phản ánh hoàn toàn cách hoạt động của một chất trong cơ thể sống (in vivo), cụ thể hơn là ở trong cơ thể con người.

Hệ nội tiết của con người phức tạp hơn rất nhiều và khả năng của paraben trong việc gây ra các rối loạn hormone, đặc biệt ở liều lượng thông thường trong mỹ phẩm, chưa được chứng minh rõ ràng trên quy mô lớn.Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ paraben được tìm thấy trong cơ thể thông qua các sản phẩm mỹ phẩm thường rất thấp và khó có khả năng gây ra rối loạn nội tiết nghiêm trọng.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Thực sự nghiêm trọng?

Nghiên cứu của Oishi (2002) trên chuột cho thấy butylparaben có thể gây ra hiện tượng giảm số lượng tinh trùng và ảnh hưởng đến tuyến sinh dục ở chuột đực. Điều này dẫn đến lo ngại rằng paraben cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người.

Tuy nhiên, lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng có thể được áp dụng trực tiếp cho con người. Từ in vitro đến in vivo trên động vật, rồi từ động vật sang lâm sàng trên người còn là một câu chuyện khá dài.

Hơn nữa, liều lượng paraben sử dụng trong nghiên cứu này cao hơn rất nhiều so với liều lượng mà chúng ta tiếp xúc qua các sản phẩm mỹ phẩm hàng ngày. Cũng là 1% butylparaben nhưng nếu quy ra lượng hấp thu trên một con chuột to bằng lòng bàn tay thì nhiều nhen, chứ cũng lượng cream đó mà bôi lên người thì 1% pa-ra-bẻn ở trỏng “như muối bỏ bể”. Mức độ phơi nhiễm thực tế của con người với paraben thường rất nhỏ, và hiện chưa có nhiều bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ trực tiếp giữa paraben và vấn đề sinh sản ở người.

Nguy cơ ung thư: Cần chứng minh thêm?

Một trong những lo ngại lớn nhất là khả năng ung thư liên quan đến paraben, đặc biệt là khi một số nghiên cứu phát hiện paraben trong các mô ung thư vú (chính là nghiên cứu kinh điển của Tiến sĩ Darbre và cộng sự ấy).

Tuy nhiên, như chính nghiên cứu này cũng thừa nhận, mối liên hệ nhân quả giữa paraben và sự phát triển của ung thư vẫn chưa được xác định rõ ràng. Chỉ vì một chất được tìm thấy trong mô ung thư không có nghĩa là nó gây ra ung thư.

Hiện tại, các cơ quan quản lý quốc tế như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng của Liên minh châu Âu (SCCS) vẫn coi việc sử dụng paraben với liều lượng hợp lý trong mỹ phẩm là an toàn. Điều này cho thấy, chưa có bằng chứng đủ mạnh để khẳng định sử dụng paraben là nguyên nhân chính gây ung thư. Tuy nhiên, sợ thì vẫn sợ, nên vẫn có giới hạn nồng độ nhen.

Tích lũy sinh học và nguy cơ với nhóm nhạy cảm: Cái này Kiên đồng ý nhen

Dù gì thì dù, sức khỏe mẹ và bé thì chúng ta không nên lơ là. Dù hông có nhiều nghiên cứu ở nhóm đối tượng này (ê mà muốn test thì test kiểu gì, uỷ ban hay hội đồng đạo đức nào cho), nhưng do hệ nội tiết còn khá nhạy cảm và “nhảy số” khó đoán nên hạn chế nha.

Nhưng cũng không đến mức lỡ tay xài đồ có paraben là hôm sau con bị dị dạng hay dậy thì sớm đồ liền đâu. Các bà các dì các mẹ đừng quá hoỏn lọn, nhớ ra thì ngưng dùng. Vậy thôi nhé.

À, mn ơi. Kiên nhắc khẽ nè: Độc hay không, hại hay không còn nằm ở liều lượng nữa. Muối mà ăn cả hũ, nước lọc mà uống liên tục 6 lít thì cũng chít người nữa. Miễn mn không “ăn” nguyên hũ kem dưỡng hay một ngày bôi kem 8 cử thì không có gì phải quá lo ngại về mấy mẻ pa-ra-bẻn đâu nè.

#Funfact: Một người trưởng thành 70kg thì chắc cần hấp thu tối thiểu tận 84g paraben, quy ra xài gần 300 hũ kem (30g/hũ) chứa paraben trong một ngày thì mới có nguy cơ gây độc cấp tính.

5. Chốt lại

Có thể nói rằng, nỗi lo về paraben đang bị phóng đại bởi truyền thông và sự lo ngại của người tiêu dùng. Các nghiên cứu khoa học hiện tại chưa cung cấp đủ bằng chứng để khẳng định rằng paraben gây rối loạn nội tiết, ung thư hay ảnh hưởng đến sinh sản ở con người. Các cơ quan quản lý trên thế giới vẫn coi một số nhóm paraben là an toàn khi được sử dụng với liều lượng hợp lý trong mỹ phẩm.

Việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm không chứa paraben nhìn chung cũng là một xu hướng tích cực, nhưng chúng ta không nên quá lo lắng mà rơi vào trạng thái FOMO khi không có cơ sở khoa học vững chắc hen. Dị thoi :)))

__________________________

Bài viết thuộc quyền sở hữu của Lê Duy Kiên và group Đồng Điệu. Đề nghị không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý của tác giả.Bài viết độc lập, không được tài trợ bởi bất cứ nhãn hàng nào. Chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể thay thế các nghiên cứu khoa học chính thống/hay lời khuyên y tế.